Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực
7:20', 30/11/ 2006 (GMT+7)

Trong cuộc vận động “Hai không” - nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục - đã xuất hiện những nhà giáo không chỉ “nói không” mà còn kiên quyết không thoả hiệp với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.

 

Ông Bộ và những HS Trường PTTH Nguyễn Trân.

 

* “1 và 49”

Trong ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Bình Định, nói đến thầy Phan Ngọc Bộ, Hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Trân (Hoài Nhơn) hầu như ai cũng biết. Ông nổi tiếng vì tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, không phải từ khi ngành GD-ĐT phát động cuộc vận động “Hai không” mà ngay từ khi bước chân vào nghề giáo, ông đã coi đó là việc phải làm, là trách nhiệm của mình để bảo vệ môi trường trong lành của giáo dục. Nhớ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2005-2006, ông được Sở GD-ĐT tín nhiệm giao làm Chủ tịch Hội đồng coi thi bổ túc văn hoá THPT đặt tại Trường THCS Lê Hồng Phong. Coi thi bổ túc văn hoá - một loại đối tượng thí sinh “đặc biệt” trên nhiều khía cạnh - nếu Chủ tịch Hội đồng thiếu bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm thì rất khó đảm bảo được sự công bằng, nghiêm túc cho trường thi. Tại khoá thi đó, Hội đồng thi bổ túc văn hoá THPT tại Trường THCS Lê Hồng Phong là hội đồng thi duy nhất trong 49 hội đồng thi trong toàn tỉnh có 13 thí sinh bị lập biên bản vì vi phạm quy chế thi. Tâm sự với chúng tôi, ông Bộ cho biết: “Tôi sợ nhất là tư tưởng coi thường của thí sinh “không học cũng đậu, cần gì học”, nên phải làm thật nghiêm túc. Tuy nhiên, muốn lập lại trật tự trong thi cử, muốn thay đổi được nhận thức của người đi thi là cả một quá trình, bởi “sức ì” còn nặng quá”.

34 năm trong nghề và cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu (năm 2010), trong gần trọn cuộc đời gắn bó với nghề dạy học của mình, ông Bộ luôn giữ được phẩm chất thẳng thắn, trung thực, hết lòng vì học sinh. Quan điểm của ông, “sửa cái máy chỉ mất 5- 7 triệu đồng nhưng sửa đức tính một con người là khó lắm. Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, đi học, học sinh cần phải được dạy dỗ cẩn thận về đức tính trung thực…”.

Đối với thầy Bộ, đã làm gì là phải làm cho bằng được và sự thành công nhất trong suốt cuộc đời làm nghề giáo của mình theo ông, là “giữ được cái chất nhà giáo”. Ông tâm sự: “Làm hiệu trưởng càng phải có tinh thần trách nhiệm cao, chứ còn ngồi chơi xơi nước hết giờ về, thì đơn giản quá!”. Ông Bộ rất nghiêm khắc với học sinh (HS). Trong thi cử, HS nào sử dụng tài liệu đều bị xếp loại đạo đức yếu. Với nguyên tắc trước sau như một như vậy và qua một quá trình lâu dài “rèn” giáo viên và HS, ông vẫn thường tự hào, giáo viên Trường PTTH Nguyễn Trân không dung túng với tiêu cực trong thi cử, HS trường Nguyễn Trân không biết lật tài liệu.

Ông Bộ rất thẳng thắn, cương trực, công bằng với giáo viên và HS. HS khó khăn, trường sẽ tạo điều kiện về kinh tế chứ nhất định không ban thưởng về điểm chác. Trong giáo dục, ông Bộ rất quan tâm về chất lượng, nên chủ trương phải đánh giá đúng năng lực học tập của HS, không chạy theo hình thức. Trường PTTH Nguyễn Trân cũng là trường đã nhiều năm tổ chức các lớp “sáng 6, 7, 8, chiều mẫu giáo”. Quan điểm của hiệu trưởng, chữ viết là nhân cách con người. Rèn chữ viết là rèn luyện tính cẩn thận, chịu khó trong học tập và đó chính là rèn cái gốc. Nhìn chữ viết đẹp, vở sạch chữ đẹp, học sinh nào cũng cảm thấy ham học hơn, muốn học hơn. Ông Bộ tâm sự: “Ngày xưa đi học, em nào mà viết xấu là bị thầy đồ đánh cho sưng tay…, vậy mà, ngày nay ở các cấp dưới, giáo viên ít chịu rèn luyện chữ viết cho HS quá!”. Để thực hiện, ông Bộ cho tổ chức 3 lớp rèn chữ, “tuyển” tất cả những HS viết chữ xấu nhất của 3 khối 6,7, 8, mỗi tuần học 1 buổi vào chủ nhật. Chi phí tổ chức lớp nhà trường chịu, nhưng HS cũng bị phạt 1.000 đồng/ buổi học vì… chữ xấu. Khi vào lớp này, HS được kiểm tra đầu vào, sau một tháng rèn chữ, HS nào “tốt nghiệp” thì được ra. Chính nhờ những lớp “sáng 6,7,8, chiều mẫu giáo” này mà không chỉ chữ viết của HS trong trường ngày càng đẹp hơn mà nhiều giáo viên viết bảng cũng ngày càng thêm đẹp, tạo thêm hứng thú học tập cho HS; phụ huynh thấy sự tiến bộ của con em mình nên cũng hết sức đồng tình.

 

Những HS này nhờ các buổi học lại chương trình tiểu học mà đã tiến bộ hơn.

 

* Cấp trên không lo thì mình lo

Có một người thầy nữa cũng đã dũng cảm đấu tranh với “bệnh thành tích” là Hiệu trưởng Trường THCS Cát Tường - ông Nguyễn Kế Trinh. Trường THCS Cát Tường là trường có số HS đông nhất huyện Phù Cát. Năm học vừa qua, số HS bỏ học ở trường rất cao. Từ tháng 11 đến tháng 3-2006, đã có 47 HS nghỉ học. Vào năm học mới, thêm 75 HS không tiếp tục trở lại trường. Mặc dù nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã làm hết sức mình để vận động HS bỏ học tiếp tục đi học nhưng kết quả không mấy khả quan. Chỉ có 5/122 HS bỏ học tiếp tục trở lại trường. Đứng trước thực trạng đó, ông Trinh rất băn khoăn, trăn trở. HS bỏ học là do gia đình ít quan tâm và thường rơi vào những trường hợp cha mẹ đi làm ăn xa. Nhưng nguyên nhân sâu xa của tình trạng HS bỏ học chính là các em học yếu, bị hổng kiến thức từ bên dưới nên càng lên các lớp trên càng chán học, không muốn học.

Yêu cầu của xã hội là giáo dục phải có chất lượng, nhưng chất lượng sẽ không thể tỷ lệ thuận với số lượng được, bởi hiện nay, quy mô HS quá lớn trong khi điều kiện dạy học không đáp ứng kịp thời; Nhận thức của phụ huynh HS lại không đầy đủ. Ông Trinh kể lại: Có một vị phụ huynh đã từng mắng con rằng: sáng mày đã đi học rồi, chiều ở nhà đi thả bò chứ học nữa bò ai thả? Bởi thế, nhiều người con có học được thì cho học, không học được thì thôi.

Trước thực trạng HS vào các lớp đầu cấp những năm gần đây chất lượng rất yếu, nhiều trường THCS cũng đã báo cáo tình hình này với phòng giáo dục, nhưng không được ghi nhận. Thôi thì, tự mình phải cố gắng để nâng chất lượng giáo dục lên. Với quyết tâm “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”, năm học này, Trường THCS Cát Tường đã gom 130 HS yếu, kém của khối 6 vào 3 lớp để vừa tổ chức dạy chương trình chính khoá, vừa ôn lại những kiến thức đã thiếu hụt cho các em trong chương trình tiểu học. Đối với lớp 7, trường cũng chọn được 50 HS yếu, kém từ 8 lớp 7 để bồi dưỡng trái buổi những kiến thức lớp 5, lớp 6 cho các em… Để tạo được sự đồng thuận cho nhiều người, từ giáo viên, HS, phụ huynh HS và cấp trên đối với việc nên làm này thật không đơn giản chút nào.

Và còn rất nhiều những thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục nữa luôn lấy HS làm trung tâm, làm mục đích trong dạy và học, trong chỉ đạo các hoạt động giáo dục của nhà trường. Để làm được điều đó, nhất là trong cơ chế quản lý giáo dục còn nhiều bất cập như hiện nay - mọi cái mới, cái đột phá thường bị chỉ trích, bắt bẻ - thì đây là những việc làm, những hành động thể hiện được bản lĩnh, lương tâm chức nghiệp của người thầy, rất đáng quý !

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)
Xóm không chồng  (31/10/2006)
Người xứ “nẫu” mở quán bún bò ở đất Sài Gòn  (31/10/2006)