Thông thường tên làng, tên xóm thường gắn với địa danh nhất định của địa phương. Thế nên, cái tên Xóm Núi Bà Hỏa (thuộc sự quản lý của các phường Lê Hồng Phong, Đống Đa, Quang Trung... - TP Quy Nhơn) ra đời cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Giá đất đắt đỏ, người lại đông, những hộ nghèo không có đất đành phải "dắt nhau lên non" vạt đất làm nhà...
* Xóm nghèo, dân ngụ cư
|
Nhà xây dựng trái phép trên núi Bà Hỏa tại khu vực Chuồng Gà (phường Lê Hồng Phong, Quy Nhơn). |
Mới hơn 7 giờ sáng mà khu "phố núi" đã vắng bóng cư dân. Xóm vắng, chỉ còn những con dốc quanh co thòi mình uốn lượn cùng con ngõ nhỏ dẫn lối vào những ngôi nhà xập xệ nằm khép nép bên sườn núi. Anh Phước, trưởng KV 5, phường Lê Hồng Phong, giải thích: "Đối với dân ở đây, một ngày lao động được bắt đầu từ 5 giờ sáng cho tới tận 11 giờ khuya. Họ làm đủ thứ nghề, nhỏ thì đi rửa bát, phụ quán ăn, trông em; thanh niên có sức khỏe thì làm bốc vác, chạy xe ba gác...; già cả thì bán vé số, nhặt rác. Vào giờ này, sợ không có ai để hỏi chuyện, ngoại trừ những người thất nghiệp hay ốm đau".
Thực vậy, chúng tôi "vớ" được một người thất nghiệp. Tiếng cửa kẽo kẹt hé mở, anh Lê Khắc Hiệp, 45 tuổi, bước ra ngạc nhiên, mắt như tự hỏi - ai thế nhỉ, đến có việc gì? Cũng phải thôi, lâu lắm rồi những người ở đây đâu có thói quen "tiếp khách" đến thăm, ngoại trừ những người thuộc chính quyền địa phương đi dặn dò cẩn thận chuyện bếp núc, củi lửa vì sống trên núi có nhiều cây khô dễ cháy; hay nhắc tới việc không được cơi nới thêm phần diện tích ở. Anh Hiệp cho biết: "Gia đình tôi ở phường này, nhưng trước kia sống ở dưới "đồng bằng", do người em làm ăn thua lỗ nên mới bán nhà lên đây, che chòi ở tạm. Bản thân tôi thì không có việc làm thường xuyên, ai kêu gì làm nấy, vợ tôi thì làm linh tinh, lúc làm gỗ, khi đi gánh cá thuê... Cả nhà có độc nhất chiếc xe đạp, hôm nào vợ chồng đều có việc làm thì người làm gần đi xe đạp còn người làm xa thì đi xe buýt. Trung bình, cả nhà đi làm đều thì cũng kiếm được chừng 40.000 đồng, đủ xoay xở cho 5 miệng ăn". Ngừng một lúc, anh Hiệp lại trầm ngâm: "Vợ chồng con cái tôi thì sao cũng được, chỉ tội cho bà cụ đã hơn 75 tuổi rồi mà chưa có nơi chui ra, chui vào cho giống... cái nhà".
Đang sửa lại chái nhà sau sắp đổ, anh Nguyễn Tri Khang, 49 tuổi, ở KV 6, cho biết: "Dân sống ở đây đấy à? Đa phần là người từ nơi khác đến. Như tui chẳng hạn, thuở nhỏ sống cùng cha mẹ ở chợ Đông Ba (Huế) được một thời gian rồi vào sống tại đường Phan Bội Châu (Quy Nhơn) để làm ăn. Nhưng đến khi có vợ, cũng vì nghèo quá nên vợ chồng mới "trèo" lên đây sống và sinh được 2 cháu. Không biết, khi chúng lớn có phải chịu cảnh "lưu lạc" như cha mẹ chúng hay không (?)". Nói xong, anh thở dài ra chiều chua xót. Rồi anh chỉ tay về nơi có những căn chòi nằm rúm ró tựa vào nhau như thể để vững vàng hơn khi có gió thổi mạnh, nói: "Dưới kia là những người gốc Huế, họ lên đây từ trước năm 2000".
Tại KV 7, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn), sự phân định lãnh thổ của dân ngụ cư rõ ràng hơn. Nơi đầu dốc núi là những hộ người địa phương, còn lên cao tý nữa là những người nhập cư từ các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn..., họ về sinh sống và lập xóm.
* "Nhà trên núi, rất khó quản lý"
Bà Lê Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết: "Đa phần những người sống trên núi đời sống kinh tế quá khó khăn, họ phải đi làm suốt cả ngày đến tối mịt mới về, thậm chí hai ba hôm mới về nhà một lần, nên chính quyền địa phương rất khó gặp được họ để trao đổi, phổ biến các chính sách, pháp luật, hướng dẫn nếp sống văn hóa khu dân cư... Hơn nữa, địa phương có hai khu dân cư sống ở trên núi là khu Núi Một khoảng 100 hộ và khu liên cư núi Bà Hỏa với hơn 500 hộ, số hộ sống trên núi đông, thành phần tạp cư nhiều nên rất khó quản lý. Từ năm 2000-2004, địa phương đã phát hiện 113 trường hợp vi phạm lấn, san lấp đất núi trái phép để làm nhà, đã kiên quyết xử lý tháo dỡ 87 trường hợp, 26 trường hợp còn lại sẽ cưỡng chế tháo dỡ trong năm 2005 này".
|
Tất cả những ngôi nhà thuộc tổ 2B, KV1, phường Đống Đa (Quy Nhơn) này đều là nhà xây trái phép. |
Anh Hoàng Văn Thuận, trưởng KV7, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) phân trần: "Tính đến nay, cả dãy núi Bà Hỏa có hơn 1.000 hộ sinh sống. Dân lên đây gồm nhiều thành phần: làm ăn thua lỗ bán nhà trả nợ, gia đình có con lập gia đình ra ở riêng nhưng không có nhà nên lên đây, hoặc người xa xứ vào thành phố này làm ăn cũng lên đây chen chúc lấn đất cất nhà để ở; rồi người ra tù, kẻ ra trại cũng tìm tới đây tá túc". Cũng theo anh Thuận, cuộc sống nơi xóm núi có lắm điều phức tạp, đã có những cái chết của người uống rượu trúng gió, người mắc bệnh hiểm nghèo, người nhiễm HIV... gia đình không lo được hậu sự, địa phương đứng ra quyên góp mua quan tài và xin đất chôn cất. Có người con gái đi "làm ăn" xa mỗi năm mang về nhà một... đứa trẻ nhưng gia đình không biết bố nó là ai. Nhiều đứa trẻ sống quanh triền núi này tuổi đã lớn nhưng chưa một lần đến lớp vì không có hộ khẩu nên không làm được giấy khai sinh để đi học. Nghe đâu, có ông tổ trưởng KV, chị hội trưởng phụ nữ địa phương đứng ra bảo lãnh cho những hộ sống trên núi vay vốn để buôn bán nhỏ, sắm phương tiện làm ăn nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Nhưng những hộ này không hoàn trả được những khoản tiền vay, thế là những người đứng ra bảo lãnh phải gánh chịu.
Mỗi người nơi các xóm núi là hiện hữu cho một biến cố khác nhau của số phận, nhưng điều chung nhất ở họ là dám "liều mình" lên núi san đất cất nhà, mặc dù biết đó là hành vi phạm pháp! Đều là người cùng cảnh, lúc đầu mỗi người ở đây bỏ ra ít công san lấp đất núi để có mặt bằng xây "nhà", làm nơi sinh sống. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, do lượng người ở đông nên đã nảy sinh chuyện bán chác trái phép đất núi. Miếng đất núi rộng khoảng 20m2, nghe đâu bán được vài chỉ vàng.
Chúng tôi rời xóm núi khi trời chập choạng tối, những tia nắng cuối ngày hắt vào từng khuôn mặt sạm nắng của những dáng người phờ phạc đứng nơi hiên nhà. Không biết họ có nghĩ tới chuyện nay mai cả khu nhà tạm bợ nơi xóm núi này sẽ bị giải tỏa để trả lại mỹ quan cho thành phố ? Có lẽ điều đó chắc họ chẳng quan tâm làm gì, mà điều quan trọng họ luôn nghĩ tới là ngày mai làm gì để có cái ăn ?!
. Nguyễn Việt |