Có một ngục tù như thế !
9:11', 30/7/ 2005 (GMT+7)

Tháng 7 năm 1954 Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được ký kết, một trong những điều khoản của Hiệp định có quy định cấm trả thù những người kháng chiến cũ và tổ chức tổng tuyển cử tự do toàn quốc. Nhưng Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định, thực hiện chính sách "tố cộng diệt cộng" khắp nông thôn và thành thị, chúng lùng bắt, giết hại hàng loạt đảng viên, cán bộ, những người kháng chiến cũ, những đồng bào yêu nước. Bên cạnh đó, chúng còn xây dựng nhiều nhà tù để quản thúc, tra tấn tù nhân. Ở Bình Định có các nhà tù như Trung tâm cải huấn Bình Định, Nhà lao Quy Nhơn, nhà tù Phú Tài… trong đó nổi bật và cay độc nhất là Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ - Quy Nhơn.

Toàn cảnh nhà tù 5,7,9 - Đào Duy Từ.

Nhà tù này ra đời từ năm 1955 đến năm 1962 giải thể, chuyển về lao mới ở Ghềnh Ráng. Tuy thời gian hoạt động ngắn, nhưng nó mang nhiều đặc điểm khác so với các nơi như số lượng tù nhân rất đông. Tính đến tháng 4-1957 số tù nhân nơi đây lên đến 2.000 người. Đặc biệt, trong nhà tù này có những buồng giam (xà lim) diện tích rất nhỏ, nhưng chúng nhốt tù nhân rất đông, đây là thủ đoạn giam người hiểm độc nhất ở miền Nam nói chung và Bình Định nói riêng. Tại xà lim này, nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì thiếu ăn, thiếu nước uống và nhất là thiếu không khí để thở; những người còn sống sót thì bệnh tật, tàn phế suốt đời. Suốt những năm tháng ở đây, tù nhân có tổ chức bí mật của Đảng ta chỉ đạo, nhiều hình thức đấu tranh gây chấn động lớn. Với những yếu tố trên, Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ được công nhận là "Di tích lịch sử văn hóa" cấp quốc gia.

Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ là một trong ba ngôi nhà liền kề nhau số 5, 7, 9 đường Đào Duy Từ, thành phố Quy Nhơn. Trước khi trở thành nhà tù, dãy nhà này thuộc sở hữu của một thương nhân người Hoa, với bảng hiệu "Hòa Thoại" - một trong những tư sản giàu nhất Quy Nhơn trước năm 1945. Năm 1955 địch chọn dãy nhà này làm khu vực trại giam tù chính trị, vì lúc đó vùng này dân cư rất thưa thớt, nhà cửa còn nguyên vẹn, khu vực người Hoa không bị tiêu thổ kháng chiến vào năm 1947. Ba gian nhà này lúc đầu chúng gọi chung là Lao xá Bình Định, sau đổi lại là Lao xá Quy Nhơn, có người gọi là Nhà lao Hòa Thoại. Sau khi giải thể, dãy nhà này đã nhiều lần thay chủ sở hữu, hiện nay chỉ giữ được ngôi nhà số 9, nên gọi là Di tích Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ.

Với diện tích khoảng 120m2, di tích gồm 2 nhà: Nhà trước và Nhà sau. Giữa hai nhà là một sân cát. Bên cạnh sân cát có 2 buồng, nguyên trước đó là buồng bếp (4,87m2) và buồng vệ sinh (3,19m2) của ngôi nhà này. Địch đã sử dụng 2 căn buồng này làm hai xà lim, gọi là Xà lim 1 và Xà lim 2, để nhốt những tù nhân mà chúng cho là thành phần nguy hiểm. Tại đây, bọn quản đốc phân tù nhân thành 3 loại: loại 1, chúng nhốt trong các xà lim (biệt phòng); loại 2, là tù quản thúc quản chế; loại 3, là tù phải đi lao công hành dịch. Nói đến Xà lim 1 của Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ là một nơi khủng khiếp nhất. Diện tích chỉ có 4,87m2, nhưng địch nhốt thường xuyên hơn 20 người. Có đợt cao điểm chúng tống giam vào đây cả nam lẫn nữ lên đến 37 người. Người vào sau trồi chân lên người trước, mồ hôi tuôn ra như tắm. Đến ngày thứ tư không còn mồ hôi, nước vàng như mỡ chảy trên da thịt, khiến nhiều người phải chết ngạt. Theo hồi ức của các cựu tù chính trị đã từng bị giam giữ nơi đây, cái ngột ngạt, nóng bức, hôi thối trong xà lim còn khó chịu hơn cả mùi xác chết lâu ngày. Hàng ngày hơi người bốc đọng lên vách, lên trần, đọng thành nước nhỏ xuống nền nhà suốt ngày đêm. Những người bị nhốt vào đây chỉ trong vòng một tuần lễ là hình thù biến dạng, tóc rụng, sói đầu, mắt trõm sâu, ghèn đổ, ù tai, ghẻ lở mọc đầy người. Có những người sức yếu, hôm nào cũng bị ngất xỉu, như ông Trần Độc (nguyên Bí thư Thị ủy Quy Nhơn), Võ Chuân…; những người vóc người to mập, vào Xà lim số 1 chỉ trong vài giờ đồng hồ là bị hộc máu ra chết ngay như các đồng chí Võ Vỵ, Đặng Thành Giáo, Trần Thiệp, Nguyễn Hường… Trong buồng tối, nhiều người chết đi, sống lại, điên cuồng mất trí. Hàng ngày bọn cai ngục chỉ cho tù nhân ăn một vắt cơm nhỏ cùng vài hột muối.

Ngoài giam cầm, chúng còn sử dụng nhiều hình thức tra tấn man rợ khác để hành hạ anh em tù chính trị, có người đã chết trên bàn tra tấn. Chúng bỏ tù nhân vào phuy nước, đánh dội bên ngoài thành phuy làm tù nhân hộc máu; chúng đổ nước vôi hoặc nước xà phòng cho tù nhân uống đầy bụng rồi đứng lên dậm. Chúng còn bắt tù nhân đứng úp mặt, dang hai tay vào tường rồi dùng chày đánh vào hai buồng phổi; hoặc dí điện vào những chỗ kín của đàn ông và đàn bà; trói tù nhân rồi dùng kim đâm vào đầu các ngón tay, chân; hoặc vót bén sợi giang bó lại thành bó rồi bắt tù nhân ôm bó giang tuột từ trên xuống dưới nhiều lần, làm tù nhân bị lòi ruột ra ngoài…

Với bao thủ đoạn giam cầm, tra tấn cực kỳ thâm độc, dã man của kẻ thù vẫn không làm cho anh em tù chính trị khuất phục. Họ là những người chiến sĩ cộng sản kiên cường, trong gian khổ luôn đùm bọc, đoàn kết lẫn nhau. Các tù nhân bên ngoài xà lim luôn tìm mọi cách giúp đỡ anh em tù trong xà lim. Từ năm 1955 đến năm 1959, tại nhà tù này, tổ chức Đảng được hình thành, tổ chức liên lạc, sinh hoạt khá hoàn hảo. Đồng chí bí thư này hy sinh hoặc chuyển đi nơi khác thì đồng chí khác thay thế. Tù chính trị thực hiện chủ trương: "nhất lý, nhì lỳ, tam lanh, tứ tỉnh". Chi bộ nhà tù tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với địch giành thắng lợi, gây được lòng tin, tạo sức mạnh chống địch trong nhà tù…

Cuối tháng 2-1957 tình hình nhà lao trở nên nặng nề, căng thẳng nghiêm trọng, do chủ trương tố cộng- diệt cộng của địch, số đảng viên, quần chúng bị bắt mỗi ngày một nhiều, và chúng thực hiện chế độ biệt phòng hết sức khắt khe. Trước đó, ngày hai bữa cơm chúng cho ra ngoài ăn và vệ sinh, nhưng từ tháng 3-1957 trở đi, việc ăn uống và tiêu, tiểu đều thực hiện trong xà lim. Tình hình xà lim ngày càng kinh khủng. Hàng ngày anh em tù chính trị phải phân ca nhau nằm-ngồi, người thức dùng tay còng tréo lấy áo quạt cho người ngủ, thay nhau úp mặt vào tường hoặc sát đất để hít độ ẩm, ôm thùng phân hít hơi nước đọng, kể cả uống nước tiểu để sống mỗi khi thiếu nước.

Bà Ngô Thị Quyền (áo sậm) - một trong những nữ tù chính trị bị giam cầm tại Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ.

Dù bị cấm cố nhưng anh em tù chính trị luôn tìm mọi cách liên lạc với anh em tù bên ngoài xà lim và nhân dân ngoài phố phường; gởi đơn kiến nghị tới Ủy hội quốc tế ở Quy Nhơn; đoàn kết đứng lên đấu tranh tìm sự sống bằng hình thức "làm reo". Ngày 18-4-1957 tại Xà lim số 1, cuộc "làm reo" gồm 17 tù chính trị đã diễn ra. Anh em đồng thanh hô vang các khẩu hiệu "Đưa bớt người ra", "Trổ lỗ hơi đủ thở", "Mở còng", "Cho ăn được, nằm được, ngủ được, thở được"… Địch càng khủng bố, tù chính trị càng đấu tranh quyết liệt. Chúng cho gài chất nổ chung quanh nhà lao, canh gác các ngả đường vào nhà lao, cho xịt khói vào xà lim, đóng bít cả lỗ hơi, bịt kín cả kẽ cửa. Anh em tù vẫn hô la tới tấp từ sáng đến chiều chúng mới mở cửa ra, trong xà lim có 7 người bị ngất xỉu. Dã man hơn, chúng không cho đưa người bị ngất ra ngoài mà còn tiếp tục đóng cửa xà lim lại. Anh em tù đã cứu sống được 3 người, còn 4 đồng chí hy sinh trong khi tay vẫn đang bị còng tréo. Sau đó, chúng đưa một số anh em trong xà lim ra đánh rất dã man; số khác, chúng đày ra nhà tù Côn Đảo vào ngày 24-4-1957, tất cả là 69 người. Cứ lớp người này vơi đi, chúng lại tống giam vào đây lớp người khác. Cuối tháng 5-1957, có một đoàn đi kiểm tra. Khi họ đến, bọn "trật tự" vừa mở cửa ra, hơi bên trong xà lim tống ra làm họ muốn ngã, nên ra lệnh đập tường làm song sắt cho thoáng. Nhưng sau khi đoàn kiểm tra đi, bọn quản đốc nhà lao, với bản chất thâm độc, chỉ cho đục 2 lỗ thông hơi, từ đó số lượng người chết có giảm hơn trước. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh dai dẳng, quyết liệt, hy sinh, tự lực cánh sinh của anh em tù chính trị với kẻ thù, đã góp phần phá hủy âm mưu độc ác, xảo quyệt của bọn tay sai Mỹ - Diệm tại Bình Định.

Di tích Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, bất khuất của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vừa qua, được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự tham mưu của Ban Liên lạc tù chính trị Bình Định, nhất là những vị cựu tù chính trị đã từng bị giam cầm tại đây, Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ đã được tu sửa, phục chế. Trong lòng di tích hiện nay, là Nhà truyền thống trưng bày những tư liệu - hình ảnh - hiện vật minh họa bổ sung cho di tích, ghi lại tội ác của kẻ thù tại nhà tù này. Đến đây, người xem sẽ hiểu được bộ máy của ngụy quyền Bình Định đàn áp phong trào cách mạng và hệ thống tổ chức các trại giam tù chính trị ở Bình Định từ năm 1955 đến 1959; Những hình thức đấu tranh của anh em tù chính trị lúc bấy giờ và tội ác của Mỹ- ngụy tại Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ. Chúng ta sẽ thật khâm phục và tự hào khi nhìn thấy những hiện vật, những sản phẩm mà chính tay những tù nhân đã tự làm ra trong thời gian ở chốn lao tù gian khổ, dù bị giam cầm xiềng xích nhưng họ vẫn luôn lạc quan cách mạng. Khi may mắn thoát khỏi cảnh tù đày, đó là những kỷ vật, kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời họ như: những chiếc khăn thêu, túi xách, tiền đồng - tù nhân dùng để làm mật hiệu trong nhà lao; bài thơ của đồng chí Thế Ngân sáng tác năm 1956 khi nghe tin đồng chí Lê Đình Giao hy sinh tại Xà lim số 1… Những bức tranh minh họa cảnh nhốt người trong xà lim; sự tra tấn tù nhân của bọn cai ngục nơi đây. Người xem sẽ vô cùng cảm kích trước sự dũng cảm của những chiến sĩ cộng sản, trong gian khổ, tinh thần đấu tranh càng thêm quyết liệt. Chiếc bàn tra tấn, Xiềng xích, Gông, Cùm… là những hiện vật biết nói minh chứng cho tội ác của bọn Mỹ - ngụy ở nhà tù này. Và, người xem sẽ được tận mắt nhìn thấy "Xà lim 1" - lò sát sinh người của chế độ Ngô Đình Diệm - nơi đây biết bao chiến sĩ cách mạng, những người con ưu tú của Đảng đã hy sinh; Cái giếng lạng - nơi tù nhân giấu cuốn sổ Cẩm nang hướng dẫn thuốc chữa bệnh và dùng để giấu thức ăn…

Di tích Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ là bằng chứng khẳng định tội ác dã man của kẻ thù, chứng minh hùng hồn tinh thần đấu tranh bất khuất của tập thể tù nhân. Đây còn là nơi để cho các thế hệ hôm nay và mai sau đến tưởng nhớ vong linh các anh hùng liệt sĩ - những người đã xả thân trong nhà tù này cho Tổ quốc hồi sinh và đổi mới. 

. Hồ Thùy Trang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)
Chính phủ điện tử  (30/07/2005)
Thơ  (30/07/2005)
Chuyện ghi từ Trung đoàn 96...  (30/07/2005)
Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ  (30/07/2005)
Những đoạn gãy trong đời  (30/07/2005)
Tín hiệu đáng mừng của bóng đá Bình Định  (30/07/2005)
"Tình yêu đã vực tôi dậy..."  (30/07/2005)
Người tâm thần và những vụ án đau lòng  (30/07/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/07/2005)
Một câu hỏi cho ngày 21-6  (20/06/2005)