Chuyện buồn đô thị
16:59', 29/8/ 2005 (GMT+7)

1. Hôm rồi, tình cờ đi qua khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tôi thấy một anh đang cơi nới đất mặt sông trước hiên nhà. Cả gia đình, ba người xúc cát dưới lòng sông, chở về bằng sõng rồi dùng cát đó đắp cao bằng đường đi. Tôi hỏi "Đất đó có bán không?" thì được hỏi lại "Có dám mua không?". Nếu tôi gật đầu thì chắc hẳn anh ta sẽ chỉ cho lô đất kế bên đã được cơi nới bằng phẳng.

Một người dân ở khu vực 9, phường Đống Đa, Quy Nhơn đổ cát cơi nới để lấn chiếm đât.

Cứ mỗi ngày anh lén đổ mỗi ít đất. Chỉ vài tuần sau, khi đất bồi cao bằng mặt đường, nghiễm nhiên gia đình anh lại có thêm khoảnh đất trước nhà. Im ắng chừng thời gian, chẳng thấy ai ý kiến, la lối, anh đem ba cái đồ lỉnh kỉnh, không dùng đến để vào khoảng đất ấy với lý do "nhà chật quá, không còn chỗ để". Lâu nữa, mọc lên một cái kho chứa đồ linh tinh, trên lợp bằng mấy miếng tôn rách, bốn bức tường là mấy viên gạch xỏ tre. Lại nghe ngóng tình hình, chẳng thấy ai ý kiến, người chủ xây lên một căn nhà bằng gạch (tạm bợ thôi). Giờ thì, nhà đó, đất đó, nếu chẳng ai hỏi, chẳng ai đến tháo dỡ thì nghiễm nhiên thành của mình rồi. Ai đó, vì quá cần nhà và cũng quá ít tiền, nhắm mắt, tặc lưỡi, mua ào. Tất nhiên, hai bên chỉ viết giấy tay thôi, lỡ có mất thì ráng chịu.

2. Chuyện lấn chiếm, mua bán đất trái phép kiểu như vậy mấy năm nay khá phổ biến tại những "điểm nóng" vùng ven của thành phố Quy Nhơn. Quanh khu vực sông Hà Thanh của phường Đống Đa, khu nhà rầm ở phường Hải Cảng, phường Nhơn Phú, Đống Đa rồi các phường Quang Trung, Ngô Mây, Lê Hồng Phong ven núi Bà Hỏa...Tôi cũng là một cư dân sống gần núi bà Hỏa nên tôi biết, cư dân "lên non" đều thuộc thành phần khó khăn. Đất bằng ở dưới phố mua không nổi, nên họ hành quân lên đây với giá mua đất sang tay chỉ chừng vài ba triệu (trước), còn bây giờ đất có giá thì cũng ở mức từ vài ba mươi đến cả trăm triệu đồng.

Có cầu ắt có cung. Một số chủ đất, cò đất xuất hiện. Họ thuê người đào núi, bốc mộ, san lấp đất bằng phẳng, gạ bán cho người có nhu cầu. Một thợ chuyên đi san đất kể chuyện: "Có lần họ thuê chúng tôi san đất ở trên núi cho bằng phẳng, bảo đảm rằng nơi ấy đã bốc mộ hết rồi. Ngờ đâu, chọc xà beng đến nhát thứ 3 thì thấy ngay quan tài của người ta, bọn tôi sợ quá bỏ về, chẳng dám đòi tiền công. Bất nhẫn đến thế là cùng".

3. Ông Đặng Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Quy Nhơn, chặc lưỡi: "Nạn lấn chiếm, mua bán đất trái phép ở thành phố xảy ra từ rất lâu rồi nhưng nói thì dễ, làm thì mới khó. Tính ra có cả hàng ngàn hộ dân đang sinh sống tại các khu lấn chiếm, có người sống ổn định ở đấy cả chục năm trời. Nếu giải tỏa trắng thì hàng ngàn con người ấy giờ sẽ đi đâu về đâu, bố trí cho họ ở chỗ nào... Đụng đến vấn đề dân sinh là chuyện không dễ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên trên phải có cách nào giải quyết triệt để vấn đề này nhưng vẫn chưa có cách ổn thỏa. Theo tôi, nếu là dân nơi ở ổn định đã lâu và khu dân cư đó không thuộc phạm vi quy hoạch, điều chỉnh thì nên hợp thức hóa cho họ ở, ta sẽ có hai cái lợi: Thứ nhất, là để người dân yên tâm làm ăn sinh sống; Thứ hai, Nhà nước có thêm một khoản tiền từ việc bán đất. Một khi họ đã có chủ quyền đất thì họ sẽ có trách nhiệm với nơi mình ở. Chính họ sẽ là những người quản lý khu đất đó. Nếu phải là nơi giải tỏa trắng thì cần tiến hành theo kiểu giải tỏa đến đâu, xây dựng đến đó, chống tình trạng tái lấn chiếm. Những dự án quy hoạch treo nhiều năm chỉ tạo điều kiện, cơ hội có lợi cho việc lấn chiếm mà thôi.

4. Ngẫm ra cũng đúng. Như tình trạng khu hồ sinh thái ở khu Trại Gà thuộc phường Ghềnh Ráng. Tỉnh đã có dự án làm hồ sinh thái nhưng mãi chẳng thấy khởi động, trong khi đó người đến lấn chiếm ở bất hợp pháp ngày càng đông. Rồi đến chuyện phân cấp cho các phường trong thành phố quản lý. Một mặt làm tăng trách nhiệm quản lý của địa phương, giảm gánh nặng cho các ngành chức năng, nhưng từ đó cũng nảy sinh tiêu cực. Một cán bộ quản lý trật tự đô thị chép miệng: "Bây giờ giải quyết lấn chiếm đất đai, thú thật, các ông phường không hợp tác thì chúng tôi cũng đành bó tay". Rồi anh đưa ra dẫn chứng: Một người dân ở phường N.P gọi điện báo đang có chuyện đổ đất, san bằng đất hoa màu lấn chiếm ở tại địa phương. Chúng tôi đến đặt vấn đề với lãnh đạo phường giải quyết thì anh ta lại bao biện: "Họ đổ đất để chống lấn chiếm. Mấy ông chỉ giỏi dòm ngó, sục sạo thôi. Lãnh đạo phường nói vậy thì tôi biết nói gì nữa. Đành về".

5. Khi quy hoạch đô thị không theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội thì những "chuyện buồn" như vậy xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng là tình trạng của các đô thị đang phát triển cả nước. Nhà nước có chủ trương dành quỹ nhà cho các đối tượng có thu nhập thấp trong thành phố như xây nhà chung cư, bán đất hoặc nhà bằng phương thức trả dần nhưng không phải là không gặp những khó khăn. Xem ra, giải quyết "nỗi buồn đô thị" vẫn còn gian nan lắm.

. Thu Hà

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mưu sinh xứ người  (29/08/2005)
Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !  (29/08/2005)
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)
Chính phủ điện tử  (30/07/2005)