Chân cứng đá mềm
20:9', 28/9/ 2005 (GMT+7)

Sau khi Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, cùng với việc tổ chức tập kết về phía bắc vĩ tuyến 17, Đảng cũng phân công một bộ phận cán bộ nòng cốt ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động. Đồng chí Nguyễn Trung Tín - lúc đó là Phó Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh, một trong số 19 cốt cán của Đảng bộ huyện được phân công "ở lại" - đã kể về những ngày đầu hoạt động với biết bao gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng thắm đượm tình cảm nhân dân hướng về Cách mạng.

 

                              Đồng chí Nguyễn Trung Tín và tác giả (ảnh: Mai Hồng)

 

Đồng chí Nguyễn Trung Tín kể: Một đêm trăng sáng tháng 5 năm 1955, tôi về thăm mẹ lần cuối để từ biệt mẹ, lên đường làm nhiệm vụ mới. Tôi đi vào ngõ, bước vô sân, ngôi nhà vắng lặng, tràn ngập ánh trăng. Con Mực nằm ở gốc xoài nghe bước chân tôi, chạy tới hít hít, ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ theo tôi vào nhà. Nhà không đốt đèn. Mẹ tôi đang nằm trên võng trong buồng nói vọng ra: "Ba đấy hả con? Sao về tối  zẩy?", rồi mẹ dậy đốt đèn. Tôi gỡ ba lô ra, sẽ ngồi xuống tấm phản gõ mát lạnh, chậm rãi nói:

- Mai con đi Quy Nhơn, rồi lên tàu tập kết ra Bắc. 

- Con đi ngay bây giờ sao? Mẹ nhìn chiếc ba lô, hỏi lại không chút nghi ngờ.

- Dạ, con về qua thăm mẹ rồi đi ngay đêm nay. Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, con đi hai năm trở về. Nếu có gì, mẹ kêu chị Hai và cháu Nữ… Tôi nói mà như run lên, cố gắng kiềm lòng để xua đi ý nghĩ mình đang nói dối mẹ.

Mẹ lẳng lặng vô bếp lấy ra ràng bánh tráng và một rổ xoài chín. Bánh tráng mẹ gói lại bảo tôi đem theo xuống Quy Nhơn ăn trong mấy ngày chờ tàu, còn xoài mẹ gọt cho tôi ăn ngay. Cắn miếng xoài tượng vàng ươm, ngọt lịm mà tôi không tài nào nuốt nổi, cổ như nghẹn lại. Thấy tôi cứ cầm hoài miếng xoài trong tay, mẹ lại đưa thêm miếng nữa và giục ăn. Những cử chỉ của mẹ âu yếm chẳng khác nào như hồi tôi còn nhỏ.

Mẹ lại ngồi bên tôi, giọng nhỏ nhẹ:

- Con đi ra Bắc, mẹ cũng buồn nhớ, nhưng cũng vui. Con ra đó có điều kiện cố gắng học lên cho bằng anh em. Mấy nẳm, khó khăn con học dở dang, mẹ cũng không yên lòng. Mẹ ở nhà có chị Hai con lui tới, con đừng lo. Mẹ gửi lời thăm mẹ con mẹ Khanh...

Bàn tay mẹ nắm tay tôi run run. Mẹ nhắc tôi ra Bắc giữ gìn sức khỏe, vì nghe ngoài đó lạnh lắm mà tôi thì gầy ốm mà lại hay ho hen. Càng nghe mẹ dặn dò, trìu mến, lòng tôi càng nặng trĩu thương yêu. Trong sâu thẳm trái tim, tôi thầm thì cùng mẹ biết bao điều mà tôi không thể thốt nên lời...

Tôi biết mẹ là người cứng rắn, có buồn cũng không để ai biết. Nhưng lúc này tôi biết mẹ vui vì mẹ hy vọng tôi sẽ có điều kiện được học cao lên như lòng mẹ mong ước từ lâu mà không thành. Nghĩ thế, tôi càng thương mẹ hơn. Mai mốt tôi không có nhà, "mẹ già như chuối chín cây", tình hình phức tạp, biết mẹ thế nào?… Những lo lắng vụt đến, và tôi cũng không dám nghĩ xa hơn.

Thế rồi cũng đến lúc tôi phải lên đường. Mẹ đi theo tiễn tôi đến tận bến đò Định Quang. Tôi giục:

- Mẹ về đi. Theo con làm gì. Con sẽ đi suốt đêm nay, mẹ làm sao đi theo con được.

Mẹ lại nắm chặt tay tôi, dặn dò rất bình tĩnh. Thương nhớ con nhưng mẹ không hề khóc lóc gì. Lúc ấy đã 12 giờ đêm, dưới ánh trăng vằng vặc, dòng sông Kôn và cả một miền quê yên tĩnh như được dát lên một màu vàng rực rỡ. Và ánh mắt của mẹ nhìn tỏa ra quanh tôi như ánh sáng dịu dàng của một vầng trăng.

Đến bến đò, mẹ cũng không chịu rời tôi, rồi bà hứa "đưa con qua bên kia bến đò là mẹ về thôi". Và thế là mẹ lại dắt tay tôi, hai mẹ con bì bõm lội qua bờ tây sông Kôn.

Sang đến bờ cát, mẹ con bịn rịn chia tay. Một hồi mẹ lại dặn:

- Con ráng giữ gìn sức khỏe, hai năm về với mẹ...

Rồi như nhớ lời "hứa", mẹ buông tay tôi ra. Như chiếc sõng nhỏ nhoi trên dòng sông mênh mông, đầy gió, lòng trĩu nặng nỗi niềm, mẹ từ từ quay bước. Nhìn theo dáng mẹ đi chúi chúi, nghe tiếng bước chân lội trong dòng nước, một nỗi nghẹn ngào trào dâng trong lòng tôi. 

Chờ cho bóng mẹ khuất trong hàng cây xanh thẫm bên bờ sông đầu làng, tôi vội vàng lội qua sông trở lại. Mùa khô, nước sông Kôn cạn dưới đầu gối. Dòng nước mát lạnh róc rách quấn quýt đôi chân như nhắc tôi nhớ lại quãng đời từ thuở còn thơ tới lúc trưởng thành, tôi đã có biết bao kỷ niệm gắn bó với dòng sông dữ dội và thơ mộng này. Và, cả ánh trăng chênh chếch bàng bạc, lấp lánh khắp mặt sông đêm nay như cũng muốn cất lời... Nhưng giờ đây chiếm hết cả tâm trí tôi là nhiệm vụ cách mạng. Tôi xin giã từ mẹ, giã từ kỷ niệm...

Tôi lội sang sông thật nhanh, đi lướt qua bìa làng và tiến thẳng lên mé núi. Ở đó đã có người đón tôi.

Người dẫn tôi đi là anh Đinh Tân, còn gọi là Thành, Chánh văn phòng Huyện ủy Vĩnh Thạnh. Anh Thành dẫn tôi vào làng dân tộc thiểu số có mẹ anh Roòng. Chúng tôi vào đến rẫy của người dân và trú tạm ở nhà sàn của mí. Mờ sáng, mí Roòng khăn trùm kín đầu, miệng xuýt xoa vì lạnh, lui cui dậy nấu một nồi nước. Nước vừa sôi, mí với tay lên giàn bếp, rứt ba con ngóe khô treo lơ lửng, vứt vào nồi nước kêu cái bũm. Một lúc sau mí múc ra ăn (chắc là con ngóe chưa mềm), uống nước là chính. Tôi với anh Thành, mỗi người ngậm một miệng nước nấu qué và đưa mắt nhìn nhau. Vừa uống nước qué, bà già vừa hỏi:

- Bộ đội Cụ Hồ đi rồi, Việt Minh đi rồi, lũ bay ở lại làm gì?

- Chúng tôi ở lại với đồng bào. Sáng nay chúng tôi đi, bữa nào sẽ trở lại gặp mí nữa. Tôi trả lời ngay, và cũng là để dò hỏi ý của mí.

Mí liền nói:

- Lũ bay đi đâu thì đi. Nhớ ghé thăm tao.

Nghe mí nói, lòng tôi thấy nao nao.

Chúng tôi lại đi tiếp đến một làng khác. Rừng cây dày hơn và đường cũng khó đi hơn. Gặp một ông già mang gùi từ trong đám bắp bước ra, nhìn chúng tôi, chắc ông đã biết, nên ông nói nhỏ, dặn: "Lũ bay đi khéo khéo, bọn quốc gia thấy dấu dép, lũ nó đốt làng, giết dân hết". Nghe ông già nói, chúng tôi cũng lo ảnh hưởng đến dân làng, nên bàn nhau, lột dép quăng ngay, không vương vấn gì nữa. Từ đó chúng tôi đi chân đất luôn… Dù không quen, nhưng chúng tôi trông sao "chân cứng, đá mềm".

*

* *

Đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh được phân công "ở lại" có mười sáu đồng chí người Kinh và ba đồng chí người dân tộc thiểu số. Ban Thường vụ Huyện ủy có ba người: đồng chí Huỳnh Trịnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư; tôi là Phó Bí thư và Nguyễn Trung Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ; cùng ba đồng chí Huyện ủy viên là Đỗ Thanh Liêm, Nguyễn Lại và Nguyễn Bình. Toàn huyện có mười một xã, chia làm hai vùng. Đồng chí Huỳnh Trịnh phụ trách các xã hai bờ đông nam sông Kôn. Tôi phụ trách các xã miền núi phía Kim Sơn gồm Vĩnh Bình, Vĩnh Nghĩa, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hưng.

Chúng tôi lấy hai nghìn đồng tiền Đông Dương được cấp nhờ người lên An Khê mua dự trữ 50kg gạo, mua cho mỗi người 10 lon sữa cùng với mấy lít nước mắm, dầu phụng và một ít thuốc sốt rét và gadinan. Phần ai nấy giấu riêng người đó. Tôi giấu chung với anh Ấm và anh Liêm.

Phương thức hoạt động ban đầu của chúng tôi là phải đảm bảo bí mật tuyệt đối, không được tiếp xúc với dân; không gặp dân; tuyên truyền, vận động dân đều phải thông qua cơ sở... Mỗi người phụ trách một xã, có nhiệm vụ tuyên truyền cho đồng bào biết các nội dung: về chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp thua phải ký kết Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương; Hiệp định Genève quy định nước ta tạm thời chia hai miền, sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất đất nước; đồng bào tin tưởng ở Cách mạng, không theo địch phá hoại Hiệp định,...

Ban đầu chúng tôi ở nhà chị Rum, một cái chòi nhỏ nằm ở đầu rẫy. Chúng tôi có đi, về với một vài cơ sở trong xã để tuyên truyền và nắm tình hình, nhưng cũng phải hết sức kín. Thường, tối ngủ ở rẫy, sáng lánh trong rừng. Thấy vậy, có mấy ông già nói: "Lũ bay vào chòi tao mà ở, ở rừng lạnh làm chi; việc lũ bay làm cứ làm". Tôi thấy mừng mừng, nghĩ: như vậy là dân biết mình là cán bộ rồi. Vậy nên chúng tôi không trốn tránh trong rừng nữa mà cùng vào chòi rẫy ở.

Lúc này dân đang bị đói. Suốt ngày trời mưa tầm tã. Ngoài rẫy, lúa mới lên xanh một gang tay. Sống cùng với dân mới thấm hết sự đói khổ của họ. Trong nhà, chẳng thấy thóc lúa đâu, chỉ có bắp khô treo lủng lẳng trên giàn bếp; những trái bắp hạt quắt lại, màu vàng sậm. Hàng ngày bếp nhà chị Rum cũng như các bếp khác, mọi người đều ăn bắp khô nướng để đi làm rẫy. Chị Rum cho mỗi người chúng tôi, sáng một trái, trưa một trái bắp khô nướng. Đói quá, tôi đưa hết 50 kg gạo mang theo cho gia đình chị Rum. Để tìm thêm cái ăn, chúng tôi đi đào củ mài trong rẫy, đồng bào dặn "đào nhưng không được lấp lúa". Lần đầu tôi đào, rẫy toàn đất, đá, rễ cây; đào vã mồ hôi gần hết buổi sáng mới được một hố sâu lút cánh tay mà không hề thấy bóng dáng củ mài đâu. Tôi ráng đào đến trưa tròn bóng thì lấy được đoạn đầu, hý hửng đem nấu lên nhưng đắng quá. Suốt buổi chiều lại ráng đào được thêm một ít nữa, cứ tưởng đắng không thể nuốt được, nhưng rồi chúng tôi không thể không ăn vì gạo đã hết, bắp của dân không nhiều mà cái đói cứ hành hạ triền miên...

Một thời gian sau, địch "đánh hơi" được chỗ chúng tôi ở. Có kẻ lạ đến làng lân la hỏi chuyện đồng bào, chúng tôi sợ động, ảnh hưởng đến dân, tôi cùng anh em không ở trong làng nữa, chuyển hẳn ra ở rừng.     

Chúng tôi chuyển vào rừng nơi gần nhà ông Đinh Ba ở Nước Trú (Kon Trú).Ông Đinh Ba cũng là cán bộ giác ngộ cách mạng sớm. Thấy cháu Yang Nheo, con ông, chừng mười hai tuổi, lanh lẹ hoạt bát, chúng tôi nhận cháu làm liên lạc, dẫn đường, báo cáo tình hình địch, canh gác cho các cuộc họp...Yang Nheo sáng dạ và dũng cảm, việc nào các chú giao cũng hoàn thành tốt. Ba năm sau, tôi tổ chức đưa cháu cùng với mười ba cháu khác cũng người dân tộc Ba na và Chăm của hai huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh ra Bắc học tập, đào tạo cán bộ nòng cốt người dân tộc thiểu số cho quê hương sau này.

*

* *

Những ngày tháng ở rừng trong những ngày đầu "ở lại", chúng tôi sống trong sự thiếu thốn tột cùng. Gạo dự trữ dù ăn rất dè sẻn cũng đã hết. Anh em có sáng kiến xuống suối bắt ốc đá, mỗi lần bắt đập ra được một chén thịt ốc đem xào chung với dầu phộng và nước mắm, ăn rất ngon. Ăn nhín trong một tháng thì dầu và nước mắm cũng hết sạch. Anh Ấm gốc nhà thợ may thị xã nên ít chịu được khổ. Ngược lại, anh Liêm, gia đình bần nông, dù đói khổ cũng nhất quyết không ăn những thức dự trữ. Anh để dành được ba bốn tháng, lâu quá nên khi lấy ra thì thật tội: sữa, dầu phụng, nước mắm đều bị mốc, đen, hư hỏng cả. Sau đó có tháng ăn toàn muối. Nhiều bữa thèm thịt, thèm cá quá, anh Ấm lại hóm hỉnh kể những bữa ăn giỗ để "đãi" chúng tôi…

Sau này, khi chuyển giai đoạn và chuyển phương thức hoạt động, chúng tôi không ở tách biệt với đồng bào nữa. Với chủ trương "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Ba na), chúng tôi đã "hóa thân" thành "người làng" vào sống hẳn trong làng với đồng bào Ba na, xin đất của đồng bào, cũng làm rẫy và tạm thời tự túc được lương thực.

. Xuân Mai

(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Trung Tín - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (28/09/2005)
Cuộc đời và cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long  (28/09/2005)
Cần xử lý nghiêm khắc tên côn đồ Phan Thanh Nhất  (28/09/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/09/2005)
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân  (29/08/2005)
Việt Minh phủ Ái khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945  (29/08/2005)
Lịch sử đã đứng về phía ông Hồ !  (29/08/2005)
Tân Trào - Thủ đô cách mạng tiền khởi nghĩa  (29/08/2005)
Nghề nuôi ba ba sẽ hồi sinh  (29/08/2005)
Nghề đúc đồng ở Bằng Châu  (29/08/2005)
Ở nhà lá mái  (29/08/2005)
Nhà Rông của người Bana Hoài Ân  (29/08/2005)
Thơ  (29/08/2005)
Tâm tình với "Khúc Sơn Ca" của Mai Thìn  (29/08/2005)
Chuyện buồn đô thị  (29/08/2005)