Mưu sinh xứ người
16:56', 29/8/ 2005 (GMT+7)

Trong một dịp ghé thành phố biển Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa, tôi tình cờ gặp rất nhiều phụ nữ đồng hương Bình Định đang mưu sinh tại đây bằng nghề ve chai. Những câu chuyện thân tình của các chị đã để lại trong tôi những cảm xúc không phai. Những câu chuyện ấy đã phản ảnh đến tận cùng cái phẩm chất "chịu thương chịu khó" của người phụ nữ Bình Định.

Trăm sự đều trông cả vào gánh ve chai...

Giữa muôn ánh điện màu của thành phố biển Nha Trang về đêm, giữa muôn sắc màu tươi trẻ của các cô gái phố biển, bên vỉa hè rộng ở góc đường Tháp Bà, tôi đã gặp những người phụ nữ đáng yêu và rất đáng trân trọng ấy. Họ đang lam lũ trên con đường mưu sinh bằng một cái nghề gọi là "nghề ve chai"! Không chỉ vài người, mà có đến hàng trăm người. Mười chín giờ tối, cái giờ mà các cô gái thị thành đã "lên khuôn" để làm chuyến dạo phố đêm cùng chồng con hoặc người yêu thì các chị đang "lui cui" bên những bếp lửa đặt khắp vỉa hè giữa thành phố gió lộng để bắt đầu cho mình bữa cơm đạm bạc sau một ngày ruổi rong cùng đôi quang gánh trên vai. Những gương mặt hốc hác, những tấm lưng áo đẫm cứng mồ hôi mà sao tôi nghe trong câu chuyện của các chị đầy ắp niềm vui. Các chị vui vì Nha Trang đang trên đà xây dựng mạnh, nhiều công trình cũ đập dỡ ra đã cung cấp cho quang gánh của các chị rất nhiều loại phế liệu. Quang gánh càng nặng, mồ hôi càng đẫm thì niềm vui của các chị càng đầy. Góc hè rộng là thế mà chỉ đủ chỗ cho vài gánh hàng soạn ra phân loại để cân cho chủ vựa. Một trật tự được thiết lập trong hoạt động của các chị là: ai về trước cân trước, được nghỉ ngơi trước! Các chị mang về đây muôn thứ được xem là rác rưởi của thành phố: giấy vụn, vỏ lon, hàng chục loại chai lọ từ nhựa đến thủy tinh, đồng, sắt, nhôm… Mồ hôi của các chị được tính bằng tiền có mệnh giá trăm đồng. Trong muôn thứ "hùm bà lằn" vừa gom được, các chị tỉ mỉ ngồi lựa ra từng loại riêng biệt để cân bán, bởi mỗi loại có giá khác nhau. Ví dụ: lon sữa bò thì chỉ có 500đ/kg (phải được đập bẹp) nhưng vỏ lon "Bò húc" thì có giá cao hơn vì ở 2 đầu lon có nhôm. Hoặc như giấy báo cũ dùng tái sinh sản xuất thùng mì tôm thì chỉ có 1.000đ/kg nhưng giấy vở học trò thì đắt gấp 2 lần… Cứ thế, một góc hè rộng rộn ràng cả đêm. Người về sau cùng thì thường đến nửa đêm mới được nghỉ ngơi.

Hầu hết các chị ở trọ ngay tại vựa chủ vì vựa thu mua nào cũng có cơ sở rất rộng để chứa hàng, số khác ở thuê nhà trọ. Những chị được ở lại nhà chủ không phải tốn tiền nhà trọ thì giá cân hàng sẽ thấp hơn các chị kia (cũng thế thôi!). Ngã lưng một chút, đến 5 giờ sáng các chị lại tiếp tục một ngày ruổi rong. Những chuyến đi hằng ngày của các chị nghe thật "mướt mồ hôi": đi về gần 50km/ngày với một quang gánh nặng từ 30kg trở lên! Hôm nào mua được nhiều hàng, trưa phải quay về vựa cân rồi tiếp tục đi, tối về! Trừ những hôm "quá tải" các chị mới chịu thuê xe chở hàng về, còn nặng mà ráng được thì các chị cứ gánh. Bởi mua bán chắt chiu từng trăm đồng lẻ mà mất chục ngàn thuê xe thì là một "phí phạm" lớn! Những chuyến đi của các chị kéo dài đến 4-5 tháng mới về thăm nhà một lần. Thành quả của những giọt mồ hôi trong chuyến đi được trang trải vào chi phí học hành cho những đứa con, chuyện ơn nghĩa xóm giềng, chuyện phân bón đầu tư cho ruộng vườn… Rồi lại đi! Có gia đình đi cả vài ba chị em, vài ba mẹ con. Có những cháu gái còn ngây thơ, tối gánh hàng về để mẹ lựa cân còn các cháu thì tranh thủ "mượn" vỉa hè bên cạnh chơi cầu lông. Có người đã gần lắm cái tuổi "cổ lai hy" như mẹ Cường nhưng lại được xem là người đi "dẻo" nhất đoàn. Tôi hỏi mẹ nhờ vào đâu mà có được sức bền đến như vậy, mẹ Cường nói: ""Nhờ" vào gia đình tôi có nhiều mối lo mà trăm sự đều trông cả vào gánh ve chai nên tôi phải cố gắng. Mấy đứa con gái ra phố thấy người đẹp nhà sang còn nhìn ngang liếc dọc chứ tôi thì không, cứ cắm cúi đi, mỗi bước 1 tiếng rao…". Lời rao của nghề này nghe tha thiết lắm. Cái chất giọng miền Trung luyến láy khiến câu rao đơn giản "Ai có ve chai bán - mua…" nghe đẹp như một câu dân ca. Mẹ Cường đã chiều lòng tò mò của tôi mà ngồi cất giọng rao nhiều lần trên vỉa hè. Tôi nghe và cảm được trong ấy có cả sự lam lũ, sự chịu đựng, sự hy sinh!

Đôi quang gánh với bao thứ "hùm bà lằn" vừa gom được.

Mẹ Cường tiếp thêm chuyện: "Gần 100 người ở đây hầu hết là dân của 2 xã Cát Thắng và Cát Hưng (Phù Cát). Còn dân các huyện khác vào đây lập thành từng đoàn riêng ở rải rác khắp thành phố này. Tại Nha Trang có khoảng 20 vựa thu mua ve chai, mỗi vựa phải có đến 40 "bạn hàng", tính cho hết thì tại Nha Trang đang có khoảng gần 1.000 phụ nữ từ những vùng quê Bình Định vào mua rong nghề ve chai. Đó là chỉ nói ở đây, số người kéo nhau lên Tây Nguyên và vào miền Nam hành nghề ve chai còn đông hơn nhiều…". Cô bé xinh xắn tên Nghi góp chuyện: "Vui gì cái "đời nhôm nhựa" của bọn em mà anh tìm hiểu kỹ dữ vậy?"! Tôi cười và nhìn em khâm phục, bởi trước đó tôi đã được mẹ Cường kể cho nghe chuyện về em. Nghi là cô bé lanh lợi nhất trong đoàn. Ngoài việc đi mua rong mỗi ngày, đêm về Nghi còn "thầu" lại của những người trong đoàn các loại chai nước rửa chén Mỹ Hảo để cung cấp cho cơ sở sản xuất. Riêng việc này mỗi ngày cho thêm Nghi một khoản lãi kha khá. Quê Nghi ở Phù Cát, có chồng ở thị trấn Bình Định (An Nhơn). Gánh ve chai của Nghi đã nuôi chồng ăn học lấy được bằng lái xe khách và trở thành một tài xế. "Mảnh đời nhôm nhựa" của em đã rất hữu ích trong bước đầu xây dựng đời sống ổn định của một cặp vợ chồng trẻ. Nghi cho biết thêm: mức thu nhập hằng ngày của các chị cũng khá xứng đáng với nhọc nhằn bỏ ra. Người đi giỏi bình quân kiếm được 1 triệu đồng/tháng, kém lắm cũng được từ 500 đến 700 ngàn đồng/tháng. Những ai thường "trúng quả" đậm từ các công trường đang xây dựng thì chắc mẫm kiếm được từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Một khoản thu nhập "trong mơ" của những người nông dân!

Thầm nghĩ: nghề ve chai nghe có vẻ "lấm láp" thật, nhưng không có gì phải mặc cảm nhiều như lời của cô bé tên Nghi. Bởi một thực tế cho thấy ở nhiều vùng nông thôn là "những mảnh đời nhôm nhựa" ngoài việc lo toan cho đời sống hằng ngày, còn xây được nhà khang trang, sắm xe máy cho gia đình mình, một thành quả không dễ gì có được!

. Vũ Đình Thung

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !  (29/08/2005)
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)
Chính phủ điện tử  (30/07/2005)
Thơ  (30/07/2005)