"Văn hóa đọc" ở làng tôi xưa
20:53', 28/9/ 2005 (GMT+7)

. Bút ký của  Huỳnh Kim Bửu

Cho tới bây giờ, hình ảnh của bà Bếp Nầy trong ký ức tôi vẫn chưa mờ nhạt. Đó là một người phụ nữ tóc "nhuốm màu sương" mà vẫn còn khỏe mạnh, có giọng nói thanh tao và một vẻ đẹp của phụ nữ xưa đã đi vào thơ ca:  "Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè trước giậu thưa" (Nắng mới - Lưu Trọng Lư)

Nghe nói bà là con gái của một thầy đồ Nho làng Tây An. Cô Phan Thị Lệ con gái thầy đồ nghe cha giảng sách Minh Tâm Bảo Giám,ï đến tuổi trăng tròn thì được gả lấy chồng và theo chồng về làng An Định. Chồng bà là người làng tôi, một ông Bếp lính Pháp xuất ngũ, được mọi người quen gọi là ông Bếp Nầy.

 

                               Đọc sách tại Thư viện Bình Định (ảnh: Văn Cảnh)

 

Bà Bếp Nầy ham "đọc" sách Quốc văn. Đó mới là chuyện lạ, khi người ta biết bà chưa biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ.

Thời ấy, tôi đang là cậu học sinh lớp Nhì trường Tiểu học huyện lỵ, lại thích gần gũi bên bà Bếp Nầy là cũng có lý do. Tôi mới bắt đầu yêu những bài học trong sách Quốc văn giáo khoa thư và ham đọc những cuốn sách thơ truyện, mà nhà bà Bếp Nầy thì có nhiều sách truyện. Hồi xưa ở làng quê, hiếm có nhà chứa sách, mà nhà bà Bếp Nầy có một giá chất những cuốn sách tôi thích đọc. Giá để sách của bà là một giá gỗ treo, bào láng, cao chừng non thước treo lơ lửng nơi một cây xà chái tây nhà. Cái chồng sách trên giá ấy mỗi ngày mỗi cao dần. Cứ ngày chợ phiên Gò Chàm bà đi chợ, hễ gặp sách hay thì bà Bếp Nầy mua đem về. Lâu ngày, bà có nhiều sách: Từ sách Tàu là những cuốn Thuyết Đường, Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thủy Hử…, đến sách ta là các tập Kim Vân Kiều truyện, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, Quan Âm Thị Kính... Tôi còn nhớ, những sách đó đều do Nhà Tín Đức thư xã trong Chợ Lớn - Sài Gòn ấn hành và được bày bán trên các mẹt hàng linh tinh những trầu, cau, rễ, thuốc, xà phòng cục… của các bà hàng cườm ngoài chợ. Có sách rồi, bà Bếp Nầy phải nhờ người đọc cho bà nghe. Người lớn trong làng đều không biết chữ như bà. Được bà dặn đi dặn lại nhiều lần, tôi và thằng Tuấn - bạn học, con bác Hạc - cứ thứ Năm, Chủ nhật hàng tuần thì tự động đến nhà bà. Chúng tôi thay phiên nhau đọc sách cho bà Bếp Nầy nghe. Khi thì bộ truyện này, khi thì cuốn thơ kia. Đọc xong, bà "trả công": cái bánh gói, bánh bò bà mới đi chợ mua về, nhiều khi còn cho thêm mấy hào bạc. Bữa nào gặp sách hay, đọc lở dở, bà "cầm chân" cho ăn cơm trưa với vợ chồng bà để đọc "ngoài giờ" cho hết sách, hết truyện. Lúc đầu, chỉ có một mình bà Bếp Nầy ham "đọc" sách, sau "bệnh" ấy lây sang nhiều người khác ở trong làng, rồi gần như cho cả làng An Định. Ông Hai Ngữ, ông Năm Ngôn, dì Chín Chánh, bà Hai Trầu… là những người bị "lây" đầu tiên và cũng là những "thính giả" thường trực trong những buổi đọc sách "tập thể" ở nhà bà Bếp Nầy cũng như ở các nhà khác trong làng. Họ nghe sách thành tâm, chăm chú lắm và thường biểu lộ cảm xúc theo nhân vật, tình tiết trong truyện. Thái độ yêu trung ghét nịnh, yêu chính nghĩa ghét gian tà của họ rất rõ ràng.

Ai đọc sách, nghe sách kệ ai, ông Bếp Nầy không màng. Những khi nhà đọc sách, ông thường lặng lẽ tìm một chỗ riêng cho mình. Ông có cái thú đánh trúm "tài tử" kiếm con lươn nấu um với bắp chuối, có một bữa cơm rượu với ông bạn già hàng xóm là ông Ba Bường. Nếu không xách xâu trúm ra sân, ngồi dưới bóng cây khế mát rượi săm soi sửa lại cái toi, cái miệng trúm hỏng, thì ông cầm quạt mo cau ra lùm tre xanh ngoài ngõ ngồi phe phẩy, hóng ngọn gió nồm. Có đôi lần, tôi nghe ông Bếp Nầy nói tâm tình với các "thính giả" của bà: "Tui đã chán chuyện bên Tây, bây giờ không để bị chán chuyện bên Tàu". Còn bà Bếp Nầy vẫn than bằng mấy câu: "Tân khách bất lai môn hộ tục, thi thư bất giáo tử tôn ngu" (1); "Gia hữu tam thanh, nhà có 3 thứ tiếng (tiếng dệt cửi, tiếng đọc sách, tiếng trẻ con khóc) là nhà có phước to lắm". Và không lần nào không kèm theo câu: "Giá như ông Bếp nhà tôi, ổng cũng thích nghe truyện".

Mỗi buổi đọc sách xong, bà Bếp Nầy mặt tươi cười hoan hỷ như vừa làm được một việc thiện, bà khen chúng tôi đọc hay, rồi tiễn quý "thính giả" ra về, không quên kèm theo lời hẹn: "Bữa sau… Khổng Minh dùng chước lạ mượn tên…", "Bữa sauTrai anh hùng gặp gái thuyền quyênnhớ đấy nghen!". Cái "bữa sau" đó, về sau có nhiều người đăng cai, tổ chức ở nhà nọ nhà kia. Bà Bếp Nầy "vận động" mỗi nhà đóng một giá sách. Giá sách của ông Năm Ngôn, dì Chín Chánh mới mà nhiều sách gần ngang bà Bếp Nầy, lại còn có sách lịch sử, sách canh nông trồng trọt nữa. Ông Năm Ngôn ra điều kiện, trước mỗi bữa đọc sách phải đọc 5 trang trong sách Đại Nam quốc sử diễn ca, nhiên hậu đọc gì thì đọc, và được mọi người hưởng ứng.

Tôi đọc sách cho bà Bếp Nầy và người làng An Định nghe được vài năm thì xa nhà đi học trường Quốc Học ở Quy Nhơn. Tuấn thi đậu bằng Tiểu học rồi ở nhà chờ xin làm hương sư dạy trường làng. Tuấn tiếp tục đọc sách cho bà Bếp Nầy và bà con trong làng nghe, lại còn lôi kéo thêm Tài, Trí nhỏ tuổi hơn, học thua tôi và Tuấn vài năm cùng tham gia đọc với mình. Đến kỳ nghỉ hè năm thứ hai, tôi về nghỉ hè ở quê nhà. Bà Bếp Nầy khoe với tôi: "Con ơi, số sách bà với bà con đã đọc được nhiều lắm", rồi kể đủ những tên sách, khiến tôi có thể gom lại: Truyện Tàu chương hồi danh tác Trung Quốc gần như hết, truyện thơ Nôm gần như hết, có những cuốn hay được đọc đi đọc lại đến trăm lần. Bà Bếp Nầy, ông Hai Ngữ, ông Năm Ngôn, dì Chín Chánh vẫn ngồi "kể chuyện theo sách" cho người lớn, trẻ con trong nhà, hàng xóm nghe từ đầu đến cuối những cốt truyện Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký…, đọc thuộc lòng hết đoạn nọ đến đoạn kia Đại Nam quốc sử diễn ca khiến ai cũng mùi; vẫn ru con ru cháu mùi mẫn, đưa trẻ thơ vào giấc ngủ bằng câu thơ Kiều, câu thơ Lục Vân Tiên… Người làng An Định vận dụng từ ngữ trong sách tài tình lắm. Nói về tình người để chua chát về một điều gì, thì: "Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le". Nói về bọn tham quan ô lại ăn hối lộ, thụt két Nhà nước, vơ vét của dân thì có ngay: "Có tiền việc ấy mà xong nhỉ /Đời trước làm quan cũng thế a?", "Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham", "Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan". Nói về thương ghét việc đời để giáo hóa thì "Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm /Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang", "Thương là thương đức Thánh nhân /Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần lúc Khuông"… Người làng An Định nói và làm đi đôi với nhau. Cho nên con dân trong làng, ai cũng trọng nghĩa nhân, lo làm ăn, ra làm quan to như ông Đầu tỉnh Tạ, ông Lãnh binh Lê được tiếng thương dân và thanh liêm khiến ai cũng mến. Hồi có cuộc nổi dậy hưởng ứng hịch Cần Vương, có cuộc nổi dậy kháng thuế, rất đông trai trẻ làng tôi đầu vào nghĩa quân Mai Xuân Thưởng, cả làng kéo nhau vô biểu tình đòi giảm sưu thuế ở thành Bình Định.

* * *

Sau tháng Tám năm 1945, đâu đâu cũng nổi lên phong trào Bình dân học vụ. Làng tôi có bao người đi học, bà Bếp Nầy là người hăng hái nhất. Bà có động cơ học tập. Học 3 tháng thì diễn vần đọc sách, học 7 tháng thì đọc sách ro ro, lại còn biết cầm cây bút lá tre, cây bút rông để viết nữa. Mừng quá, bà ra làm cán bộ phụ nữ xã, vận động đủ thứ phong trào, nhất là phong trào đi học Bình dân học vụ. Hết việc phụ nữ, bà về nhà "đóng cửa" đọc sách. Một hôm ông Hai Ngữ, ông Năm Ngôn, dì Chín Chánh đến nhà chơi, dì Chín Chánh sẻ chia với bà rằng: "Bây giờ, bà con tui thỏa chí bình sinh được đọc sách bằng chính mắt mình, nói không quá rằng ở làng mình nhà nhà đọc sách, nhà cán bộ còn đọc công văn giấy tờ của công tác kháng chiến nữa". Ông Năm Ngôn thốt lên: "Ôi biết đọc biết viết sướng làm sao. Tụi tui nhờ có chị mà mê sách, bà con trong làng từ cái gốc nơi chị mà sớm xóa được nạn mù chữ".

Ông Bếp Nầy bây giờ ra nhận công tác "quân sự" xã Nhân Hòa. Hằng ngày, ông "Quân sự Nầy" ra sân vận động "tập lính" cho dân quân. Đôi hồi, sau buổi tập ngồi giải lao, chuyền tay bình đông, uống ngụm chè xanh với dân quân, ông "Quân sự Nầy" nói vui: "Tui đã chán chuyện bên Tây, bây giờ phải tránh chán chuyện bên Tàu. Đời mà chán việc nọ việc kia thì giảm thọ. Nhưng mà đọc sách kiểu bà Tám nhà tui, nghĩ cũng hay đấy nhỉ". Ông gọi bà vợ theo thứ Tám của ông.

Năm ngoái tôi về quê. Làng tôi nay, người già cũng biết đọc biết viết trên danh nghĩa, lớp trẻ đều có bằng cấp, giáo viên Tiểu học, Trung học có, cháu gái Hòa (chắt ngoại bà Hai Trầu) là kỹ sư nông nghiệp, cháu trai Thịnh (chắt nội ông Hai Ngữ) là trung cấp y tế, Trạm trưởng y tế xã được cử đi học, nay cũng thành bác sĩ rồi. Ấy vậy mà trong cả làng không có một tủ sách gia đình, không có sách thì đừng nói chi đến việc đọc sách. Gia đình nào cũng có đủ các phương tiện nghe nhìn, đời mới đời cũ để xen nhau; lớp trẻ đọc báo, xúm nhau "nghiên cứu" sâu các ngôi sao ca sĩ, người mẫu thời trang, ngôi sao bóng đá, thức trắng đêm xem bóng đá quốc tế, chứ đâu như hồi xưa ông bà "Trước đèn xem truyện Tây Minh". Và nếu có tiếng đọc sách của trẻ con thì thường cũng bị tiếng ồn va chạm ly cốc, tiếng chửi thề của những cuộc nhậu tràn lan (có kèm theo tiếng hát karaokê) át mất. Tôi có đức tin, người tốt mất rồi thì linh hiển. Thế chẳng biết vong linh bà Tám Nầy đang viễn du đâu đó, có buồn lắm cho cái "văn hóa đọc" của làng An Định ngày nay nó sút giảm đến thế?

9-2005

. H.K.B

 

(1) Nhà không khách đến là nhà tầm thường, không sang; không dạy con cháu bằng sách vở thì để con cháu ngu.
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hình tượng con voi trong điêu khắc Chăm  (28/09/2005)
Làm gì để tu bổ, bảo tồn nhà lá mái Bình Định?  (28/09/2005)
Thơ  (28/09/2005)
Nỗi buồn làng vắng  (28/09/2005)
Đêm Trung thu  (28/09/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (28/09/2005)
Chân cứng đá mềm  (28/09/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (28/09/2005)
Cuộc đời và cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long  (28/09/2005)
Cần xử lý nghiêm khắc tên côn đồ Phan Thanh Nhất  (28/09/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/09/2005)
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân  (29/08/2005)
Việt Minh phủ Ái khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945  (29/08/2005)
Lịch sử đã đứng về phía ông Hồ !  (29/08/2005)
Tân Trào - Thủ đô cách mạng tiền khởi nghĩa  (29/08/2005)