Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
18:49', 31/10/ 2006 (GMT+7)

* Bút ký của Nguyễn Thanh Mừng

So với Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ I tổ chức cách đây 3 năm tại Tam Đảo, thì Hội nghị lần II tại Đồ Sơn (Hải Phòng) có số lượng đông hơn. Nhiều đại biểu có chung ý nghĩ: đừng quá kỳ vọng mọi vấn đề sẽ được giải quyết rốt ráo trong một hội nghị. Nhưng phần “phong trào” của một tổ chức như Hội Nhà văn cũng là phần không nên xem nhẹ. Nó đưa đồng nghiệp từ bốn phương trời có cơ hội gặp nhau, bình tĩnh lắng nghe nhau trong hội trường, ngoài hành lang và không loại trừ những cuộc trao đổi chuyện trò trên đường tham quan hay bên bàn trà, bàn rượu. Vẫn biết, cuối cùng văn chương chỉ thực sự khởi hành khi nhà văn đối diện với trang giấy, nhưng sự giao lưu của đồng nghiệp các thế hệ cũng là một cách thức hay ho.

 

Một góc Đồ Sơn. Ảnh: S.T

 

Ngày đầu tiên từ Hà Nội xuống, hàng trăm người đã được ban tổ chức chia làm hai nhóm. Nhóm đi thăm đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhóm đi đảo Hòn Dáu. Một đại biểu khái quát vui rằng đây là dạng đi thực tế, bởi trước nhất phải có hiện thực đời sống, sau đó mới tính chuyện sáng tác, rồi tiếp theo là phê bình lý luận.

Đồ Sơn nằm giữa hai cửa sông Lạch Tray và Văn Úc là lục địa cổ thuộc bộ Thang Truyền đời vua Hùng. Địa hình ví như một con rồng đang chầu về viên ngọc là Hòn Dáu, đuôi quẫy ra khơi làm thành Bạch Long Vĩ. Đến Đồ Sơn, hầu như nhà văn nào cũng tiếc là không ra kịp lễ hội chọi trâu - một lễ hội độc đáo và duy nhất ở nước ta, được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 8 âm lịch hàng năm - vừa mới diễn ra cách đó đúng 3 ngày. Nó gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh, thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng. Lại có người cho rằng tục chọi trâu có từ 1741, hồi Nguyễn Hữu Cầu lập bản doanh ở Đồ Sơn, làm nên cuộc khởi nghĩa Quận He.

Dinh Bảo Đại trên đồi được đầu tư phục chế từ biệt thự Bảo Đại. Cả hàng nghìn mét vuông gồm đại sảnh, nơi vua Bảo Đại tiếp khách, phòng ngủ của Nam Phương hoàng hậu và của các hoàng tử, công chúa, phòng ăn, phòng trà, phòng đọc sách và cả hầm rượu... Ai muốn làm vua và hoàng hậu, có ngay ngai vàng và sắc phục chụp ảnh kỷ niệm. Ghé đền Bà Đế ở chân núi Độc, cuối bến Xăm, ngôi đền linh thiêng, tương truyền bắt đầu từ câu chuyện tình duyên ngang trái của một thôn nữ hồn nhiên với chúa Trịnh Giang. Vạt áo cẩm bào phủ lên áo nâu non của cô gái cắt cỏ da trắng tóc dài đã để lại cái thai oan khuất, bị dân làng gọt đầu bôi vôi. Khi vị chúa đa tình quay lại đón rước thì người tình đã gửi linh hồn vào vòi vọi mây xanh!

Cuối khu II Đồ Sơn có tàu thuỷ cao tốc đón khách du lịch đi tham quan Hòn Dáu, đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long. Sóng biển mùa này rất tợn, thuyền cao tốc phải đi đường vòng, nhưng đoàn vẫn đến đích, vượt núi bình thản ra tế Nam Hải Thần Vương, một bộ tướng đời Trần mà các tàu thuyền ngư dân làm điểm tựa tâm linh, hương khói mỗi khi ra khơi vào bến. Sau đó, trèo lên ngọn núi với lối đi quanh co ngoạn mục, vòng vèo trên những bậc cầu thang gỗ đến đỉnh ngọn đèn biển cao 25 mét đứng trò chuyện. Thật ấn tượng!

Rời đảo, tất cả vòng về Casino. Mỗi người được phát cho cái thẻ đeo lên cổ để vào tận sòng bạc quan sát. Tất cả các đoàn tham quan thông thường đều đứng ngoài mà ngắm. Chỉ những con bạc nước ngoài mới vào được bên trong qua năm bảy lần cửa bảo vệ. Nghe bảo chơi theo luật quốc tế, chơi sòng phẳng trên nguyên tắc may rủi, không có chuyện lừa bịp và hơn mười năm qua, đã được khách tín nhiệm. Mỗi năm Casino nộp thuế gần 30 tỉ đồng. Lên thang máy, sau khi qua bộ phận máy scanner kiểm tra, vào trong căn phòng trải thảm lộng lẫy, có tám chiếc bàn màu xanh. Đó là các môn chơi. Có bàn chơi bằng các con bài tây, có bàn lại dùng một khối hình kiểu “chiếc nón kỳ diệu”. Thay vì chiếc kim chỉ số, quyết định vận mệnh đỏ đen là một viên nhựa tròn như quả bóng bàn nảy công cốc trên hai mâm xoay ngược chiều nhau. Tất cả các bàn trong casino đều có camera theo dõi, ngoài ra, có các floor man người nước ngoài mặc áo đỏ ngồi trên các ghế cao kiểm soát. Cầm càng các bàn chơi là các chàng trai, cô gái Việt đóng vai trò chủ cái, thoăn thoắt điều khiển những chiếc xẻng nhựa để hót chíp. Người sành sõi có thể nhận biết được tay nghề của chủ cái qua sự điêu luyện trong chia bài, thu ngân. Đánh bạc ở đây, người ta phải đổi tiền mặt ra xèng hoặc chíp. Khi đánh không hết hoặc khi thắng bạc, xèng, chíp được đổi thành tiền mặt. Mệnh giá của các đồng chíp ở đây là từ 1 USD lên đến 5.000 USD. Slot - machine nghĩa là máy giật xèng, người đánh với máy. Giật cái tay quay kia sau khi bỏ các đồng xèng vào khe này, thế là xong. Các loại hình khác như Baccarat, Black jack, Roullet, Big - Small... thì dùng chíp, tức những miếng nhựa tròn in hoa văn đặc biệt và có mệnh giá khác nhau.

Toà nhà có kiến trúc gô tích này trước đây là Casino Đồ Sơn, nay là Trung tâm Hội nghị quốc tế. Còn casino hiện tại chuyển xuống khu mới xây dựng phía dưới.

Đồ Sơn lâu nay nổi tiếng vì thân phận những cô Kiều. Du khách bình thường cũng không khó phân biệt, trong số các nhà nghỉ đâu là lầu Xanh hay lầu Ngưng Bích. Với 22,5 km bờ biển với 2.450 mét bãi cát mịn dùng làm bãi tắm lý tưởng, có vẻ gì gợi đến “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia...”. Trên những chuyến xích lô rong ruổi quanh thị xã đêm, chúng tôi đã được anh xích lô vui tính lượn qua dãy phố hẹp và bảo rằng ở đây chỉ mùa hè mới có tiếng ve ca lanh lảnh, nhưng bốn mùa thì có đủ lanh lảnh ca ve. Ấy là một thực tế sôi động. Có vẻ như Đồ Sơn đang vươn mình vượt thoát khỏi tình trạng nhếch nhác trong quy hoạch, trong kiểu chèo kéo của các hàng quán ven biển với lối chém chặt cò con rất phi du lịch. Có vẻ như Đồ Sơn đang hối hả chuyển mình. Những chương trình thu hút đầu tư lớn song song việc khánh thành khách sạn 4 sao chuẩn quốc tế đầu tiên, mở tuyến bay thẳng Ma Cao - sân bay Cát Bi, tuyến tàu taxi Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long sẽ là một lợi thế hút khách đến Đồ Sơn. Những đợt sóng của Đồ Sơn trong thời hội nhập, bên cạnh những tưng bừng, vẫn lưu lại không ít xót xa, nổi đình nổi đám như vụ lùm xùm về đất đai. Biết làm sao được?

Xét đến cùng, chuyện vui lắm buồn cũng nhiều, đâu chỉ một Đồ Sơn. Ngay trong thực tế của đời sống lý luận phê bình nước ta cũng thật thiên hình vạn trạng. Đến nỗi, người cầm chịch phải đề dẫn bằng hai từ “loạn chuẩn” để chỉ những căn bệnh trầm kha của thể loại này. Ấy là điều có thật và tất yếu khi văn học đổi mới trong sự đổi mới của toàn xã hội. Ấy là tinh thần chung mà BCH Hội Nhà văn đưa ra để nghị sự. Một ngày rưỡi ngồi trong hội trường lắng nghe tham luận và cả ý kiến nói vo, tôi nhận ra rất nhiều điều để suy ngẫm. Việc tổng kết hội nghị và hướng mở ra đã được Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh làm rất chu đáo và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tường thuật kỹ càng.

  • N.T.M
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)
Xóm không chồng  (31/10/2006)
Người xứ “nẫu” mở quán bún bò ở đất Sài Gòn  (31/10/2006)
Nhái nấu canh dưa  (31/10/2006)
Bi kịch từ huê hụi  (31/10/2006)
Mở lối cho làng nghề truyền thống  (31/10/2006)
Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ một số di tích ở Bình Định  (31/10/2006)
Tản mạn về nghệ thuật nhiếp ảnh  (31/10/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/10/2006)
Những bà mẹ xứ dừa  (02/09/2006)
Quy Nhơn - Bình Định giành chính quyền  (02/09/2006)