Nhà Rông của người Bana Hoài Ân
17:11', 29/8/ 2005 (GMT+7)

Đề cập đến những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người miền núi, người ta thường nhắc đến các lễ hội dân gian mang đậm tính cộng đồng; các trang phục thổ cẩm lung linh sắc màu; các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ cồng chiêng; hương men rượu cần làm đắm say bao người dưới ánh lửa bập bùng giữa không gian tĩnh mịch của núi rừng… Và đặc biệt, người ta không quên nhắc đến hình ảnh mái nhà cong vút sừng sững giữa làng. Đó là nhà Rông - di sản kiến trúc truyền thống độc đáo của một số đồng bào dân tộc ít người ở miền núi, trong đó có dân tộc Bana.

Mô hình nhà Rông Bana của huyện Hoài Ân tại Lễ hội VHTT các dân tộc miền núi 2005.

Nhà Rông của đồng bào Bana Hoài Ân thường xây dựng trên một khu đất cao ráo giữa làng. Nhà Rông ở vùng này không có mái cong cao vút như nhà Rông Bana Tây Nguyên, song nó được các nghệ nhân trong làng tạo dựng mái nhà có độ dốc cao, nhiều đường vòng cung mềm mại, tạo cảm giác như hình chiếc rìu khổng lồ vút lên trời cao. Giống như các loại kiến trúc khác, nhà Rông Bana Hoài Ân cũng được làm từ các chất liệu vốn có sẵn trong tự nhiên tại địa phương như gỗ, tre, nứa, tranh, mây, dây rừng… Nhà xây dựng không có kèo, không đóng đinh vặn ốc mà chỉ khoét mộng, móc ngàm và buộc dây mây; mái lợp tranh buộc lạt; tường không trét đất mà dựng phênh bằng vỏ cây, bằng tre, nứa. Cột nhà Rông thường dùng các loại cây gỗ tốt, mỗi nhà Rông có thể có từ 8 đến 16 cột to, sàn nhà thường làm cao cách mặt đất từ 1,5 đến 2m, lát bằng gỗ và tre, nứa. Giữa sàn nhà Rông thường có hàng trụ do từng hộ gia đình trong làng tự làm nhằm để buộc chặt các ché rượu khi cúng hoặc tiếp khách của làng, hai bên đầu hồi nhà Rông thường là hai nơi đặt bếp, hai bếp này luôn có lửa cháy suốt ngày đêm. Trên tường, trên các trụ cột nhà Rông thường treo các trống lớn, trống nhỏ, cồng chiêng, ngoài ra còn treo các thứ khác liên quan đến tài sản chung của dân làng, của cha ông để lại… Nhà Rông xây dựng to, nhỏ lệ thuộc vào kinh tế của nhân dân trong làng, làng có dân đông, giàu có thì nhà Rông xây dựng to lớn. Chính vì điều này mà khi nhìn uy thế nhà Rông, ta biết được sự trù phú của làng.

Nhà Rông là nơi hội họp của dân làng, nơi dân làng nghe các già làng công bố những vấn đề hệ trọng liên quan đến đời sống vật chất và đời sống tâm linh của tất cả mọi cư dân trong làng; nơi tổ chức cúng Yàng, cúng các thần linh; nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, và diễn ra các lễ hội dân gian, những nghi lễ tín ngưỡng của làng; là nơi duy nhất người dân cầu xin điều ước nguyện của mình với các thần linh, mong các thần linh ủng hộ để buôn làng no ấm, an lành, hạnh phúc… Chính vì lẽ đó mà người ta mới cho rằng nhà Rông là linh hồn của làng.

Nhà Rông truyền thống của dân tộc Bana Làng O6 xã Đakmang.

Nhà Rông, cũng như nhà sàn để ở của từng dân tộc, tuy có cái nét riêng, nhưng cái chung nhất là điểm tương đồng về việc xây dựng nhà phù hợp trong môi trường sống (vùng rừng núi ẩm thấp; nhiệt độ, độ ẩm chênh lệch lớn giữa ngày và đêm; mưa, nắng của thiên nhiên khó lường trước; vùng có nhiều thú dữ…). Đó là điểm khác biệt về việc xây dựng nhà ở của người miền núi so với người miền xuôi. Việc xây dựng nhà ở, bố trí khu dân cư của người miền núi cũng có nhiều nét riêng phù hợp với cách sống, lối sống, nếp nghĩ, về đời sống tâm linh, về phong tục tập quán đã được truyền lại từ bao thế hệ. Đó là nét đặc trưng trong văn hóa truyền thống của từng dân tộc, cần gìn giữ và phát huy.

Nhà Rông truyền thống là một công trình văn hóa có kiến trúc độc đáo, nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc miền núi, của dân tộc Bana Hoài Ân. Việc khai thác, xây dựng lại các nhà Rông truyền thống của các làng đồng bào dân tộc Bana Hoài Ân nói riêng, Bana và Chăm ở Bình Định nói chung là cần thiết. Hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương xây dựng các nhà Rông Văn hóa, hỗ trợ và khuyến khích người dân xây dựng nhà bằng chất liệu bền vững. Đây là chủ trương phù hợp với nguyện vọng của đồng bào các dân tộc miền núi. Thế nhưng, xây dựng nhà Rông Văn hóa không thể tách rời nhà Rông truyền thống, cũng không thể bê nguyên mẫu nhà Rông truyền thống để gọi là nhà Rông Văn hóa. Thiết nghĩ, việc xây dựng nhà Rông Văn hóa nên giữ nguyên hình dáng của nhà Rông truyền thống và có thể thay đổi chất liệu bền vững cho nhà Rông là cần thiết trong xu thế phát triển hiện nay. Về nhà ở cũng cần có định hướng phù hợp để người dân miền núi xây dựng bằng chất liệu bền vững, nhưng không nên xây nhà theo kiểu "kinh hóa".

Văn hóa từ nhà ở, nhà Rông cộng đồng của dân tộc miền núi là một đặc trưng trong văn hóa các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Xây dựng, bảo tồn, phát huy nét văn hóa ấy chính là chúng ta đang thực hiện công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng đã đề ra.

. Hà Hoài Ân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (29/08/2005)
Tâm tình với "Khúc Sơn Ca" của Mai Thìn  (29/08/2005)
Chuyện buồn đô thị  (29/08/2005)
Mưu sinh xứ người  (29/08/2005)
Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !  (29/08/2005)
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)
Bước đi mạnh mẽ  (30/07/2005)