Ở nhà lá mái
17:18', 29/8/ 2005 (GMT+7)

. Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

"Ăn cơm gà, ở nhà ba gian lá mái". Tôi vẫn nghe câu nói ấy ở vùng quê tôi. Ăn cơm gà "tục tác lá chanh" thì ai cũng biết; nhưng ở nhà lá mái có người biết, người không và mai sau này sẽ không còn ai biết.

 

Một kiểu nhà lá mái xưa còn tồn tại ở một làng quê huyện Phù Cát (ảnh chụp năm 1970).

 

* Nhà lá mái là nhà như thế nào?

Xin hãy đi từ cái nhà cặp, nhà mái.

Nhà cặp là nhà tranh ba gian hai chái, có sườn nhà là các cột tre hoặc cột gỗ, rui mè tre, vách trét đất, nền đất, cửa ra vào mở ở chái tây (phần lớn các nhà quay mặt hướng nam), tiếp theo là hàng phên giại chạy suốt mặt trước nhà, hè hẹp.

Nhà mái cũng là nhà tranh ba gian hai chái nhưng có cột, kèo, xiên, trính là gỗ danh mộc, nền đất nện hoặc nền lát gạch Bát Tràng, mặt tiền mở cửa ra vào ở hai chái, dựng bàn khoa ở ba gian giữa, hè nhà rộng có hàng cột trong hệ thống cột hàng nhất, hàng nhì, hàng ba… Trần nhà mái là trần bằng trét một lớp đất dày trên sìa tre trải trên mặt đà gỗ hoặc tre ngâm. Đất trét là đất thịt nhào rơm, đạp nhuyễn. Cũng có nhà năm gian hai chái, dựng cổng trước năm gian thờ, dựng một lần cổng nữa hoặc phên giại ở trước hè. Cửa ra vào chái tây thường mở, bàn khoa, cửa chái đông chỉ mở những ngày nhà có lễ trọng như quan hôn, tang tế.

Nhà lá mái là nhà mái có thêm mái đất, gọi là lá mái. Lá mái là cái trần nhà đắp đất trên những tấm tre đan đặt xiên theo mái nhà được chống đỡ bởi những đà ngang bằng gỗ. Giữa mái nhà và lá mái có khoảng hở ở chân mái chừng 3-4 tấc, ở nóc nhà chừng một thước. Cũng có nhà, lá mái không đắp đất mà đóng bằng ván dày. Lá mái ván không bảo vệ được ngôi nhà khi bị hỏa hoạn ở bên ngoài, không thấy rõ được thời tiết mùa nóng, mùa lạnh ảnh hưởng vào bên trong nhà như lá mái đất. Kèo, xiên, trính, bàn khoa nhà lá mái được chạm trổ mỹ thuật, cột nhà luôn được chùi bóng láng.

* Nhà chữ Đinh

Hình như các cụ xưa cất nhà lá mái là để có một nơi thờ phượng hơn là để ở. Cái nhà ấy, các cụ gọi là "nhà trên".

           Cấu tạo xiên, trính của nhà lá mái xưa.

Nhà trên được nối với nhà dưới bởi cái nhà cầu có cửa lên nhà trên, một khung cửa gỗ lắp ván, ngưỡng thấp hơn đầu người. Nhà dưới là nhà ngang, các nhà phụ là một chuỗi những nhà buồng, nhà lẫm (nhà chứa thóc), nhà bếp, phòng ăn… xoay quanh một cái sân nhỏ gọi là sân cát, nơi để hòn non bộ, vò nước, chậu thau rửa mặt đặt trên quán tẩy. Nhà cầu có phên giại ngó ra sân, nơi thường trải chiếu dưới đất, dọn mâm cỗ ngày cúng giỗ. Nhà dưới hợp với nhà trên thành nhà chữ Đinh. Ở quê tôi, ít thấy có nhà chữ Môn, chữ Công, những dinh cơ của các bậc đại phú. Các nhà cầu, nhà buồng, nhà phụ có trần bằng, cũng có nhà làm trần bích tức là trần đất như trần bằng nhưng được tô vôi, mới nhìn tưởng như trần đúc bê tông thời bây giờ.

* Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Nhà lá mái có sân vườn rộng rãi. Từ sân bước lên hè có thềm tam cấp (3 bậc) bằng đá ong. Thường thì sân trước trồng cau liên phòng, hai bên nhà trồng cây ăn trái (lê, lựu, bưởi, chanh…), vườn sau trồng chuối, lại còn có ruộng chân cao, tháng giêng gieo mạ, tháng tám trồng lúa nếp hương. Xung quanh nhà có hàng rào. Hàng rào duối hay hàng rào chè phía trước cắt tỉa thẳng, trổ ngõ ra đường làng hoặc ngõ xóm. Ngõ là một nhà ngõ lợp tranh, kèo cột bằng gỗ, có đôi cánh ngõ ván chắc chắn. Nhiều nhà có ruộng tư trước ngõ (thường gọi là đám Ngõ) để trồng lúa và làm ao sen. Hàng rào ba mặt còn lại là hàng rào trồng tre xanh tốt. Vườn sau có ngõ trổ giữa hai lùm tre, ngó ra gò, ra đồng. Nhiều nhà chỉ mở ngõ trước khi có khách, thường thì đi ngõ sau. Con dâu theo chồng xa mẹ, nhớ mẹ ra đứng ngõ sau mà thở than với lòng: "Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều". Giếng nhà là giếng khơi bộng đá ong, nước ngọt, xách nước bằng cần vọt. Bên giếng có bình phong bằng cây chè xanh cắt tỉa ngay ngắn, lại có hồ chứa nước, có bóng cây cau - dây trầu nguồn quấn quanh xanh mướt trùm mát, làm chỗ cho đàn bà con gái trong nhà ra ngồi gội đầu nước hương nhu, làm cớ cho anh trai làng trách cô thôn nữ: "Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài/ Ai dè giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây". Vườn nhà nào cũng dành riêng một khoảng sân cho chăn nuôi gia cầm, gia súc. Nhà có vườn thì có người làm vườn, dạo vườn. Có lẽ, cái vườn ở thôn Vỹ Dạ trong thơ Hàn Mặc Tử không khác mấy cái vườn của quê tôi: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Ít có nhà không có đụn rơm, đống rạ chất cao trong sân, trong vườn. Nhà càng giàu thì đụn rơm, đống rạ càng lớn, càng cao.

* Một cõi tâm linh, một không gian đầy chữ nghĩa

Ba gian giữa của nhà trên đặt bàn thờ làm trung tâm, thường là ba bộ án giò nai. Trước bàn thờ kê phản ngựa hoặc đặt trường kỷ. Chái tây còn kê thêm phản ngựa bên cạnh cửa sổ nhìn ra vườn cây ăn quả. Chái đông kê giường, đặt tủ chè. Bàn ghế, phản ngựa nhà trên thường để dành cho việc tiếp khách, còn người nhà có chỗ ở nơi nhà dưới. Nhà nào cụ kỵ ông vẫn còn thì cụ kỵ ông ngủ ở giường nhà trên. Đặt trên án thờ giò nai có đủ những đồ thờ quý giá như lư đồng mắt cua, đèn đồng lá sen, lục bình sứ men xanh. Phía trên án thờ có hoành cẩn xa cừ hoặc hoành sơn mài chữ thếp vàng, đầu án có nghi thêu, chân án có khậu thêu, hàng bàn khoa phía trước treo trướng thêu, rồi thì mỗi cây cột nhà là mỗi câu liễn cẩn, đầu tường chái tây có những tấm bích họa… Hoành, trướng, liễn đối đầy chữ nghĩa, những câu chữ cao sang, có trong sách vở thánh hiền mà gần gũi với gia phong, thành đạt của chủ nhân.

Nhà ở bây giờ, nhiều nhà không có nhà trên. Chủ nhà chuộng sự thờ phượng "đơn giản" bằng cách cắm vài cái trang vào tường lửng lơ làm chỗ thờ gia tiên hoặc thờ Phật, thờ Thánh theo tín ngưỡng của chủ nhà. Vì chủ nhân ngôi nhà muốn dành diện tích còn lại cho phòng ngủ, phòng ăn, phòng sinh hoạt gia đình, phòng nghe nhìn… Phòng nào cũng thật rộng với đủ đồ đạc tân thời, máy móc hiện đại mà thiếu tủ sách, giá sách, ngoài mấy chồng sách giáo khoa của con cái đặt trên bàn học. Nhà trên của người xưa là một thế giới đầy chữ nghĩa dạy đạo làm người và nuôi dưỡng những ước mơ cao đẹp cho tâm hồn. Chữ nghĩa trên hoành phi thì Đức lưu phương, Đức lưu quang, Tích thiện đường; trên liễn đối thì thơ phú mừng vui việc nọ việc kia, thường thơ đi kèm với họa theo kiểu "nhất thi nhất họa"; trên nghi trướng thì đủ các chữ Phước Lộc Thọ, Phú Quý Vinh Hoa; bích họa thì không thiếu những bức cảnh non nước hữu tình, sự tích người xưa Nằm giá khóc măng, Chu Mãi Thần vai gánh củi miệng đọc sách, Lã Vọng câu cá đợi thời… Cũng nên kể một chút về "nghệ nhân" kỳ lạ này: Người vẽ bích họa. Một hôm khăn gói gió đưa, ông thợ vẽ vào làng, ông ở lại nhà ông Cả Nghi vài ngày, ở lại nhà ông Xã Huệ vài ngày… Ông vẽ cho mỗi nhà mấy bức trên tường như một tay thư pháp giỏi, một tay họa sĩ tài hoa, rồi ra đi với lòng lưu luyến tấm thịnh tình tiếp đãi và thù lao "trọng người có chữ" của chủ nhà.

* Ở nhà lá mái có cái thú gì?

Tôi đã từng nghe thấy, người ta liên hệ cái nhà lá mái xưa với cái nhà gắn máy điều hòa nhiệt độ thời nay, và còn chê nhà này thua nhà kia. Bạn tôi đi công tác, không ngồi được trên xe mở máy điều hòa, không ngủ được phòng lạnh ở khách sạn, nhăn nhó bảo: "Nó khó thở, ngột ngạt không chịu nổi". Ông Trần, tuổi lục tuần, mươi ngày nay không chịu nổi cái nóng bức mùa hè, ngồi đâu, đi đâu cũng thở than cái thời tiết. Ông Trần, ông Hạnh gặp nhau. Ông Trần bảo: "Cầm áo mặc, áo nóng; ngả lưng trên đi văng, đi văng nóng; tránh cái nóng trong nhà, chạy ra biển ngồi, cũng nóng!". Ông Hạnh được dịp "ôn cố tri tân": "Hồi trẻ ở quê với ông cụ, sống trong một ngôi nhà lá mái. Trưa hè nắng đổ hào quang đom đóm ngoài trời mà trong nhà thì vẫn mát, mát lạnh. Cha nằm võng mắc dọc theo hàng bàn khoa, đung đưa hưởng ngọn gió nồm mát mẻ thổi qua ngạch cửa rồi phất lên nhè nhẹ mơn man, thế là ông cụ đánh một giấc trưa ngon lành. Con trai cởi áo nằm phản ngựa bên cửa sổ chái tây, mới đặt lưng xuống đã nghe cảm giác hơi lạnh đâu sẵn trong thớ gỗ truyền vào thịt da làm cho mát mẻ, chưa chi đã "hồn bướm mơ tiên" hết buổi trưa hè. Ông Trần hăng hái bình: "Ông thợ hồ đời nay đặt lam thông gió trên đầu cửa. Người xưa khôn hơn người đời nay ở chỗ chừa thông gió dưới ngạch cửa, cái luồng gió kéo qua sông, qua ruộng mang  theo hơi nước, cứ là là rồi thổi qua ngạch cửa vào nhà, thì làm sao không mát. Đến mùa đông, muốn tránh lạnh thì nhét con cúi rơm vào ngạch cửa là chận được khí lạnh không vào nhà, giữ cho trong nhà ấm áp. Thử hỏi vậy có khôn hôn?". Hồi 9 năm kháng chiến, tôi học trường cấp 2-3 Hòa Bình (An Nhơn), được trọ học nơi một nhà ở gần trường. Học sinh ở trọ có tôi và 3 bạn nữa. Chủ nhà là một địa chủ tham gia kháng chiến, làm tới Chủ tịch Liên Việt huyện, quý học trò, cho chúng tôi ở nhà trên, một ngôi nhà lá mái. Ở đây chúng tôi được học tập trong một không gian yên tĩnh, dễ bề tập trung vào việc học. Trọ học 3 năm, chúng tôi xem hoành, xem liễn, đọc đại tự, thơ đối, xem cách "tiếp nhân xử vật" của chủ nhà, không biết cái điều Chân - Thiện - Mỹ ở đời nó nhập tâm vào chúng tôi lúc nào.

* Chú Đáo bên đình lên với tớ

Chủ nhân của những ngôi nhà lá mái là những nhà giàu có ở nông thôn, kể từ ông bá hộ, lý cựu, lý đương, thầy đồ cho tới ông nghè, ông cử, thừa phái, tri huyện, cho tới ông tuần vũ, tổng đốc về hưu… Ông quan thanh liêm đi nhậm chức ở triều đình, ở tỉnh xa ít khi dẫn vợ con đi theo mà vẫn để vợ con ở nhà làm ruộng, làm vườn như những người dân quê khác ở trong làng. Tới tuổi về hưu hay từ quan thì ông quan về sống nơi làng quê của mình, làm ruộng làm vườn không cho là việc khó nhọc mà bảo là "được hưởng cái thú điền viên". Ở quê tôi, có nhà ông Phủ Hòa Cư, ông Phủ Chánh Mẫn, ông Cụ Biểu Chánh, ông Tiến sĩ Hòa Cư… Cả một thời niên thiếu đi học trường làng, trường huyện, dạo làng quê, tôi vẫn thường đi ngang qua những nơi đó. Nhà ông Tiến sĩ Hòa Cư chỉ là cái nhà cặp, chứ không phải nhà mái. Thời đó, tôi chưa thấy có ông quan hưu trí nào có nhà ở thành phố, thị trấn, ngoại trừ ông Đốc Lăng (Đốc học, làm Thanh tra Học chánh tỉnh) có nhà ở thị trấn Bình Định (An Nhơn), dưới cửa Đông. Còn cách sống, quan hệ với xóm làng của các cụ thì tôi được nghe nói cụ Đào Tấn cả thời gian về nghỉ hưu ở làng quê Vinh Thạnh (Tuy Phước) vẫn lên chơi trên núi Huỳnh Mai, chùa Linh Phong, vẫn đi về nơi làng sinh quán Tùng Giản. Các cụ sống vui như cụ Nguyễn Khuyến (nhà thơ, vị đại khoa bảng, làm quan tới Sơn - Hưng - Tuyên Tổng đốc) đã viết: "Chú Đáo bên đình lên với tớ/Ông Từ xóm Chợ lại cùng ta". Đạo đức thay! Thân dân thay!

* Những người muôn năm cũ

Bây giờ, tôi khó tìm lại những nhà lá mái cổ, thỉnh thoảng có gặp một vài ngôi nhà lá mái đã qua cải tạo. Cái nhà cải tạo tôi đã gặp cách đây vài năm là nhà ông Hiệp ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú (Tây Sơn). Nhà ba gian hai chái, lợp ngói, nhà ngõ ngói; bên trong nhà được giữ khá nguyên vẹn; cột, kèo, xiên, trính, lá mái còn vững chắc; án thờ, trường kỷ, phản ngựa, hoành, trướng, liễn đối còn nguyên; cửa ra vào hai chái, bàn khoa trước ba gian thờ không thay đổi; giữa nhà còn treo chiếc đèn Hoa Kỳ nhưng không thắp, ban đêm đã có ánh điện. Giữ được như vậy quý lắm rồi, nhất là khi ta hiểu được những vật đổi sao dời trên quê hương quá nửa thế kỷ trước. Ông Hiệp ngoài 50 tuổi mời tôi ngồi uống trà ở phản chái tây, nhìn qua cửa sổ thấy vườn cây lúc lỉu những quả xanh, quả chín. Ông Hiệp trầm ngâm nói với tôi: "Ngôi nhà  nầy do cố ngoại tui cất, ông ngoại "kế nghiệp" thay nền đất bằng nền gạch Bát Tràng, rồi mua sắm thêm phản ngựa, tủ chè… Ông ngoại không có con trai, cha tui là con rể đi lính Cụ Hồ đánh Pháp, rồi đi tập kết; mẹ ở nhà muôi con, không làm nên sự thay đổi gì. Đến đời tui, rạ tranh khan hiếm, tôi thay mái tranh bằng mái ngói, nhà ngõ cũng lợp ngói luôn một thể. Rồi cũng có tráng xi măng nền giếng và làm một số thay đổi lặt vặt khác". Tôi có hỏi ông Hiệp rằng ông có bao giờ nghe các cụ nói về những người thợ mộc, thợ mái ở quê mình hồi xưa? Ông Hiệp trả lời: "Sinh thời ông ngoại có kể, rồi cha tui cũng có kể những gì ông biết. Rằng, hồi xưa cố ngoại tui làm được nhà là nhờ giá nhân công rất rẻ, chủ nhà chỉ lo đãi thợ đủ ba bữa cơm no mỗi ngày; nhà làm xong, chủ nhà lo lễ vật cho các ông bầu mái, bầu mộc, bầu chạm trổ, bầu đất cúng tổ, đãi thợ; "đi Tết" 3 năm cho mấy ông bầu đúng lễ nghĩa là được. Chạm trổ cho xong mỗi một cái đầu kèo hình loan, hình phụng phải cả tháng công, trả công nhật như bây giờ thì ai mà trả nổi". Ông Hiệp dẫn tôi đi xem, chỉ cho tôi thấy cài tài nghệ khéo léo của người thợ xưa trong từng nét chạm, nét trổ ở đầu kèo, ngọn trính, chân án thờ, tay trường kỷ, trong từng họa tiết trên mảnh ốc xa cừ lóng lánh sắc màu trên những tấm hoành, câu liễn… Tôi nói với ông Hiệp bằng cả niềm cảm phục sâu lắng trong lòng rằng, cái hồn của người xưa còn đó.

Hè - 2005

. H.K.B

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà Rông của người Bana Hoài Ân  (29/08/2005)
Thơ  (29/08/2005)
Tâm tình với "Khúc Sơn Ca" của Mai Thìn  (29/08/2005)
Chuyện buồn đô thị  (29/08/2005)
Mưu sinh xứ người  (29/08/2005)
Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !  (29/08/2005)
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)
Chuyện về Mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Công Thạnh  (30/07/2005)
Cùng nhau hợp tác để phát triển thương mại, du lịch  (30/07/2005)