Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi
17:58', 30/11/ 2006 (GMT+7)

Không ai biết chính xác phong trào làm thuyền mỹ nghệ ở vùng biển Đề Gi có từ khi nào, nhưng hiện tại nó đã trở thành một nét đẹp văn hoá của người dân nơi đây. Có người còn nói vui: tàu thuyền ở Đề Gi nhiều đến mức, người ta phải đem cất bớt vào trong nhà để… trưng bày.

 

Ông Trần Câu đang sửa lại chi tiết của chiếc ghe giã cào. Ảnh: H.T

 

* Công phu, tỉ mỉ

Chúng tôi tìm về nhà ông Trần Câu (57 tuổi), một trong những người làm thuyền mỹ nghệ đầu tiên ở thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), đúng vào lúc ông đang cặm cụi làm những chi tiết cho chiếc thuyền của mình. Ông cho biết: “Tôi bắt đầu làm thuyền mỹ nghệ từ cách đây gần mười mấy năm. Mới đầu, chỉ thử làm một chiếc thuyền để chơi trong nhà vậy thôi. Nhưng sau, nhiều người quen và họ hàng thấy thuyền đẹp quá, cứ năn nỉ xin hoặc nhờ làm giúp. Tôi làm thuyền mỹ nghệ cho họ miết, rồi đâm ra nghiện thú chơi này cho đến tận bây giờ”.

Có thâm niên trong nghề làm thuyền mỹ nghệ, lại khéo tay, nên hiện tại, những chiếc thuyền mỹ nghệ do ông Trần Câu làm ra được cho là đẹp nhất vùng. Theo lời ông Câu, làm thuyền mỹ nghệ cũng không đơn giản, nó đòi hỏi người làm vừa phải am hiểu về tàu thuyền, vừa phải rất tỉ mỉ. Bởi cách làm thuyền mỹ nghệ cũng giống như cách đóng một con thuyền thật, phải qua nhiều công đoạn mới có thể hoàn thành một sản phẩm.

Tuy những chiếc thuyền mỹ nghệ của mỗi người được làm với một phong cách riêng, nhưng về cơ bản, cách làm là giống như nhau. Nguyên liệu chính để làm thuyền là xốp, nhưng phải là loại xốp mút, vì loại xốp này cứng chứ không bở như các loại xốp khác và khi cắt ra thì bề mặt láng, rất hợp để làm các chi tiết của thuyền. Đầu tiên, người ta cắt xốp ra để làm cái cốt (dàn sườn) theo đúng kích cỡ của thuyền cần làm. Sau đó, dùng dao lạng xốp ra thành từng miếng dày từ 4 đến 5 phân, dài bằng cốt thuyền để dùng làm ván thuyền. Thân thuyền được tạo bằng cách dán ván vào cốt thuyền theo chiều từ dưới lên trên. Các miếng ván được dán phải ăn khớp với cốt thuyền và khít với nhau mới đẹp. Để tạo sự kết dính giữa ván và xốp, người ta có thể dùng keo dán, đinh ghim, nhưng cách tốt nhất vẫn là làm các chốt tre nhỏ để găm các miếng xốp lại. Có vậy, thân tàu mới vững chắc và không bị mục. Tiếp theo phần thân thuyền là phần làm buồng lái. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất vì phải cắt xốp ra thành từng chi tiết rất nhỏ, rồi lại tỉ mẩn ghép chúng lại với nhau. Sau khi làm xong tất cả các bộ phận, công đoạn cuối cùng là sơn thuyền, cũng bằng loại sơn và màu sơn được dùng cho tàu thật. Trải qua nhiều công đoạn như thế, nên để làm ra những chiếc thuyền mỹ nghệ có chiều dài từ 0,8m đến 1,2m, cao 40cm và rộng 50cm, một người thợ thành thạo nhất cũng phải mất từ 10 đến 15 ngày mới xong.

* Trở thành một thú chơi

Thuyền mỹ nghệ làm ra, được ngư dân rất ưa chuộng bởi đây là một thú chơi rất thiết thực mà lại không kém phần thú vị, bởi nó không chỉ giúp ngư dân rèn luyện tính tỉ mỉ, mà mỗi con thuyền làm ra còn như ẩn chứa tình cảm của người dân nơi đây đối với nghề ra khơi vào lộng. Thú chơi này theo đó, lan dần trong những người dân Đề Gi, trong đó, tập trung nhiều nhất vẫn là ở thôn An Quang Tây. Thú chơi thuyền mỹ nghệ không chỉ thu hút những người lớn tuổi, vốn có nhiều thời gian nhàn rỗi, mà còn là niềm đam mê của nhiều bạn trẻ. Anh Nguyễn Văn Hải, một ngư dân trẻ ở thôn An Quang Tây, cho biết: “Nếu như thanh niên ngư dân tụi tôi trước kia, sau mỗi chuyến đi biển về, thường tụ tập nhậu nhẹt chơi bời, thì giờ đây, đã dành thời gian để làm thuyền mỹ nghệ”.

 

Một thú chơi thu hút từ người già đến con trẻ.

 

Thuyền làm ra ít khi được đem bán, mà phần nhiều được giữ lại để trang trí trong nhà hoặc đem tặng cho bạn bè, người thân. Như ông Trần Câu, mặc dù thuyền mỹ nghệ của ông rất được ưa thích, nhưng suốt mười mấy năm qua, ông vẫn chưa bán chiếc thuyền nào của mình.

Đi một vòng quanh thôn An Quang Tây, mới thấy số hộ dân có thuyền mỹ nghệ để trang trí trong nhà rất nhiều. Các loại thuyền mỹ nghệ như ghe giã cào Kiên Giang, ghe giã cào, ghe lưới rút Bình Định hiện diện khắp nơi trong nhà dân, từ “mắc cạn” trên nóc tủ, đến “lơ lửng” trên tường nhà… Những con thuyền trông giống hệt như một con thuyền thật được thu nhỏ đến từng chi tiết. Đặc biệt, thỉnh thoảng, những người chơi thuyền mỹ nghệ còn tổ chức... đua thuyền. Họ làm máy thuyền bằng cách lấy môtơ trong máy hát gắn vào, rồi kích bởi hai viên pin loại 1,5V để thuyền chạy được. Cuộc đua tài thường diễn ra vào lúc biển lặng, với khoảng cách đường đua là từ 15 đến 20m. Phần thưởng lớn nhất mà người thắng cuộc nhận được chính là những tràng pháo tay và ánh mắt ngưỡng mộ của những người dân đến xem.

* Triển vọng về một sản phẩm du lịch

Có thể nói việc chế tác thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi đã làm nên một sản phẩm văn hoá biển đặc thù của người dân nơi đây. Tuy đơn thuần chỉ là một thú chơi, nhưng nếu biết khai thác, nó hoàn toàn có thể đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Đã từng có nhiều khách phương xa tìm đến Đề Gi để đặt làm những chiếc thuyền mỹ nghệ với giá từ 500.000 đến 1,2 triệu đồng, tuỳ theo kích cỡ và loại thuyền. Như vậy, phải chăng, có thể phát triển việc làm thuyền mỹ nghệ trở thành một nghề mới mà đầu ra của nghề này chính là những sản phẩm phục vụ du lịch - vốn hãy còn thiếu nhiều ở Bình Định. Hi vọng trong một tương lai không xa, du khách đến với Bình Định có thể mang về nhà một sản phẩm lưu niệm độc đáo: những chiếc thuyền mỹ nghệ xinh xắn, “xuất xưởng” ngay tại cửa biển Đề Gi.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)
Xóm không chồng  (31/10/2006)
Người xứ “nẫu” mở quán bún bò ở đất Sài Gòn  (31/10/2006)
Nhái nấu canh dưa  (31/10/2006)
Bi kịch từ huê hụi  (31/10/2006)
Mở lối cho làng nghề truyền thống  (31/10/2006)