* Ghi chép của Ngọc Thái
Khác với những ngày mới được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cách nay 3 năm (năm 2003), cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) bây giờ nhộn nhịp, sầm uất hơn. Nhiều chủ tàu cá trong và ngoài tỉnh đã chọn nơi đây để bán sản phẩm, lấy tổn (nhiên liệu, lương thực, thực phẩm...). Thời điểm mà họ cho tàu cập bến thường từ 1 đến 3 giờ sáng, để các “chủ nậu” còn kịp đưa cá đến các nơi vào phiên chợ sáng...
|
Đưa sản phẩm từ tàu lên bờ tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: N.T
|
1. Cảng cá Quy Nhơn xây dựng hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng năm 2003. Nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, lại nằm ở vị trí tương đối thuận lợi, trong thành phố Quy Nhơn và thuận đường lên các tỉnh Tây Nguyên... nên nhiều chủ tàu khai thác hải sản ở Bình Định và các tỉnh bạn đã chọn nơi đây để bán sản phẩm, lấy tổn. Theo thống kê của Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn, hiện nay trung bình mỗi tháng cảng cá có trên 600 lượt tàu thuyền cập bến, với lượng hải sản đạt 2.100 tấn/tháng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2005. Tàu thuyền ra vào cảng ngày một tăng, đã kéo theo nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá tăng theo. Hiện nay, tại cảng cá Quy Nhơn đã có trên dưới 30 “chủ nậu”, chuyên mua cá ở đây đưa đi phân phối ở các chợ đầu mối trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong khu vực. Đội quân bốc vác cũng đã hình thành, với trên 70 người thường xuyên túc trực tại cảng cá. Ngoài ra, tại đây còn có trên 50 xe ô tô, xe ba gác máy, xe lam... sẵn sàng chở cá đi các nơi theo yêu cầu của các “chủ nậu”. Để đưa các hoạt động ở đây đi vào nề nếp, Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn đã phân công 24 cán bộ, nhân viên của cảng túc trực 24/24 giờ hàng ngày để thu phí và giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực cảng cá, tập trung vào giờ cao điểm từ 12 giờ đêm cho đến sáng...
2. Chúng tôi có mặt tại cảng cá Quy Nhơn lúc 12 giờ đêm, khi thành phố còn chìm trong màn đêm. Trời tối om, lạnh ngắt, nhưng đã có đông đúc người hướng mắt về phía biển chờ những chiếc tàu chở cá rẽ sóng vào bờ. Gần 1 giờ sáng, tàu cá đầu tiên cập bến, cảng cá bắt đầu nhộn nhịp. Đêm nay là một đêm vui bởi “biển no”. Những tiếng động cơ của xe máy trên bến và động cơ của ghe tàu dưới thuyền rền vang. Tiếng gọi nhau í ới của đội quân bốc vác cộng với tiếng cười nói, hỏi thăm nhau của người nhà với “bạn tàu” sau cuộc hành trình dài ngày trên biển đã phá tan bầu không khí đêm yên tĩnh. Trong lúc các chủ tàu, “chủ nậu” mặc cả với nhau, thì đội quân bốc vác chuẩn bị quang gánh chực chờ vào việc. Trung bình mỗi tàu cá như thế “chủ nậu” thuê khoảng 5-6 người vận chuyển cá lên bờ. Với lực lượng này, chừng 1 giờ đồng hồ là họ chuyển hết lượng cá trong khoang tàu lên bờ. Tiếp theo, đội quân xe tải lần lượt khởi hành, mang theo những giỏ cá đầy ắp đến các chợ đầu mối cho kịp phiên chợ sáng. Những người buôn bán nhỏ ở các chợ trong thành phố... cũng tranh thủ chọn mua mỗi người chừng vài chục ki lô gam cá tươi và chở nhanh bằng xe máy toả đi các chợ.
|
Phu khuân vác mở khoang tàu chuẩn bị vận chuyển cá lên bờ. Ảnh: N.T
|
3. Tôi tranh thủ làm quen anh Lê Minh Dũng, lúc anh vừa nghỉ tay sau khi cùng với 5 người trong nhóm chuyển hơn 2 tấn cá từ khoang tàu lên bờ. Với bộ quần áo lao động lem luốc, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, anh gắng cười tâm sự: “Ai chọn nghề này thì đòi hỏi phải có sức khoẻ và chịu khó. Công việc rất vất vả và nặng nhọc, lại thường phải làm việc vào ban đêm nên mất rất nhiều sức”. Công việc này đối với đàn ông đã là vất vả lắm rồi, nhưng đối với phụ nữ thì càng cực nhọc hơn gấp bội. Thoạt nhìn chị Nguyễn Thị Tình đi cùng với những người đàn ông đang khuân cá ở đây, tôi không nhận ra được chị là phụ nữ. Trông chị lúc này chẳng khác gì một người đàn ông. Với chiếc áo công nhân màu xanh đã cũ, quần đen, đội chiếc nón lá sờn vành, chị nói như giải thích: “Đã chọn nghề này thì phải chấp nhận vậy thôi. Công việc nặng nhọc, cần gọn gàng mà”. Do đặc thù của công việc, nên số chị em làm nghề bốc vác ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số chừng 70 người chuyên bốc vác ở đây, có không đến 10 người là phụ nữ. Phần lớn những phụ nữ “mưu sinh” tại cảng cá chọn những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với mình hơn, như bán thức ăn, nước uống, cà phê, thuốc lá...
|
Xếp cá vào xe để chuyển đến các chợ đầu mối. Ảnh: N.T
|
4. Khi tôi hỏi về thu nhập cũng như những trăn trở trong công việc, đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, anh Lê Tấn Minh - một người trong đội quân bốc vác ở đây - chân thành: “Công việc của chúng tôi phụ thuộc vào thời điểm tàu cá cập bến, nên chẳng bao giờ quản ngại nắng mưa, sớm tối hay khó nhọc. Khi nào tàu cá cập bến là chúng tôi bước vào việc ngay. Ngày nào cá về nhiều thì việc làm nhiều hơn và thu nhập cũng khá hơn. Có việc làm đều đều hàng đêm và chịu khó một chút thì thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, tạm đủ cho cuộc sống của 2 vợ chồng và 1 đứa con đang học cấp 2”. Còn anh Nguyễn Văn Bình, cũng làm nghề bốc vác tại đây, kể với chúng tôi: “Trước kia tôi đi làm đủ nghề, ai mướn gì làm nấy nhưng thu nhập thấp lắm, khoảng 25.000 đồng/ngày, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Do hoàn cảnh túng thiếu nên nhiều lúc vợ chồng có lời qua tiếng lại. Thấy một số anh chị bốc vác ở đây có thu nhập tương đối khá nên tôi xin theo làm. Tuy vất vả và nặng nhọc, nhưng nghề này đã giúp tôi cải thiện được cuộc sống gia đình...”.
Chừng 7 giờ sáng, cảng cá Quy Nhơn thưa người dần, các hoạt động ở đây không còn tất bật nữa. Thi thoảng có một vài tàu cá về muộn và những chuyến đò từ các xã đảo cập bến. Mồ hôi trên gương mặt, trên vai áo của những người phu khuân vác đã dần khô dưới ánh nắng ban mai của ngày mới. Những câu pha trò, những tiếng cười giòn giã sau một đêm lao động mệt nhọc nhưng vui vì có thu nhập cao, làm rộn ràng cả một góc cảng cá... Chợt nao lòng khi nghĩ tới những ngày “biển đói”, những chiếc quang gánh buông lơi trên vai những người phu khuân vác, với vẻ mặt buồn hiu, và những nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” hằn sâu trên trán họ.
|