Thực hiện dự án phát triển lâm nghiệp:
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc
16:59', 30/11/ 2006 (GMT+7)

Bình Định là một trong 4 tỉnh của cả nước tham gia dự án phát triển ngành lâm nghiệp từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là dự án WB3), với mục tiêu đến năm 2010, Bình Định sẽ trồng 24.400 ha rừng sản xuất. Thực hiện dự án WB3 sẽ giúp Bình Định nâng cao năng lực quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân sống gần rừng...

 

Nông dân huyện Vân Canh chăm sóc cây giống lâm nghiệp để phục vụ cho vụ trồng rừng năm 2006.

 

Bình Định có 43 xã ở 8 huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh có đất lâm nghiệp được chọn tham gia dự án WB3. Các địa phương thực hiện 3 hợp phần: Phát triển thể chế; trồng rừng sản xuất; quản lý và đánh giá dự án, tổng số vốn đầu tư 19 triệu USD. Đối tượng tham gia dự án là hộ có đất trồng rừng được cấp sổ đỏ nằm trong vùng quy hoạch của dự án, mỗi hộ được tham gia tối thiểu 0,5 ha, tối đa 10 ha; được vay vốn ưu đãi. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đảm nhiệm việc giải ngân nguồn vốn vay cho các hộ gia đình tham gia dự án.

Nhằm thực hiện có hiệu quả dự án này, Bình Định đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án WB3 từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương rà soát lại quỹ đất; đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho dân; tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu rõ về dự án, về đối tượng, điều kiện được tham gia dự án; điều kiện vay vốn, thủ tục, quy trình tiếp nhận đơn xin vay vốn, tiến hành thẩm định, thực hiện việc giải ngân. Ngành Nông nghiệp đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng cho nông dân theo quy định của dự án. NHCSXH hướng dẫn thủ tục vay vốn và giải quyết vốn vay cho dân.

Năm 2005, các địa phương trong tỉnh đã trồng được trên 749 ha rừng thuộc dự án WB3 với 434 hộ dân được vay trên 4,7 tỉ đồng để đầu tư trồng và chăm sóc rừng trồng. Nhờ đầu tư, chăm sóc đúng mức nên diện tích rừng trồng hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy vậy, so với mục tiêu dự án đề ra, diện tích rừng trồng hiện có ở Bình Định còn quá ít. Bà Võ Xuân Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: “Năm 2005 các Bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Thế giới thẩm định, phê duyệt kế hoạch trồng rừng hàng năm rất chậm. Bên cạnh đó, Ban thực hiện dự án ở một số địa phương còn lúng túng trong việc quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất, việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên chưa rõ ràng, nên công tác thiết kế rừng trồng luôn bị động, việc giải ngân cho người dân tham gia dự án chậm”.

Năm 2006, dự án WB3 được triển khai ở 15 xã của 6 huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn và Vân Canh, diện tích 1.600 ha. Nhằm chủ động thực hiện dự án, ngay từ đầu năm, Ban quản lý thực hiện dự án WB3 của tỉnh đã phối hợp cùng với Sở TN-MT lập phương án, dự toán kinh phí trồng rừng trình ban điều phối Trung ương và Ngân hàng Thế giới phê duyệt. Công tác đo đạc, giao đất, thiết kế rừng trồng cũng đã được triển khai sớm. Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo trồng rừng, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng cho nông dân. Năm nay tỉnh bố trí vốn đối ứng ngay từ đầu năm, nên việc thực hiện dự án có nhiều thuận lợi hơn. Hiện có 709 hộ đăng ký trồng trên 957 ha rừng, diện tích này đã và đang được các địa phương cấp sổ đỏ cho dân, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư trồng rừng.

Đến nay, nông dân các địa phương đã chuẩn bị gần 2 triệu cây keo lai, bạch đàn, dọn thực bì và đã trồng được gần 410 ha rừng. NHCSXH tỉnh cũng đã giải ngân 1,191 tỉ đồng cho nông dân vay vốn theo dự án. Dự kiến, đến trung tuần tháng 11, các địa phương sẽ hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm nay, tháng 12 tiến hành trồng dặm và chăm sóc lần 1. Bên cạnh đó, Ban quản lý thực hiện dự án WB3 của tỉnh đang triển khai công tác quy hoạch quỹ đất ở 43 xã tham gia dự án, đồng thời lựa chọn điểm trồng rừng năm 2007 để tiến hành thiết kế phân lô và giao đất cho dân trồng rừng.

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người giữ nhà xác  (30/11/2006)
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)
Thời bao cấp - một thời bi tráng  (31/10/2006)
Cha mẹ, con cái và Internet  (31/10/2006)