Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ một số di tích ở Bình Định
16:1', 31/10/ 2006 (GMT+7)

Tượng “Phật Voi” Ganesa ở chùa Linh Tượng (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn).

Hành trang người Việt mang theo trên con đường Nam tiến từ thế kỷ XVI về sau là truyền thống văn hoá lâu đời. Trên vùng đất mới, người Việt đã ảnh hưởng tiếp thụ rồi tiếp biến tín ngưỡng cư dân Chăm bản địa.

* Điểm giao thoa của hai truyền thống

Có một thực tế, trong tâm thức người Việt, núi vốn có ý nghĩa đặc biệt, là nơi con người trông về, ngưỡng vọng. Ngay từ thời Lý, Trần, những nơi có núi cao cảnh đẹp, đều được dựng chùa thờ Phật. Còn với cư dân Chăm, bản thân những ngọn tháp Chăm đã là biểu tượng cho ngọn núi Mêru - ngọn núi thiêng trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Phải chăng, sự gặp nhau của hai truyền thống ấy, đã tạo điểm giao thoa, dung hoà cho tâm thức Việt - Chăm.

Biểu hiện của sự tiếp biến ấy, trước hết, thể hiện ở chỗ không ít tượng Chăm được dân phát hiện, đưa vào thờ tự tại chùa và được gắn thêm một chữ “Phật”. Ví như Phật Chuông vì giống cái chuông; Phật Voi chùa Linh Tượng (Tây Sơn); tượng Tu sĩ (Phật Lồi) ở chùa Linh Sơn (Nhơn Hải). Còn tượng Phật bằng đồng ở chùa Thầy Mười (Nhơn Lý) thực ra là tượng Avalokitesvara, một dạng Bồ tát trong đạo Phật phái Đại Thừa, niên đại thế kỷ IX-X… Ở chùa Nhạn Tháp (An Nhơn), có hai tượng thần Hộ pháp lớn nhất trong nền nghệ thuật điêu khắc Chăm, được người dân đưa vào thờ chung trong Chùa. Nhân dân quanh vùng cho rằng đây là tượng hai người Việt là Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền đã có công giúp vua Chăm đánh quân Xiêm.

Bên cạnh đó, cũng như nhiều địa phương khác, ở Bình Định, quá trình tiếp biến này thể hiện ở việc Việt hóa việc thờ Bà mẹ xứ sở, nữ thần Y Na trong tín ngưỡng Chăm. Ở Vĩnh Thạnh, có việc thờ thần Y Na làm thành hoàng. Miếu này tên chữ là Thiên Y miếu, nhân dân ở đây quen gọi là miếu ông Chu vì ông Chu từng làm chủ từ rất lâu, nay đã mất. Trước năm 1945, người dân vẫn tế xuân thu nhị kỳ, cúng tam sinh, hoặc ít nhất là heo, bò; nhưng nay chỉ tế vào 12 tháng giêng âm lịch. Đi vào miếu, ở góc phải có bố trí một miếu âm hồn gọi là Âm Linh Miếu. Miếu Thiên Y ba gian hai chái, có hàng cửa, nhân dân cho biết mở quanh năm suốt tháng. Gian giữa ngay trên tường có một chữ Thần, hai gian bên cũng viết ngay trên tường các chữ: Tả ban, hữu ban. Trên bàn thờ là bài vị hai nữ thần, nhìn từ ngoài vào bên phải có bài vị: Cao sơn Đào Thị Nương, nương chi tôn thần vị, bên trái là sắc phong Thiên Y Na diễn ngọc phi thượng đẳng thần, thần vị. Miếu còn là nơi hội họp của cộng đồng, tương tự như hội quán của người Hoa, duy chỉ có điểm khác biệt là nếu không có các cuộc họp, dân vẫn ra đây tụ họp, uống trà, hút thuốc, tán chuyện…

 

Miếu Thanh Minh tại Tháp Đôi (Quy Nhơn).

 

* Miếu Thanh Minh: nhà tưởng niệm tiền nhân lớp đầu ?

Trong khu vực tháp Đôi có hai di tích khá thú vị. Một miếu nhân dân gọi là miếu Bà, đã bị phá trước năm 1975, nhưng có người lại bảo là thờ Võ Di Nguy, điều tra hồi cố chưa xác minh chính xác. Một kiến trúc khác có tên chữ là Thanh Minh tự, nhân dân gọi là miếu Thanh Minh. Hàng năm nhân dân quanh khu vực này thường họp nhau lại, làm lễ cúng hai con heo, đi tảo mộ và tổ chức hát bội vào buổi tối. Mỗi nhóm đi tảo mộ được người quản thủ của miếu phát cho một bó gân lá dừa. Giẫy được mả nào thì bẻ một khúc gân lá dừa nhỏ. Khi về, người quản thủ đếm đủ số lượng thì thôi, nếu thiếu thì phải đi giẫy thêm để không sót một mả nào.

Các nhà nghiên cứu cho rằng miếu Thanh Minh duy nhất chỉ thấy ở Bình Định. Phải chăng đây là nhà tưởng niệm những tiền nhân lớp đầu vào định cư vùng đất mới. Cuộc sống di cư khi ấy còn lang bạt, khi mất không người hương khói nên cộng đồng tưởng nhớ đến họ, hàng năm vẫn hương khói ?

  • Hồ Thùy Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tản mạn về nghệ thuật nhiếp ảnh  (31/10/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/10/2006)
Những bà mẹ xứ dừa  (02/09/2006)
Quy Nhơn - Bình Định giành chính quyền  (02/09/2006)
Triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển KKT Nhơn Hội  (02/09/2006)
Nối liền đôi bờ Thị Nại  (02/09/2006)
Những cố gắng vượt thời gian  (02/09/2006)
Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp  (02/09/2006)
Hồn dân tộc in trong từng nét khảm  (02/09/2006)
Trồng dưa đất lạ  (02/09/2006)
Chợ Rượu - Chợ phù hoa  (02/09/2006)
Phía sau giấc mơ tỉ phú  (02/09/2006)
Những cuộc tình trong chiến tranh  (02/09/2006)
Hành trình đến trang web dành cho người mắc bệnh máu khó đông  (02/09/2006)
Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?  (02/09/2006)