Bão lòng
16:34', 29/8/ 2005 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng

I.

Ông Khá hết đứng lại ngồi, thi thoảng nhìn đồng hồ lộ vẻ bồn chồn. Con mèo Ni líu ríu dưới chân, kêu meo meo như đứa trẻ lăng xăng bên người lớn mỗi khi có chuyện bận bịu. Ông Khá ôm con mèo vào lòng, vuốt ve. Con Ni hiểu được sự trìu mến của chủ, đôi mắt nó lim dim, sung sướng. Thằng Sún reo lên từ đầu ngõ khi nhác thấy ông Khá: "Nội ơi! Cho con Ni ăn cá. Cháu vừa xin được con cá nục chín ở quán bà Bảy". Con Ni như hiểu được tiếng người, nhảy vuột ra khỏi đôi tay của ông Khá, chong thẳng ra ngõ. Thằng Sún cúi xuống ôm gọn con mèo vào lòng. Con Ni mặt nhăn riết, mũi hít hít bắt được mùi cá hấp dẫn, nó kêu meo meo. Thằng Sún nhìn con Ni, răn đe: "Mày thèm cá, tao cho ăn, nhưng ăn xong phải chùi miệng sạch sẽ kẻo tanh hôi tao đánh đòn". Con mèo lại kêu meo meo làm như vâng lời chủ. Ông Khá bật cười khanh khách: "Thằng Sún, cháu nói với con mèo như nói với người ta không bằng". Thằng Sún cười khành khạch, phô hàm răng thiếu mấy chiếc răng cửa trống huơ: "Ối dào! Con Ni - nó khôn như người ấy chớ. Hôm qua cháu bắt phạt con Ni nằm ngủ. Nó phong phóc nghe lời, nằm đuỗng ra nhắm mắt giả vờ ngủ. Cháu bảo: "Cu Ni, ngoắt đuôi một cái coi!", nó ngoắt đuôi liền mấy cái. Cháu nhắc lại lần nữa, nó làm theo như nghe được tiếng người. Anh Thịnh cũng cưng con Ni ghê lắm, nội!".

Ông Khá nghe nhắc đến Thịnh, liền thở dài: "Cái thằng không biết đi đâu từ sáng sớm mất tăm, đến giờ chuyển hàng để người ta chờ ngoài bến thật phiền phức!". Ông Khá rên rẩm, định bước vào nhà thì đã nghe tiếng cười lớn từ ngoài sân: "Bác đừng giận con nghen! Có thằng bạn rủ rê đi làm cữ cà phê". Ông Khá nhìn nụ cười biết lỗi của Thịnh liền đổi giận làm vui: "Mồ tổ mày! Đi đâu để ông già trông mỏi mắt. Ra bến chuyển hàng với anh em cho kịp buổi, ăn đều kêu sẵn cháu ạ!". Thịnh vội vàng tìm mũ, sải bước ra sân, còn quay đầu lại nói lớn: "Trưa nay cháu đi ăn với thằng bạn không về được, hai ông cháu đừng đợi cơm nhé!". Ông Khá lắc đầu lẩm bẩm một mình: "Cái thằng đúng cái chất đàn ông mạnh mẽ, ăn to, nói lớn. Dạo này cứ bạn bè đi đi, về về không hiểu ra làm sao".

Ở cái xóm lao động này ai cũng quý ông Khá - người đã từng có một thời là dân bốc vác sức vóc khỏe như voi, võ nghệ cao cường. Vợ ông Khá khuất núi lúc ông mới bốn mươi tuổi. Ông không bước thêm bước nữa, ở vậy nuôi con. Cách đây hơn hai năm, vợ chồng thằng con trai về dưới quê dự đám cưới của người bà con không may bị xe công nông cán chết, bỏ lại thằng cháu nội côi cút thật đáng thương. Chuyện ông Khá một mình quật ngã hai tên cướp thủ dao găm sáng lóe trong tay bằng mấy thế võ cổ truyền, giao chúng cho công an, hoặc một mình vào tận sào huyệt của đám bảo kê tranh giành lãnh địa bốc vác khống chế tên cầm đầu, buộc chúng quy phục như một huyền thoại. Bây giờ ông đã già, sống qua ngày bằng nghề vá xe ở một góc phố. Ông thương Thịnh, giới thiệu anh làm bốc vác ở công ty vật tư thành phố vì ý chí tự lập và lòng can đảm giống ông thời trai trẻ.

Ông Khá gặp Thịnh như một cơ duyên. Một hôm ông đang ngồi vá xe, bỗng đâu có một thanh niên mặt mũi sáng sủa bước lại gợi chuyện làm quen. Hai người tán gẫu, bông phèng một chặp thì ông Khá ôm bụng rên la. Thịnh hoảng hốt dìu ông cụ về nhà, cơn đau càng lúc càng dữ dội. Lúc đầu ông già bị đau ở vùng rốn, sau đó đau dồn ở phía hông bên phải. Thịnh động viên ông Khá co chân phải. Ông cụ mặt nhăn nhúm, mồ hôi nhỏ giọt. Thịnh đoán chắc ông già đau ruột thừa nên đưa ngay đến bệnh viện rồi chăm sóc như người thân. Cám cái nghĩa của chàng thanh niên trẻ kém may mắn trên đường đời, ông Khá đưa Thịnh về sống chung một nhà, rồi giới thiệu việc làm cho chàng đến nay gần hai tháng.

Ông Khá đang lum khum thổi cơm thì Mai đến, mang theo tiếng cười ròn rã từ ngoài thềm: "Nhà có khách, bác ơi! Khách đến nhà không gà thì vịt". Ông cụ bật cười khù khụ: "Gà vịt bị dịch cúm hát năm nờ một, khách đành nhịn miệng cho xong". Nói rồi ông cụ chợt ngâm nga: "Quan tới nhà dân của cải không/ Lấy chi cho thỏa tấm lòng ông/ Hươu nai còn ở trên rừng Bắc/ Tôm cá còn ở dưới biển Đông". Cô bé vui chung với niềm vui của ông già: "Bác tuy già, nhưng vẫn còn yêu đời ra phết". Ông cụ kéo giãn giọng nói của mình nhào nhão nghe thật buồn cười: "Đừng có nịnh ông già, hỡi cháu gái! Đến tìm ông già lẩm cẩm này hay tìm thằng Thịnh?". Cô bé mặt đỏ lên thật dễ thương: "Bác cứ nghi oan cho cháu. Mấy tháng trước không có anh Thịnh, cháu cũng đâu để bác phải thui thủi một mình, đúng không?". Ông Khá cười vang: "Đố ai có tật giật mình. Mà này, cháu gái của bác ơi! Con trai như thằng Thịnh thời bây giờ hiếm lắm! Bác hiểu nó thương cháu thật lòng. Hai đứa xứng đôi vừa lứa, tiến tới cho bác còn uống rượu mừng". Giọng Mai chùng xuống: "Cháu cũng ước mong có ngày đó, nhưng bác nghĩ coi, ở đời trâu đi tìm cột, chứ ai lại cột đi tìm trâu?".

II.

Mỗi lần Mai ngồi lên xe Honda, cô lại nhớ đến bản tin trên Đài truyền hình Việt Nam: Mới 5 tháng đầu năm 2005 cả nước có hơn 4.000 người chết, hơn 5.000 người bị thương từ tai nạn giao thông. Thật kinh khủng! Số lượng người chết và bị thương còn vượt xa cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm nào. Mai bẻ tay lái, định vòng qua chợ mua ít thực phẩm về làm cơm, bất chợt một bóng hình thoáng qua làm cô dao động, bàng hoàng. Đúng là Thịnh của nàng đang chở một cô gái có gương mặt đẹp nao lòng, mái tóc dài, đen nhánh, vóc dáng múp míp. Nàng mặc quần bò, áo thun trắng, ngồi áp sát ngực vào lưng người lái xe. Còn Thịnh quần bò, áo rằn, đeo kính râm sang trọng như ông hoàng. Mai nghe lòng đau như có muối xát: "Lẽ nào anh ấy đã có người yêu còn phỉnh phờ, ru ngủ một người con gái chơn chất như mình. Ngày trước mẹ thường cảnh giác: "Bọn con trai hay sở khanh. Làm thân con gái khôn ba năm dại một giờ". Nàng lại nghĩ: Biết đâu cô ta chỉ là bạn của anh Thịnh. Không thể được! Tình bạn chỉ là tình thân, không thể âu yếm, ngả ngớn ngoài đường như thế.

Buổi trưa hôm ấy, Mai như người mất hồn, tâm trí cô để đâu đâu. Nàng bê mâm cơm cho các em nàng ăn, còn nàng thì ngồi bó gối suy tư. Thằng Tý gác đũa nhìn chị chằm chặp: "Chị Hai bệnh rồi phải không? Để em đi mua thuốc". Mai lấn bấn, chối phăng: "Đâu có, chị hơi mệt một chút. Các em ăn trước đi rồi dọn rửa giúp chị". Các em nàng đâu hiểu cơn bão lòng của người đang yêu trước thử thách nghiệt ngã. Chúng cứ ăn uống, cười nói vô tư.

Trời sụp tối, Mai hẹn gặp Thịnh ở công viên. Nàng mang nặng tâm trạng u uất như cơn giông tích nước sẵn sàng đổ sập trần gian. Thịnh đến vô tư, thong thả như người đi dạo mát sau một ngày làm việc căng thẳng. Chàng nhìn thấy nàng mặc áo hồng, tóc xõa ngang vai, ngồi tựa ghế đá, liền rón rén bước vòng ra phía sau, đưa hai tay bịt mắt nàng. Mai ngồi yên, giọng nói sắc lạnh như viên công tố: "Tôi đâu quen cái thói đú đởn ở góc đường, xó chợ". Thịnh như người bị dội gáo nước lã vào mặt. Chàng buông tay, sững sờ: "Em nói gì lạ vậy Mai? Ai đú đởn ai? Anh đùa với em một tí không được sao?". Nàng vuốt lại mái tóc cười khẩy: "Đừng đóng kịch nữa! Tôi đã hiểu hết lòng dạ của anh rồi! Tôi nhẹ dạ cả tin nên mới lầm anh!". Thịnh chới với trước sự phản ứng kỳ lạ của Mai, nhưng chàng vẫn ngồi xuống ghế, móc thuốc lá ra châm lửa, từ tốn: "Có chuyện gì em cứ nói thẳng ra. Anh không thích lối nói vòng vo, úp mở". Nàng có phần bình tĩnh lại, tiếng nói loãng màu hờn giận: "Anh vòng vo thì có. Sáng nay anh hẹn hò, tình tứ với người ta, vậy mà anh nói anh thương em…". Thịnh kêu lên: "Trời ơi! Không phải đâu! Cô ấy là bạn anh!". Nàng bắt đầu giọt ngắn giọt dài: "Bạn ư? Bạn mà nhìn nhau đắm đuối, ôm ấp trên đường phố? Cũng tại em dại dột yêu anh!". Thịnh xích lại gần, đưa bàn tay ấn trên bờ vai Mai như khẳng định điều anh nói là sự thật. Cô bé đẩy tay người tình rồi òa khóc. Tiếng khóc của nàng nỉ non, đôi vai rung lên từng chặp làm chàng nghe xốn xang tâm can, lòng dạ rối bời: "Anh nói thật mà, hãy tin anh! Anh chưa từng yêu ai như đã yêu em! Cái chính của tình bạn là sự chân thành, còn cái chính của tình yêu là sự chung thủy, là lòng tin. Em đã yêu anh mà không tin anh thì tình yêu ấy có nghĩa gì đâu". Trời sinh ra đàn bà con gái thật đáng thương và đáng yêu: mau giận hờn và cũng mau tha thứ. Sự hờn giận làm chất xúc tác để Mai càng yêu Thịnh nồng nàn, say đắm hơn. Nàng êm ái nằm trong vòng tay của chàng như con mèo nhỏ tìm sự chở che. Chàng như người đi theo con mạch nước ngầm dịu mát và đầy bí ẩn.

Lúc Mai về nhà, thằng Tý và con Ngọ nhìn nàng như nhìn vật thể lạ từ hành tinh khác. Nàng tươi rói, mắt long lanh chở ăm ắp hạnh phúc như cô dâu trong ngày cưới: "A! Hôm nay trông chị Hai đẹp như Bạch Tuyết ấy! Lần sau tụi em có mệt mỏi thì đi chơi như chị chắc khỏe ra liền". Nàng thoáng cười, bẽn lẽn: "Chỉ tổ nói bậy!".

III.

Mấy hôm nay, ông Khá không đi vá xe. Thành phố mở chiến dịch làm sạch đẹp đường phố, ông không thể kiếm cơm trong trạng thái phập phồng lo sợ. Những cái cờ lê, mỏ lết, ống bơm… lỉnh kỉnh của ông, chưa cái nào đáng giá bạc trăm, nhưng bày ra, thu lại trốn chạy thật gay guốc đối với ông.

Đúng là khi qua những con đường nhà cao tầng tráng lệ, nổi lên những quán cóc dã chiến như những vết bẩn trên chiếc áo sang trọng của nhà giàu. Không mấy ai có nhà mặt tiền ở những khu phố hoành tráng lại dành để vá xe vớ vẩn, cũng không có những cái quán bình dân phục vụ dân xích lô, xe ôm, người lang thang, cơ nhỡ mọc lên ở những khu thương mại. Thế là việc vá xe, bán hàng rong trên các hè phố cứ mặc nhiên xuất hiện. Cái xấu luôn tồn tại song song với cái đẹp, cái đúng luôn tồn tại song song với cái sai. Ông Khá nghiền ngẫm khi xem phim "Tể tướng Lưu Gù". Ông căm giận Hòa Thân ngang với chê trách vua Càn Long. Nhà vua dùng Lưu Gù để phục vụ việc nước, còn dùng Hòa Thân để phục vụ việc ăn chơi. Hai đối tượng tồn tại song hành. Khi Hòa Thân tiêu ma cũng là lúc Lưu Gù về vườn. Tuổi già, bầu tâm sự càng ngày càng đầy. Ai muốn cho quà tinh thần mà người già ưa thích nhất thì hãy thường xuyên thăm nom, trò chuyện với họ.

Ông Khá có hai người bạn tri kỷ và một con mèo. Con mèo thì để ông làm bạn lúc trống vắng, còn Thịnh và thằng Sún thì để ông tâm sự lúc thảnh thơi. Trên chiếc chiếu trải ngang thềm có một bình trà nóng, vài cái ly sứt quai và gói thuốc Quốc tế. Ông bốn Khá ngồi khề khà ly trà Bắc nước xanh ngon nghẹn. Ông đặt ly trà xuống, câu chuyện nổ lên như ngô rang. Thịnh phì phèo điếu thuốc lá, thằng Sún đặt con mèo bộ lông vàng mượt như nhung vào lòng, chăm chú theo dõi câu chuyện không có chương, hồi. Giọng ông Khá nghe trầm ấm, mê say: "… Tao kể tới đâu rồi bay? Ờ, đúng rồi! Cô gái đất võ Bình Định xinh như mộng làm mờ mắt mấy gã giám thị nhà tù của chính quyền Sài Gòn. Nàng liếc mắt bén như dao cau, lời nói ngọt như mía lùi: "Mấy anh bảo tôi đưa con ngựa ô này bay qua khỏi cái hầm đằng kia thì thả tôi ra, đúng không? Mấy anh nhớ giữ lấy lời nhé!". Viên giám thị hai tay chống nạnh, mặt câng câng: "Quân tử nhất ngôn!". Cô gái nhảy phóc lên lưng ngựa nhẹ như chiếc lá rơi. Nàng gò cương ngựa chạy ra xa rồi quay đầu trở lại, huơ roi, thét lên một tiếng chói tai. Con ngựa ô lồng lên, tung vó ào ào như vũ bão, bay vút qua khỏi hầm, tiếng hò reo của đám tù nhân như sấm dậy. Gã giám thị đứng phỗng ra như đá, nét mặt quê thộn trông buồn cười. Nghe nói, sau này "nữ hiệp" gá nghĩa với một võ sư vào loại anh chị của đất Sài Gòn. Về ở với nhau hơn ba năm, anh chàng võ sư kia không hề biết vợ mình là một cao thủ. Cho đến một hôm có người anh ruột của nàng ở tận miền Trung tìm đến thăm em. Anh chàng võ sư bỏ mặc anh vợ ở nhà, đi giải quyết vụ ẩu đả của đám đệ tử. Khi về đến nhà thấy mặt vợ hầm hầm: "Anh là loại đàn ông chẳng biết nghĩa nhân. Anh tôi từ xa xôi lặn lội đến thăm, anh chẳng ngó ngàng…". Cơn tức giận của vụ tranh chấp chưa kịp lắng xuống, máu nóng đã dồn lên, anh chàng võ sư rút dao đâm phập xuống bàn. Cô vợ cười lạt: "Anh hèn thế? Có giỏi đâm vào tôi đây này!". Người chồng như con sư tử bị dồn đến đường cùng, anh ta lao tới, tung ra cú thôi sơn như trời giáng vào mặt cô vợ xinh đẹp của mình. Bỗng một tiếng "rắc" vang lên. Người chồng ôm tay lảo đảo, mắt trợn ngược kinh hãi. Cánh tay phải của anh chàng võ sư bị cô vợ bẻ gãy thõng…". Ông Khá ngưng lời, với tay bưng ly nước trà, Thịnh bật dậy, giả lả: "Cháu có việc phải đi, hôm khác sẽ hầu chuyện với bác". Ông già cụt hứng trông tội nghiệp.

IV.

Ông Khá nằm vắt vẻo trên chiếc võng đầu hè, nghe tiếng động, ông bật dậy, mắt nhìn không chớp: "Ơ! Con bé, rượu ở đâu ngon thế?". Mai cười cười: "Rượu chồng đi hỏi con đó bác". Ông già cười hom hem: "Chừng nào ông già này uống rượu mừng của cháu là lúc tao yên lòng nhắm mắt". Mai thôi cười, mắt rơm rớm: "Bác tưởng con nói chơi sao? Chồng đi hỏi con từ hôm qua. Lúc đầu con định nhờ bác đại diện cho phía nhà gái, nhưng con không muốn cho anh Thịnh biết. Bác tha lỗi cho con!". Ông già bước xuống khỏi võng tưng hửng: "Trời đất! Còn thằng Thịnh?". Giọng Mai hiu hắt: "Dạ, hạng như con đâu xứng đáng làm vợ anh Thịnh". Ông cụ chộp lấy đôi vai của Mai, nhìn đăm đăm: "Cháu hãy nói thật với bác vì sao cháu bỏ thằng Thịnh đi lấy chồng? Có phải cháu chê nó nghèo?". Cô gái bật khóc: "Ngay cả bác mà cũng nghĩ cháu như thế thì cháu còn biết tin ai? Bác biết không? Cháu đã nhiều lần gặp anh Thịnh đưa người yêu đi chơi. Cháu hỏi ảnh, ảnh chối bay chối biến. Anh ấy muốn "bắt cá hai tay". Cháu đâu phải là gái ế, gái già, có bao nhiêu người đeo đuổi cháu, nhưng cháu chỉ yêu có mỗi anh Thịnh". Ông già vò đầu, bứt tai: "Không thể nào! Thằng Thịnh không thể là phường sở khanh, đểu giả. Nó gần bác chưa lâu, song bác hiểu nó là một người sống có tình có nghĩa, nó thương cháu hết lòng! Mai ơi! Cháu lấy một người vì để trả hận một người là sai lầm nghiêm trọng, cháu có biết không?". Cô gái nhìn người thân, mặt buồn rười rượi: "Bác ơi! Có lẽ cháu và anh Thịnh có duyên mà không nợ, thôi thì đường ai nấy đi. Ngày cháu lấy chồng, bác là người đại diện cho phía đàng gái. Bác giúp cháu nhé!".

V.

Tiếng còi của đoàn xe cảnh sát vang động trên đường phố lúc trời còn ngái ngủ. Mọi người dáo dác đổ xô ra phía trước công ty vật tư thành phố - nơi có hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ. Giám đốc công ty và các cộng sự của ông ta lần lượt tra tay vào còng, bị đẩy lên xe đặc chủng. Thằng Sún bỗng reo to: "Ông nội ơi! Anh Thịnh mặc đồ công an!". Ông Khá miệng há hốc, chưa nói được câu nào thì Thịnh ào đến: "Bác hãy tha lỗi cho cháu! Thời gian qua cháu đã giấu bác. Đây là nguyên tắc tuyệt mật, cháu không thể làm khác được. Cháu cảm ơn bác đã giúp cháu vào làm công nhân bốc vác cho công ty, tiếp cận đối tượng để phá vụ trọng án đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia này. Bây giờ chắc bác đã hiểu vì sao cháu cứ đi đi, về về không minh bạch". Chàng công an siết chặt bàn tay ông già, tay còn lại chỉ về phía một nữ chiến sĩ công an đứng gần đó, giọng buồn buồn: "Cô ấy là đồng sự cùng tham gia phá án với cháu. Người mà Mai cứ ngỡ là người yêu của cháu trong những lần cả hai vào vai vợ chồng đi trinh sát". Ông cụ thảng thốt kêu lên: "Trời ơi! Oan nghiệt!". Ngay khi ấy, một cô gái dạt ra khỏi đám đông, ôm mặt lao đi, Thịnh chợt thấy, gào lên:

- Mai ơi !!!

. T.Q.C

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)
Chính phủ điện tử  (30/07/2005)
Thơ  (30/07/2005)
Chuyện ghi từ Trung đoàn 96...  (30/07/2005)
Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ  (30/07/2005)