Thế giới ca ngợi Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam
Lịch sử đã đứng về phía ông Hồ !
17:32', 29/8/ 2005 (GMT+7)

Trong lịch sử Việt Nam, mùa thu năm 1945 được gọi là Mùa Thu Cách mạng! Một cuộc cách mạng đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thành lập Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đề cập đến sự kiện lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chẳng những người lao động, nhân dân Việt Nam mà cả những người lao động ở các nước bị áp bức khác, cũng có thể tự hào rằng: Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa".

 

Ngày 1-1-1955, hàng chục vạn nhân dân thủ đô đã tổ chức mít tinh và tuần hành mừng đón Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trở về thủ đô sau gần 9 năm lên Việt Bắc lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

 

Nhiều nhà sử học, nhà văn, nhà báo... nước ngoài đã viết những tác phẩm lớn nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam, và đã dành cho cuộc cách mạng của chúng ta những lời ca ngợi tốt đẹp: "Cách mạng Tháng Tám có quyền đi vào lịch sử của phong trào cách mạng thế giới, như một trong những mẫu mực tuyệt vời về nghệ thuật cách mạng và sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân".

Hoặc: "Đây là kỳ công siêu việt của ông Hồ, với đội quân chỉ vài nghìn du kích, trang bị kém, ông đã chiếm được quyền kiểm soát đất nước ngay trước mũi các nhà cầm quyền chiếm đóng Nhật Bản. Ông nói rõ với các đồng sự: Chìa khóa của thắng lợi là các yếu tố sáng tạo, bất ngờ. Phải chiếm lấy chính quyền khi Nhật vừa đầu hàng và quân Đồng minh chưa kịp tới giải giáp quân Nhật...

Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi rực rỡ ít thấy trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam lúc ấy, lịch sử đã đứng về phía ông Hồ!" (Giăng Ghétxnô- Tác giả cuốn "Đóng góp vào lịch sử dân tộc Việt Nam).

"Khi quân Đồng minh đến, Việt Minh đã có mặt ở khắp nơi... Vạch kế hoạch và thực hiện kế hoạch thường là hai việc khác nhau. Trường hợp Cách mạng Tháng Tám của ông Hồ, nó khớp nhau một cách trọn vẹn" (Uyliêm Diuke - Tác giả cuốn "Ông Hồ").

"...Nhanh chóng đến mức người ta sững sờ!" - Đó là nhận xét của nhà sử học Pháp Philíp Đơvile khi viết về Cách mạng Tháng Tám.

"Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh phô trương cả lực lượng chính trị và quân sự, chính quyền do Nhật lập ra bị bất ngờ. 30.000 quân Nhật không chống cự lại... Mọi việc đều được hoàn thành một cách nhanh chóng. Không đầy hai tuần lễ, Việt Minh đã kiểm soát toàn bộ đất nước. Ông Hồ đã chuẩn bị tất cả, có sẵn Ủy ban khởi nghĩa trong tay. Lúc điểm danh, Việt Minh có mặt ở khắp mọi nơi, duy nước Pháp vắng mặt!" (Hăngri Adô - Tác giả cuốn "Ông Hồ Chí Minh dịp may cuối cùng").

"Lực lượng du kích ít ỏi, nhưng sự ủng hộ của dân chúng rộng khắp ở mọi nơi... Đối với tương lai của Việt Nam, đây là cuộc thử sức bằng cả lực lượng và tài trí. Ông Hồ đã tìm ra giải pháp đúng, đi nước cờ thật tài ba tuyệt diệu... Những người đứng đầu Việt Minh được tán thành do quá khứ của họ, và quá khứ lâu dài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sức mạnh của họ không phải do ưu thế cá nhân, mà do họ đã tìm thấy bên trong đất nước của mình điều bí mật về sức mạnh dân tộc, nghĩa là của 25 triệu người Việt Nam lúc ấy!" (Hen Xơbớclem - Tác giả cuốn "Việt Nam một dân tộc trong Cách mạng").

*  *

*

Song, cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công nhanh chóng, hầu như không có đổ máu, mà là sức mạnh của đông đảo quần chúng sôi sục yêu nước và khát khao độc lập tự do. Sức mạnh của bạo lực chính trị kết hợp với lực lượng vũ trang đã làm nên cơn bão táp cách mạng, nhanh chóng xóa sạch chế độ nô lệ và phong kiến, giành lại quyền làm chủ đất nước cho toàn dân.

Điều kỳ diệu của Cách mạng Tháng Tám không chỉ là sự thu hút được hàng chục triệu nhân dân lao động, mà còn được sự ủng hộ của hầu hết các tầng lớp xã hội, kể cả các tầng lớp giàu có, và những người đã tham gia chế độ cũ. Nhà vua tự nguyện trao ấn kiếm cho Cách mạng. Và Bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ở ngay căn gác của một nhà tư sản yêu nước, sẵn lòng giúp đỡ Cách mạng.

Đây cũng là kết quả của một quá trình bền bỉ đấu tranh cho nền độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một cuộc đấu tranh đã từng kinh qua những cuộc tập dượt cách mạng của Xô viết Nghệ Tĩnh, của Nam Kỳ khởi nghĩa, là kết quả của sự hy sinh anh dũng của biết bao đảng viên và quần chúng cách mạng. Đặc biệt là sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Người trở về Pác Bó trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đông đảo Việt kiều tổ chức vào ngày 2-9-1946 tại Paris, lúc đó Bác đang ở thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước cộng hòa của mình... Một dân tộc đã có một nền văn hóa lâu đời, nhưng lại có đủ khả năng để trẻ lại!".

. Bùi Hải Bình

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tân Trào - Thủ đô cách mạng tiền khởi nghĩa  (29/08/2005)
Nghề nuôi ba ba sẽ hồi sinh  (29/08/2005)
Nghề đúc đồng ở Bằng Châu  (29/08/2005)
Ở nhà lá mái  (29/08/2005)
Nhà Rông của người Bana Hoài Ân  (29/08/2005)
Thơ  (29/08/2005)
Tâm tình với "Khúc Sơn Ca" của Mai Thìn  (29/08/2005)
Chuyện buồn đô thị  (29/08/2005)
Mưu sinh xứ người  (29/08/2005)
Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !  (29/08/2005)
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)
Với trọn vẹn niềm yêu thương  (30/07/2005)