Hành trình đưa cây lúa nước lên đỉnh núi Vĩnh Sơn
21:10', 28/9/ 2005 (GMT+7)

Nằm trên đỉnh núi cao, nơi có con nước phát ra dòng điện Vĩnh Sơn, làng K4 (huyện Vĩnh Thạnh) có hơn 140 hộ đồng bào Ba na sinh sống. Trong sản xuất nông nghiệp, trước đây bà con chỉ chuyên chặt, đốt, cốt, trỉa; cây lúa trồng giữa lưng đồi, khó nhọc lắm bà con mới thu được từ 12 đến 16 tạ/ha/năm. Vậy mà nay diện tích cây lúa nước ở đây đã mở rộng đến hơn 40 ha, sản xuất được 2-3 vụ mỗi năm; năng suất bình quân đã vượt con số 35 tạ/ha. Để có được sự đổi thay này là cả một hành trình gian nan của những người mang sứ mệnh "cõng kỹ thuật" lên non.

 

                                                    Cây lúa nước ở làng K4 hôm nay.

 

Cách đây 10 năm, với chân ruộng bậc thang, nhiễm phèn nặng, cỏ dại, lau lách mọc cao đến ngực…, dân làng K4 không mấy mặn mà với việc sản xuất cây lúa nước, dù rằng hạt thóc làm ra không giáp vụ, phải nhờ đến củ mì, củ lang, cây măng rừng…để được no cái bụng. Cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của dân làng, huyện Vĩnh Thạnh đã quyết tâm chuyển giao cho bằng được kỹ thuật sản xuất cây lúa nước trên vùng đất này.

Đồng ruộng ở đây là những thung lũng kéo dài giữa hai triền núi, do được bồi đắp nguồn mùn bã hữu cơ lâu đời nên thường xuyên bị sình lầy, không thể đưa bò và máy cày vào làm đất được. Các cán bộ kỹ thuật đã cùng bà con đưa trâu vào dậm cho tơi đất, kéo qua nhiều lần, cỏ dại được vùi sâu, phơi trên bề mặt ruộng một lớp mùn đen nghịt kèm theo nhiều mảng phèn trôi dọc theo bờ. Khi triển khai mô hình, cán bộ khuyến nông phải có mặt 100% để cùng ăn, cùng ở và cùng làm với bà con. Họ xuống từng đám ruộng để "cầm tay chỉ việc" cho từng người, từ khâu làm đất, ngâm giống, vãi hạt, bơm thuốc cỏ, bón phân… đến khi thu hoạch lúa đem về đến nhà sàn, lúc nào cùng có cán bộ kỹ thuật ở bên cạnh, cùng làm với dân làng. Nhớ lại một lần đang trong thời điểm phun thuốc diệt cỏ cho lúa nhưng bà con bận dự đám cưới, cả làng cùng uống rượu say đến 2, 3 ngày. Cán bộ khuyến nông phải thuê người từ nơi khác đến để phun thuốc kịp thời giúp cho bà con, vì nếu chậm trễ thì chỉ sau 10 ngày cây cỏ sẽ cao hơn cây lúa, mô hình thất bại. Bok Chạy là một người cao tuổi trong làng, qua 3 ngày tỉnh rượu, đến thăm ruộng gặp cán bộ khuyến nông đang phun thuốc cho 4 sào lúa nhà mình, cảm động nói: "Cảm ơn các chú đã vì bok, vì dân làng mà lo hết mình để cây lúa được nhiều gié, dân làng được no ấm, nghĩ lại bok thấy mình say quên cả chăm sóc cây lúa là điều không phải".

Trong quá trình thực hiện mô hình, bà con được khuyến nông hỗ trợ 100% lượng giống, vật tư, phân bón, lại chở đến tận nhà rông. Nhưng sau đó khi nhận phân bón về nhà, nhiều người đã không đem bón cho cây lúa mà tìm chỗ giấu kỹ để cán bộ khuyến nông không thể phát hiện. Khi đi thăm từng đám ruộng, nhìn qua hiện trạng cây lúa cán bộ khuyến nông biết được hộ nào chưa bón đủ phân và đã khẩn trương đến ngay dưới gầm nhà sàn của họ để lấy phân ra bón kịp thời. Kỹ sư Luyện Như Dung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh cũng phải thường xuyên làm việc này vì muốn có một năng suất cao ở cuối vụ với thu nhập thuyết phục đối với dân làng. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng mô hình, những năm tiếp theo Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao giống cấp 1 đưa vào sản xuất đại trà kèm các biện pháp thâm canh hữu hiệu. Cứ thế, mô hình được lặp đi, lặp lại rất nhiều lần, vì để thay đổi một tập quán sản xuất không phải dễ. Chiến thuật "mưa lâu, thấm dần" của khuyến nông đã có hiệu quả thực sự, tình trạng đốt rừng trỉa lúa đã giảm hẳn và với kết quả như hiện nay, cây lúa nước đã giúp cho bà con làng K4 đủ no cái bụng mà không còn nghĩ đến củ mì, củ lang nữa…

Ngày nay, không những bà con làng K4 đã thành thục với các biện pháp canh tác lúa nước mà có nhiều vụ bà con dùng đến 100% lúa giống cấp 1 để gieo sạ; nhiều hộ như bá Luy, bá Pháp, bá Đan… đạt năng suất hơn 60tạ/ha. Hành trình đưa cây lúa nước đến làng K4 cũng chính là hành trình đưa niềm vui đến cho bà con dân bản.

. Thái Bình Trọng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghề đan tre ở Quan Quang  (28/09/2005)
"Văn hóa đọc" ở làng tôi xưa  (28/09/2005)
Hình tượng con voi trong điêu khắc Chăm  (28/09/2005)
Làm gì để tu bổ, bảo tồn nhà lá mái Bình Định?  (28/09/2005)
Thơ  (28/09/2005)
Nỗi buồn làng vắng  (28/09/2005)
Đêm Trung thu  (28/09/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (28/09/2005)
Chân cứng đá mềm  (28/09/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (28/09/2005)
Cuộc đời và cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long  (28/09/2005)
Cần xử lý nghiêm khắc tên côn đồ Phan Thanh Nhất  (28/09/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/09/2005)
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân  (29/08/2005)
Việt Minh phủ Ái khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945  (29/08/2005)