Xem trưng bày hiện vật “đêm trước đổi mới”:
Thời bao cấp - một thời bi tráng
18:4', 31/10/ 2006 (GMT+7)

Đối với những người lớn tuổi, ký ức về thời bao cấp (1975-1986) luôn hằn sâu trong tâm trí với muôn vàn trải nghiệm vui- buồn; còn đối với thế hệ sinh sau 1975, các thế hệ 8X, 9X thì khó có thể hình dung và chia sẻ đầy đủ những gì một thời cha anh đã trải qua. Tôi, người đã một thời xếp hàng từ gà gáy đến quá trưa để mua được một ít bột ngọt, vài lít dầu lửa… bằng sổ, bằng tem phiếu nhưng đã rất ngỡ ngàng và trào dâng nhiều cảm xúc khi được xem trưng bày hiện vật “Cuộc sống thời bao cấp”, đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội).

 

Một căn hộ tập thể của công chức rộng 28m2 được xem là mơ ước của nhiều cán bộ thời bấy giờ.

 

* Sống lại thời tem phiếu...

Bước vào gian trưng bày, ấn tượng đầu tiên với tôi là “hệ thống” tem phiếu, với đủ mặt hàng: đường, thịt, vải… được xếp trong tủ kính dài dẫn vào các gian phía trong. Nói đến bao cấp là nói đến cơ chế phân phối được thể hiện bằng tem phiếu và không có sự lựa chọn. Những ô phiếu mà vải, thực phẩm được tính đến từng đơn vị đo nhỏ lẻ như centimet, lạng hoặc gram; nó không đơn thuần mang tính định lượng mà còn thể hiện cảø tiêu chuẩn, vị trí trong xã hội, đặc thù công việc hay lĩnh vực công tác của người được phân phối.

Một cửa hàng lương thực thật sống động, đoàn người đứng xếp hàng cùng với những dụng cụ lỉnh kỉnh: bao đựng, nón lá, rổ rá, … gần đó, một hòn đá giữ chỗ xếp hàng ghi rõ số sổ mua lương thực 127 (giờ là kỷ vật của một cán bộ Viện Hán Nôm). Ở đây, đã sống lại không khí đầy mùi mồ hôi và sự chen lấn, đầy tiếng cãi vã và sự phấn khích hoặc thất vọng khi bước ra khỏi cửa hàng…, nó khiến người ta bất giác nhẩm lại câu cửa miệng một thời: “Mặt nghệt như mất sổ gạo”, thật bất hạnh cho những ai nhỡ làm mất sổ gạo lúc bấy giờ.

Tôi chợt liên tưởng đến cảnh mua hàng Tết ở Quy Nhơn thời bao cấp. Các mặt hàng thiết yếu như: vải, mứt, mì chính, hạt tiêu, bánh tráng, pháo nổ, chè, thuốc lá, … bán ở các cửa hàng bách hoá từ khoảng nửa tháng trước Tết. Hàng được đóng sẵn trong từng túi ni-lông, trong đó một số mặt hàng về cơ bản là như nhau, chỉ có lượng hàng là khác nhau. Hẳn nhiều người còn nhớ, có những cách phân phối hàng hoá theo kiểu chia theo đầu người, nhiều cán bộ được tiêu chuẩn 1/2 lốp xe đạp, hoặc 0,5 mét vải ka-tê… và thế là có sự phân phối lại một lần nữa, bằng cách liên hệ, trao đổi, dồn sổ, dồn tem phiếu. Hẳn nhiều người chưa quên, cảnh chen lấn từ tinh mơ cho đến quá trưa, còn buổi chiều thì đến tối mịt ở các cửa hàng của Hợp tác xã thương nghiệp trong tỉnh vào những đợt bán hàng cuối năm. Than, củi, chất đốt được bán bằng cân, bằng tiêu chuẩn và nhân khẩu của từng hộ tại khu đông Sân bay Quy Nhơn (đường Phạm Hùng bây giờ), để mua được vài chục cân chất đốt, người mua cũng đen nhẻm như than! Cạnh Hội trường Quang Trung (Quy Nhơn) lúc bấy giờ có Cửa hàng ăn uống và giải khát, có những khách lần đầu vào uống cà phê, ngồi chờ cả tiếng đồng hồ vẫn không thấy nhân viên phục vụ đến hỏi. Hoá ra, khách phải đến quầy mua vé, rồi đến nộp tại quầy chế biến và sau đó ngồi vào đúng số bàn để chờ người phục vụ mang cà phê ra.

Xe đạp, được xem là “đặc sản” của thời bao cấp, thời kỳ đầu quy định xe có biển số, có giấy chứng nhận sở hữu xe. Có thể thế hệ sau nghe như chuyện cổ tích, thế nhưng, còn đặc biệt hơn với lời kể của ông Nguyễn Tin, 56 tuổi, nguyên cán bộ binh chủng Phòng không- Không quân, hiện trú tại Khu vực 2, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn: “Trước đó xe đạp của tôi đăng ký ở Hà Nội, năm 1978 chuyển về công tác ở Nghĩa Bình tôi phải làm thủ tục để xin chuyển vùng cho cái xe, để công an cấp giấy chứng nhận sở hữu mới. Nếu không chuyển vùng thì không được cấp sổ mua phụ tùng để thay thế mỗi khi xe hỏng hóc. Hơn nữa, mình phải đề phòng nếu bị mất cắp còn báo công an, để khi tìm được, dù chỉ còn cái khung họ cũng sẽ báo cho mình”.

Máy nghe đĩa và đài bán dẫn chỉ có ở những gia đình khá giả, hoặc công chức cũng được trưng bày. Máy chiếu phim KH 20 của Liên Xô dùng phổ biến trong thời bao cấp và những áp phích giới thiệu phim “Khoảnh khắc im lặng của chiến tranh”, “Mối tình đầu”, được trưng bày trong phần Xem “phim nội bộ” kèm lời thuyết minh: “Với cơ chế quản lý khắc nghiệt và ấu trĩ, đông đảo công chúng không tiếp xúc được với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhân văn. Có nhiều cách phá dỡ các rào cản như chiếu phim dưới danh nghĩa chiếu nội bộ, phim nghiên cứu. Đó là những bộ phim hay của điện ảnh thế giới và Việt Nam nhưng không được phép công chiếu rộng rãi…. Bây giờ ngẫm lại mới thấy cách quản lý văn hoá thời đó có nhiều ấu trĩ, dẫn đến sự bất bình đẳng trong việc hưởng thụ các giá trị tinh thần” - (Tiến sĩ sử học Phạm Đức Thành- Viện Đông Nam Á).”

Một căn hộ thời bao cấp được tái hiện dựa trên nguyên mẫu là không gian sống của gia đình vợ chồng cán bộ trung cấp. Gia đình này có 7 nhân khẩu, được cấp căn hộ 28 m2 ở khu tập thể, là mơ ước một thời của cán bộ viên chức ở Hà Nội. Nếu liên tưởng các nhà ở của các lãnh đạo cấp tỉnh ở Nghĩa Bình lúc bây giờ cũng không khác nhiều; từ phòng khách chật chội với tất cả tài sản, vật dụng có giá trị nhất trong nhà được trưng bày và cất giữ tại đây, đến gian bếp ám khói vì đun cám heo, từ căn phòng chỉ kê đúng chiếc giường và lối đi, đến tiếng heo kêu phát ra từ khu công trình phụ. Từ căn hộ mẫu này có thể hình dung được cuộc sống của giới bình dân thì thấp hơn một vài bậc. 

 

Tác giả tại mô hình cửa hàng lương thực nơi trưng bày hiện vật thời bao cấp.

 

* Cái khó “ló” cái khôn

Ý tưởng về cuộc trưng bày hiện vật “Cuộc sống thời bao cấp” đã tái hiện bức tranh xã hội lúc bấy giờ, với đầy đủ những mảng màu tối- sáng. Xuất phát từ hoàn cảnh khắc nghiệt của 3 thập kỷ chiến tranh, Việt Nam khó thoát khỏi một nước nghèo, để tồn tại trong hoàn cảnh đó, miền Bắc không có cách nào tốt hơn là phải áp dụng cơ chế phân phối, một nếp sống được kế hoạch hoá chi li, chặt chẽ đến từng ký thóc, lạng thịt và cùng với nó là một chế độ bao cấp trên diện rộng. Có thể nói, cơ chế bao cấp vẫn làm tròn vai trò lịch sử của nó, khi mà tất cả nguồn lực tập trung cho chiến trường miền Nam, sự đồng cam cộng khổ, sự hy sinh những nhu cầu thiết yếu của mọi người là cần thiết. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc (1975), chế độ bao cấp được áp dụng cho cả nước, kéo dài 10 năm nữa và tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều năm sau. Sự bất cập của nó trong hoàn cảnh mới chính là tiền đề và những bài học kinh nghiệm cho công cuộc đổi mới sau này.

Cuộc trưng bày bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 12-2006, do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức. Với hơn 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống, sinh hoạt, cuộc sống thời bao cấp đã được tái hiện theo các chủ đề: Cơ chế phân phối; Quản lý xã hội và văn hoá; Không gian của một gia đình; Sự năng động vượt khó và Ước mơ bình dị của người dân thời đó, thông qua những câu chuyện, ký ức, suy nghĩ, đánh giá của người dân.

Thời bao cấp, cuộc sống của hầu hết các gia đình đều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Trong hoàn cảnh đó, người ta luôn năng động, biết xoay xở và tìm đủ mọi cách phù hợp với điều kiện của mình, cốt để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống mà phổ biến là việc tăng gia sản xuất, làm thêm các dịch vụ và nghề thủ công. Đặc biệt, việc nuôi heo không chỉ diễn ra ở khu vực các hộ có điều kiện về không gian mà cả những gia đình sinh sống trên những căn hộ tập thể cao tầng; trồng rau, trồng cà chua trên ban công; nuôi gà, vịt trên hành lang…. Nhiều biện pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt về điều kiện sinh hoạt, về hàng hoá tiêu dùng, như: lộn cổ áo sơ mi, nối những sợi len cũ, đổi ống quần trước ra sau, lộn xích xe đạp, quấn lốp xe mòn bằng dây cao su, chế tạo ra máy phát điện bằng rô-to quay tay, máy tăng điện áp, v.v…. “Cái khó ló cái khôn”, cuộc sống lúc đó quả đúng với câu thành ngữ này.

Cuộc trưng bày không những khái quát một thời gian khó với cơ chế quản lý kinh tế -xã hội không thích hợp, gây ra sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần; sức sản xuất bị kìm hãm và xã hội trì trệ; con người bị hạn chế trong sáng tạo và không có sự lựa chọn trong thụ hưởng, mà còn toát lên những câu chuyện cảm động khác, như lời giới thiệu của cuộc trưng bày: “…Những ước mơ giản dị, sự năng động, sức sáng tạo vô biên của người dân nhằm thoát ra khỏi thảm cảnh nghèo đói. Phải gắng sống và sống đẹp - đó là mục tiêu của cả một thế hệ người Việt Nam trong đêm trước đổi mới. “Bao cấp” là thời kỳ mà nghị lực và trí tuệ của hàng triệu người bị kìm nén, chỉ chờ được giải phóng. Chính vì thế khi chính sách đổi mới – mở cửa được đề ra, năng lực ấy đã bùng phát, tạo nên bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội.

“Bao cấp” đó là một thời bi tráng, cũng là một bài học đắt giá về quy luật phát triển của xã hội.”

Phần cuối của không gian trưng bày là hình ảnh đất nước bước vào công cuộc đổi mới và hội nhập.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)
Xóm không chồng  (31/10/2006)
Người xứ “nẫu” mở quán bún bò ở đất Sài Gòn  (31/10/2006)
Nhái nấu canh dưa  (31/10/2006)
Bi kịch từ huê hụi  (31/10/2006)
Mở lối cho làng nghề truyền thống  (31/10/2006)
Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ một số di tích ở Bình Định  (31/10/2006)
Tản mạn về nghệ thuật nhiếp ảnh  (31/10/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/10/2006)
Những bà mẹ xứ dừa  (02/09/2006)
Quy Nhơn - Bình Định giành chính quyền  (02/09/2006)
Triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển KKT Nhơn Hội  (02/09/2006)
Nối liền đôi bờ Thị Nại  (02/09/2006)