Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !
16:50', 29/8/ 2005 (GMT+7)

Từ xưa đến nay, việc chơi cây cảnh luôn là thú vui tao nhã đối với những người đam mê nghệ thuật bonsai. Tạo được một khu vườn có nhiều cây cảnh đẹp, dáng thế độc đáo là thể hiện khả năng thẩm mỹ và lòng khát khao cái đẹp của chủ nhân, đó cũng là cách để con người gần gũi hơn với thiên nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá trị cây cảnh ngày càng tăng cao, thị trường tiêu thụ mạnh, nhiều người vì lợi ích trước mắt đã ngang nhiên lên rừng đào bới cây cổ thụ, có người còn xem đây là nghề hái ra tiền…

* Cây cảnh du ký

Những gốc lộc vừng vừa được khai thác, đang được chăm sóc để đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc.

Vài năm gần đây, phong trào lên rừng đào cây cổ thụ về làm cây cảnh phát triển khá rầm rộ. Đáng báo động là ở các địa phương có diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn lớn như: Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, An Lão đang ngày đêm bị chảy máu… cổ thụ. Những tháng nông nhàn hoặc cuối tuần, hàng đoàn người kéo nhau lên rừng để "săn tìm" cây cảnh với những loại trang thiết bị hiện đại để vận chuyển như: xe tải, xe đào, xe cẩu… Có thể nói, niềm "đam mê sưu tầm" cây cảnh của họ đã vượt quá thú vui "tao nhã", bởi mỗi ngày nếu "trúng mánh" họ có thể thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng là chuyện thường. Chúng tôi đã chứng kiến những đoàn người lội rừng, băng suối ròng rã suốt ngày để "săn lùng" cây cảnh. Các loại cây như: me, sanh, lộc vừng, bằng lăng, sung, tràm, thiên tuế… được giới săn cây cảnh rất ưa chuộng. Anh Huỳnh Văn Khanh ở thị trấn Phù Mỹ - người chuyên đi "săn" cây cảnh - cho biết: "Mỗi ngày đi "săn" cây cảnh, chúng tôi tìm được từ 2 - 3 cây có dáng thế đẹp. Để vận chuyển được cây cảnh về nhà, đối với cây nhỏ thì chuyên chở bằng xe máy hoặc làm đòn để khiêng; cây to thì mướn đông người, có khi phải thuê cả xe cẩu mới vận chuyển được!". Chú Ba Bàn - bảo vệ hồ chứa nước Thiết Đính (Bồng Sơn) - cho biết: "Do giá trị của các loại cây cảnh, bonsai ngày càng tăng cao nên số lượng người đi đào cây cảnh ngày càng nhiều. Trong lòng hồ Thiết Đính hiện có một cây lộc vừng cổ thụ để làm chỗ nghỉ mát, vậy mà đã có không biết bao nhiêu người kéo đến đòi đào. Tôi không cương quyết ngăn cản thì bọn họ đã "bứng" đi rồi!"…

Hàng ngàn gốc cổ thụ ở các khu vực rừng đầu nguồn bị bứng gốc đưa về miền xuôi tiêu thụ. Anh Minh - một đại lý thu mua cây cảnh ở thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) - cho biết: Xu hướng bây giờ, người chơi cây cảnh sành điệu thích những cây cổ thụ, càng nhiều năm tuổi càng giá trị, gốc càng lớn càng dễ tạo ra dáng đẹp. Nhiều người có con mắt tinh tường nhìn được thế, dáng cây sẽ được các "đại gia cây cảnh" thu dụng lên rừng dò tìm; những người không có việc làm thì được thu dụng vào đội quân đào thuê, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. "Đào được một cây cảnh đại thụ không phải chuyện đơn giản, nhiều cây nằm ở vách núi, bờ suối hoặc rừng rậm, muốn đào được phải phát quang cả một vùng đủ rộng, phát đường cho xe đến chở. Người đào phải biết cách giữ rễ và đất cần thiết để đảm bảo cây sống được." - một người chuyên "săn" cây cảnh cổ thụ cho biết.

Cây cảnh cứ thế "chạy" về xuôi, sau đó được các đại lý mua lại chăm sóc, tạo dáng, thế… rồi bán lại cho các thương lái ở miền Bắc. Cứ như vậy, hàng ngàn gốc lộc vừng, bằng lăng, bồ đề, sanh… cổ thụ đã theo xe ra tận Hà Nội, Nam Định… làm đẹp những trang trại, biệt thự, khu sinh thái, thậm chí qua cả… Trung Quốc.

* Lợi bất cập hại

Thú chơi cây cảnh, bonsai ngày càng được nhiều người đam mê, nhờ vậy đã giúp nhiều người phất lên nhờ kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, một vấn đề khá bức bối đặt ra hiện nay là có rất nhiều người bất chấp tất cả, chuyên lên rừng đào cây, phá rừng làm cho những khu rừng phòng hộ ngày càng trơ trụi, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Thậm chí còn có tình trạng một số cây cảnh, cổ thụ ở các khu di tích lịch sử, chùa chiền bị kẻ xấu "săn tìm"… trộm bứng cả rễ. Mới đây, Cục Kiểm lâm Trung ương đã có văn bản gởi các Chi cục Kiểm lâm và các địa phương, yêu cầu tăng cường các biện pháp để ngăn chặn nạn đào cây cảnh trái phép. Theo cảnh báo của ngành chức năng thì nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì hậu quả mang lại sẽ rất khó lường vì nhiều khu rừng phòng hộ đang ngày đêm bị xới tung, một số loại cây có nguy cơ bị tuyệt chủng…

Tác hại của việc "săn" cây cảnh là rất lớn, thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khai thác, mua bán, vận chuyển cây cảnh cổ thụ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm, xử lý đúng mức. Do đó, nạn khai thác, mua bán cây cảnh trái phép vẫn cứ liên tục tiếp diễn. Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng nên vào cuộc…!

. Nguyễn Quý - Trường Đăng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)
Chính phủ điện tử  (30/07/2005)
Thơ  (30/07/2005)
Chuyện ghi từ Trung đoàn 96...  (30/07/2005)