|
Phụ nữ ở Quan Quang đang vót mây đan nia. | Không biết chính xác nghề đan tre ở thôn Quan Quang (xã Nhơn Khánh, An Nhơn) có từ khi nào, nhưng từ bao đời nay, hết lớp già rồi đến lớp trẻ truyền nghề cho nhau. Cứ thế, tre già măng mọc, nghề cứ thế lưu truyền cho đến tận hôm nay. Vào một chiều hè tiết trời âm u, chúng tôi có dịp về Quan Quang và chứng kiến sự nhộn nhịp của làng nghề giữa một miền quê yên ả rợp bóng tre xanh...
Bên mái hiên nhà, bà Nguyễn Thị Thanh đang ngồi cần mẫn vót những sợi dây mây để lận nứt vào chiếc nia đang còn đan dang dở kia. Biết tôi muốn tìm hiểu cái nghề mà cả cuộc đời bà gắn bó từ lúc còn trẻ thơ cho đến lúc có cháu nội quanh quẩn bên chân, bà cởi mở tâm tình… Bà chỉ biết rằng nghề đan tre ở Quan Quang có từ thời Pháp thuộc. Hồi đó ở đây có một người đàn ông tự dưng nghĩ ra chuyện đan tre làm nia, và suốt ngày ông cứ bận rộn với việc vót tre, rồi đan tre, cho "ra đời" những chiếc nia phục vụ hữu ích cho nông nghiệp. Ban đầu, dân làng thấy lạ mắt, rồi tò mò đến xem, xem rồi thấy nghề cũng hay hay, có thể giúp ích được nhiều cho gia đình…, thế là bắt chước học nghề. Từ một người rồi lại truyền cho nhiều người và cuối cùng cả làng đều làm nghề đan tre. Những sản phẩm được họ làm ra là các loại thúng, nia, sàn…
Ngày ấy, đan tre chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của địa phương. Được cái, làng Quan Quang lại nằm dọc bờ sông Kôn cho nên lượng tre phục vụ cho nghề tương đối dồi dào, không cần phải đi đâu xa để tìm kiếm nguyên liệu. Một bước ra ngõ cũng có tre… Nhà nhà cứ thế quây quần bên nhau mà đan tre. Thế rồi quân Mỹ ập đến, chiến tranh khói lửa đã làm cho những hàng tre trở nên xơ xác, tiêu điều, dân làng cũng li tán khắp nơi… Làng nghề bỗng dưng vắng vẻ, buồn tẻ đến lạ! Thi thoảng đi sâu vào trong làng mới thấy sót lại một vài hộ còn duy trì nghề. Sau ngày đất nước giải phóng, dân làng Quan Quang ngày trước li hương khắp nơi cũng đã quay về làng xưa, và cái nghề đan tre "sống" lại. Khắp các thôn xóm trong làng lại đầy ắp tiếng cười, từ vỉa hè cho đến đầu sân, nơi cuối vườn, đâu đâu cũng có bóng dáng người ngồi đan tre. Và nghề đan tre phát triển mạnh cho đến bây giờ. Bà Thanh tâm sự: "Ở đây, từ đứa nhỏ cho đến ông lão, bà lão đều biết đan tre. Đan tre tuy là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng cũng là thu nhập chính. Như nhà tui đây, có 6 nhân khẩu đều làm nghề. Mà cái nghề này, tuy không giàu nhưng không bao giờ có chuyện bán lúa bán gạo để lo cho cái ăn…".
Nghề đan tre ở làng Quan Quang là một nghề truyền thống đã có từ bao đời và ngày nay vẫn tồn tại trước sự cạnh tranh gay gắt của những mặt hàng nhôm, nhựa... |
Ngày trước cứ 5 ngày thì đến phiên chợ Bình Định, bà con gồng gánh sản phẩm đan tre, chở xe đạp, xe máy hay xe ngựa ngược xuôi theo con đường 19B hơn 4 cây số đến chợ từ lúc gà chưa gáy sáng. Có người còn mang hàng xuống chợ Bình Định cho các lái buôn đưa lên xe tải đã đợi sẵn để chở đi các nơi tiêu thụ và họ quay về nhà lúc trời còn chưa kịp sáng với những khoanh mây mua ở chợ đem về đan sản phẩm cho phiên chợ sau. Đến mùa mưa lũ đường sá đi lại khó khăn thì việc vận chuyển sản phẩm càng vất vả hơn nhiều.
Vất vả là thế mà thấy vui vì nhiều nhà làm, thúc đẩy nhau cùng làm tạo thành một làng nghề. Bà Phan Thị Hiền cho hay: "Nghề này cũng dễ làm lắm, nếu chú tâm học nghề thì chỉ cần vài ba ngày là biết làm. Tre mua về, chẻ ra, vót thành nan rồi đương (đan). Tre để đan là giống tre mỡ, tre suôn, mắt nhỏ, chẻ không bị gãy. Chớ nên dùng loại tre gai vì nó to mắt, mắt chiếm hết trọi, làm dễ hao tre… Mây mua về cũng chẻ ra đem phơi nắng cho trắng ra, ngâm nước rồi vót. Cứ chẻ đâu thì làm đấy, không được để tre khô, làm đứt sợi hư hao hết…". Cả thôn Quan Quang bây giờ, nhà nào nhà nấy cũng đều đan tre. Ở xóm 3 có đến 187 hộ đan thúng, nia, sàn; xóm 10 thì có 22 hộ chuyên đan thúng. Nghề đan tre cũng tồn tại với nghề trồng dâu nuôi tằm, dù nhiều nơi đã bỏ cây dâu nhưng Nhơn Khánh vẫn duy trì nghề với diện tích cây dâu lúc cao điểm là 117 ha, lớn nhất huyện. Bây giờ cả xã chỉ còn 5 ha, riêng Quan Quang là nơi có diện tích trồng dâu nhiều nhất xã (2 ha). Nghề nuôi tằm tồn tại nên nghề đan tre ở Quan Quang còn có thêm sản phẩm là né để nuôi tằm. Việc đan né đòi hỏi phải tỉ mỉ hơn so với đan thúng, nia, bởi khi ghép tre lại thì nó rắc rối hơn. Về Quan Quang ta dễ dàng nhìn thấy cứ đêm đêm dưới ánh đèn điện trong từng ngôi nhà, mọi người ngồi quây quần bên nhau, người thì cho tằm ăn, người thì đan đát. Người dân nơi đây có tình cảm yêu thương, gắn bó với quê hương bao nhiêu thì họ càng yêu nghề đan tre, yêu cái kén - con tằm bấy nhiêu.
|
Nong - sản phẩm đan tre được chuyển đi bán các nơi.
|
Không như người đời thường nói: "Cùng nghề đan thúng, túng nghề đan nia", nghề đan tre ở làng Quan Quang là một nghề truyền thống đã có từ bao đời và ngày nay vẫn tồn tại trước sự cạnh tranh gay gắt của những mặt hàng nhôm, nhựa… Thu nhập và nuôi thân bằng chính sức lao động, mồ hôi nước mắt của mình thì nghề nào lại không đáng trân trọng. Bởi vậy mà những chiếc thúng, nia, nong, sàn quen thuộc ở đây vẫn luôn có mặt cùng nhà nông để làm dụng cụ hái đựng, phơi phóng các loại nông sản; và còn bao nhiêu thứ đồ dùng hàng ngày trong gia đình vẫn không thể thiếu mặt hàng đan tre. Mặc dù so với các ngành nghề khác thì mức thu nhập của những người thợ thủ công đan tre không cao. Nếu tính bình quân từng người trong gia đình thì ngày công chỉ có năm, sáu ngàn đồng, nhưng nhà đông người, tận dụng hết công lao động nhàn rỗi từ người già cho đến trẻ nhỏ cũng đều đan được vài cái. Vừa đan tre, vừa nuôi tằm, ít góp thành nhiều, tính chung mỗi gia đình cũng thu nhập được năm, bảy trăm ngàn, có khi khá hơn, đến cả triệu đồng mỗi tháng. Ở nơi đất hẹp, người đông này, mức thu nhập như thế cũng thuộc vào loại khá. Hơn nữa, cộng thêm nguồn thu nhập từ làm ruộng, chăn nuôi nên nhiều nhà (chủ yếu có nhiều lao động trẻ) cũng có của ăn của để, mua sắm tiện nghi gia đình, chi phí cho con cái học hành, đã góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Chủng loại cũng như trình độ thẩm mỹ của mặt hàng đan tre ở Quan Quang cho đến bây giờ vẫn chỉ dừng lại ở cấp độ thủ công đơn giản trong khi nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng đòi hỏi ngày một nâng cao. |
Bà Nguyễn Thị Thanh thổ lộ: "Cái nghề này, ở đây nhà nào cũng biết làm. Những đứa con gái trong làng lớn lên lấy chồng đi xứ khác, cuộc sống khốn khổ cũng quay trở lại với nghề, tụi nó làm nghề ở nhà chồng rồi cũng tập trung sản phẩm về đây để mang đi bán. Bây giờ sản phẩm của Quan Quang không chỉ tiêu thụ nội tỉnh mà còn được các nơi như vùng Tây Nguyên, miền Nam mua về để phơi cà phê, tiêu và các loại nông sản khác… Cứ đến mùa thì các xe nổ của con buôn chạy thẳng vào làng mua, nếu thấy được giá thì bán, không thì mang ra chợ. Mà khi đã ra chợ, rẻ thì bán rẻ, mắc thì bán mắc chứ không hề có chuyện mang sản phẩm về nhà trở lại… Cho nên, với nghề này thì chẳng sợ "bí" đầu ra".
Thế nhưng chủng loại cũng như trình độ thẩm mỹ của mặt hàng đan tre ở Quan Quang cho đến bây giờ vẫn chỉ dừng lại ở cấp độ thủ công đơn giản trong khi nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng đòi hỏi ngày một nâng cao. Ông Hoàng Trọng Quốc - Chủ tịch UBND xã Nhơn Khánh - cho biết: "Nói thật, tiềm năng lớn để phát triển làng nghề thì chưa có, mà việc đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với nghề truyền thống này cũng chưa. Nhưng nếu người dân địa phương có nhu cầu thì xã vẫn tạo điều kiện để phát triển làng nghề…". Trên thực tế, chủng loại mặt hàng đan tre rất phong phú, đa dạng. Nếu như có sự đầu tư, nghiên cứu tác động kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm cao cấp tham gia xuất khẩu thì hiệu quả của cây tre và mặt hàng đan tre ở Quan Quang nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung sẽ còn phát triển và vươn xa hơn…
. Song Hàn |