Nghề nuôi ba ba sẽ hồi sinh
17:26', 29/8/ 2005 (GMT+7)

Đến thời điểm này có thể nói rằng "cơn bĩ cực" của con ba ba ở miền Trung đã trôi qua. Và, trong vài năm gần đây đã có không ít người nông dân bắt đầu ăn nên làm ra từ nghề nuôi ba ba. Bên cạnh những địa phương còn chưa "hồi sức" trước thất bát của những vụ ba ba năm trước thì cũng đã có nhiều địa phương xuất hiện những tín hiệu "hồi sinh" của nghề nuôi ba ba…

                          Ba ba con.

Những năm trước, đã có khá nhiều người sớm tìm đến với nghề nuôi ba ba. Nhưng  vào thời điểm ấy, đa số các hộ nuôi lại chưa nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên sự phát triển nghề này rất hạn chế. Đồng thời, đầu ra con ba ba lúc bấy giờ rất bấp bênh, chủ yếu chỉ dựa vào các nhà hàng đặc sản, nên giá cả rất "ba hồi ba chặp" khiến người nuôi chán nản mà lơ là dần. Theo đó, con ba ba cũng dần bị lãng quên trong những hướng làm ăn của người nông dân. Thế nhưng trong vài năm gần đây, cùng với đà phát triển của ngành du lịch, con ba ba trên nhiều vùng đất trong khu vực miền Trung đã vượt qua "cơn bĩ cực" và đã từng bước sang "thời thái lai" với cái giá ổn định từ 150.000 - 180.000đ/kg và "ngõ ra" cũng ngày càng thông thoáng hơn. Đây là động lực kéo nhiều hộ nông dân quay trở lại với nghề nuôi ba ba và đã có không ít người thành công, vươn lên làm giàu.

* "Cơn bĩ cực" ở Bình Định

Bình Định cũng có một thời kỳ phong trào nuôi ba ba phát triển. Đó là vào thời điểm của những năm 1995 - 1996, khi giá ba ba trên thị trường lên đến cực điểm 600.000đ/kg. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nhập cuộc với hy vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi dưới nước, theo đó mở ra hướng làm giàu mới đầy triển vọng cho nông dân trong tỉnh. Qua theo dõi, ba ba nuôi đều sinh trưởng và phát triển rất tốt, sau 6 tháng đã bắt đầu đẻ, tỉ lệ nuôi sống trên 90%, trọng lượng ba ba trưởng thành đạt bình quân 2 kg/con trở lên. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu không có gì thay đổi về đầu ra thì việc làm giàu đã nằm trong tay những hộ nông dân này. Nhưng khốn khổ thay, chính vào thời điểm các hộ gia đình chuẩn bị gặt hái thành quả của mình thì đột nhiên ba ba trên thị trường lại bắt đầu rớt giá "vùn vụt". Từ cực điểm 600.000đ/kg, còn 300.000đ/kg, rồi 200.000đ/kg. Thấy ba ba rớt giá, các hộ nuôi hốt hoảng vội vàng "đẩy ngay", nhờ đó thanh toán được nợ, chỉ lỗ lã chút ít. Ngược lại, vẫn còn một số hộ gia đình "tiếc", đã chần chừ không chịu bán, trữ ba ba lại với hi vọng chờ giá nhích lên. Nhưng ai đâu ngờ, càng cầm cự thì giá lại càng rớt dài …, đến thời điểm tháng 5-2002, ba ba chỉ còn 60.000đ/kg nhưng oái oăm thay lại không có người mua …

Bây giờ, số hộ nuôi ba ba ở Bình Định chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Thông (thôn Hiển Đông - Canh Hiển - Vân Canh) còn chừng 100 con trên diện tích ao nuôi 200 m2. Mô hình ông nuôi chỉ thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương, hồ nuôi tại vùng nước mạch không khô nước, ba ba phát triển rất tốt, thế nhưng do đầu ra không ổn định nên ông chủ yếu nuôi để giữ giống. Ông Trần Văn Phúc - Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến ngư Bình Định - cho biết: "Thú thật, hiện tại nhắc đến ba ba, dân Bình Định vẫn e ngại bởi họ đã chịu thua lỗ nhiều vì tiêu thụ khó khăn, mặc dù kỹ thuật nuôi ba ba, cho sinh sản và nuôi thương phẩm tại Bình Định rất tốt. Hiện Trung tâm cũng chưa có hướng phát triển mới cho con ba ba, nhưng nếu tìm được đầu ra ổn định thì chắc chắn ba ba vẫn là cơ hội cho người dân Bình Định làm giàu …".

* "Ngày thái lai" ở xứ Quảng

                 Ba ba thương phẩm.

Trái với Bình Định, phong trào nuôi ba ba tại 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam đang phát triển mạnh. Tại Quảng Ngãi, anh Đỗ Văn Trị (phường Nghĩa Lộ - thị xã Quảng Ngãi) là người đang rất nổi tiếng về nuôi ba ba với thu nhập lãi ròng hơn 30 triệu đồng/năm. Đạt được thành quả này, anh Trị đã phải đầu tư vào nghề không chỉ vốn liếng mà còn có cả trí lực. Bắt đầu từ năm 2001, với lưng vốn chỉ có 1 triệu đồng nhưng bên cạnh đó anh Trị có một niềm tin vững chắc về "tương lai" của con ba ba nên anh đã lặn lội vào đến Bình Thuận học hỏi kỹ thuật nuôi. Cũng trong năm ấy, anh Trị mua 200 con ba ba giống (4 triệu đồng) về thả vào 5 chiếc hồ nổi được xây dựng kiên cố bằng gạch. Đáy hồ là một lớp bê tông dày từ 3 - 5 cm được láng xi măng để chống thấm. Để làm sạch môi trường hồ nuôi trước khi thả giống, đáy hồ được đổ một lớp đất hoặc cát dày từ 10 đến 20 cm, sau đó hồ được ngâm nước trong 20 ngày, đồng thời anh dùng thuốc Malachite Green khử trùng với liều lượng từ 4 - 10g cho 10 - 20 m2 hồ. Trước khi thả con giống, nước hồ được xả sạch và hồ được rửa lại một lần nữa. Chính nhờ tạo điều kiện tốt cho môi trường sống của ba ba như thế nên tỉ lệ sống và phát triển của con giống ban đầu rất lớn.

Việc nuôi đàn ba ba một tháng tuổi trong điều kiện gia đình cũng khá công phu. Thức ăn của chúng là lòng đỏ trứng gà hoặc cá cơm (bỏ đầu) hấp chín. Để tránh thức ăn thừa làm nhiễm bẩn hồ, mỗi tuần anh Trị thay nước một lần. Nhờ thế, trong suốt quá trình nuôi, đàn ba ba của anh chưa mắc phải bệnh đốm trắng. Khi ba ba đã được 3 tháng tuổi, thức ăn của chúng đã được chuyển sang những món tươi sống như : tôm, cua, ốc… Với cách chăn nuôi như thế, đàn ba ba của anh Trị phát triển rất nhanh. Đến cuối năm 2002, anh Trị đã có đến 140 con ba ba sinh sản. Ba ba sinh sản được anh nuôi trong một hồ riêng rộng khoảng 20 m2, sâu 1 m. Bên cạnh có một hồ nhỏ diện tích khoảng 1,5 m2 có mái lợp chống mưa nắng, đáy hồ đổ một lớp cát dày từ  20 - 30 cm. Giữa hai hồ có một cửa thông để ba ba mẹ bò lên đẻ trứng. Anh Trị "bật mí": Trứng phải được lấy ngay trong ngày, chứ nếu để sang ngày sau, lũ ba ba mẹ tranh nhau đẻ trùng ổ, sau này chuyển sang ấp trứng sẽ nở không đều. Nơi ấp trứng cũng được trang bị riêng bằng một hồ nhỏ rộng 2 m2, cũng được đổ cát dày 30 cm. Trứng phải luôn được giữ ở nhiệt độ từ 25 - 30oC bằng đèn điện. Với chế độ nuôi như thế, ba ba chỉ 5 -6 tháng tuổi đã đạt trọng lượng 1,3 kg. Năm 2004, chỉ bán ba ba giống thôi anh Trị đã thu lãi được trên 32 triệu đồng. Từ thành công của anh Trị, hiện nay phong trào nuôi ba ba ở Quảng Ngãi đang ở giai đoạn cao trào.

Còn ở Quảng Nam thì nghề nuôi ba ba đã tiến đến quy mô trang trại. Đó là trang trại nuôi ba ba của anh Đỗ Văn Ký nằm dưới chân đồi Bồ Bồ (Điện Tiến- Điện Bàn). Trang trại có quy mô rộng 1.000 m2, có thể nuôi đến 5.000 con giống. Anh Ký bước vào nghề nuôi ba ba với cảnh "vạn sự khởi đầu nan", tỷ lệ con giống phát triển bình thường chỉ có 20%. Không nản lòng, được Công ty cổ phần thương mại Lý Thanh Sắt ở Hà Tĩnh cung cấp, bảo hành con giống đến 4 tháng tuổi (1/3 thời gian sinh trưởng của ba ba) và bao tiêu sản phẩm nên anh Ký đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và thêm 60 triệu đồng mua 5.000 ba ba giống về thả nuôi. Không chỉ có ba ba, về lâu dài, anh Ký sẽ còn thả nuôi cá dưới hồ nước thải và nuôi ngan ở khu vực quanh hồ để lấy ngắn nuôi dài.

Hiện nay, con ba ba đang có nhiều thị trường tiêu thụ lớn ở nước ngoài như Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Giá cả ba ba vài năm gần đây đã ổn định khoảng 150.000đ/kg. Trước những điều kiện thuận lợi như vậy, trong những năm tới, nghề nuôi ba ba ở khu vực miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng sẽ thực sự "hồi sinh"!

. Hải Âu - Vũ Đình

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghề đúc đồng ở Bằng Châu  (29/08/2005)
Ở nhà lá mái  (29/08/2005)
Nhà Rông của người Bana Hoài Ân  (29/08/2005)
Thơ  (29/08/2005)
Tâm tình với "Khúc Sơn Ca" của Mai Thìn  (29/08/2005)
Chuyện buồn đô thị  (29/08/2005)
Mưu sinh xứ người  (29/08/2005)
Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !  (29/08/2005)
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)
Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh  (30/07/2005)
Có một ngục tù như thế !  (30/07/2005)