Nhà lá mái Bình Định, một đặc trưng văn hóa thể hiện qua không gian quy hoạch - kiến trúc tiêu biểu của miền Trung đang trong tình trạng ngày một hao gầy. Một câu hỏi đã được đặt ra trong nhiều năm qua và đến nay vẫn chưa có một giải đáp thỏa đáng đó là: giải pháp nào cho tu bổ, bảo tồn nhà lá mái Bình Định?
|
Nhà lá mái Từ Đường họ Trần Tri Thiện ở Phước Quang (Tuy Phước) - Ảnh chụp năm 1960.
|
Chưa có tài liệu nào ghi rõ nhà lá mái Bình Định có từ bao giờ? Thế nhưng trong cuốn "Xứ Đàng Trong năm 1621" của linh mục Chiristoforo Borri thuộc giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên đến Nước Mặn (Phước Quang - Tuy Phước) hoạt động truyền giáo những năm 1618-1621 cho biết: Ông rất kinh ngạc cái cách mà người thợ bản xứ sản xuất và lắp ráp ngôi nhà thờ to lớn theo yêu cầu nghiêm ngặt của ông. Kỹ thuật xây dựng mà C.Borri đã chứng kiến chính là loại kỹ thuật kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định: nhà lá mái. Theo tài liệu khảo sát và thống kê nhà ở dân gian truyền thống Bình Định năm 2004 của Bảo tàng tổng hợp, những ngôi nhà cổ nhất hiện còn, có niên đại khoảng trên dưới 200 năm. Và hiện nay cả tỉnh chỉ còn vài nhà cổ còn lợp tranh hoặc rạ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, hàng trăm nhà lá mái khác được thay thế mái lá bằng mái ngói hoặc mái tôn. Đa phần nhà lá mái chỉ còn giữ lại nhà chính (3 gian 2 chái). Để chống mối, một số gia chủ không những thay vách đất bằng gạch mà còn tháo dỡ cả mái đất chỉ để lại lớp trần sìa…
Trước đây, chúng ta thường chú ý nghiêng hẳn vào các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh có tính cộng đồng cao gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo và các nghi lễ hàng năm như đình, chùa, đền, miếu…, còn nhà cổ dân gian truyền thống nói chung và nhà lá mái nói riêng là loại hình di sản văn hóa còn ít được quan tâm.
Nhà lá mái thuộc quyền sở hữu tư nhân, nên lâu nay việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ này đều do từng gia đình đảm nhiệm. Mặc dù có quy mô nhỏ và có ảnh hưởng không lớn, nhưng số lượng nhà lá mái được nhân dân gìn giữ đến ngày nay còn lại khá nhiều. Chính sự hiện diện của những ngôi nhà lá mái đã tạo cho làng xóm Bình Định một diện mạo, một sắc thái riêng đến tận ngày nay.
Đối với những khu nhà cổ tập trung như phố cổ Hội An (Quảng Nam), phố cổ Hà Nội, Phố Hiến (Hưng Yên), Làng cổ Đường Lâm (Hà Tây) việc tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thuận lợi hơn. Nhà lá mái Bình Định tuy còn lại khá nhiều, số lượng nhà lá mái có giá trị lên con số hàng trăm, nhưng lại phân bố rải rác khắp mọi thôn xóm. Do vậy, giải pháp tu bổ, bảo tồn kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Bình Định tốt nhất là: xã hội hóa.
Việc tu bổ, bảo tồn di sản nhà lá mái là một công việc rất phức tạp, cần huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức quốc tế kết hợp với các cơ quan quản lý và chuyên môn Việt Nam từ trung ương đến địa phương và người dân. Duy trì sự hợp tác địa phương, liên ngành và quốc tế. Hợp tác địa phương là cần thiết để đạt được các mục đích bảo tồn và hài hòa các hoạt động của các thành phần tham gia khác nhau. Hợp tác liên ngành giữa các chuyên gia và các nhà nghiên cứu, học giả đem lại cơ sở kiến thức khoa học và chuyên môn để giải quyết các vấn đề có liên quan đến các nhu cầu khác nhau của di sản kiến trúc. Hợp tác cấp quốc gia và cấp quốc tế giúp cho các nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và bài học quý giá để phục vụ cho công tác bảo tồn tốt hơn.
Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch là những hoạt động tương hỗ, hoạt động du lịch có thể đem lại những động lực mạnh mẽ cho công tác bảo tồn, đồng thời nó cũng tạo cơ hội cho mọi người thuộc các nền văn hóa khác nhau gặp gỡ, tìm hiểu. Ngành du lịch cần phải cộng tác với các cơ quan có thẩm quyền bảo tồn nhằm đưa ra các cách thức đạt được sự phát triển du lịch bền vững mà không làm cạn kiệt các nguồn lực, di sản văn hóa không thể tái tạo được.
Chủ nhân những ngôi nhà lá mái, những người đang sống và sử dụng di sản văn hóa là những thành viên then chốt trong các hoạt động bảo tồn. Vai trò của họ cần được thừa nhận và khuyến khích trong quá trình hoạch định, thực hiện và giám sát hoạt động trên. Các chủ sở hữu cần được khuyến khích sử dụng các kiến thức và khả năng truyền thống để chăm lo thường xuyên ngôi nhà cổ của mình. Cần phải khuyến khích và ủng hộ sự tham gia tự nguyện và tích cực của người dân và các tổ chức trên cơ sở phối hợp với chính quyền các cấp.
Từ năm 1997 đến nay, Cục Di sản Văn hóa phối hợp với Trường đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản và các cơ quan hữu quan triển khai dự án: "Điều tra nhà ở dân gian truyền thống" một số tỉnh ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Ở miền Bắc tiến hành điều tra tại các tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định, Lạng Sơn và Hà Tây; miền Trung triển khai ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; còn ở Nam Bộ là Đồng Nai và Tiền Giang. Hơn 5.000 ngôi nhà có giá trị cao đã được khảo sát đo vẽ và lập hồ sơ chi tiết. Riêng nhà ở dân gian truyền thống Bình Định điều tra đợt 1 thống kê và lập biểu mẫu 350 nhà, đợt 2 đã chọn 35 nhà tiêu biểu lập hồ sơ chi tiết.
|
Kết cấu cột - kèo - xiên - trính - cối nhà lá mái.
|
Trên cơ sở kết quả điều tra, từ năm 2000 chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức Jica đã thực hiện dự án tu bổ nhà ở dân gian truyền thống. Với sự giúp đỡ tận tình của Nhật Bản, từ hỗ trợ tài chính đến trợ giúp về chuyên môn, khảo sát lập hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật và chỉ đạo thi công, từ năm 2001 đến 2003 đã tu bổ được 6 ngôi nhà ở dân gian truyền thống tại 6 tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đồng Nai và Tiền Giang. Dự án Bảo tồn nhà ở dân gian truyền thống của Trường đại học Nữ Chiêu Hòa và chính phủ Nhật Bản đã bước đầu mở ra một hướng xã hội hóa tu bổ và bảo tồn nhà cổ dân gian truyền thống Việt Nam nói chung và nhà lá mái Bình Định nói riêng. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trước đây, phần lớn những ngôi nhà lá mái Bình Định được gìn giữ với ý thức giữ lại "nếp gỗ" của tổ tiên lưu truyền. Về sau, chủ nhân các ngôi nhà lá mái hiểu ra rằng: ngoài giá trị tình cảm thiêng liêng của dòng tộc còn có một giá trị khác là giá trị Văn hóa. Đặc biệt, từ sau đợt điều tra kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống tỉnh Bình Định lần thứ nhất vào tháng 7 năm 2004, đã làm tăng nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân bảo vệ di sản văn hóa tại địa phương nói chung và nhà lá mái nói riêng. Chủ nhân các ngôi nhà lá mái trước đây vốn ít quan tâm đến việc bảo tồn ngôi nhà cổ của mình đang sở hữu, được tiếp đón các vị khách là những thành viên tham gia dự án nghiên cứu, đo vẽ, chụp ảnh, ghi chép, phỏng vấn, đã hiểu thêm giá trị ngôi nhà mình ở. Ngôi nhà không chỉ là tài sản riêng của gia đình, mà cao hơn thế, nó đã được xem như là tài sản văn hóa chung của cộng đồng do tổ tiên truyền lại.
Hy vọng giải pháp xã hội hóa trong tu bổ, bảo tồn nhà lá mái sẽ được các cơ quan, ban ngành, các cấp chính quyền và nhân dân hưởng ứng phối hợp chặt chẽ để gìn giữ và phát huy tốt nhất loại hình di sản này. Và việc tu bổ, phục dựng nguyên bản một số ngôi nhà lá mái tiêu biểu nhất để bảo tồn lâu dài và giới thiệu khách tham quan du lịch về đặc trưng văn hóa vùng Bình Định, được thể hiện qua không gian quy hoạch - kiến trúc truyền thống như một số tỉnh đã làm là điều chúng ta có thể thực hiện được trong một tương lai không xa.
. Nguyễn Thanh Quang |