Người giữ nhà xác
16:42', 30/11/ 2006 (GMT+7)

Chiếc điện thoại trong phòng trực của anh cũng giống như mọi chiếc điện thoại khác. Thế nhưng nó khác hơn mọi chiếc điện thoại khác vì tiếng chuông của nó chính là tiếng gọi của tử thần. Mỗi khi nó reo lên, chưa nhắc ống nghe anh đã biết là vừa có một bệnh nhân qua đời ở một khoa nào đó trong bệnh viện!

 

Anh Lý Hoàng Cơ (bên phải) và tác giả.

 

* Nghề đón tiếp người chết

Anh Lý Hoàng Cơ (51 tuổi), người phụ trách bộ phận “Đại thể” tại “Nhà Lễ tang” Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định nói về chiếc điện thoại trong phòng trực của anh như vậy. Nghề của anh là luôn túc trực để đón tiếp những bệnh nhân tử vong từ các khoa trong bệnh viện, đưa về nhà “Đại thể” bảo quản trước khi được thân nhân nhận xác. Mặc dù anh làm công việc này đã 8 năm rồi nhưng mỗi khi chiếc điện thoại réo chuông, lòng anh không khỏi nhói lên vì biết rằng lại có một người nữa vừa lìa đời. Anh Cơ tâm sự: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm nghề này. Rời quân ngũ năm 1978, thất nghiệp một thời gian dài, đến năm 1995 mới xin được một chân bảo vệ của bệnh viện này. Lúc ấy “Nhà Lễ tang” do bác Phạm Ngọc Chí và bác Đắng phụ trách. Năm 1998, bác Đắng qua đời, bác Chí cũng xin nghỉ già luôn, mà “Nhà Lễ tang” không thể không có người phụ trách vì ngày nào mà bệnh viện không có người chết. Thế là lãnh đạo bệnh viện “chuyển công tác” tôi sang thế chỗ cho bác Chí và bác Đắng. Không nhận cũng không được vì chẳng dễ gì có ai chịu nhận làm công việc “giữ nhà xác”. Vả lại lúc còn phục vụ trong quân đội, tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, trong lúc chiến sự diễn ra ác liệt, vì ở bộ phận hậu cần nên tôi được giao nhiệm vụ thu gom xác đồng đội hy sinh trong khu vực rừng Lá (Long Khánh) nên cũng đã quen với việc “tiếp xúc” với xác chết. Mà một mình tôi làm cũng không xong, lãnh đạo bệnh viện lại vận động anh Phạm Ngọc Lý (con trai bác Chí) vào làm cùng với tôi. Lúc ba anh Lý còn đảm nhận công việc này, có đôi khi anh vào giúp cha trong những lúc công việc bề bộn nên cũng đã quen việc. Thế là anh em đồng tâm cộng lực làm từ năm 1998 đến giờ”.

Công việc của các anh làm không có gì là nặng nề, nhưng không phải ai làm cũng được. Mỗi người trực “cơ quan” 24 giờ là thay ca. Bất kể ngày đêm, mưa nắng, hễ nghe xong điện thoại là lập tức mặc trang phục bệnh viện, mang găng tay, bịt khẩu trang và đẩy xe chở xác lên phòng có bệnh nhân vừa qua đời. Người chết có thân nhân trực nuôi thì chuyến đưa xác về “Nhà Lễ tang” thuận lợi hơn. Ngược lại thì đành nhờ vào sự trợ giúp của hộ lý trực phòng hoặc thân nhân các bệnh nhân khác nằm cùng phòng bởi đẩy xe chở xác xuống được những bậc thang là điều không dễ. Không có ai trợ giúp thì dù một mình anh cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Nếu các thủ tục nhận xác của thân nhân diễn ra nhanh thì phần việc của anh được đơn giản hơn. Còn nếu là xác chưa có thân nhân hoặc người chết vì một tai nạn hoặc có dính dáng đến một vụ án hình sự cần phải được cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi thì công việc của anh sẽ bề bộn hơn. Trong những trường hợp như vậy, khi đưa về đến “Nhà Lễ tang”, người chết được đặt lên một chiếc bàn đá. Nếu người chết vì một tai nạn giao thông nghiêm trọng, dù không ai đề nghị hoặc bắt buộc nhưng anh không cam lòng nhìn một con người đi về bên kia thế giới với một thân thể “rách toát”, thế là anh lấy “kim chỉ” khâu kín lại những vết rách trên cơ thể người chết. Xong, anh lấy lồng ụp xác rồi khoá lại để tránh ruồi và chuột xâm phạm đến người chết, sau đó là công đoạn chuẩn bị cho việc ướp xác. Xác được ướp bằng đá lạnh nên anh phải chạy ngay đến một đại lý nước đá “bạn hàng”. Những cây đá lạnh mang về một số được để nguyên đặt dọc theo các mương, một số khác được đập nhỏ để chèn vào những “cái hốc” trên thân thể người chết. Có đá lạnh rồi, anh lại mở lồng, ẵm người chết đặt vào một cái hộc xây bằng xi măng (dài 2m, ngang 1m) chung quanh có mương để chèn đá lạnh. Sau khi đã chèn đá lạnh quanh xác chết, anh đậy nắp sắt bảo vệ lại và mở thêm một máy điều hoà tăng thêm độ lạnh để da thịt người chết chậm bị hoại tử. Sau đó anh lại bàn thờ bên cạnh thắp cho người đã khuất vài cây hương để có chút ấm cúng. Tháo quần áo bảo hộ, làm vệ sinh chân tay, anh quay lại phòng trực nghỉ ngơi một chút. Thỉnh thoảng anh quay lại thăm xác rồi lại đốt thêm vài cây hương.

Nếu vào mùa nắng nóng thì 12 cây đá ướp ban đầu chỉ “trụ” được khoảng 4 giờ đồng hồ, phải đập đá chèn thêm. Khi thủ tục hoàn tất có người nhà đến nhận, anh lại ra tay khâm liệm rồi giao cho thân nhân. Có những trường hợp đã nhiều ngày mà vẫn không có thân nhân đến nhận xác mà quy chế thì một cái xác chỉ được lưu lại “Nhà Lễ tang” có 24 giờ nên anh lại phải ra tay đưa đi chôn tại nghĩa địa thành phố. Anh kể: “Những trường hợp ấy mà rơi vào những ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, những ngày phòng hành chính bệnh viện không làm việc, không ứng được tiền thì chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra mua đồ hậu sự tiến hành chôn cất cho người chết rồi viết giấy tự báo với cơ quan sau. Lại có những trường hợp chết trong nghi vấn bị đầu độc, tôi phải “lóc” vài miếng thịt trên cơ thể tử thi, cho vào thiết bị bảo quản để cơ quan chức năng mang ra Trung ương xét nghiệm”. Anh Cơ kể lại công việc của mình diễn ra khá đơn giản nhưng tôi tưởng tượng: Giữa đêm thanh vắng, anh lủi thủi một mình với một xác người chết, làm những công việc ấy trong một căn nhà nhỏ nằm hoang vắng trong một góc bệnh viện. Ròng rã 15 ngày đêm trong một tháng để nhận được gần 700.000đ (cả lương và trợ cấp độc hại) quả là không đơn giản chút nào!

* Những cay đắng trong nghề

Khi được hỏi anh có ngại là công việc này sẽ mang lại cho anh một căn bệnh nào đó khi ngày ngày phải tiếp xúc với hơi hám của người chết không? Anh trả lời ngay: “Không hề, vì công việc được tiến hành trong sự chủ động bảo hộ nên rất an toàn. Đáng ngại nhất là những tử thi của người bị nhiễm AIDS, nhưng trong những trường hợp này, chúng tôi được cơ quan Vệ sinh phòng dịch cấp thuốc sát trùng tử thi trước khi tiến hành khâm liệm và người chết cũng được bỏ vào bao ni lông để tránh toả hơi độc. Còn nếu lúc xảy ra dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao thì chắc chắn chúng tôi sẽ được trang bị thêm đồ bảo hộ. Trước mắt, chúng tôi sẽ được cấp một “cái tủ lạnh” để ướp xác thay vì ướp thủ công bằng đá lạnh như trước giờ. Tuy nhiên cái tủ này chỉ ướp được 1 xác. Gặp khi tiếp nhận 2-3 xác (rất thường xuyên, nhất là trong những vụ tai nạn giao thông) thì lại phải ra tay ướp đá lạnh thôi. Nhưng không sao, làm riết cũng quen rồi”.

Rõ ràng, làm việc với những người chết thì chẳng có gì vui, nhưng chưa bao giờ anh lấy đó làm buồn vì anh nghĩ: nghề nào cũng đáng quý, nhất là khi mình làm được công việc mà muôn ngàn người khác không thể. Tuy nhiên, tiếp xúc mãi với những người chết, tiếp xúc mãi với những giọt nước mắt của thân nhân, có đôi lúc anh thấy lòng vắng lặng như một “bãi tha ma”. Anh nói buồn buồn: “Tuy nhiên, khi về đến nhà không bao giờ tôi mang cái không khí ảm đạm về với vợ con. Sống với người sống phải khác với sống với người chết chứ anh”. Một công việc đã buồn là vậy, thỉnh thoảng anh lại phải nhận thêm nỗi đau nữa chứ. Có những trường hợp người chết có dính dáng đến một tai nạn giao thông hoặc một vụ án hình sự, thân nhân ngại “đụng chạm” đến cơ quan công an nên đã đến tận “Nhà Lễ tang” có thái độ hăm doạ để anh cho họ mang người chết đi mà không cần đến những trình tự thủ tục nhận xác. Một thân một mình không cự lại số đông đang hung hãn, có vài trường hợp anh đành để họ mang xác đi và báo lại sự việc với lãnh đạo bệnh viện.

Nhưng có lẽ nỗi đau sâu sắc nhất trong nghề anh đang làm là: sự xa lánh của một số người trong xã hội. Anh Cơ nói trong tiếng thở dài: “Thường ngày thì không nói, làm việc xong là về với vợ con, chẳng đi chơi bời ở đâu thì cũng không gặp phải sự phản ứng nào trong thiên hạ. Thế nhưng đến ba bữa Tết, trong khi người ta đi đến nhà này nhà kia chúc xuân tở mở thì tôi phải nằm trùm mền ở nhà xem tivi. Đầu năm mà “Người giữ nhà xác” đến thăm thì cầm bằng sẽ có điềm gỡ theo chân hắn vào nhà, họ nghĩ vậy nên chẳng ai vui vẻ gì khi mình đến thăm họ.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)
Nâng tầm chất lượng sống  (31/10/2006)