Tại TP. Quy Nhơn vừa diễn ra Lễ ký kết Chương trình Hợp tác phát triển thương mại - du lịch (TM-DL) giữa Sở TM-DL Bình Định với Sở TM-DL các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum (BĐ, PY, GL, KT). Đây là dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh BĐ với PY, GL, KT và ngành TM-DL 4 tỉnh nói riêng.
* Ai về nhắn với nậu nguồn...
|
Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. |
Người dân miền Trung - Tây Nguyên (MT-TN) hẳn đều thuộc những câu ca dao, dân ca: "Ai về nhắn với nậu nguồn/măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên" hay "Anh về Bình Định thăm cha/Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em"... Những câu ca thân quen trên đã phần nào nói lên mối quan hệ mật thiết, thân tình từ lâu đời, giữa nhân dân BĐ với nhân dân các tỉnh khu vực MT-TN, nhất là đối với các tỉnh PY, GL, KT... Đồng thời, câu ca trên cũng cho thấy mối quan hệ giao thương, mua bán của người dân các tỉnh này đã khăng khít từ xa xưa.
Thật vậy, đã từ bao đời nay, mối quan hệ "măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên" giữa nhân dân BĐ, PY với GL, KT đã trở thành truyền thống. Từ xưa, khi vùng đất của 4 tỉnh đều thuộc "Xứ Đàng Trong" thì quan hệ giữa người dân 4 tỉnh đã gắn bó. Đặc biệt, khi Nhà Tây Sơn bắt đầu dấy binh khởi nghĩa và phong trào nông dân Tây Sơn phát triển thì mối quan hệ đó càng trở nên khăng khít. Một phần của GL xưa từng là đất Tây Sơn Thượng đạo và hiện còn lưu giữ bao di tích lịch sử liên quan đến Nhà Tây Sơn. Bên cạnh đó, 4 tỉnh còn có truyền thống về văn hóa, phong tục, tập quán, thổ ngữ, phương ngữ... khá tương đồng. Trong một lần trao đổi với Giáo sư - tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tôi được biết, qua nhiều năm nghiên cứu, ông phát hiện một điều rất lý thú, rằng: trong ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số ở GL có khá nhiều từ, tên gọi sản vật giống với cách gọi của người dân vùng biển BĐ.
Giờ đây, mối quan hệ giữa 4 tỉnh càng có điều kiện phát triển. Bởi vì, BĐ đã được Chính phủ bổ sung là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt, Khu Kinh tế (KKT) Nhơn Hội của BĐ vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. BĐ là tỉnh có vị trí địa lý hết sức quan trọng, với cụm cảng Quy Nhơn, cảng nước sâu, sân bay (Phù Cát), ga tàu lửa, quốc lộ lA, quốc lộ 19, đường Quy Nhơn - Sông Cầu, đường sắt xuyên Việt... có thể giao lưu thuận lợi với các vùng khác trong nước và quốc tế. Về giao lưu thương mại, BĐ là một trong những trung tâm trên tuyến hàng hải quốc tế và liên vùng; là cực phát triển phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gắn với quốc lộ 19 và các KKT Nhơn Hội (BĐ), KKT cửa khẩu Đức Cơ, Bờ Y (KT). Sắp tới đây, Chính phủ cho mở 2 cửa khẩu Bờ Y, Đức Cơ và cuối năm nay đường 18B hoàn thành thì triển vọng rất lớn. Do vậy, ngoài liên kết dọc với các KKT Chu Lai, Dung Quất, Văn Phong, KKT Nhơn Hội còn có mối liên kết ngang với vùng kinh tế rộng lớn phía Tây bao gồm các tỉnh GL, KT, vùng Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan. Khi 4 tỉnh cùng liên kết, hợp tác thì tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh sẽ được phát huy và nền KT-XH sẽ ngày càng phát triển nhanh chóng. Hơn nữa, mối quan hệ giữa BĐ với 3 tỉnh trên còn là quan hệ tình nghĩa. Còn nhớ, tại Lễ ký kết Hợp tác phát triển KT-XH-AN-QP giữa 2 tỉnh BĐ - GL, trong không khí chân tình như người nhà, ông Vũ Hoàng Hà - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - đã chân tình phát biểu: "Tôi từng nói với anh Dũng (Phạm Thế Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai), rằng mấy tỉnh chúng ta ở gần kề nhau mà không hợp tác, ký kết, đi đâu xa cho mệt?". Thật là chân tình. Riêng về lĩnh vực du lịch, tuyến Phương Mai - Núi Bà của BĐ đã được Tổng cục Du lịch bổ sung vào tuyến du lịch trọng điểm của quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành TM-DL 4 tỉnh cùng hợp tác, liên kết, đưa hoạt động TM-DL ngày càng phát triển...
* Triển vọng từ chương trình hợp tác
Việc ký kết Chương trình Hợp tác phát triển TM-DL giữa Sở TM-DL Bình Định với Sở TM-DL các tỉnh PY, GL, KT là nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH-AN-QP giữa lãnh đạo Bình Định với lãnh đạo 3 tỉnh; đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của Bình Định và 3 tỉnh, nhằm hỗ trợ, giứp đỡ nhau khai thác tốt các nguồn lực phát triển TM-DL, thúc đẩy phát triển KT-XH, đáp ứng xu thế hội nhập. Chương trình hợp tác giữa ngành TM-DL BĐ với ngành TM-DL các tỉnh PY, GL, KT được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, mỗi bên đều có lợi. Theo đó, Sở TM-DL Bình Định và Sở TM-DL 3 tỉnh thống nhất: Sẽ định hướng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có lợi thế của mỗi địa phương, trên địa bàn của mỗi tỉnh; phối hợp tổ chức hội chợ - triển lãm và có chính sách ưu đãi dành cho các DN mỗi tỉnh tham gia hội chợ - triển lãm; phối hợp quản lý TM, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển TM và giới thiệu, quảng bá thông tin về hoạt động TM trên Website... Chẳng hạn, hàng hóa của BĐ cung cấp cho KT gồm: lương thực, thực phẩm (gạo, hải sản tươi - khô- đã chế biến, nước giải khát), vật liệu xây dựng, vật tư phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), dược phẩm. Đổi lại, hàng của KT cung cấp cho BĐ gồm: nông sản (cà phê, cao su, tiêu hạt, bắp hạt, rau quả, đậu đỗ các loại); lâm sản (gỗ, nguyên liệu, song mây...). Đối với PY, BĐ tạo điều kiện cho các DN tỉnh này tổ chức cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản của đồng bào miền núi thuộc các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh và vùng giao lộ của quốc lộ 26, huyện Ma Drăk (Đăklăk); đổi lại, PY sẽ tạo điều kiện cho các DN của BĐ cung ứng hàng hóa, tiêu thụ hàng nông - lâm sản của đồng bào ở Diêu Trì, Vân Canh... Đồng thời, BĐ, GL, KT sẽ phối hợp để khai thác tiềm năng cửa khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa của DN mỗi tỉnh trong việc XNK qua Cảng Quy Nhơn (BĐ), KKT cửa khẩu Bờ Y (KT), KKT cửa khẩu Đức Cơ (GL)...
|
Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. |
Về DL, Sở TM-DL Bình Định và Sở TM-DL 3 tỉnh sẽ hợp tác, làm đầu mối để các DN đầu tư, liên doanh, liên kết, khai thác có hiệu quả các tour du lịch văn hóa - lịch sử- sinh thái; phối hợp xúc tiến, giới thiệu quảng bá tiềm năng DL và thông tin, quảng cáo cho các DN trên trang Web của UBND mỗi tỉnh; phối hợp quản lý DL, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển DL và trao đổi, cập nhật thông tin về hoạt động DL giữa mỗi bên... Đơn cử như, BĐ - PY sẽ hợp tác phát triển các khu, điểm DL trên tuyến quốc lộ 1D (Bãi Bàng, Bãi Tiên, Bãi Bầu, Bãi Nhổm, Bãi Rạn (PY); các khu Resort Ghềnh Ráng, Bãi Dại, Bãi Xép, khu Life Resort (BĐ). Đồng thời, 2 bên sẽ phối hợp phát triển tuyến DL tổng hợp: Quy Nhơn - Sông Cầu - Tuy Hòa - Đại Lãnh - Văn Phong; tour DL văn hóa, lịch sử: Bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng Đế, hệ thống tháp Chàm (BĐ) và Thành Hồ, mộ Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, chùa Đá Trắng (PY)... Còn đối với BĐ - GL, 2 bên sẽ phối hợp khai thác tiềm năng DL qua các thắng cảnh: Thủy điện Ialy, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác YangRung, biển Hồ, vườn quốc gia KonKaKinh, khu bảo tồn thiên nhiên KonChaRăng; DL văn hóa tại các làng Đêktu, Đêkop, Đê Đoa; các di tích lịch sử: Tây Sơn thượng đạo, làng Stơr (quê hương Anh hùng Núp), chiến thắng Đăkpơ, nhà lao Pleiku...
Chương trình Hợp tác phát triển TM-DL giữa Sở TM-DL Bình Định với Sở TM-DL các tỉnh PY, GL, KT đã chính thức được ký kết. Đây có thể coi là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hợp tác, phát triển KT-XH-AN-QP nói chung và lĩnh vực TM-DL nói riêng, giữa BĐ với PY, GL, KT. Hy vọng rằng, từ dấu ấn hôm nay, hoạt động TM-DL của 4 tỉnh sẽ ngày càng phát triển.
. Viết Hiền |