Việt Minh phủ Ái khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945
17:37', 29/8/ 2005 (GMT+7)

Cấm An Sơn là một động cát dài khoảng 1.000m, rộng khoảng 200 m, có nhiều loại cây cổ thụ sơn, muối, nhãn… tạo thành một khu rừng cấm nằm bên bờ bắc suối Lò Giấy, thuộc địa phận lý Tân An, tổng An Sơn (nay thuộc thôn An Sơn, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn). Nơi đây, ngày 19-8-1945, thực hiện chủ trương của Ủy ban khởi nghĩa (UBKN) tỉnh Bình Định, Việt Minh phủ Ái đã tổ chức cuộc họp mở rộng, quyết định chuyển Ủy ban vận động cứu quốc (UBVĐCQ) huyện thành UBKN huyện Hoài Nhơn, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền.

 

Lá cờ của đồng chí Tôn Chất (1 trong 5 đảng viên đầu tiên Chi bộ Cửu Lợi) sử dụng trong biểu tình giành chính quyền huyện Hoài Nhơn 1945 (hiện vật đang trưng bày tại Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi).

 

Hoài Nhơn là một trong những địa phương thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Định (Chi bộ Cửu Lợi tháng 8-1930). Có thể nói, trong những năm 1930-1931, Hoài Nhơn là địa phương có cơ sở Đảng vững mạnh, hầu hết các xã đều hình thành chi bộ Đảng, với số lượng đảng viên đông, đi sâu bám sát quần chúng.

Đồng chí Trịnh Hồng Kỳ - Trưởng Ban khởi nghĩa, Chủ tịch huyện Hoài Nhơn năm 1945.

Từ sau ngày thành lập, Đảng bộ Hoài Nhơn đã lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh với mọi âm mưu của kẻ thù, tiêu biểu là cuộc đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh vào tháng 7-1931, mở đầu cho khí thế đấu tranh của công nông Bình Định trong cao trào 1930 - 1931. Mặc dù cuộc biểu tình bị địch khủng bố gây cho Đảng bộ nhiều tổn thất, nhưng qua đợt đấu tranh này đã để lại những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật phát động quần chúng, tổ chức lực lượng… Đặc biệt, từ trong phong trào quần chúng đã xuất hiện một lớp cán bộ cốt cán tiêu biểu cho thế hệ chiến sĩ cách mạng mới của Hoài Nhơn cũng như toàn tỉnh trong khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Cuối năm 1944, một số đảng viên ở An Sơn đã tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Việt Minh Đức Phổ (Quảng Ngãi), tiếp đến bắt liên lạc với chi bộ Căng an trí tù chính trị Ba Tơ và với UBVĐCQ tỉnh Quảng Ngãi. Cùng thời gian này, các tù chính trị ở Đắc Tô, Trà Kê, Buôn Mê Thuột, Quy Nhơn vượt ngục về Hoài Ân, Hoài Nhơn tìm cách bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng địa phương.

Tháng 4 năm 1945, thi hành chủ trương của UBVĐCQ tỉnh, đồng chí Phạm Sanh đã chủ trì cuộc họp thành lập UBVĐCQ huyện Hoài Nhơn, lấy bí danh là Việt Minh phủ Ái. Ủy ban gồm các đồng chí: Nguyễn Cẩn, Trịnh Hồng Kỳ, Nguyễn Phán, Phan Mão, Phạm Ngữ, do đồng chí Nguyễn Dinh làm Thư ký. Sau đó Việt Minh phủ Ái đã hợp nhất luôn bộ phận Việt Minh ở An Sơn do các đồng chí Nguyễn Thống và Huỳnh Dinh lãnh đạo.

UBVĐCQ huyện Hoài Nhơn tập trung vào công tác tuyên truyền rộng rãi Chương trình, Điều lệ Mặt trận Việt Minh, qua đó xây dựng các lực lượng đoàn thể cứu quốc để tiến tới thành lập UBVĐCQ các làng, tổng trong huyện. Đầu tháng 6-1945, hầu hết các tổng đều lập UBVĐCQ và có bí danh riêng (tổng Vân Sơn là tổng Mây, tổng An Sơn là tổng Yên, tổng Tài Lương là tổng Thiện, tổng Trung Sơn là tổng Thanh, tổng Phú Nhuận là tổng Hương, thị trấn Tam Quan là thị A). Các tổ chức đoàn thể cũng được hình thành như: Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, đã tập hợp đại bộ phận nhân dân, kể cả một số nhà buôn, viên chức công tư sở (nhà ga, bưu điện, sở mua dây dừa…), giáo dân và một số chức sắc Thiên chúa giáo. Tháng 7-1945, nhằm xúc tiến một bước chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, tại chợ Cát (Hoài Hảo) UBVĐCQ Hoài Nhơn mở cuộc họp có đại biểu Việt Minh các tổng dự để bàn kế hoạch thi hành những chủ trương mới của tỉnh. Sau cuộc họp này, UBVĐCQ Hoài Nhơn chuyển về cấm An Sơn.

Từ cuối tháng 7-1945, UBVĐCQ Hoài Nhơn tập trung vào công tác chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Nhiều làng đã có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội Tự vệ sắt. Ở những nơi có phong trào mạnh như: Tài Lương, Hy Văn, Túy Thạnh… đã tổ chức từ 1 đến 2 trung đội. Các đội tự vệ được trang bị mã tấu, kiếm, dao găm…; phong trào huấn luyện diễn ra sôi nổi, công khai, nhiều lò rèn ngày đêm rèn vũ khí cho cách mạng.

Để tập luyện quân sự cho đội tự vệ chuẩn bị tổng khởi nghĩa, các đồng chí Trịnh Hồng Kỳ và Đinh Trung đã ra Ba Tơ liên hệ để cử người ra học quân sự rồi về truyền đạt lại. Thế nhưng, các đồng chí Đội du kích Ba Tơ sợ không kịp nên đã cử 1 trung đội trực tiếp vào An Sơn huấn luyện cho tự vệ Hoài Nhơn và làm bộ khung thành lập Đại đội Tự vệ sắt do đồng chí Ngô Sót (người Bắc, do Đội du kích Ba Tơ cử vào) làm Đại đội trưởng.

Phát huy khí thế cách mạng quần chúng, đầu tháng 8-1945, UBVĐCQ đã huy động nhân dân từng làng, từng tổng tổ chức các cuộc biểu tình thị uy. Với cờ dong trống thúc, đoàn biểu tình đi đến các làng bắt bọn chỉ điểm, lý hương gian ác để cảnh cáo, sau cuộc biểu tình mới thả. Nhiều lý hương bỏ việc xin gia nhập Việt Minh.

Đến đầu tháng 8-1945, nhiều làng, tổng được nhân dân kiểm soát, lúc đó gọi là "Làng an toàn", "Tổng an toàn" với những mức độ khác nhau. Tình thế đó như báo trước một thời cơ thuận lợi cho UBVĐCQ Hoài Nhơn chuẩn bị tham gia tổng khởi nghĩa.

Ngày 19-8-1945, tại cấm An Sơn, Việt Minh phủ Ái tổ chức cuộc họp mở rộng. Hội nghị quyết định chuyển UBVĐCQ thành UBKN do đồng chí Trịnh Hồng Kỳ làm trưởng ban. Cuộc họp quyết định lấy một số đơn vị Tự vệ sắt các làng để lập Đại đội Tự vệ sắt tập trung đầu tiên của huyện.

Từ ngày 21-8, tại các làng, xã thuộc các tổng phía bắc huyện Hoài Nhơn như: Vân Sơn, An Sơn, Tài Lương, Trung Yên..., Việt Minh phát động quần chúng đứng lên giành chính quyền. Từ 22 đến 26-8, UBKN Hoài Nhơn phát động quần chúng xuống đường thị uy ở nhiều nơi, tiêu biểu là cuộc biểu tình tại Phú Lương (Tam Quan), Phú Mỹ (Hoài Hảo), An Sơn (Hoài Châu), An Đỗ (Hoài Sơn), Tài Lương (Hoài Thanh)…

Mở đầu cho việc cướp chính quyền trong toàn huyện, ngày 27-8, UBKN huyện Hoài Nhơn huy động hơn 3.000 quần chúng cướp chính quyền tại Nha bang tá Tam Quan, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thị A.

Ngày 29-8-1945, UBKN Hoài Nhơn huy động trên 8.000 quần chúng ở các tổng phía nam gồm: Tài Lương, Trung An, Phú Nhuận, do đồng chí Trịnh Hồng Kỳ chỉ huy, đã rầm rộ kéo về phủ đường và đồn Bồng Sơn, chiếm phủ lỵ, bưu điện, trạm xá, sở Liên nông thương đoàn. Lúc này quân Nhật còn đóng ở cung đường Bồng Sơn án binh bất động trước sức áp đảo của quần chúng.

Hơn một tuần lễ (từ 21 đến 29-8), nhân dân Hoài Nhơn đã nổi dậy khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bộ máy chính quyền của đế quốc, phong kiến từ làng, xã đến tổng, phủ bị sụp đổ hoàn toàn, âm mưu phá hoại của bọn phản động cũng bị đập tan.

Ngày 3-9-1945, tại sân vận động Tam Quan, hàng vạn đồng bào toàn huyện họp mít tinh chào mừng Lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời phủ Hoài Nhơn, lấy tên là phủ Huỳnh Lịch, do đồng chí Trịnh Hồng Kỳ làm Chủ tịch.

Giành chính quyền thắng lợi không chỉ là thành quả của những cuộc đấu tranh trong thời kỳ này, mà là thành quả suốt 15 năm đấu tranh gian khổ và anh dũng của nhân dân Hoài Nhơn kể từ khi Chi bộ Cửu Lợi được thành lập và tiếp đó là Đảng bộ huyện ra đời. Đây là kết quả của ba cao trào cách mạng rộng lớn: Cao trào cách mạng 1930-1931, Cao trào dân tộc dân chủ 1936-1939, và cao trào giải phóng 1939-1945.

. Nguyễn Thanh Quang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lịch sử đã đứng về phía ông Hồ !  (29/08/2005)
Tân Trào - Thủ đô cách mạng tiền khởi nghĩa  (29/08/2005)
Nghề nuôi ba ba sẽ hồi sinh  (29/08/2005)
Nghề đúc đồng ở Bằng Châu  (29/08/2005)
Ở nhà lá mái  (29/08/2005)
Nhà Rông của người Bana Hoài Ân  (29/08/2005)
Thơ  (29/08/2005)
Tâm tình với "Khúc Sơn Ca" của Mai Thìn  (29/08/2005)
Chuyện buồn đô thị  (29/08/2005)
Mưu sinh xứ người  (29/08/2005)
Cảnh báo từ nạn săn tìm cây cảnh cổ thụ !  (29/08/2005)
Bão lòng  (29/08/2005)
Xung quanh sự kiện phát xít Nhật và Đức đầu hàng Đồng minh  (29/08/2005)
Bức tử vợ con, kẻ nát rượu vào tù  (29/08/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/08/2005)