Chuyện làng Tổng Đạo
7:7', 30/11/ 2006 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Trần Quốc Cưỡng

Đêm sâu, từ xa vẳng lại tiếng hổ gầm. Ông Vận mắt thao láo nhìn trong bóng tối, nằm ghếch tay lên trán nghĩ ngợi mông lung. Chiếc giường bện bằng thanh cây lồ ô chốc chốc lại rung lên bần bật dưới tấm lưng trần vạm vỡ của người đàn ông. Tiếng cá quẫy dưới đầm ũng oãng nghe gợi buồn. Ôâng Vận bật dậy lấy bùi nhùi dùng đá đánh lửa. Cậu con trai khép nép đứng sau lưng tỉnh như sáo:

- Trời đã sang canh ba rồi, suốt đêm thầy không ngủ?

- Thằng Hai mày cũng chưa ngủ hở? - Đôi mắt người đàn ông vẫn không rời bếp lửa, nơi có những tiếng nổ lép bép vui tai.

- Con biết thầy định đấu với lão hổ - người con trai ngập ngừng.

- Thằng Hai giỏi thiệt, chuyện thầy ấp ủ trong lòng mà mày cũng tỏ. Vậy ý con thế nào? - Ông già cười ha hả. Tiếng cười bén như gươm chém lụa.

- Thưa thầy, thầy đã già rồi, sức thầy địch không lại lão hổ. Hãy để cho con - người con trai khẩn khoản.

- Chậc, không được! Mày không được cản thầy.

Tiếng quát của người cha làm cậu con trai tiu nghỉu. Cơn giận lắng xuống, người đàn ông mới từ từ quay mặt về phía con trai cất giọng trầm trầm:

- Ngày mai, thầy đả hổ không may bỏ mạng, con hãy mang xác thầy về chôn cất bên mộ mẹ con ở Hóc Nhum và phải hết lòng trao truyền võ nghệ cho đám thanh niên làng Tổng.

- Xin thầy đừng nói gở, con tin rằng rồi thầy sẽ thắng lão hổ.

*

*  *

Đó là con hổ già cụt đuôi dân làng quen gọi là lão hổ sống lâu năm trên núi Gàu Dây, to như con bò mộng, nổi tiếng hung dữ. Qua dấu chân của nó để lại, dân làng Tổng dùng bàn chân đo chiều dài tới mười bước. Đã có hơn chục người bị hổ vồ. Các tay võ môn sinh của ông Vận không ai địch lại. Cho đến một hôm ông Vận vai vác rựa, tay xách thùng đi lấy dầu rái trên núi cao. Xong việc, ông Vận nhuốm lửa lùi củ rừng, bỗng vang lên tiếng gầm rung rinh vách núi. Biết chắc là gặp lão hổ, ông Vận chuẩn bị tư thế đối phó. Nhìn thùng dầu rái đặt gần đống lửa, ông Vận chợt nảy ra sáng kiến nấu dầu rái đánh hổ. Ông đặt thùng dầu rái lên bếp lửa. Tích tắc, lão hổ phóng vù đến nhe nanh, dựng lông tấn công ông Vận. Người và hổ vờn nhau ăn miếng, trả miếng. Đến nửa buổi, ông Vận đánh lừa cho lão hổ phi tới, rồi né sang một bên, thuận tay đổ nguyên thùng dầu rái sôi sùng sục vào mình hổ dữ. Ác thú gầm lên đau đớn, phóng xuống suối mất hút. Từ đó về sau, không ai thấy lão hổ. Có tin đồn người ta nhìn thấy bộ xương lão hổ nằm trên phiến đá dưới hố sâu. Đó là chuyện của tám năm về trước. Thế mà bây giờ, bỗng dưng lão hổ xuất hiện, một đêm vồ mất hai mạng người. Dân làng Tổng hoang mang cực độ, không ai dám lên rừng làm rẫy. Ông Vận trưởng làng nhận lấy trách nhiệm bằng mọi giá diệt cho được ác thú, bảo vệ dân làng.

 

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

 

Canh tư, ông Vận ăn uống no nê, mặc đồ chẽn bó sát trân, vác giáo lên núi tìm hổ dữ. Ông lầm lũi ra đi. Cậu con trai biết việc làm của cha, nhưng ông Vận cấm:

- Thằng Hai ở nhà, đến chiều tối không thấy thầy về thì hôm sau lên núi Gàu Dây nhặt xác thầy.

Cậu con trai chảy nước mắt:

- Sao con thấy lo quá thầy ơi! Người đàn ông nghiêm sắc mặt nhìn con:

- Mày là con trai của ta không được yếu hèn, hãy sống cho đáng mặt người làng Tổng.

Người đàn ông dứt áo ra đi, cứng rắn mà nói với con như thế, nhưng khi quay lưng, cất bước, ông cũng gạt nước mắt: “Con hãy tha lỗi cho thầy. Thầy đi phen này lành ít, dữ nhiều, thầy không thể thay mẹ ở bên con suốt đời”. Ông Vận dừng lại đúng cái nơi mà tám năm trước ông và lão hổ giao đấu. Đấy là một trãng đất vuông vức và tương đối bằng phẳng, xung quanh toàn cây cổ thụ ôm cả ôm không xuể. Người đàn ông đặt cây giáo xuống một bên, ngồi tựa lưng vào gốc cây nghỉ tạm. Chợt vang lên một tiếng soạt cực lớn, lá rụng rào rào kèm theo mùi hôi thối khó tả. Ông Vận bật dậy, chộp cây giáo thủ trong tay, mắt dáo dác nhìn quanh. Chính giữa con đường lên dốc, lão hổ ngồi lù lù tự bao giờ. Ông Vận mừng thầm: “Tao đang đi tìm mi, lại gặp mi ở đây”. Bao năm không gặp, con hổ già vẫn to như xưa. Bộ lông một vằn đen, một vằn vàng tươi như tranh vẽ. Thoáng thấy bóng người, ác thú gầm lên: “A… ư.ơ.mm!!! A… ư.ơ.mm!!!”. Tiếng gầm vang động núi rừng. Bộ lông con thú dựng đứng như bờm ngựa, làm cho thân nó to lên gấp bội, hàm râu mép rung rung theo từng cái táp phầm phập vào hư không. Người yếu bóng vía nhìn thấy thôi cũng đủ chết khiếp. Ông Vận nhớ tới những sinh mạng của dân làng Tổng, ông đùng đùng nổi giận:

- Súc sanh kia, hôm nay mày phải chết!

Lão hổ đập chiếc đuôi xuống phiến đá, nhảy thốc lên cao, nhắm người ông Vận vồ xuống. Ông Vận lẹ mắt tránh sang một bên, huơ giáo đâm trái một nhát. Con hổ vồ hụt ông Vận, mất trớn va vào gốc cây, ngọn giáo sượt theo. Sau cú vồ hụt, bị đau, con ác thú gầm lên đầy vẻ tức tối, quay phắt đầu trở lại, đập đuôi nhảy xổ vào vồ ông Vận. Lần này, ông Vận chỉ lách nhẹ một cái, thuận tay đâm vào mạn sườn con hổ một nhát cực mạnh. Con hổ già gầm lên đau đớn, máu phun đỏ một khoảnh đất. Bị trúng đòn, lão hổ điên tiết tấn công đối thủ bằng những đòn táo bạo, không để cho ông Vận rảnh tay. Lại một ngọn giáo nữa đâm trúng vào bụng lão hổ. Con thú càng hung hãn. Đánh nhau đến xế chiều, lão hổ bị thêm mấy nhát, bắt đầu kiệt sức, ông Vận cũng muốn hụt hơi.

Con hổ dùng hết tàn lực từ trên cao vồ xuống. Ôâng Vận chống ngược mũi giáo lên trời, ngồi thụp người. Cả cái xác đồ sộ của con ác thú từ trên cao phủ xuống, bị nguyên ngọn giáo xuyên vào bụng. Con hổ rống lên rồi ngã phịch sang một bên. Ông Vận cả mừng lao tới, định rút cây giáo, bất thần con thú vùng dậy vồ đại vào người ông Vận. Người đàn ông ôm mặt, lảo đảo, máu từ mười đầu ngón tay trào ra. Ông Vận nằm oằn oại trên vũng máu. Trước lúc tắt thở, ông còn thì thào: “Thằng Hai ơi! Bà con làng Tổng ơi! Ta trừ được mối hoạ…”.

*

*  *

Năm xưa, có một thanh niên khôi ngô, tuấn tú từ đất Kinh Bắc lên đường vào Nam lập nghiệp. Sống vất vưởng theo dòng đời, ai thuê gì, anh làm nấy. Kiếm được miếng ăn ở xứ người thật khó, mơ chi đến mái ấm gia đình. Rồi trời run rủi thế nào, chàng lạc bước đến làng Tổng. Hồi ấy, làng Tổng nổi tiếng là lãnh chúa của loài hổ. Vận hiền lành, chịu thương, chịu khó, hay giúp đỡ người khác nên dân làng ai cũng quý. Nhìn cảnh đêm đêm dân làng Tổng đốt lửa đuổi hổ, Vận hiến kế cho các lão làng: “Ta có đầm lầy bao la cất nhà sàn trên đó, ắt tránh được hổ dữ”. Nghe Vận trình bày, các lão làng vỗ tay đôm đốp: “Một sáng kiến đáng giá ngàn vàng”. Vận vào rừng đốn gỗ, cắt tranh dựng một ngôi nhà sàn xinh xắn trên đầm lầy mọc toàn bông súng. Bà con làng Tổng trông kiểu cách ấy mà làm theo. Vận còn bày cách bẫy hổ. Anh đóng cọc trên đầm, treo con bê sống lên. Khi bóng chiều đổ về phía chân núi, hổ ngồi trên núi trông thấy, ngỡ con mồi ở gần, phóng đại xuống vồ, thế là lọt thỏm dưới bùn mất xác. Những đêm trăng sáng Vận còn dạy võ cho đám thanh niên trong làng, chẳng bao lâu anh được dân làng Tổng tôn làm trưởng làng.

Hôm nọ, Vận lên núi hái trái cây. Lúc trở về, chàng định xuống suối uống nước. Vừa đặt chiếc gùi xuống đất, trước mắt anh chợt hiện ra thân hình con gái trắng muốt. Nàng quay lưng về phía Vận, đứng tắm. Mái tóc đen nhánh, xoã dài, những đường cong đều đặn, gợi cảm xôn xao. Mắt Vận như bị thôi miên, chàng sợ người ta bắt gặp cái tội nhìn trộm, muốn rút lui mà không nhấc nổi bàn chân, máu dồn lên mặt nóng bừng. Khi người con gái bắt đầu mặc đồ, Vận mới hấp tấp mang gùi sải bước xuống núi như kẻ mất hồn. Có tiếng gọi ơi ới từ phía sau. Chàng thừa biết cô gái gọi anh chính là Linh Huê, con gái của vị trưởng làng cũ, người vừa tắm suối ban nãy. Chàng chạy như cơn lốc.

Buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, Vận mải mê giăng câu trên đầm, một chiếc xuồng con trờ tới:

- Anh Vận!

Lại tiếng con gái, Vận móc mái dầm, chàng ấp úng:

- Huê đi giăng câu chắc?

- Dạ! Huê chỉ đến xem anh giăng câu thôi. Hôm qua anh bị ma đuổi hay sao mà chạy như bay hà, Huê theo muốn hụt hơi luôn.

Vận cúi mặt, lắp bắp:

- Anh đâu có nghe ai gọi.

- Anh nói dối với Huê ư? Em còn biết anh xuống núi lúc nào cơ. Nói xong, nàng quay mặt đi.

- Nghĩa là… - Vận vừa xấu hổ, vừa bàng hoàng.

Thì ra cô bé đã biết tỏng cái chuyện anh nhìn trộm.

- Vâng!

- Xin lỗi Huê, anh vô tình - chàng thành thật, còn nàng thì dỗi hờn:

- Không lỗi phải gì hết, em bắt đền…

- Huê ơi! Anh không cố ý… thật mà! Huê muốn sỉ vả anh thế nào cũng được, nhưng đừng có nói với ai - Vận cuống quýt. Chàng ghìm chặt mạn xuồng của Huê cầu cứu. Nàng vén mái tóc ra sau lưng ngoái nhìn Vận, khoé mắt ngấn nước:

- Anh làm sao thì làm, đời con gái của em coi như đã hết…

Từ xưa, dân làng Tổng có tục lệ, hễ người con trai nào nhìn thấy người con gái khoả thân là phải cưới làm vợ. Bằng không, sẽ bị đuổi ra khỏi làng. Vận chẳng những không bị đuổi ra khỏi làng, mà anh ta còn vui mừng như mở cờ trong bụng. Thì ra Huê thầm yêu, trộm nhớ Vận lâu rồi. Vận phải cái tội nhát gái nên người đẹp giả bộ dùng… lệ làng.

Năm sau, Huê sanh cho Vận một đứa con trai bụ bẫm như tranh vẽ. Họ sống với nhau hạnh phúc tràn đầy và trở thành thần tượng cho lớp trẻ trong làng. Thế rồi một hôm, Vận lên rừng đốn gỗ. Bọn Tây mắt xanh, mũi lõ theo chân Việt gian lên núi Gàu Dây tìm kho vàng. Tình cờ, chúng phát hiện những ngôi nhà sàn trên đầm lầy. Người mẹ trẻ đang say sưa nựng con không hay hai thằng Tây giương súng lăm lăm trong tay. Lần đầu tiên Huê trông thấy thằng Tây cao to, chân tay đầy lông lá, mắt đục ngầu nhìn cô hau háu. Cô ríu lưỡi, run lên bần bật. Trước vẻ đẹp mặn mòi của người phụ nữ một con, hai thằng Tây hồng hộc thi nhau hãm hiếp. Bản năng tự vệ Huê giãy đạp, cào cấu. Khi dân làng tìm Vận về, đến nơi Huê chỉ còn là cái xác không hồn, đầu lỗ chỗ vết đạn. Đứa con trai hai tuổi bò sát lại ủi đầu vào ngực tìm vú mẹ.

Một sáng sương giăng kín núi Gàu Dây, Vận và đám thanh niên trong làng bí mật giương nỏ ngồi phục trong tán lá hai hàng cổ thụ trên đường lên núi. Quãng nửa buổi, nắng lên, sương bắt đầu lãng đãng tan, cũng là lúc bọn Tây rùng rùng kéo đến. Gã Việt gian mặc đồ nhà binh, súng lăm lăm trong tay nghênh ngang dẫn lối. Đến đầu con suối, gã nhảy sang gộp đá. Tiếng nỏ tách! tách! Gã không kịp rú, ngã nhào xuống suối. Mũi tên tẩm độc mủ cây thần linh cắm phập vào ngực, chất độc truyền vào tim, gã chết mắt còn mở trừng vì kinh hãi. Thằng Tây quan ba đi sau cao lênh khênh, mắt xanh như mắt mèo, vừa đặt chân đến gộp đá cũng bị tên độc, rơi ngay xuống suối. Gần chục thằng Tây đi sau cùng chung số phận. Cách vài ngày, một trung đội Tây toàn lính Âu Phi và vài tên Việt gian kéo lên núi để trả thù cho đồng bọn. Kết cục chúng bị bẫy đá và tên độc của bà con làng Tổng không còn đường về. Từ đấy, bọn Tây và Việt gian không dám bén mảng đến núi Gàu Dây và làng Tổng.

*

*  *

Bà con làng Tổng, già, trẻ, trai gái bất chấp đêm tối, cọp beo, đốt đuốc sáng trời lên núi Gàu Dây tìm xác người trưởng làng dũng cảm. Khi gà rừng cất tiếng gáy, dân làng mới tìm thấy xác ông Vận nằm trên vũng máu đông khô cạnh xác ác thú.

Người con trai của trưởng làng lao tới ôm xác cha già gào lên xé lòng: “Thầy ơi! Sao thầy nỡ bỏ con!!!”. Mọi người cùng khóc. Tiếng khóc của dân làng Tổng vang động núi rừng. Bà con đưa xác người trưởng làng thân yêu về yên nghỉ ở Hóc Nhum vào một sáng trời âm u, nổi cơn giông tố.

Bây giờ làng Tổng đã trở thành vùng kinh tế mới dân cư đông đúc. Nhà cửa và trang trại mọc lên bề thế, khang trang. Nghe nói, người ta tìm đến nơi ông Vận đả hổ ngày xưa, xây miếu tôn thờ, bốn mùa hương khói, tưởng nhớ người có công xây dựng làng Tổng và giết thú dữ bảo vệ dân làng.

  • T.Q.C
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)
Xóm không chồng  (31/10/2006)
Người xứ “nẫu” mở quán bún bò ở đất Sài Gòn  (31/10/2006)
Nhái nấu canh dưa  (31/10/2006)
Bi kịch từ huê hụi  (31/10/2006)