Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá mạnh và đa dạng. Điều đó đã tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển, khơi dậy và phát huy được các nguồn lực, tăng thu ngân sách, tăng xuất khẩu, thu hút lao động, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
* Môi trường đầu tư thuận lợi
|
Một góc phân xưởng chế biến lâm sản của Công ty TNHH Đại Thành (Quy Nhơn). |
Ngày 1-1-2000 Luật Doanh nghiệp (LDN) ra đời và có hiệu lực, với nhiều quy định thông thoáng, đã tạo điều kiện cho khu vực KTTN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh hơn. Để đưa LDN đi vào cuộc sống, ngay sau khi luật này ra đời, UBND tỉnh đã phổ biến nội dung và quán triệt cho các sở, ngành liên quan áp dụng tốt, đúng với quy định. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích và thu hút đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch; chính sách phát triển các vùng nguyên liệu cho nhà máy; chế độ thưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp (DN) có thành tích xuất khẩu cao; chính sách khuyến khích đầu tư vào địa bàn tỉnh, chính sách về phát triển tiểu-thủ công nghiệp và làng nghề... Các cơ quan quản lý Nhà nước khi xây dựng các cơ chế quản lý, hỗ trợ cũng đã hướng tới sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đồng thời đã bãi bỏ các giấy phép và quy định không phù hợp. Nhờ đó, các nhà đầu tư đã giảm được thời gian, chi phí và xóa bỏ được cơ bản những can thiệp hành chính tùy tiện vào hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN. Ngoài ra, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức gặp gỡ các chủ DN định kỳ hàng năm và đột xuất nhằm bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn mà các DN gặp phải. Tỉnh cũng đã chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư. Hiện nay, ngoài các khu công nghiệp (KCN) Phú Tài, Long Mỹ và 7 cụm công nghiệp (CCN) đã xây dựng và đi vào hoạt động, tỉnh tiến hành quy hoạch và triển khai xây dựng thêm 3 KCN và 16 CCN khác trên địa bàn tỉnh.
Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và thông thoáng, nên ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư đến với Bình Định. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.120 DN tư nhân với tổng số vốn đăng ký hơn 1.990 tỉ đồng và hơn 50.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động trong các ngành nghề: chế biến nông - lâm - thủy sản, khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng..., tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước năm 2000.
* Phát triển vượt trội
|
Sản xuất ống tiêm tại DNTN Vân Quang (Cụm công nghiệp Quang Trung - Quy Nhơn). |
Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực KTTN trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, mở rộng quy mô ngành nghề kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động. Trong những năm qua, tổng sản phẩm của khu vực KTTN liên tục tăng trưởng và chiếm tỉ trọng cao trong GDP của tỉnh. Năm 2000 tổng sản phẩm của khu vực KTTN là 3.395 tỉ đồng, năm 2001 là 3.638 tỉ đồng, năm 2002 là 4.493 tỉ đồng, năm 2003 là 4.960 tỉ đồng và năm 2004 hơn 6.000 tỉ đồng. Nộp ngân sách năm 2004 của khu vực KTTN là 145,4 tỉ đồng, chiếm 17,5% trong tổng thu ngân sách địa phương và bằng 39,9% nguồn thu từ hoạt động SXKD, tăng 17% so với năm 2003. Điều đặc biệt nhất đối với khu vực KTTN đó là cơ cấu ngành nghề có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cường đầu tư vào các ngành trực tiếp tạo ra của cải vật chất như sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Sự chuyển dịch này đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của Bình Định. Hiện nay, một số sản phẩm công nghiệp của khu vực KTTN đã khẳng định được uy tín và chất lượng ở thị trường trong và ngoài nước như: gỗ tinh chế, hàng thủy sản, đá ốp lát... Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này liên tục tăng trưởng. Riêng 6 tháng đầu năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực KTTN đã đạt 915,9 tỉ đồng, chiếm 56,8% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2004. Theo nhận định của Sở Công nghiệp, liên tiếp nhiều năm qua, tốc độ tăng giá trị sản xuất của khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh luôn ở mức trên 25% và rất ổn định.
* Tạo "đường băng" cất cánh
Hiện nay khu vực KTTN ở Bình Định vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, làm hạn chế tốc độ phát triển trong tương lai. Cụ thể, một số DN có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư vẫn chưa có thiết bị sản xuất đồng bộ và hiện đại; khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới còn hạn chế. Trong khi đó, hiện nay các DN ngoài quốc doanh rất khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ngân hàng, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị công nghệ. Khả năng quản lý kinh doanh, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước còn thấp. Việc nhận thức và hiểu biết về pháp luật của một số nhà đầu tư, người quản lý DN còn hạn chế... Chẳng những vậy, trong quá trình hoạt động, khu vực KTTN cũng đã phát sinh nhiều vấn đề nổi cộm như tình trạng ô nhiễm môi trường, một số DN chưa chú trọng việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động...
Những hạn chế này chính là lực cản và thách thức đối với sự phát triển của khu vực KTTN. Bởi vậy, để khơi thông dòng chảy cho khu vực kinh tế này, theo các DN và các chuyên gia kinh tế, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ; có biện pháp cụ thể hỗ trợ về thông tin thị trường cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư cho các DN... Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển công nghiệp - nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các chủ DN cũng phải năng động, sáng tạo và thực sự có đủ trình độ để điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh thì khu vực KTTN mới có thể phát triển đa dạng và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
. Ngọc Thái |