Cha mẹ, con cái và Internet
17:55', 31/10/ 2006 (GMT+7)

1. Tiếng cãi nhau của hai người phụ nữ, một là bà chủ quán game online và một là bà mẹ của cậu con trai học lớp 4 nghe xông xổng. “Tôi đã nói với chị nhiều lần rồi, nó ra chơi thì đừng cho nó chơi, dẫu nó có tiền hay không”- bà mẹ lớn tiếng. Người chủ quán cũng chẳng phải tay vừa, đáp: “Không chơi chỗ tôi thì nó đến chỗ khác, chị theo giữ nó hoài được chắc”… Bà mẹ nhắm không “đấu nổi” với người chủ quán, quay sang trách móc đứa con: “Hết nhịn tiền ăn sáng, lần này mày lại lấy cắp tiền của tao. Để trưa tao về nói với ba cho mày một trận nhừ đòn”. Cậu bé nghe vậy, khóc ….

 

Để trẻ không sa vào “cơn nghiện” của game online, cha mẹ cần có những biện pháp quản lý con đúng đắn, khoa học. Ảnh: T.T

 

Lại là game online.

Cháu tôi mới học lớp 1, chính tả còn có chỗ đọc sai lên, sai xuống nhưng chơi trò commando (một trò chơi trên máy vi tính) thì thạo lắm: Lấy đạn chỗ này, thay máu chỗ kia. Nó bắt đầu chơi vi tính từ lúc 3 tuổi. Lắm hôm, tôi thấy hai chân cháu cứ vặn xoắn vào nhau. Hỏi ra, mới biết vì nó nhịn tiểu lâu quá, nhưng bảo dừng chơi lấy vài phút để “trút bầu tâm sự”, nó nhất định không chịu. Thứ ngôn ngữ của cháu tôi rất ngắn gọn, khó hiểu, giống rặt những từ trong các trò chơi vi tính. Anh chị tôi bây giờ đã hối, vội gói ghém máy tính cất vào trong thùng, tránh cho con khỏi bị phân tán tư tưởng học hành…

2. Chuyện hàng xóm, chuyện của cháu tôi chỉ là một trong số ti tỉ hậu quả về game online mà “người lãnh đạn” không ai ngoài bản thân các “con nghiện” game và phụ huynh. Hai cậu bé hàng xóm ở gần nhà nhau, rủ nhau bán chiếc xe đạp mini Nhật, lấy tiền bỏ nhà đi mấy đêm liền. Hai nhà túa ra, chia nhau đi tìm, thậm chí lên nhà thầy bói gieo quẻ… chừng nào chúng về. Sau 5 ngày, 5 đêm, hai đứa tự về nhà. Thì ra, chúng lấy tiền bán xe ngồi “thiền” tại dịch vụ game online. Ăn, ngủ ngay tại quán. Hết tiền, cả hai mới nghĩ đến chuyện quay về.

Thiếu tá Trương Minh Ngọc, Đội Trưởng Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội nhận xét: “Cùng với sự bùng nổ của các trò chơi trên máy vi tính, số vụ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, ăn trộm, ăn cắp để có tiền chơi game cũng tăng lên rất nhiều”. Điển hình như vụ hai anh em ruột Nguyễn Như Kh. (SN 1990) và Nguyễn Như K (SN 1992) ở đường Nguyễn Cảnh Chân (Quy Nhơn) đã lẻn sang nhà hàng xóm ăn cắp 6 triệu đồng, rồi dẫn nhau đến dịch vụ game online hơn chục ngày. Trong thời gian này, cả nhà đều lo lắng chạy đi tìm kiếm tung tích của hai con nhưng vẫn bặt tăm chim, cá. Khi gia đình đã hầu như mất hết hy vọng thì hai quý tử hết tiền mò về trong bộ dạng “xơ rơ xác rác”. Cha mẹ chúng vừa phải bồi thường lại số tiền cho nhà hàng xóm, vừa mất công lên trường nói khó với thầy cô giáo, xin cho con mình được học tiếp.

Đã có rất nhiều trường hợp khi “đứa con mất tích” trở về, phụ huynh đã dẫn con lên nhờ công an truy hỏi xem con mình đã lấy tiền ở đâu, đi đâu, làm gì? “Hầu hết các em đều sa đà vào các dịch vụ game online. Qua lời khai của các em, vì chơi nhiều lần, thâm nợ chủ quán không có tiền trả nên mới ăn trộm, ăn cắp tiền bạc của gia đình và của người khác để trả nợ và lấy tiền chơi tiếp. Vì các em còn nhỏ tuổi (hầu hết trong độ tuổi vị thành niên) nên chỉ có thể giao về cho công an địa phương phối hợp cùng với gia đình giám sát, quản lý”- thiếu tá Ngọc nói.

3. Với những trường hợp trên, thì game online quả là đại hoạ. Một ông thầy hiệu trưởng trường PTTH than thở ngay vào ngày khai giảng năm học mới: “Cũng chỉ bởi cái game Võ lâm truyền kỳ, mà sau tiếng trống vào lớp các giáo viên lại toả ra các tụ điểm chơi game để “lôi” học sinh vào lớp”. Các dịch vụ game online càng ngày càng nhiều vậy mà lúc nào cũng kín đặc các em học sinh cấp 1, 2, 3, thậm chí cả sinh viên đại học nữa. Mà đâu chỉ là game online, còn chat, webcam… nữa chứ. Một nữ sinh lớp 9 (Mỹ Thọ) đã làm cha mẹ một phen kinh hồn khi biết rằng con gái của mình hàng ngày lén cha mẹ lên mạng “chat” với một thanh niên tên Th. là đối tượng lêu lổng, trộm cắp có tiếng ở một miền quê thuộc  tỉnh Hưng Yên. Chuyện chỉ vỡ lở khi “anh ấy” vượt hơn 1.000 km đến tìm Ng. nhưng cô bé không chịu ra mặt. Chờ đợi lâu quá, tiền đem theo lại hết, Th. định cướp xe máy nhưng bị phát hiện… Đến nước này cha mẹ của Ng. mới kinh hồn trước sự dại dột của cô con gái.

4. Những sản phẩm của công nghệ hiện đại tiên tiến không hề có lỗi, mà lỗi là ở người sử dụng không đúng mục đích. Bởi vậy, để tránh những hậu hoạ khôn lường có thể gây ra, cha mẹ phải luôn có biện pháp quản lý, giám sát các hành vi của con trong thế giới Internet. Bên cạnh đó, phụ huynh cần thường xuyên nói chuyện với con về tác hại của mặt trái Internet để giáo dục ý thức tự giác, tự bảo vệ mình cho trẻ, để chúng hiểu rằng sự nghiêm khắc ấy là cần thiết cho sự an toàn của chúng.

Một bà mẹ có cậu con trai học lớp 8 cho biết kinh nghiệm: “Cấm con tuyệt đối chơi game, tiếp xúc với Internet là chuyện hầu như là không thể bởi chúng nó có thể dối cha mẹ, nhịn ăn sáng để ra quán, chơi game hoặc vào mạng, mình đâu thể kiểm soát được mọi hành vi của con. Bởi vậy, tôi giao hẹn với con: một tuần nó được vài buổi chơi game ở nhà với điều kiện đã làm xong bài tập”.

  • Đinh Đan
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)
Xóm không chồng  (31/10/2006)
Người xứ “nẫu” mở quán bún bò ở đất Sài Gòn  (31/10/2006)
Nhái nấu canh dưa  (31/10/2006)
Bi kịch từ huê hụi  (31/10/2006)
Mở lối cho làng nghề truyền thống  (31/10/2006)
Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ một số di tích ở Bình Định  (31/10/2006)
Tản mạn về nghệ thuật nhiếp ảnh  (31/10/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/10/2006)
Những bà mẹ xứ dừa  (02/09/2006)
Quy Nhơn - Bình Định giành chính quyền  (02/09/2006)
Triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển KKT Nhơn Hội  (02/09/2006)
Nối liền đôi bờ Thị Nại  (02/09/2006)
Những cố gắng vượt thời gian  (02/09/2006)