Tản mạn về nghệ thuật nhiếp ảnh
15:55', 31/10/ 2006 (GMT+7)

Tác phẩm “Đôi dòng thác” của NSNA Phạm Văn Mùi.

Nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng, là khoảnh khắc bấm máy được chắt lọc từ hiện thực, là quá trình tư duy của người nghệ sĩ: không bấm máy cái nhìn thấy mà chụp cái nghĩ ra! Thế giới được hình thành bởi những khái niệm, còn nghệ thuật? Lịch sử nghệ thuật từng chứng minh rằng sự phát triển của nghệ thuật trong mỗi giai đoạn là diễn trình phản ảnh hoặc dự báo thời đại, cái nọ bổ sung cái kia, cái sau kế thừa cái trước, cái phù hoa nhất thời tự đào thải. Thiết nghĩ, nghệ thuật không có giới hạn, giới hạn là do con người đặt ra để tự làm khổ mình.

Thế giới thay đổi hằng ngày, con người cũng phải thích nghi để tồn tại, điều đó không ai chối cãi. Nghệ thuật không ngoài quy luật trên. Nó luôn đòi hỏi người nghệ sĩ cái mới, cái lạ. Hẳn nhiên, cái mới luôn tiềm ẩn sự thách thức, rủi ro, “được ăn cả ngã về không”. Có lần, một nhiếp ảnh gia Pháp gốc Việt nói với tôi rằng nhiếp ảnh Việt Nam không có gì mới, cũng là đồi cát như những năm 60 thế kỷ trước, những ông già bà lão người dân tộc răn reo… Thậm chí một lượng bài viết đáng kể đăng tải trên các báo, tạp chí gần đây cũng có những nhận định tương tự.

Chúng ta cần xác định cái mới là gì? Mới là chưa ai có, hay không giống ai? Mới là sự kế thừa và phát huy? Vấn đề này tuỳ theo quan niệm, ý thức hệ và văn hoá của mỗi người, mỗi vùng miền, quốc gia? Tất cả chúng ta ai cũng học mới thành người, không thể sinh ra đã biết mọi thứ. Những ai mang nghiệp nhiếp ảnh vào thân, dù khó khăn cũng cố một lần đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đồi cát Mũi Né, hay Lương Sơn, Hoà Thắng. Cái hoang dại, trầm tích thời gian ẩn sâu trong đôi mắt làn da người dân tộc là nỗi ám ảnh, thách thức cho những ai muốn khám phá bí ẩn của tâm hồn, sự giao thoa con người và thiên nhiên, chất liệu tuyệt vời diễn tả cái TÔI nghệ thuật. Nói rằng những bức ảnh đồi cát, ông bà già người dân tộc đoạt giải nước ngoài vì loại ảnh này lạ với phương Tây? Những nhà nhiếp ảnh Việt Nam như Nguyễn Bá Mậu, Khưu Từ Chấn, Ngô Đình Cường… đã khẳng định trên ảnh trường quốc tế ngay từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước. Tôi tin rằng không những thế hệ hôm nay mà nhiều thế hệ sau này vẫn tiếp tục cày xới trên mảnh đất nghệ thuật ấy. Chẳng lẽ mới và lạ cần thiết với chúng ta, còn thế giới thì họ chấp nhận cái cũ, cái sáo mòn ư (?) Cái độc đáo trong “ngôi đền nghệ thuật” thế giới là ở chỗ nó tập hợp sự đa dạng và khác biệt về văn hoá, lối sống… mỗi dân tộc. Trước xu thế hội nhập, tiếp cận cái mới là yêu cầu bức thiết sống còn, nhưng không đánh mất mình. Gần đây, nhiều quốc gia cổ xuý và bảo tồn các giá trị truyền thống. Con người và đời sống 54 dân tộc trong cộng đồng Việt, phong cảnh núi rừng, đồi cát, ruộng bậc thang, làng quê Việt, tà áo dài với nón lá che nghiêng… mang bản sắc đặc trưng dân tộc Việt. Những tác phẩm như Nét thủy mạc Sa Pa của Võ An Ninh, bộ ảnh Mái tóc của Phạm Văn Mùi, Dáng ngoại của Nguyễn Bá Mậu, Qua đồi mộng của Ngô Đình Cường…; vài thập niên gần đây có Mẹ con ngày gặp mặt của Lâm Hồng Long, Theo anh vào đời của Thu An, Dáng quê của Lê Hồng Linh, Bức tranh sức sống đồng bằng của Đào Hoa Nữ… cho ta thấy điều ấy. Hình thức thể hiện không những là phương tiện biểu đạt tư tưởng mà còn góp phần quyết định giá trị nghệ thuật tác phẩm, nhất là đối với nghệ thuật tạo hình. Điều dễ hiểu: cùng một sự kiện hay một luận điểm nhưng không cùng hệ quy chiếu, sự nhìn nhận vấn đề tất nhiên khác nhau.

Lại có nhiều người cho rằng nhiếp ảnh độc đáo bởi khoảnh khắc bấm máy từ hiện thực cuộc sống, còn dàn dựng đánh mất tính chất đặc thù của nhiếp ảnh. Nước mắt thuỷ tinh của nhà nhiếp ảnh thiên tài Man Ray, Đôi dòng thác của Phạm Văn Mùi được hình thành từ sự thật cuộc sống hay xuất phát từ cuộc sống để tư duy và hình thành tác phẩm? Tại sao ta chú ý “má hồng cô thiếu nữ” mà không quan tâm đến “ánh mắt kẻ si tình”? Trước đây gần trăm năm những nhiếp ảnh gia lừng danh đã từng trăn trở đúc kết và để lại kho tàng nhiếp ảnh một khối lượng tác phẩm đồ sộ đủ chứng minh điều này.

Mọi dòng sông đều chảy về biển, mọi xu hướng, trào lưu, trường phái nghệ thuật cũng nhằm mục đích khám phá và tôn vinh cái đẹp. Xin mượn câu nói của NSND Đặng Nhật Minh để khép lại bài viết này “Đi tới cái tận cùng của chúng ta, ta sẽ gặp thế giới ở đó”.

  • Đào Tiến Đạt
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/10/2006)
Những bà mẹ xứ dừa  (02/09/2006)
Quy Nhơn - Bình Định giành chính quyền  (02/09/2006)
Triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển KKT Nhơn Hội  (02/09/2006)
Nối liền đôi bờ Thị Nại  (02/09/2006)
Những cố gắng vượt thời gian  (02/09/2006)
Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp  (02/09/2006)
Hồn dân tộc in trong từng nét khảm  (02/09/2006)
Trồng dưa đất lạ  (02/09/2006)
Chợ Rượu - Chợ phù hoa  (02/09/2006)
Phía sau giấc mơ tỉ phú  (02/09/2006)
Những cuộc tình trong chiến tranh  (02/09/2006)
Hành trình đến trang web dành cho người mắc bệnh máu khó đông  (02/09/2006)
Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?  (02/09/2006)
Thơ  (02/09/2006)