Nỗi buồn làng vắng
20:26', 28/9/ 2005 (GMT+7)

Về Hoài Xuân (Hoài Nhơn) chạy một vòng xe trong xóm, bạn tôi phàn nàn: làng vắng teo!… Thỉnh thoảng gặp vài người qua lại, chủ yếu là những cụ già, phụ nữ và trẻ con. Những đêm trăng đẹp ở nông thôn thường là thời gian thanh niên tụ tập thâu canh nhưng ở đây sau mùa vụ, phần đông thanh niên ở độ tuổi lao động lại khăn gói đi làm ăn xa, ít ai bám lại làng.

 

                                           Làng chỉ còn người già và trẻ em ở nhà.

 

* Vì đâu nên nỗi?

Gia đình chị Cẩm (thôn Hòa Trung 1) 5 nhân khẩu nhưng chỉ có 1 sào ruộng. Cày xới mảnh đất 3 mùa bấp bênh, một năm bỏ công làm lãi nhưng thu chưa tới một triệu đồng, nếu không có việc gì làm thêm, chỉ bám vào cây lúa, chắc chắn gia đình chị phải… đói! Những ngày nông nhàn, không thể ngồi nhìn cảnh nghèo khó vây bám mình mãi, chị quyết định theo một số người vào thành phố Hồ Chí Minh "mần" ăn giúp gia đình. Hoàn cảnh thật đáng thương nhưng ở Hoài Xuân tình cảnh như chị không phải là ít. Gia đình anh T. có 1,5 sào ruộng nhưng có đến bảy nhân khẩu, hai anh chị đành bỏ con thơ lại cho em trai nuôi để vô Sài Gòn nhặt rác kiếm sống…

Ông Bùi Minh Chánh, thôn trưởng thôn Hòa Trung 2, cho biết: "Năm 1993, mỗi lao động được cấp 340m2 đất, từ đó đến nay chưa cấp lại nên số người mới lập gia đình sau này không có đất. Người ít ruộng họ chuyển sang buôn bán vặt, làm nghề hoặc đi làm ăn xa để mưu sinh". Đây là xã thuần nông, độc canh cây lúa, ngành nghề truyền thống hầu như không có, cuộc sống chủ yếu bám víu vào nông nghiệp, chăn nuôi… Nhưng đất hẹp người đông, nhiều gia đình bốn, năm nhân khẩu chỉ có một, hai sào ruộng, tần tảo quanh năm không đủ gạo ăn giáp hạt. Làm nông mà không có ruộng làm, nhiều người phải mua gạo để nấu! Trời phú cho vùng đất này cây dừa, nhưng màu xanh bạt ngàn của nó chỉ để che đậy bên trong những cuộc đời nghèo khổ. Những người sống bằng nghề hái dừa mỗi ngày lên xuống hàng trăm cây nhưng chỉ kiếm được hai, ba chục nghìn đồng. Đã vậy, gần đây họ lại bị con bọ dừa "đuổi việc", những đọt dừa xanh bị cắn quỵ xuống, mất sức, chẳng biết năm nào mới hồi phục được… Vậy là lao động ở địa phương thêm vào quỹ… thừa.

 

Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân ở nhiều địa phương đã kiếm thêm nghề làm phụ tạo thêm thu nhập cho gia đình.

 

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc - Bí thư Đảng ủy xã Hoài Xuân - cũng lắc đầu khi nói về giải pháp giải quyết lao động tại chỗ, đành để công lao động cứ trôi dạt ra miền đất khác! Người ta hay nói rằng: Hoài Xuân ít lúa nhiều dừa/ Nhiều cô gái đẹp nhưng chưa có chồng. Quả thật, về đến nơi chúng tôi mới hiểu được câu nói ấy. Bởi lẽ trong làng hầu như không thấy bóng dáng thanh niên.

* Đời con vạc

Chị Cẩm mới vào nghề lượm ve chai, nhôm nhựa được vài tháng. Chị kể, những ngày đầu ngại lắm, con còn nhỏ nhưng không đi thì không có tiền nuôi con, đành liều làm thân con vạc vậy. Vào Sài Gòn mới biết người ở quê mình đông lắm, nam thì làm thợ hồ, chạy xe ôm; nữ chưa vướng bận gia đình thì đi may gia công; người có vốn thì vào Tân Phú nuôi heo; những người đứng tuổi thì tập trung ở bãi rác cầu Đỏ để nhặt nhạnh những gì có thể bán lại được, hoặc đi ở, gõ hủ tiếu… Quần quật mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 21 giờ đêm mới kiếm được vài chục nghìn, mỗi tháng tiết kiệm dành dụm đem về 500.000 - 1 triệu đồng.

Cuộc sống khổ cực, thu nhập không cao lại xa con, xa nhà, nhớ lắm nhưng không đi ở quê làm không đủ ăn. Một số ít thanh niên đi làm biển, còn lại phần đông cứ xong mùa vụ, họ lại khăn gói đi vô thành phố Hồ Chí Minh. Đến mùa họ về, rồi lại đi. Rất đông những học sinh tiểu học, trung học cơ sở gia đình khó khăn, một buổi đi học, một buổi lên thị trấn Bồng Sơn bán vé số. Mùa hè, nhiều em được người địa phương dẫn lên thành phố Pleiku (Gia Lai) bán vé số kiếm tiền trang trải cho việc học của chính mình cho năm học tới. Em N. học lớp 4 ở thôn Thuận Thượng cho biết: "Một ngày bán từ 6 giờ sáng đến 21 giờ tối trung bình kiếm trên 20.000 đồng, làm có tiền đem về cho cha mẹ đỡ khổ". Niềm tự hào vì làm ra tiền sớm hằn lên nét mặt non trẻ, tuổi thơ quên đi sự cười đùa, các em phải tranh nhau khách hàng bởi người bán dường như nhiều hơn người mua…

Những người đi làm xa rủng rỉnh tiền mang về xây dựng cuộc sống gia đình khá giả hơn, nhiều người mua được xe máy, đầu đĩa… Nhất là những ngày Tết họ tập trung về, xóm làng rôm rả làm cho những người ít việc ở quê cũng rộn ràng khăn gói đi theo. Guồng quay này làm cho nhiều thanh niên ở xóm nghèo không thể cưỡng lại, sau dịp Tết, nhất là vào mùa hè, xóm làng lại vắng teo! Một số địa phương khác ở Hoài Nhơn như: Thiết Đính, Trung Lương (Bồng Sơn), xóm 8, xóm 4 (Hoài Tân)… lại càng vắng vẻ hơn. Theo thống kê của người dân, có làng đến vài trăm người ra đi như vậy.

Những tai nạn lao động xảy ra đối với họ là không ít, nhưng vì cơm áo hàng ngày họ phải lăn lộn với cuộc sống, chấp nhận cảnh sống xa nhà. Nhiều thông báo tuyển dụng lao động đi nước ngoài nhưng họ không thể tìm ra vài chục triệu nộp tiền cọc. Mong muốn của họ là có một công ty, xí nghiệp tuyển dụng công nhân, tạo cho họ việc làm ổn định tại địa phương để "đời con vạc" đỡ bớt long đong. 

. Ngọc Oanh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đêm Trung thu  (28/09/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (28/09/2005)
Chân cứng đá mềm  (28/09/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (28/09/2005)
Cuộc đời và cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long  (28/09/2005)
Cần xử lý nghiêm khắc tên côn đồ Phan Thanh Nhất  (28/09/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/09/2005)
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân  (29/08/2005)
Việt Minh phủ Ái khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945  (29/08/2005)
Lịch sử đã đứng về phía ông Hồ !  (29/08/2005)
Tân Trào - Thủ đô cách mạng tiền khởi nghĩa  (29/08/2005)
Nghề nuôi ba ba sẽ hồi sinh  (29/08/2005)
Nghề đúc đồng ở Bằng Châu  (29/08/2005)
Ở nhà lá mái  (29/08/2005)
Nhà Rông của người Bana Hoài Ân  (29/08/2005)