Tâm tình với "Khúc Sơn Ca" của Mai Thìn
17:2', 29/8/ 2005 (GMT+7)

Thật bất ngờ khi đọc tập thơ Khúc Sơn Ca của nhà thơ Mai Thìn (do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5-2005). Sách dày 100 trang, chia hai phần: phần đầu là "Nơi Sơn Ca làm tổ" với 21 bài thơ, và phần hai là "Khúc Sơn Ca" với 19 bài thơ. Bìa sách trình bày đơn giản, chỉ là cái tổ Sơn Ca lót bằng lau cỏ hoang dã, nhưng trang nhã và nhiều ấn tượng gợi cảm. Đây là tập thơ thứ tư của Mai Thìn, sau các tập: Cổ tích tình yêu, Hai mảnh yêu thương, Đồng quê.

Nhà thơ Mai Thìn sinh ra và lớn lên ở đất Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Định, vùng đất đẫm đầy trầm tích văn hóa mà anh đã từng giới thiệu khá kỹ trong tập Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành, do Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam và NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 2004. Ngoài công việc của Phòng văn nghệ Đài PTTH Bình Định, Mai Thìn còn là hội viên Hội VNDG Việt Nam, Ủy viên BCH Hội VHNT Bình Định. Và, với tập Khúc Sơn Ca này, Mai Thìn quả là một nghệ sĩ dân gian, anh viết về tình yêu và quê hương uyển chuyển như những vũ khúc líu lo của những chú Sơn Ca chót vót tận trời cao ca hót rồi bay lượn xuống thảo nguyên xanh, "xuống cánh đồng lúa chín".

Mai Thìn đã vận dụng những từ ngữ mộc mạc nhất để diễn tả tình cảm quê hương với những tên đất, tên làng, những di tích lịch sử một thời hào hùng của quê hương anh như: Bến Gỗ, sông Quai Vạc, Thành Hoàng Đế, Đền Văn Bình Định, ao Dìm Chuông, sông Trường Thi, Chợ Gò Găng và nhà lá mái với cột kèo, xiên trính, đòn tay... Trong Khúc Sơn Ca, Mai Thìn "phục hồi" lại những nếp sống, những vật thể, địa danh đã gần như biến dạng mà lớp con cháu chúng ta sau này chắc sẽ không hiểu về đời sống thôn dã của ông cha xưa.

Đọc tập thơ lần đầu tưởng chừng như đơn giản, chân quê, nhưng đọc lại nhiều lần nữa thì chẳng đơn giản chút nào, cứ thấy từ ngữ như rung rinh và lóng lánh bao sắc màu của làng quê đầy sinh động và phong phú, mặc dầu chữ nghĩa ấy, câu cú ấy rất mộc mạc. Đó cũng là sự cố gắng tìm tòi cách thể hiện lạ và mới của nhà thơ trẻ Mai Thìn.

Với phần một: "Nơi Sơn Ca làm tổ" mà bài thơ cốt lõi cũng mang tựa đề như vậy, anh đã giới thiệu:

"Nơi Sơn Ca làm tổ

có tiếng quẫy cá chày cá chuối

có tiếng kêu bò cái gọi đàn

và cả tiếng mùa màng rậm rực...".

Đúng vậy, Sơn Ca làm tổ không trên cành cao chót vót, không nơi cổ thụ um tùm, mà tổ của Sơn Ca làm ở đất cày vỡ, ở bụi tràm bụi duối, ở bờ ruộng sim mua, ở bờ ao có cá chày cá chuối, thật ẩm thấp, thật mong manh...

Và đây, hãy nghe nhà thơ tả "cánh đồng vàng", nó mới sinh động và trữ tình làm sao:

"Trên cánh đồng vàng nhấp nhô nón

 trắng

tiếng bò kêu, tiếng nghé ọ, em cười lao

 xao lúa hát

lúm đồng tiền nghiêng một khúc sông...

...này đây cuốc này đây liềm em tập hái

anh dạy em chăm bón ruộng vườn".

(Trên cánh đồng vàng)

Ở phần một của tập thơ, ngoài những cánh đồng vàng với tiếng bò kêu, tiếng nghé ọ, tiếng cá chày cá chuối; ngoài những ngôi nhà lá mái với cột kèo xiên trính, cau liên phòng, với giọt nước mái tranh róc rách cá rô nằm..., còn có những vùng đất, những địa danh, những di tích gắn liền với lịch sử phát triển và nền văn hóa dân gian trên quê hương người anh hùng Nguyễn Huệ. Đó là những Bến Gỗ với "những bè cây lừng lững đại ngàn, tới tấp dừng chân đổi trao mua bán...", hay những chợ Gò Găng, thành Hoàng Đế, Bến My Lăng... và có cả những địa danh hư thực huyền ảo có lẽ chỉ nằm trong ước mơ, như Rừng trúc.

Nếu nói đến quê mà không nói đến trăng thì quả là sẽ mất đi cái thơ mộng của thôn dã vậy. Ở phần một này, Mai Thìn có hai bài thơ trăng độc đáo, đó là bài "Trăng trên thành Hoàng Đế""Trăng, tôi và Hàn Mặc Tử" - một vầng trăng thi ca và một vầng trăng lịch sử:

"Trăng trên thành Hoàng Đế" thì: "Vầng trăng ấy từng lau khô nước mắt Huyền Trân, vén sợi tóc mai con gái thầy giáo Hiến, trăng trắng ngần cổ ngấn mối tình đầu Nguyễn Huệ - Quang Trung.

Vầng trăng ấy từng chuyển rung cả một triều đại cuộc hôn nhân đôi trai tài gái sắc, nàng Ngọc Hân "Ai tư vãn" khóc chồng giọt giọt châu trăng".

Và vầng trăng thi sĩ thì lãng đãng, mơ hồ đến ảo diệu:

"Tôi vẫn thường say cùng Hàn Mặc Tử bên dốc Mộng Cầm, Bãi Trứng, một vầng trăng. Người đã bán trăng, nuốt trăng rồi lại nhả ra trăng; Người đã liển xiển, liên điên cả một miền trăng lạnh.

Đêm Nguyên Tiêu tôi gánh một gánh trăng trĩu trong đôi vò rượu, uống cùng Người dốc cạn cả đam mê. Líu đíu say, liu diu cười, liu đíu khóc, rồi mang thơ thả tới mấy ngàn sao...". (Trăng, tôi và Hàn Mặc Tử)

Khi đọc đến bài này, tôi chợt nhớ đến cái đêm Nguyên Tiêu năm 2005, ngày Thơ Việt Nam lần ba tại đồi Thi Nhân - Ghềnh Ráng, chàng thơ Mai Thìn đã đọc liển xiển, liên điên bài thơ trăng này trong men rượu bên bờ Bãi Trứng, dưới dốc Mộng Cầm cùng bè bạn. Không biết lúc này Mai Thìn nhập vào Hàn Mặc Tử hay Hàn Mặc Tử nhập vào Mai Thìn mà những tiếng trăng đau đáu như: Nuốt trăng, nhả ra trăng, ngậm cứng thơ đầy miệng... nghe đến rờn rợn da gà.

Đến phần hai của tập thơ, mang tên Khúc Sơn Ca thì cái tổ ấm của chim Sơn Ca đã thật tròn đầy viên mãn. Nó toát lên hơi ấm của hạnh phúc, niềm hạnh phúc trong nhọc nhằn vất vả, trong lao động cần cù. Và, từ niềm hạnh phúc ấy đã bật lên tiếng hót ngọt ngào chất ngất, ngợi ca cuộc sống này đẹp đẽ xiết bao, và hót để thế giới hồi sinh...:

"Mặt trời lên tiếng hót em

 cao vút ngút ngàn

từng vạt dâu hắt lên trời màu mây thẳm.

Thế giới đang say đắm

thế giới đang hồi sinh

uống cạn lòng mình

em ngân lên tiếng hót".

(Tiếng hót)

Rồi sau đó là một chuỗi Khúc Sơn Ca, từ Khúc 1 đến Khúc 11.

Đây là Khúc 1, với: "... Nếu thật tình có một kiếp sau, tôi không làm thơ, không viết báo, không họp hành... mà xin trở về làm một nông phu chăm bón ruộng vườn đuề huề trăng gió./Cứ mỗi chiều hay sớm mai thức dậy bầu bạn cùng Sơn Ca líu ríu trên cánh đồng bốn mùa bận bịu".

Mai Thìn thật tinh ý khi nhận thấy loài chim Sơn Ca hồn nhiên nhất trên cánh đồng làng, trên thảo nguyên xanh, vì vậy mà anh mơ có kiếp sau hóa thân bầu bạn cùng Sơn Ca để cùng được hót, cùng được vui "sống trong khu vườn tình yêu rộn tiếng chim và hoa lá, chúng mình cùng cất tiếng ca ngợi cuộc sống này đẹp đẽ xiết bao... (Khúc 2)

Và khúc hát tình yêu thì thật nồng nàn cuồng nhiệt như muốn cuốn theo đó cả thiên nhiên, sông núi: "...Em yêu anh tình yêu sương sa tuyết lở ngất ngây ủ tảng than hồng âm ỉ nồng nàn nhận ngọn lửa cháy rừng dương.

Em yêu anh!/ Em yêu anh!/ Cuống quýt gió giông từng trận bão giật liên hồi vô tận tâm hồn em...". (Khúc 5)

Chính tác giả đã dự cảm sẽ có ngày Sơn Ca không còn hót nữa, nhưng không, tiếng hót ấy nó đi vào vô hình, vô thức của cuộc sống, của tình yêu. Và dù Sơn Ca thực sự không còn hót nữa thì cuộc sống vẫn trào dâng tiếng hót ấy thôi!: "Sơn Ca không còn hót nữa hay tiếng hót vô thanh vô ảnh cuồn cuộn dâng trong trái tim hồng...

... Chim đi rồi mùa cũng đi qua người trẻ tuổi đếm từng lần tiếng hót mót từ sông từ bãi vung vầy đem gieo cấy mong mùa sau gặt lại tiếng ngày nào tiếng hót Sơn Ca...".

(Sơn Ca không còn hót nữa)

Sơn Ca không còn hót nữa, hay tiếng hót ấy hóa thân thành tiếng lúa reo, gió hát, những khúc ca dao, đồng dao, những câu hò thôn nữ lanh lảnh lời ca mượt mà tình ái: "Cuộc đời thay chỗ cho tiếng hót ấy bằng những âm thanh khác lóng lánh gấp gao và nồng cháy...".

 (Khúc 11)

Cứ thế, tiếng hót ấy, sợi chỉ thanh mảnh ấy xuyên suốt toàn bộ tập thơ, lúc chùng, lúc căng, lúc lả lơi réo rắc, ngân vang mãi trong tâm tưởng người đọc. Khúc Sơn Ca của Mai Thìn là khúc hát về nguồn, về với cái đẹp hồn nhiên của thôn dã, cái trong lành, thơ mộng, cái ung dung tự tại. Ở đấy không có sự xô bồ gấp gao của cuộc sống; ở đấy có một tình yêu và hạnh phúc chân - thiện - mỹ tròn đầy.

Qua Khúc Sơn Ca, Mai Thìn đã dựng lại một hình ảnh quê nhà với dòng sông, bến nước, con đò, ánh trăng, làn gió, tiếng chim ca, tiếng nghé ọ... bừng sống dậy trong lòng người.

Và, cùng với lối thơ tự do, thơ văn xuôi, một mảnh đất tuyệt vời cho những chuỗi cảm xúc trào dâng, Mai Thìn đã sử dụng một cách đắc địa những từ láy kép mang đẫm hơi thở của đồng quê, như: líu ríu, liu địu, liển xiển, liên điên, le se, gấp gáo..., đó cũng là những từ lóng của người Bình Định. Trong khi nhiều cây bút trẻ bây giờ đang đổ xô đi tìm một lối đi mới cho thơ ca ở các thể loại thơ triết học, thơ tắt tị, kỳ bí hay đi sâu khai thác bản năng sinh lý con người... thì nhà thơ Mai Thìn lại trở về với nông quê, và chính điều này đã mang lại thành công lớn cho thơ anh.

. Hồ Thế Phất

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện buồn đô thị  (29/08/2005)
Mưu sinh xứ người  (29/08/2005)
Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !  (29/08/2005)
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)
Cuộc sống nơi xóm núi  (30/07/2005)
Những mảng khuyết  (30/07/2005)