Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh:
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”
18:56', 31/10/ 2006 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20-10-1930 -- 20-10-2006), bà Nguyễn Thị Thanh Bình, với tư cách là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, đã dành cho PV Bình Định Nguyệt san một cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình và mẹ. Ảnh: N.S

 

* Ở cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công việc rất bận rộn, chị làm thế nào để cân bằng giữa việc nước và việc nhà?

- Việc nước thì chắc chắn phải cố gắng để hoàn thành rồi. Còn là phụ nữ thì tôi vẫn phải quan tâm đến việc gia đình. Tuy nhiên, do công việc cơ quan khá bận rộn nên tôi xác định công việc nhà cái gì làm được thì tranh thủ làm. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui của tôi. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật, tôi thích nhất là được ở nhà đi chợ, nấu cơm. Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ.

* Ở nhà chị, ai là bếp trưởng?

- Là mẹ tôi. Bà nấu ăn rất ngon. Mẹ tôi có 3 người con, tôi là con đầu, sau tôi còn hai em trai nhưng mẹ tôi lại ở với con gái vì bà thấy tôi hay đi công tác xa nhà, công việc vất vả nên muốn đỡ đần. Mẹ tôi năm nay đã 79 tuổi nhưng bà vẫn có thể đi chợ nấu ăn và quán xuyến việc nhà. Bà trước cũng làm trong ngành y nên biết cách chăm sóc bản thân. Nói chung mẹ tôi là một người chu đáo và rất yêu thương, quan tâm đến con cháu.

Quả thật có lẽ bất cứ ai đã gặp cụ bà Trịnh Thị Tân- mẹ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình - lần đầu đều không nghĩ rằng bà đã gần 80 tuổi. Trông bà chỉ chừng hơn 60 tuổi, với dáng đi nhanh nhẹn và đôi mắt tinh anh. Tôi hỏi bà rằng có gì khác nhau giữa làm mẹ Phó Chủ tịch tỉnh với làm mẹ một người bình thường không, bà cười hiền hậu, bảo chẳng khác gì cả, ngoại trừ việc con gái bà, và cả con rể nữa đều vất vả vì công việc chung. Như những lần bão lụt, các con đều phải đến cơ quan trực để chỉ đạo phòng chống bão lụt, nhà chỉ còn bà và cháu.

* Từ Giám đốc Sở Y tế đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cuộc sống của chị có thay đổi nhiều không? Chị làm quen với sự thay đổi đó như thế nào?

- Trước tiên là sự thay đổi trong công việc. Cương vị mới, công việc mới buộc tôi phải quan tâm đến nhiều lĩnh vực, có những lĩnh vực từ trước đến giờ tôi chưa “đụng” đến nên phải tìm hiểu. Tôi vắng nhà nhiều hơn, bận rộn hơn nhưng bù lại tôi gặp gỡ được nhiều người, có thêm nhiều mối quan hệ, nhiều bạn bè và hiểu biết thêm về nhiều lĩnh vực.

Cũng có những lúc tôi cảm thấy mình có lỗi với con, với gia đình. Đó là lần con trai tôi, lúc ấy cháu học cấp II, nói rằng từ nhỏ đến giờ chưa được mẹ đưa đi khai giảng lần nào. Câu nói ấy làm tôi giật mình và thương con quá. Khi còn trong ngành y, tôi làm công tác phong trào nên cũng thường đi luôn. Các con tôi đi học thì bố, bà đưa đón nhiều hơn là mẹ, đến khi đứa lớn đi thi đại học cũng bố đưa đi. Điều hạnh phúc nhất của tôi là luôn được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.

Thực ra thì tôi đã quen với công tác phong trào, sự bận rộn, những chuyến công tác xa nhà từ khi mới ra trường về làm việc tại Trạm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh (nay là Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản). Ông xã tôi cũng đã quen với việc vợ thường xuyên vắng nhà nên tôi nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi trong công việc.

Vợ chồng Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Bình có 2 người con trai, một đang là sinh viên năm thứ 5 Trường ĐH Công an và một đang là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Nhiều người biết thường nói vui nữ Phó Chủ tịch tỉnh của mình là người “một gốc 4 quê”. Lý do là cha bà người An Nhơn, Bình Định, mẹ người Thanh Hoá nhưng cả 3 chị em của bà đều sinh ra và lớn lên ở Nam Định, còn chồng của bà thì quê Thái Bình. Thanh Bình - tên của bà - là Thanh Hoá và Bình Định ghép lại.

* Một ngày bình thường của chị như thế nào?

- Những ngày không đi công tác, tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng, đi bộ hoặc tự tập thể dục ở nhà khoảng 30 phút, sau đó thì làm một số việc nhà. 6 giờ, tôi vừa ăn sáng (tôi vẫn thường ăn sáng ở nhà) vừa xem chương trình chào buổi sáng của VTV, sau đó thì xem báo. 6 giờ 40 tôi đã rời khỏi nhà để đến cơ quan. Công việc buổi sáng của tôi bắt đầu lúc 7 giờ và thường kết thúc lúc 11 giờ 30. Chiều cũng vậy, từ 1 giờ 30 đến 5 giờ hoặc hơn. Về nhà, tôi cũng tham gia một số công việc gia đình, đến 6 giờ thì ăn tối, sau đó thì xem chương trình thời sự VTV, BTV. Nếu có tài liệu gì chưa xem xong ở cơ quan thì tôi tranh thủ xem thêm. Và ít khi nào tôi đi ngủ trước
11 giờ đêm.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình thăm hỏi phụ nữ dân tộc thiểu số tại An Toàn - An Lão. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

* Trong công việc, nói nôm na thì ông xã chị là “cấp dưới” của chị (chồng Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Bình là Thượng tá Nguyễn Văn Thảo - Phó Trưởng Công an TP Quy Nhơn). Vậy còn ở nhà thì sao?

- Ở nhà, bao giờ tôi cũng là “cấp phó” của chồng tôi (cười). Tôi thường nói đùa rằng mẹ tôi là tổng chỉ huy, chồng là thủ trưởng còn tôi luôn là thủ phó. Chồng tôi là người rất vui tính, thoải mái, và rất mực yêu thương, quan tâm đến vợ con.

* Chị có biết anh nghĩ gì về điều này không?

- Chắc chắn ra ngoài thì bạn bè cũng có đùa này nọ nhưng anh ấy không vì thế mà tỏ ra phiền lòng. Anh ấy chưa bao giờ tỏ thái độ trách móc tôi, ngược lại thường động viên vợ, quan tâm bằng cách hỏi han công việc cơ quan, chia sẻ với vợ công việc nhà, chở vợ đi siêu thị, thăm bạn bè, bà con... khi rảnh rỗi.

* Chắc chị cũng đồng ý với nhận định rằng ngày nay vai trò của nữ giới trong xã hội đã được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn, nghĩa là trả về cho phụ nữ những khả năng vốn có của họ, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để họ thể hiện mình trong xã hội?

- Phụ nữ được quan tâm cân nhắc trong công tác cán bộ là một phần nhưng ngoài ra còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: sự tín nhiệm của đồng nghiệp, điều kiện để thể hiện mình..., vì thế phải tiếp tục cố gắng. Hiện nay, dự thảo Luật Bình đẳng giới đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Xã hội ta hiện nay đã có sự bình đẳng giới giữa nam và nữ, nhưng để đạt được bình đẳng thật sự thì phụ nữ vẫn phải phấn đấu nhiều. Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện là một phần nhưng phụ nữ cũng phải cố gắng vươn lên để khẳng định mình, như thế mới thuyết phục được xã hội.

* Xin cảm ơn chị.

  • Nguyên Sương (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)
Xóm không chồng  (31/10/2006)
Người xứ “nẫu” mở quán bún bò ở đất Sài Gòn  (31/10/2006)
Nhái nấu canh dưa  (31/10/2006)
Bi kịch từ huê hụi  (31/10/2006)
Mở lối cho làng nghề truyền thống  (31/10/2006)
Giao thoa văn hóa Việt - Chăm nhìn từ một số di tích ở Bình Định  (31/10/2006)
Tản mạn về nghệ thuật nhiếp ảnh  (31/10/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/10/2006)
Những bà mẹ xứ dừa  (02/09/2006)