Dân ta gọi người lính cách mạng với tên gọi "Anh bộ đội Cụ Hồ" từ hơn nửa thế kỷ nay. Tại sao đội quân của những chiến sĩ tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc không được gọi bởi một cái tên khác mà lại là "Bộ đội Cụ Hồ"?
Trên thực tế trước và ngay cả khi có danh xưng "Bộ đội Cụ Hồ", dân ta vẫn gọi những chiến sĩ cách mạng này bằng nhiều tên gọi khác nhau (Việt Minh, bộ đội Việt Minh, bộ đội Hoàng Hoa Thám, vệ quốc quân...). Nhưng dần dần, khi Bác Hồ - biểu tượng của độc lập và tự do của dân tộc, biểu tượng của đạo đức cách mạng và uy tín trong nhân dân ngày càng chói lọi thì dân ta chỉ muốn dùng một khái niệm "Bộ đội Cụ Hồ" và gọi nó lên với trọn vẹn niềm yêu thương. Quân đội ta cũng tự hào về tên gọi đó và phát huy cao độ bản chất của một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, vì nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu hy sinh.
Năm 1947, ngay trong điều kiện kháng chiến nước sôi lửa bỏng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ký sắc lệnh số 20/SL về quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Nhiều năm sau này, Người vẫn ân cần căn dặn: "Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết yêu thương và giúp đỡ họ". Đất nước ta có được hòa bình, dân ta được ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ sự chiến đấu, hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ. Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với những người có công với nước với dân nói chung và đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ nói riêng. Nhưng đạo lý uống nước nhớ nguồn không chỉ thể hiện qua các chính sách của Nhà nước mà còn bộc lộ trong nếp sống, thói quen ứng xử hàng ngày của chúng ta. Những phong trào như xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, áo lụa tặng bà, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa... đã trở thành những nét văn hóa đẹp không phải ở quốc gia nào cũng có.
Sở dĩ dân tộc ta có được nét văn hóa này trước tiên là bởi quân đội ta là quân đội nhân dân. Dù có tiến lên tinh nhuệ, chính quy, hiện đại đến đâu đi nữa thì nền tảng cơ sở của quân đội ta vẫn là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ... Đây là điểm phân biệt cơ bản so với hầu hết các quân đội của nhiều nước khác trên thế giới. Và cũng vì lẽ đó khẩu hiệu "Đời đời nhớ ơn liệt sĩ, quý trọng thương binh" đã và sẽ còn được nhân dân khắc cốt ghi lòng.
. Học Phong |