"Bà đỡ" của nghề cá Hoài Nhơn
21:25', 28/9/ 2005 (GMT+7)

Những năm 80 của thế kỷ XX, nếu ai đã từng qua vùng Thiện Chánh, Tam Quan (Hoài Nhơn) hẳn không dễ gì quên một ấn tượng: khắp nơi ngồn ngộn cá chuồn phơi trong nắng hanh vàng và không gian đặc quánh hương vị của biển cả là mùi nước mắm nhỉ. Thuở ấy chỉ có cá chuồn khô và nước mắm là sản phẩm chủ lực của Trạm hải sản Tam Quan trực thuộc Công ty Thủy sản Nghĩa Bình. Đến hôm nay, như con tàu qua đại dương, đơn vị đã vượt qua bao sóng gió để vươn lên với cái tên Công ty Cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn - "bà đỡ" của nghề cá huyện nhà.

 

Đóng mới tàu đánh bắt hải sản có công suất lớn tại Công ty CPTSHN (ảnh:  Ngọc Tuấn)

 

1.

Nước mắm bán đi khắp nơi, mỗi năm 300-400 ngàn lít. Cá chuồn khô mỗi năm trên ngàn tấn chất lên xe tải cung cấp cho bà con miền Bắc, lên tận biên giới Việt - Trung và sang tới đất Trung Hoa. Ấy là sản phẩm của Trạm hải sản Tam Quan trong một thời bao cấp.

Cuộc sống khá dần lên. Cơ chế quản lý cũng dần thay đổi. Thịt ngon, cá béo ngày một nhiều, chẳng ai còn ăn cá chuồn khô. Rồi nước mắm từng hộ gia đình phát triển thì nước mắm quốc doanh ế ẩm và nghề làm nước mắm cũng không mấy lời lãi nên cần tìm một hướng đi mới cho phù hợp. Thế là sau mấy lần thay tên đổi chủ, từ Trạm hải sản trực thuộc công ty tỉnh trở thành công ty độc lập của huyện, rồi lại thuộc công ty tỉnh. Nhưng chỉ 2 năm, các công ty thủy sản trong tỉnh sáp nhập thành một công ty lớn và cuối cùng, tháng 2-1999, trước xu thế tất yếu cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn (CPTSHN) ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho ngành thủy sản huyện nhà.

Vẫn là cơ sở cũ. Vẫn là những con người cũ. Nhưng suy nghĩ và cách làm ăn thì đã khác. Tất cả cán bộ, công nhân viên đều được mua cổ đông và đều ở lại làm việc. Chẳng ai phải "nghỉ hưu non" hay bỏ cơ sở mà đi. Người nghèo không có vốn mua cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc tạo điều kiện cho vay để ai cũng có phần trong đó. Họ góp vốn làm ăn cho mình nên ai cũng phấn khởi, tinh thần làm chủ được phát huy cao độ. Không có người chây lười, ỉ lại, làm ăn tắc trách để "dây máu ăn phần" như trước đây. Họ có ý thức giám sát xem đồng vốn của mình sinh lời như thế nào, có bị ai xà xẻo không?

Với vốn điều lệ 1 tỉ đồng khi mới thành lập, Công ty CPTSHN vừa thu mua chế biến thủy sản, vừa làm dịch vụ nghề cá theo một chu trình khép kín: sửa chữa đóng mới tàu thuyền, chế biến thủy sản, làm dịch vụ hậu cần phục vụ cho nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân. Nói cách khác, Công ty CPTSHN là "bà đỡ" cho nghề khai thác đánh bắt thủy sản cả huyện. Họ đến đây để sửa chữa, đóng mới tàu thuyền rồi mua ngư lưới cụ, xăng dầu, gạo nước, đá lạnh ở đây để ra khơi câu mực, đánh bắt cá ngừ đại dương và bao loài cá khác. Khẳm thuyền rồi quay mũi hướng bờ, cho thuyền lượn theo bờ sóng vào cửa Thiện Chánh về cảng cá lại bán cho xí nghiệp chế biến của công ty. Hoài Nhơn hiện có 1.858 tàu thuyền đánh cá, mỗi năm phát triển thêm hàng trăm tàu đánh bắt cá ngừ đại dương thì có đến hơn 60% ra đời ở Công ty CPTSHN. 70% sản phẩm cũng do công ty thu mua, tiêu thụ; 80% lượng xăng dầu, ngư lưới cụ do công ty cung cấp: "…Ngư nghiệp của Hoài Nhơn đã có những bước phát triển mạnh…" như đánh giá của ông Nguyễn Trung Hậu, Chủ tịch UBND huyện, phần lớn có công đóng góp của Công ty CPTSHN. Cảng cá Thiện Chánh như là nhà hộ sinh, còn Công ty CPTSHN là "bà đỡ" khá "mát tay".

Cứ thế…, theo ngày tháng và công việc, Công ty đã phát triển thêm các xí nghiệp. Ngoài 3 xí nghiệp chủ lực là Sửa chữa đóng mới tàu thuyền, Chế biến thủy sản và Dịch vụ nghề cá, còn có Xí nghiệp Xây dựng thủy sản, Xí nghiệp Tư vấn đầu tư xây dựng PISCO, 2 chi nhánh ở TP HCM và Quy Nhơn. Bây giờ công ty có thêm phòng Kinh doanh điện, bước đầu triển khai ở 2 xã Hoài Sơn, Hoài Hảo. Mới đây, công ty mua lại nhà hàng Hương Biển của Công ty Nông thổ sản để kinh doanh du lịch, nhà hàng. Nhiều đơn vị, nhiều công việc như thế mà biên chế cả công ty chỉ có 74 người, trong đó đã có 68 người góp cổ đông nhưng Cổ máy công ty vẫn chạy đều, bởi không có người "ăn không ngồi rồi". Thế nhưng vào mùa vụ, lao động hợp đồng có lúc lên đến 400-500 người. Vốn liếng công ty cũng đã tăng lên 5 lần với 5 tỉ đồng. Ai vào làm việc ở đây, dù mới ra trường hay đang học việc đều được mua cổ đông. Không có tiền, công ty cho vay mà mua để anh chị em luôn gắn bó mật thiết với công ty, cũng tức là với quyền lợi của chính mình.

Công ty ngày càng "ăn nên làm ra". Nếu như năm đầu tiên cổ phần hóa (1999), giá trị kinh doanh của công ty đạt 20 tỉ đồng thì năm 2000 đạt 100 tỉ, năm 2002 tăng lên 146 tỉ, năm 2003: 165 tỉ và năm 2004 đạt xấp xỉ 200 tỉ đồng. Cổ tức hàng năm đạt từ 18 đến 23,5%; lương bình quân 1-1,2 triệu đồng/người/tháng.

Tổ chức Đảng cũng như các đoàn thể trong công ty đều hoạt động khá vững mạnh. Chi bộ từ 7 đảng viên khi mới thành lập nay đã phát triển lên 14 đồng chí. Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên năm nào cũng đạt vững mạnh. Các phong trào thi đua luôn sôi nổi, cuốn hút mọi người.

2.

Khi tôi đến Công ty CPTSHN cũng là lúc công việc ở đây đang bù đầu. Giám đốc Trần Mạnh Tưởng bận họp, anh cử Phó giám đốc kiêm Trưởng phòng Tổ chức Trương Văn Lam tiếp tôi. Các anh đều là những người cũ của công ty từ những năm 1985-1986. Anh Tưởng tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1972. Trước khi sang kinh doanh nghề cá, anh làm Phó Văn phòng UBND huyện. "Mấy ổng bảo tôi sang một hai năm thôi, ai ngờ làm miết…" - anh Tưởng nói vậy. Cũng bởi anh là con người năng động, ưa suy nghĩ, dám làm và hết lòng vì tập thể nên đã có lần trên định điều anh về làm việc ở công ty tỉnh nhưng cả tập thể kiến nghị, nhất định không chịu "nhả" anh ra. Anh thoắt đó thoắt đây, chạy ngược chạy xuôi lo công việc. Nhiều ngày nghỉ, giờ nghỉ anh vẫn có mặt ở công ty.

Phó giám đốc Trương Văn Lam người cao lớn, nói năng nhẹ nhàng. Anh sinh năm 1961, đi bộ đội 5 năm rồi chuyển ngành về làm kế toán khi công ty còn trực thuộc huyện. Mấy lần nhập tách, cả hai vợ chồng anh đều "bám trụ" tại công ty. Bây giờ, Lam phụ trách cả công tác tổ chức hành chính kiêm bí thư chi bộ. Anh cũng vừa làm việc với tôi vừa chạy đi chạy lại giải quyết công việc.

 

Đội tàu đánh bắt xa bờ ở bến cá Thiện Chánh, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) chuấn bị ra khơi.

 

Xưởng đóng tàu của công ty nằm trên khoảng đất rộng kề mép nước của sông Thiện Chánh đầy nắng gió. Sông được khơi luồng, nước xanh ngăn ngắt. Hàng trăm con tàu về bến, dập dềnh trên sóng như đang mơ màng sau những chuyến vất vả ra khơi. Trên bãi, những con tàu cần sửa chữa đã được kéo lên. Từng tốp thợ hối hả làm việc. Mấy con tàu đóng mới, nằm phơi khung gỗ như bộ xương sườn của chú cá voi khổng lồ.

Tôi khá bất ngờ khi gặp Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí đóng tàu Tam Quan. Anh nhỏ nhắn, thấp, khá "thư sinh" so với tuổi 28 và cái chức giám đốc một xí nghiệp đóng những con tàu lớn. Đó là Lý Vĩnh Quí, sinh năm 1976, quê ngay tại Tam Quan Bắc. Quí tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tàu thuyền ở Đại học thủy sản Nha Trang năm 1999. Ra trường, Quí vào TP Hồ Chí Minh tìm việc rồi lại ra Nha Trang làm cho HYUNDAI VINASHIN. Nhưng cuối năm 2001, theo tiếng gọi của quê hương và sự mời chào nhiệt thành có tính "chiêu hiền đãi sĩ" của giám đốc Trần Mạnh Tưởng, Quí khăn gói về Công ty CPTSHN, làm việc ở Xí nghiệp này; cuối năm 2003 thì Quí đảm nhiệm chức giám đốc. Xí nghiệp hiện có 2 chàng kỹ sư trẻ cũng quê ở hai xã Tam Quan và 12 cán bộ kỹ thuật, công nhân biên chế, số còn lại là lao động thời vụ khi dăm chục người, khi trên trăm người. Thế nhưng công việc ở đây thì không nhỏ bé, nhẹ nhàng chút nào. Năm 2004, xí nghiệp đã đóng mới và sửa chữa hàng trăm tàu đánh cá. Có những con tàu đóng mới, công suất đến 500CV. Thông qua đấu thầu, xí nghiệp đang đóng 2 chiếc tàu lớn cho Bộ đội Hải quân trị giá 9,5 tỉ đồng và 1 chiếc cho Bộ đội Biên phòng Bình Định, trị giá 1,5 tỉ đồng.

Cảng cá Thiện Chánh như là nhà hộ sinh, còn Công ty CPTSHN là "bà đỡ" khá "mát tay".

Tôi hỏi Quí nhận xét như thế nào về giám đốc Trần Mạnh Tưởng, Quí nói ngay: "Chú Hai luôn tìm việc làm cho công ty, cho người lao động. Các quyết định của chú chưa bao giờ thất bại. Chú cũng là người luôn lắng nghe ý kiến quần chúng, tận tình giúp đỡ khi họ gặp khó khăn nhưng lại rất nghiêm khắc trong công việc và giờ giấc lao động, khuyến khích thưởng vật chất cho người tìm được việc làm mới cho công ty".

Chị Trần Thị Mến làm việc ở công ty đã lâu. Khi còn khoán sản phẩm, vợ chồng chị vay tiền, vay vàng mua ô tô chở cá chuồn ra miền Bắc bán. Bị thua lỗ, vợ chồng chị phải bán ô tô, bán nhà trả nợ. Khi cổ phần hóa, công ty tạo điều kiện cho vợ chồng chị vay vốn mua cổ đông. Nay chị đã có đất, làm nhà mới, không những hết nợ mà còn có tích lũy. Chị bảo: "Ai chứ anh Hai Tưởng thì khỏi chê. Ảnh làm kinh tế giỏi, làm hôm nay luôn nghĩ việc ngày mai, nghĩ đến việc mở ra nhiều ngành nghề để ai cũng có công ăn việc làm, đời sống ngày một khá. Nhà tôi và nhà cô Tú, anh Đạt nếu không nhờ anh Hai Tưởng, không có công ty cổ phần thì chắc mạt kiếp cũng chưa trả hết nợ".

Với mức lương hàng tháng tương đối cao, đời sống người lao động trong công ty ở miền biển này khá ung dung. Cổ tức hàng năm không ai phải dùng đến lại tiếp tục đầu tư vào công ty, đồng tiền cứ thế sinh sôi mãi.

Chiều nhạt nắng. Tôi phóng xe máy ngược đường số 4 ra cửa biển Thiện Chánh. Những đợt sóng đập vào bờ kè cảng cá tung bọt trắng xóa. Bên kia, dãy núi Trường Xuân vươn mình như muốn choài ra biển. Bên này, lá cờ đỏ phần phật bay trước cửa Đồn biên phòng 308 như reo vui chào những con tàu ra vào cảng cá. Một ngày không xa, cảng cá Thiện Chánh hoàn chỉnh, luồng lạch bến bãi được cải tạo để có thể đón trên 1.000 con tàu vào bến đỗ, thì nghề đánh bắt hải sản ở Hoài Nhơn chắc sẽ ngày càng phát triển. Và, Công ty Cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn, "bà đỡ" mát tay của nghề cá, sẽ ngày càng bận rộn cho những mùa cá bội thu.

. Nguyễn Văn Chương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hành trình đưa cây lúa nước lên đỉnh núi Vĩnh Sơn  (28/09/2005)
Nghề đan tre ở Quan Quang  (28/09/2005)
"Văn hóa đọc" ở làng tôi xưa  (28/09/2005)
Hình tượng con voi trong điêu khắc Chăm  (28/09/2005)
Làm gì để tu bổ, bảo tồn nhà lá mái Bình Định?  (28/09/2005)
Thơ  (28/09/2005)
Nỗi buồn làng vắng  (28/09/2005)
Đêm Trung thu  (28/09/2005)
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (28/09/2005)
Chân cứng đá mềm  (28/09/2005)
Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh  (28/09/2005)
Cuộc đời và cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long  (28/09/2005)
Cần xử lý nghiêm khắc tên côn đồ Phan Thanh Nhất  (28/09/2005)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (28/09/2005)
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân  (29/08/2005)