Thợ khép cối xay lúa
7:37', 30/11/ 2006 (GMT+7)

* Tạp bút của Huỳnh Kim Bửu

Sông Gò Chàm - một nhánh của sông Côn - chảy qua đập nước có tên là đập Bờ Đỗ, chảy xuống các cánh đồng Khu Đông (An Nhơn), rồi chảy ra biển. Cha con ông thợ khép cối xay lúa nhà ở gần đập Bờ Đỗ, thường ngày vẫn đi vào các làng xóm hai bên con đập nước này dạo tìm công việc làm thuê.

Xay lúa tay đôi. Ảnh: Văn Cảnh

Năm nào cũng vậy, cứ đến gần mùa gặt tháng Ba, tức sau thời gian ăn tết Thanh minh, xem hát bội xong và ngó ra cánh đồng làng thấy lúa đang chín rộ thì cha con ông lại đến làng An Định. Ông ngoài năm mươi tuổi, còn rắn chắc, chỉ có đôi mắt là bị mù. Họ đi trên con đường cái quan trong làng, ông mang trên lưng một bao lát cũ, đầy vệt ố và trông nằng nặng. Thằng nhỏ đi trước, ông đi sau, đặt một tay lên vai thằng nhỏ, chân bước theo nó. Nó là thằng con trai của ông, chừng mười lăm tuổi, có nét giống ông nơi cái trán hơi dồ và cái cằm hơi bạnh, trông không có gì là đứa nhỏ đẹp trai.

Má tôi đón cha con ông thợ khép cối xay tận cổng làng rồi dẫn về nhà. Cối xay lúa đặt nơi một góc nhà bếp, bên cạnh những nia thúng giần sàng, chày cối giã gạo… các chị làm xong còn bày khá ngổn ngang. Ông “xem” cái cối xay lúa bằng đôi bàn tay thô nhám của mình. Sau khi đã lần tay sờ từ thớt trên xuống thớt dưới, từ mông cối lên miệng cối, từ chân cối tới ngõng cối, ông bảo sẽ sửa chừng năm ngày thì xong và xin nhờ chủ nhà cho ăn cơm, cho nghỉ lại đêm, vì nhà ở xa. Thằng nhỏ dốc ngược cái bao lát và đổ ra mặt đất đủ thứ dao, rựa, cưa, chàng, dũm, đục… là những món đồ nghề của cha con ông.

Mất một ngày chặt tre đẵn gỗ, vót nan, chẻ răng cối ở ngoài vườn; mấy ngày sau cha con ông luôn ở nhà bếp làm công việc khép cối. Ông tháo bỏ những phần hư mục của vỏ cối rồi đan lại bằng nan tre mới; nhồi đất mới vô ruột cối, chờ khô khép lại bộ răng cối đã mòn đến “lợi”. Tay thợ thuộc về ông, thằng nhỏ chỉ làm việc phụ và đứng dõi xem công việc để học nghề. Ông vừa làm vừa giảng giải nghề khép cối xay cho nó nghe. Ông nói bằng giọng trầm trầm, đều đều: “Nghề khép cối xay của nhà mình kể cũng là nghề gia truyền, truyền tới đời cha là được ba đời. Cối xay nhà mình làm ra hay hơn của người ta là ở chỗ xay không nghẹn, không vồng, không nhảy “trật giằng xay” mà êm mà nhẹ, nhờ đó mà xay không sống, cho hạt gạo trộng chứ không gãy đôi, không nát… Muốn được vậy thì phải khép hai hàm răng cối cho thật bằng, thật đều nhau, thớt trên chồng lên thớt dưới khít khao”. Bài học cuối cùng ông giảng cho thằng nhỏ: “Tay nghề là cái phần trời cho của mỗi người thợ. Cha chỉ dạy cho con cách khép răng cối, còn chọn cây làm răng cối, cách chẻ răng cối, tra cái ngõng, đặt hai tai cối như thế nào… để cái cối xay làm xong không ai chê chỗ nào được, cầm giằng xay xay thử dẫu ông chủ nhà khó tính đến đâu cũng không đường bắt bẻ, đó là phần thuộc về tài khéo của con, cha không thể nào truyền được. Con phải cố công rất nhiều”. Nhiều hồi ông nói mà thằng nhỏ lơ đãng, không muốn nghe, vì hình như nó đã nghe những câu nói đó của ông nhiều lần lắm rồi; ông gọi, nó giật thót như người vừa hoàn hồn. Trước khi nghỉ giải lao, ông thường kiểm tra lại (cũng bằng tay) xem những chỗ mình vừa mới làm đã kỹ chưa, chỗ nào chưa được, cần làm lại.

Ngồi nghỉ giải lao, ăn miếng kẹo đỗ, có bữa tán đường đen ăn kèm với miếng khô dầu thịt xắt lát, uống nước chè Huế lá to, pha bát vại, nói đôi câu chuyện vui với bà chủ nhà, ông thường không quên dặn bảo thằng nhỏ những việc cần làm ngay sau đó. Hôm thì, tháo bỏ trước cái chỗ nan tre mục nát của mông cối, lúc thì tìm sẵn bốn khúc gỗ để làm lại chân cối… Có hôm, thằng nhỏ bị ông la rầy, vì không chịu tìm sẵn một khúc gỗ mít tròn cho ông cắt làm cái ngõng cối, chưa có mấy bãi phân bò tươi để sẵn cho ông trát lưng, trát bụng, trát mông cối…

Ngày thứ năm đúng hẹn, cái cối xay được sửa xong. Ông bảo má tôi đổ lúa vô xay thử. Má khen cái cối xay cũ nát của má nhờ tay ông thợ khéo sửa lại nay đẹp như mới, xay êm nhẹ chứ đâu có khổ sở như hồi trước nó chạy cà tàng, cho những thúng gạo sống, gạo nát. Má tôi nhờ ông ở lại thêm một ngày nữa xay cho má năm vuông lúa “hàng xáo” để má có gạo lứt giã ngay, kịp đem đi bán hôm chợ phiên Bình Định. Ông xay là chính, khi nào mệt thì sai thằng nhỏ xay thế một hồi cho ông nghỉ xả hơi. Cũng có lúc thằng Cành cùng xay tay đôi với ông. Ông vừa xay lúa, tiếng cối xay quay ù ù, vừa nói chuyện huyên thuyên với má tôi, chuyện về đời tư của ông.

Câu chuyện bắt đầu từ năm mười bảy tuổi, thằng con trai mới lớn tên là cu Nhánh, bị quan Tri phủ An Tư cho lệnh bắt đi lính Tây cùng với nhiều trai làng, rồi đưa xuống Cảng Quy Nhơn chở tàu thuỷ sang bên Tây, làm lính nhà bếp, lấy con vợ đầm. Tiếp đến là chuyện ông bị đi tù, vì đã đánh gãy hai hàng răng cửa của tên quan một Pháp để rửa cái nhục nó chửi mình là Annamít. Đến chuyện năm ba mươi tuổi ông được giải ngũ, ngồi tàu thuỷ về nước, lấy vợ sinh con, bỏ con vợ đầm ở lại bên trời Tây mà chẳng biết nó sống buồn vui sướng khổ ra làm sao. Rồi đến chuyện ông bị mù mắt cách đây mươi năm, do đau mắt hột… Ông kể bằng giọng “vô tư”, bất cần đời như chính cuộc đời của ông.

Từ sáng tới chiều, má tôi vẫn đứng bên cạnh cối xay lúa, cho cối “ăn” những thúng lúa phơi khô quạt sạch, nhìn cái động tác xay lúa ngúc ngắt, ngúc ngắt của ông; hai hố mắt ông không tròng hay nhướng lên mà không hướng vào đâu; hai tai ông luôn vểnh lên trong tư thế lắng nghe và cả cái miệng ông nói giòn tan. Bóng chiều đã ngã xuống hai phần ba sân, má bưng thúng lúa cuối cùng đổ vào miệng cối, trong khi ông vẫn đẩy giằng xay liên tục cho cối quay đều quay đều. Một chặp, lúa trên miệng cối đã chảy hết vào họng cối rồi gạo lứt và vỏ trấu chảy hết ra mông cối, má bảo ông gát giằng xay, nghỉ ngơi. Má ngồi tuôn gạo lứt và vỏ trấu còn nóng hổi xuống thúng hứng đặt nơi lỗ trôn cối. Ông còn lần bước đi một vòng quanh cối, vừa đi vừa vỗ bùng bùng, bạch bạch vào mông cối, cho dòng chảy của gạo, của trấu chảy nhanh vào thúng hứng của má. Hôm rời nhà tôi, mới dắt cha là ông Nhánh ra khỏi nhà, thằng Cành đã cất tiếng rao bằng giọng con trai đã vỡ: “Có ai khép cối xay kh…ông ?”. Tiếng rao của nó làm mất cái vẻ êm đềm thường lệ của làng An Định lúc sáng mờ sương.

 

*

***

Bây giờ, người nông dân quê tôi gánh lúa đi “máy” ở các nhà máy xay xát trong vùng. Những cối xay lúa thủ công nay đã khó tìm lắm, những người thợ khép cối xay cuối cùng như ông Nhánh thì đã chết, thằng Cành (sau là anh Cành) kế nghiệp cha cũng đã bỏ nghề từ lâu rồi. Tôi nhớ lắm những buổi ngày xưa các chị tôi xay lúa “tay đôi”, tiếng cối xay quay ù ù không át được tiếng hò hát đối đáp thật vui nhà của các chị. Có xay lúa thì có giã gạo. Và, tôi nhớ mãi những cảnh đêm trăng giã gạo hát hò ở trong làng, đến nửa đêm “gạo trắng trăng thanh” mà cuộc lao động, cuộc chơi vẫn cứ mê say, vẫn chưa chịu tàn.

8-2006

  • H.K.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)
Thơ  (31/10/2006)