Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh
9:1', 30/7/ 2005 (GMT+7)

Mẹ Nguyễn Thị Hoa

Đó là mẹ Nguyễn Thị Hoa. Năm nay mẹ đã 98 tuổi và không còn đủ minh mẫn để nói chuyện. Lời kể của ông Nguyễn Minh Châu - người cháu nội được mẹ nuôi dưỡng từ nhỏ - chỉ sơ lược một phần nào về cuộc đời hoạt động cách mạng và nỗi đau mà chiến tranh đã để lại trong mẹ.

Ông Châu kể: Sau khi cưới nhau, ông bà nội tôi rời thôn Gia An - Hoài Châu về Công Thạnh - Tam Quan Bắc này để sinh sống. Bà nội đem theo nghề dệt chiếu truyền thống của quê hương, còn ông vẫn giữ nghề đi ghe bầu. Khi tiếng bom đạn nổ ra ở quê hương này, bà lẳng lặng gởi ba người con trai của mình theo cách mạng. Ngôi nhà của bà là nơi làm việc của Đảng ủy xã Công Thạnh. Năm 1966, Nội cố nén nước mắt vào lòng cùng mọi người đi đòi xác người con út (liệt sĩ Phan Giỏi - trưởng trạm giao liên Bưu điện huyện Hoài Nhơn). Trong một lần trú hầm cùng 8 đồng đội, chú Út nhà tôi bị chỉ điểm, địch cho nổ bom vào hầm, cả đội hy sinh và bị địch kéo xác về đồn. Nội cùng mọi người trong làng phải đấu tranh, biểu tình quyết liệt mới có thể đưa xác chú tôi về mai táng.

Tôi không nhớ rõ ngày nào của năm 1966 nhưng lúc ấy là 3 giờ sáng, một số cán bộ xã đang ở trên mái nhà lợp bằng cỏ tranh họp bàn công việc, Nội lui cui nấu nước cho các anh ở ngoài sân thì bị địch xông vào bắt đi. Trong tình thế nguy cấp, Nội giẫy giụa, miệng kêu xua gà, vịt trong sân để báo động. Nghe tiếng kêu của Nội, cán bộ xã vội rút theo đường hầm an toàn. Địch vẫn phát hiện được mẩu thuốc bỏng còn sót trên mái nhà. Từ đó, Nội chẳng bao giờ được yên với địch. Chúng năm lần bảy lượt mời Nội về Lầu Ông Tánh, khảo tra tung tích của bác và ba tôi. Có lần tôi chạy theo Nội, đứng núp bên cạnh hàng rào đồn địch mà chứng kiến cảnh chúng tra tấn. Cả toán ác ôn của địch gần 6 thằng thi nhau cầm báng súng nện vào người Nội. Nhìn cảnh bà cố gắng gượng đứng lên, giọng vẫn cứng cỏi, cương quyết "Tôi không biết", làm một đứa trẻ chỉ mới lên năm tuổi như tôi ý thức được thế nào là lòng yêu nước và căm thù giặc. Tưởng Nội đã chết, chúng vứt xác Nội xuống đường hào. Đợi cho chúng quay lưng đi khuất, tôi chạy kêu người đưa Nội về. Sau trận đòn dở sống dở chết đó, Nội vẫn cương quyết "Một tấc không đi, một ly không rời".

Năm 1967, 1968 là những năm chiến cuộc xảy ra ác liệt nhất ở huyện Hoài Nhơn và cũng là hai năm liên tiếp Nội được tin báo hai người con Phan Mại (Chủ tịch Hội Nông dân xã), Phan Mạnh (Bí thư Đảng ủy xã) hy sinh. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bọn địch liên tục đến thúc ép Nội đưa tôi vào ở trong khu dồn dân. Mỗi lần thuyết phục Nội không được, chúng lại đốt nhà tan thành tro để gây áp lực. Nội lại phải chạy dạt sang xóm bên hai ba ngày rồi lại về dựng lại nhà mà ở. Ngôi nhà lá cỏ tranh của hai bà cháu tôi không biết bao lần dựng mới lại. Từ đó, mọi giấy tờ của gia đình cũng bị đốt cháy rụi. Tôi còn quá nhỏ nên không thể ghi nhớ hết mọi chuyện của gia đình.

Năm 1969 thì tôi được ra Bắc học tập. Năm 1975 tôi trở về lập gia đình và công tác trong ngành Công an ở trại giam Gia Trung - huyện Mang Giang (Gia Lai). Nội vẫn sống một mình với căn nhà tranh ngày xưa. Nội vẫn làm công việc dệt chiếu và thu gom củi dừa. Mặc dù tiền trợ cấp, chính sách của Nhà nước đủ để Nội sống một mình. Nhưng nghề dệt chiếu đã giúp Nội nuôi 3 người con rồi đến cháu nội trưởng thành, cưu mang biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội của con mình. Việc dệt chiếu đã ngấm vào máu và Nội tiếp tục làm cho quên nỗi cô đơn. Thương cảnh Nội đơn chiếc lại chịu ơn nuôi dưỡng, tôi đã đưa gia đình trở về cất nhà ở cùng Nội và kiếm cách mưu sinh. Tính từ đó tới giờ thấm thoát đã gần 30 năm. Giờ Nội đã già yếu lắm rồi, mắt không còn nhìn thấy đường, sức cũng đã kiệt. Tôi cứ nghĩ, nếu không có những trận đòn của quân địch trước kia, chắc giờ Nội tôi còn có thể minh mẫn hơn nhiều.

. Hải Yến

(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Minh Châu ở thôn Công Thạnh, xã Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)
Chính phủ điện tử  (30/07/2005)
Thơ  (30/07/2005)
Chuyện ghi từ Trung đoàn 96...  (30/07/2005)
Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ  (30/07/2005)
Những đoạn gãy trong đời  (30/07/2005)
Tín hiệu đáng mừng của bóng đá Bình Định  (30/07/2005)
"Tình yêu đã vực tôi dậy..."  (30/07/2005)
Người tâm thần và những vụ án đau lòng  (30/07/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/07/2005)
Một câu hỏi cho ngày 21-6  (20/06/2005)
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam  (20/06/2005)