Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh
16:27', 29/8/ 2005 (GMT+7)

12 giờ trưa ngày 15-8-1945, vua Nhật Bản Hi-rô-hi-tô tuyên bố chấm dứt chiến tranh, nhưng lại tránh không nhắc đến danh từ "đầu hàng" trên Đài phát thanh Tô-ky-ô.

Toàn thể nội các Nhật Bản Xư-dư-ki xin từ chức. Bộ trưởng Chiến tranh A-na-mi và một loạt sĩ quan khác đã tự sát. Vua Hi-rô-hi-tô chỉ định hoàng thân Hi-ga-si-ku-mi đứng ra lập chính phủ mới. Ngày 17-8-1945, chính phủ mới tạm hình thành và Thủ tướng Hi-ga-si-ku-mi phải kiêm nhiệm Bộ trưởng Chiến tranh, vì lúc đó, trong các tướng lĩnh còn lại, không ai chịu "đứng đầu nội các thua trận" này.

Ngay sau khi Nhật hoàng Hi-rô-hi-tô tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Tổng thống Mỹ Tru-man liền bổ nhiệm tướng lục quân Mắc Ac-thơ làm Tư lệnh tối cao của quân Đồng minh ở Viễn Đông và chỉ thị cho vị tướng 5 sao này chuẩn bị lễ ký văn kiện chấp nhận đầu hàng của Nhật Bản. Ni-mít, chỉ huy hải quân lúc bấy giờ trên mặt trận Thái Bình Dương (cũng là tướng 5 sao) rất bất bình về chuyện này. Ni-mít đã tỏ cho Nhà Trắng biết, nếu không thừa nhận vai trò to lớn của hải quân trên mặt trận Thái Bình Dương thì ông ta sẽ không tham dự lễ chấp nhận đầu hàng Đồng minh của Nhật. Rắc rối đó khiến cho Tổng thống Tru-man rất khó xử.

Theo đề nghị khôn khéo của đô đốc hải quân Mỹ là Phlo-rây-xtan, Tổng thống Tru-man phải ra quyết định: Mắc Ac-thơ, với tư cách Tư lệnh tối cao các lực lượng Đồng minh ở Thái Bình Dương, sẽ đại diện cho các nước Đồng minh; còn Ni-mít thì đại diện cho nước Mỹ cùng ký vào văn bản tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Nghi lễ do Mắc Ac-thơ chủ trì, nhưng buổi lễ không được tổ chức tại trụ sở Tổng bộ quân Đồng minh ở khách sạn Y-ô-cô-ha-ma như dự kiến ban đầu, mà tổ chức trên chiến hạm Mít-su-ri của hải quân Mỹ, mặc dù lúc đó nó đang đậu trong vịnh Tô-ky-ô.

Gần ngày ký, lại xuất hiện tình huống khó xử. Theo điều lệnh quân đội Mỹ, trên chiến hạm phải treo cờ tướng chỉ huy cao nhất. Trong khi ấy, Ni-mít và Ac-thơ lại ngang cấp hàm. Vấn đề này rất nhạy cảm. La-ma, một viên tướng cấp dưới, đã có sáng kiến dùng hai lá cờ cấp tướng, nhưng một lá màu xanh của hải quân đại diện cho Ni-mít, một lá màu đỏ của lục quân đại diện cho Ac-thơ, cùng treo trên cột chính của chiến hạm.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đúng ngày đó, trên chiến hạm Mít-su-ri của Mỹ giữa Thái Bình Dương đã diễn ra lễ Nhật Bản ký văn bản chính thức đầu hàng Đồng minh. Buổi lễ không có mặt Nhật hoàng Hi-rô-hi-tô mà chỉ có Ngoại trưởng Nhật là Ma-mo-ru ký trước hai tướng 5 sao của Mỹ. Rõ ràng là, lễ tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật đã diễn ra "có một không hai" trong lịch sử chiến tranh thế giới xưa và nay.

**

*

Còn lễ ký văn bản nước Đức phát xít đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh thực tế đã diễn ra hai lần, ở hai địa điểm khác nhau.

Lần thứ nhất diễn ra vào lúc 2 giờ 41 phút ngày 7-5-1945 tại thành phố Rây-mơ. Chiều ngày 6-5, viên sĩ quan tùy tùng của tướng Ai-xen-hao, Tư lệnh quân Mỹ trong các lực lượng Đồng minh lúc đó, đã bay đến gặp Thiếu tướng Trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô tại Bộ Tư lệnh quân đội các nước Đồng minh là I.A.Xu-xlo-pa-nốp, chuyển lời mời người đứng đầu phái đoàn Liên Xô đến ngay Rây-mơ. Viên sĩ quan Mỹ đưa ngay cho Thiếu tướng Liên Xô các văn kiện về việc quân Đức đầu hàng vô điều kiện, yêu cầu Thiếu tướng điện đàm về Mát-xcơ-va xin chỉ thị. Mọi chi tiết cho lễ ký đã chuẩn bị đầy đủ, duy chưa có trả lời của Mát-xcơ-va.

Đại diện phái đoàn Liên Xô ý thức rằng, từ chối ký có nghĩa là tiếp tục chiến tranh, máu các chiến sĩ Xô-viết tiếp tục đổ, nên quyết định ký, nhưng ghi thêm chú thích bổ sung vào văn bản: "Văn kiện này không loại trừ khả năng sau này các bên còn ký một văn kiện khác đầy đủ và toàn diện hơn, nếu một trong các nước Đồng minh yêu cầu".

Ngày 7-5-1945, Nguyên soái Xta-lin, Tổng Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Xô-viết, đã gọi điện thoại tới Béc-lin cho Nguyên soái Giu-cốp lúc đó là Phó Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Xô-viết, biểu thị sự không hài lòng: Tại sao văn kiện quan trọng như thế lại không được ký ở Béc-lin là sào huyệt của bọn phát xít Đức. Xta-lin cũng đồng thời gửi thư cho cả Thủ tướng Anh Sớc-sin, Tổng thống Mỹ Tru-man và thỏa thuận với hai nguyên thủ quốc gia này rằng: Việc ký văn kiện đầu hàng của Đức ở thành phố Rây-mơ chỉ được xem là sơ bộ. Lễ ký chính thức phải được tổ chức tại Béc-lin.

Và, sự kiện lịch sử đó đã được tổ chức tại Trường kỹ sư công binh (Béc-lin) vào lúc 22 giờ 43 phút ngày 8-5-1945.

Hàng năm, các nước phương Tây kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít vào ngày 7-5 hoặc 8-5, còn Liên Xô và các nước khác - kể cả Việt Nam - lại lấy ngày 9-5, vì lễ ký lần 1 vào 7-5, lần 2 vào 8-5. 22 giờ 43 phút ngày 8-5 mới ký lần 2 là theo múi giờ Trung Âu. Liên Xô, Đông Âu và các nước khác, tính theo múi giờ Mát-xcơ-va lúc đó là 0 giờ 43 phút ngày 9-5, nên lấy ngày 9-5 là Ngày kỷ niệm Chiến thắng chủ nghĩa phát xít.

. Nguyễn Xuyến

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)
Chính phủ điện tử  (30/07/2005)
Thơ  (30/07/2005)
Chuyện ghi từ Trung đoàn 96...  (30/07/2005)
Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ  (30/07/2005)
Những đoạn gãy trong đời  (30/07/2005)