Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh
9:16', 30/7/ 2005 (GMT+7)
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của hàng nghìn năm đánh giặc, giữ nước. Biết bao thế hệ anh hùng đã hy sinh, chiến đấu để giữ gìn giang sơn gấm vóc, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Và, truyền thống biết ơn những người có công với nước, đặc biệt là những người đã hy sinh thân mình vì sự sống còn của dân tộc, đã trở thành tình cảm và đạo lý lâu đời của nhân dân ta.

Nối tiếp truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha, với tinh thần "Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do", mấy chục năm qua, hàng triệu những người con yêu quý của dân tộc ta đã ngã xuống. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã viết nên những trang sử vẻ vang, và đem lại cuộc sống hòa bình, no ấm hôm nay.

Ngày nay, dọc đường đất nước, từ Bắc vô Nam, hàng vạn những Nghĩa trang liệt sĩ đã được nhân dân dựng lên, với tượng đài "Tổ quốc ghi công". Đó chính là những biểu tượng về ý chí quật cường, về lòng yêu nước vô hạn, về sự hy sinh dũng cảm của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Và, đó cũng chính là những lời nhắc nhở chúng ta - những người đang sống - một nghĩa vụ thiêng liêng, một đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", một tấm lòng và hành động "Đền ơn đáp nghĩa" đối với các liệt sĩ, thương binh.

Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 12-1945, trong bức thư gửi các chiến sĩ Nam bộ và Nam phần Trung bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "... Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi và đồng bào ở Bắc bộ và phía Bắc Trung bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta.

Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc..."

Ngày 2-1-1947, trong thư Bác gửi cho các thương binh và các thầy thuốc ở mặt trận, có đoạn: "... Tôi tiếp được nhiều thư của các nam, nữ chiến sĩ bị thương, hăng hái hứa với tôi rằng: Hễ vết thương khỏi thì lại xin ra mặt trận.

Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý!

Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước, nay đã bị thương mà còn mong mỏi đi đánh giặc. Các chiến sĩ thực xứng đáng với Tổ quốc. Và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế...".

Ngày 27-1-1947, Bác lại viết thư cho các chiến sĩ cảm tử quân: "... Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu của tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.

Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào, luôn luôn ở bên cạnh các em...".

Thế nhưng, không phải chỉ nặng lòng với sự nghiệp chung, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn đau cả những nỗi đau riêng của từng người, từng gia đình. Ngày nay, vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng ta còn đọc được bút tích bức thư của Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, một người theo đạo Thiên chúa, lúc đó là Giám đốc Y tế Bắc bộ:

"Thưa Ngài,

Tôi được báo cáo rằng: Con giai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột!

Nhưng, cháu và anh em thanh niên khác, dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

... Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên Trời cũng bằng lòng và vui sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài, và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Ngày 7 tháng 1 năm 1947

Hồ Chí Minh

Hôm ấy, cùng vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh với chúng tôi là một đoàn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tận phía Nam. Nghe giới thiệu bức thư này của Bác, nhiều bà mẹ đã không ngăn được nước mắt. Thì ra nỗi đau của mỗi người, của mỗi gia đình Việt Nam, Bác Hồ đều thấu hiểu và cảm thông.

Ngày 27-7-1947, Hội đồng Chính phủ họp tại một khu rừng ở Đại Từ, Thái Nguyên, thuộc chiến khu Việt Bắc. Theo lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27-7 hàng năm là Ngày Thương binh (năm 1955 được đổi tên là Ngày Thương binh Liệt sĩ). Cũng ngày 27-7-1947 ấy, Hồ Chủ tịch đã gửi một bức thư cho Ban Tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc". Bác viết: "... Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của Tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ, mà nay một số thành ra thương binh...". Kèm theo bức thư này, Bác Hồ đã gửi một chiếc áo, một tháng lương, và số tiền một bữa ăn của Bác và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là 1.127 đồng để góp vào Quỹ ủng hộ thương binh.

Noi gương Bác Hồ, tháng 1-1953, một cháu ở xã Minh Quang, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã gửi lên Bác Hồ 2 vạn đồng để làm quà tặng anh em thương binh. Bác Hồ đã viết thư cho cháu:

"Thân ái gửi cháu Bình,

Bác cảm ơn cháu đã gửi lên Bác 2 vạn đồng, để làm quà tặng anh em thương binh.

Bác giữ 1 vạn của cháu, và thêm vào 1 vạn của Bác để làm quà cho các anh thương binh. Còn 1 vạn, Bác gửi lại cho cháu để làm vốn mà tăng gia. Bác mong cháu luôn ngoan, và cố gắng học viết chữ cho tốt hơn.

Bác gửi biếu cháu một cái huy hiệu. Bác hôn cháu!

Tháng 1 năm 1953

Bác Hồ

Tuổi trẻ Quy Nhơn viếng thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách ở xã Nhơn Lý (ảnh: Ngọc Vân)

Ngày nay, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng từ năm 1952, trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ cũng đã viết: "Nhân dịp 8-3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ". Bác cảm ơn và ca ngợi những bà mẹ Việt Nam đã hòa lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ, thành một mối yêu thương không bờ bến mà giúp đỡ chiến sĩ, săn sóc thương binh...

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy của dân tộc đã qua đi, nhưng trên đất nước yêu quý của chúng ta, từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có những tấm gương, những tấm lòng và những hành động thể hiện tình cảm và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của nhân dân ta. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn "Ngôi nhà tình nghĩa" đã được xây dựng để phụng dưỡng những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình liệt sĩ, thương binh. Rất nhiều những người vợ liệt sĩ, mặc dù có thể đã đi bước nữa, nhưng vẫn chăm sóc cha mẹ chồng như cha mẹ đẻ của mình. Hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn, cũng như biết bao nghĩa trang liệt sĩ khác trên toàn quốc, vẫn được nhân dân thường xuyên chăm sóc, trồng hoa, hương khói. Các liệt sĩ vẫn đêm ngày sống trong lòng tưởng nhớ của tất cả đồng bào. Và, những anh chị em thương binh cũng đã vượt qua mọi khó khăn, hòa mình vào cuộc sống của đất nước, trở nên những người công dân kiểu mẫu.

"Uống nước nhớ nguồn" mãi mãi là tình cảm và đạo lý cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam! Đạo lý ấy càng được tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh, trong thời đại Hồ Chí Minh.

. Bùi Công Bính

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)
Chính phủ điện tử  (30/07/2005)
Thơ  (30/07/2005)
Chuyện ghi từ Trung đoàn 96...  (30/07/2005)
Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ  (30/07/2005)
Những đoạn gãy trong đời  (30/07/2005)
Tín hiệu đáng mừng của bóng đá Bình Định  (30/07/2005)
"Tình yêu đã vực tôi dậy..."  (30/07/2005)
Người tâm thần và những vụ án đau lòng  (30/07/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/07/2005)