Một thoáng Champasak
18:42', 31/10/ 2006 (GMT+7)

Đất nước “Triệu voi” đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp. Ở đó, có cảnh vật thiên nhiên thơ mộng, con người hiền hoà, thân thiện; những cô gái Lào với điệu múa Lăm vông uyển chuyển, tình tứ; những ngôi chùa, đền đài trang nghiêm, uy nghi...

 

Thiếu nữ Lào trên đường phố Sêkông.

 

* Đường lớn đã mở

Từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), chúng tôi đi ô tô trên đường 18 B dài 111 km, vừa mới khánh thành vào ngày 19-5-2006 đến thị xã Atôpư (tỉnh Atôpư) chỉ mất 1 giờ 30 phút. Con đường này được thực hiện bằng vốn vay của Việt Nam, trị giá 48 triệu USD, xẻ qua rừng sâu, núi cao. Hai bên đường, cây rừng trùng điệp, nhiều chỗ cao trình được hạ thấp đến 50-70 m, với mái taluy dựng thẳng đứng. Thi thoảng trên đường đi chúng tôi bắt gặp một vài bản làng của các bộ tộc Lào, với những ngôi nhà sàn nhỏ, nép mình dưới cánh rừng đại ngàn. Anh Hoá - tài xế của Tổng Công ty PISICO, người thường xuyên đưa đoàn công tác của Tổng Công ty qua Lào khảo sát, xúc tiến các dự án đầu tư - cho biết: “Có con đường này, tôi có thể đưa các anh qua 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan trong một ngày bằng xe ô tô. Sáng các anh có thể ngồi uống cà phê ở thị xã Kon Tum, trưa đã ăn cá nướng bên dòng Mê Kông tại thị xã Paksé (Lào), tối dạo chợ biên giới tại cửa khẩu Chong Mek của tỉnh Ubon (Thái Lan). Hành trình “xuyên ba nước” trong một ngày như thế còn gì lý tưởng bằng”.

Mật độ dân số ở Lào khá thưa, chỉ khoảng 23 người/km2. Lâu nay, việc thiếu nguồn nhân lực và cảng biển đã trở thành lực cản làm chậm sự phát triển của vùng đất giàu tiềm năng kinh tế này. Khi tuyến đường 18 B khánh thành, cửa khẩu quốc tế Bờ Y được mở rộng, hành lang Đông - Tây nối liền từ Thái Lan, qua Lào, đến Việt Nam ra biển Đông đã thông thoáng, mở ra cơ hội mới cho các tỉnh Nam Lào tăng tốc phát triển. Tuy chỉ mới khánh thành, nhưng con đường này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngày trước, người dân Atôpư ví vùng đất mình đang sinh sống như một ốc đảo. Đường 18 B mở ra cho người dân các tỉnh Nam Lào sự thông thương ra tận biển Đông cũng như đến các miền của đất nước Việt Nam. Anh Lê Hoài Bắc - nhân viên Trạm kiểm soát Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - cho biết: “Từ khi đường 18 B khánh thành, trung bình mỗi tháng có khoảng 500 - 700 lượt người qua lại cửa khẩu này. Phần lớn họ là người dân Lào và Thái Lan, qua lại để giao thương kinh tế và du lịch”.

Đồng thời, tuyến đường 18 B đã góp phần thuận lợi cho chương trình hợp tác toàn diện giữa Bình Định và các tỉnh Nam Lào. Thời gian qua, lãnh đạo cao cấp 2 bên đã xúc tiến nhiều chương trình hợp tác đầu tư, bước đầu đã đem lại kết quả rất đáng phấn khởi.

 

Có đường 18B, phương tiện giao thông giữa hai nước Việt - Lào qua lại dễ dàng.

 

* Sự thân thiện, yên bình

Một tuần lễ lưu lại đất nước “Triệu voi” là thời gian không dài, song chúng tôi rất ấn tượng về cảnh quan hùng vĩ và cuộc sống yên bình, thân thiện của đất nước bạn. Anh Trần Tiến Hoàng, Việt kiều sinh sống hơn 15 năm tại Paksé (thị xã tỉnh lỵ của Champasak) cho biết: “Từ ngày qua đây sinh sống cho tới nay, tôi ít thấy cảnh người Lào cãi cọ hay gây gổ lẫn nhau. Họ có nhậu say cũng ôm nhau cùng về nhà. Nếu hai người đánh nhau trên đường phố, cảnh sát sẽ nhốt cả hai để giải quyết”.

Sáng. Chúng tôi thức dậy khá sớm, uống cà phê ngay tại khách sạn Lankham, nơi chúng tôi đang ở. Bà chủ khách sạn là người Việt, qua Lào sinh sống hơn 30 năm nay. Biết chúng tôi là đồng hương, mới qua Paksé lần đầu, bà chọn cho chúng tôi vị trí ngồi khá lý tưởng để tiện ngắm thị xã lúc bình minh. Mới hơn 6 giờ, trời còn mờ và hơi se lạnh, trên đường phố Paksé đã xuất hiện những nhà sư trong sắc áo vàng đi khất thực. Ngay trước cửa nhà, người dân trải một tấm chiếu nhỏ rồi quỳ lên, tay cầm cái thẩu mây đựng thức ăn chờ các nhà sư đi đến để cúng dường. Tất cả đều diễn ra trong sự im lặng. Khoảng 7 giờ trở đi, đường phố Paksé mới thật sự nhộn nhịp. Tuy nhiên, các hoạt động ở đây đều diễn ra một cách chậm rãi, từ từ, ngay cả trong công việc.

Các hoạt động giao lưu thương mại ở Paksé chủ yếu diễn ra ở 2 ngôi chợ khá lớn ngay tại trung tâm thị xã, có tên là chợ Sáng và chợ Chiều. Tại chợ Sáng, các hoạt động thương mại ở đây diễn ra rất nhộn nhịp. Phần lớn hàng hoá bán ở đây là hàng của Thái Lan và Việt Nam, hàng hoá được sản xuất tại Lào rất ít. Các tiểu thương đang hoạt động kinh doanh là người Việt và người Thái, chiếm trên 60%; người Lào và người Hoa chỉ khoảng 40%. Nhiều tiểu thương ở chợ Sáng nói được tiếng Việt. Không chỉ ở chợ, ngay cả các hoạt động thương mại, dịch vụ trên đường phố Paksé cũng chủ yếu là do người Việt và người Thái đảm nhận.

 

Quán ăn của người Việt tại thị xã Paksé.

 

Đêm Paksé, chúng tôi đi dạo phố bằng xe tuk-tuk (giống như xe lam ở Việt Nam), một loại phương tiện vận tải hành khách công cộng thông dụng ở đây. Đường phố Paksé đầu hôm rất nhộn nhịp, nhưng chỉ tầm 9-10 giờ tối đã vắng lặng, các hàng quán hai bên đường đã thu dọn, kết thúc một ngày lao động. Chúng tôi yêu cầu anh Vi Săng - tài xế xe tuk-tuk - đưa đi ngắm cảnh sông Mê Kông về đêm. Anh trả lời chúng tôi bằng tiếng Việt, giọng lơ lớ: “Không được đâu. Bên này nghiêm lắm. 12 giờ đêm là xe cộ không được phép đi lại ngoài đường”. Ở đây, hầu như pháp luật đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, và họ chấp hành rất nghiêm túc.

* Lưu luyến ngày về

Đêm trước ngày đoàn ra về, ai nấy đều lưu luyến đất nước “Triệu voi” thanh bình và thân thiện. Đã hơn 12 giờ đêm, bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định), vẫn còn đứng trên tầng 3 của khách sạn Lankham ngắm thị xã Paksé lần cuối trước khi chia tay. Buổi sáng trước khi từ Paksé vượt 600 km trở về Bình Định, các anh ở Công ty TNHH BIDINA, đang sản xuất kinh doanh trên đất Lào, đãi chúng tôi lần cuối những món ăn mang hương vị rất Lào, như cơm nếp nấu trong ống tre, thịt gà luộc, cá nướng, phở Lào... Chúng tôi đã mang theo những ấn tượng đẹp về hương vị của những món ăn Lào, âm hưởng của điệu múa lăm vông thật uyển chuyển, tình tứ của các cô gái Lào trong đêm giao lưu giữa đoàn với người dân huyện Thà Tèng (tỉnh Sêkông). Suốt đêm hôm ấy, chúng tôi đã nhảy múa một cách say sưa trong điệu lăm vông, trong sự lâng lâng của men rượu, với những cặp mắt lúng liếng và những nụ cười thắm thiết.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)
Xóm không chồng  (31/10/2006)
Người xứ “nẫu” mở quán bún bò ở đất Sài Gòn  (31/10/2006)
Nhái nấu canh dưa  (31/10/2006)
Bi kịch từ huê hụi  (31/10/2006)
Mở lối cho làng nghề truyền thống  (31/10/2006)
Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ một số di tích ở Bình Định  (31/10/2006)
Tản mạn về nghệ thuật nhiếp ảnh  (31/10/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/10/2006)
Những bà mẹ xứ dừa  (02/09/2006)
Quy Nhơn - Bình Định giành chính quyền  (02/09/2006)
Triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển KKT Nhơn Hội  (02/09/2006)