Theo Công ước Di sản Thế giới, di sản văn hoá là tập hợp những đền đài, các công trình kiến trúc, các địa danh có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khảo cổ, khoa học, dân tộc học và nhân chủng học. Di sản thiên nhiên là các địa danh với những đặc điểm nổi bật về địa lý, sinh học và vật chất; môi trường sống của các loài động, thực vật đang bị đe doạ và những khu vực có giá trị thẩm mỹ và khoa học hay từ góc độ bảo tồn di sản. Sứ mạng của Di sản Thế giới UNESCO là thúc đẩy các quốc gia ký vào Công ước UNESCO, cam kết gìn giữ các di sản văn hoá và thiên nhiên của mình, và khuyến khích các quốc gia thành viên đề cử các địa danh thuộc quốc gia mình được ghi danh vào danh sách di sản thế giới. Cho đến nay Công ước về việc Bảo vệ Di sản Thiên nhiên và Văn hoá Thế giới có hơn 175 quốc gia thành viên tham gia ký kết, đã được Đại hội đồng UNESCO sửa đổi năm 1972.
(Nguồn: Unesco.org.vn)
* Thời gian nhận hồ sơ và xét duyệt hồ sơ di sản thế giới
Theo hướng dẫn mới nhất của Trung tâm Di sản Thế giới, thời gian nhận hồ sơ và xét duyệt hồ sơ di sản thế giới quy định như sau: Ngày 30 tháng 9 (trước năm thứ nhất) là thời hạn cuối cùng Ban thư ký nhận bản thảo hồ sơ di sản của nước thành viên; Ngày 15 tháng 11 (trước năm thứ nhất), Ban thư ký trả lời nước thành viên về sự đầy đủ của hồ sơ dự thảo, nếu dự thảo chưa đầy đủ Ban thư ký sẽ thông báo, chỉ ra những thông tin còn thiếu để hoàn thiện hồ sơ; ngày 1 tháng 2 năm thứ nhất là thời hạn cuối cùng Ban thư ký nhận được hồ sơ đề cử đầy đủ và chuyển cho các cơ quan tư vấn thích hợp thẩm định; từ ngày 1 tháng 2 đến 1 tháng 3 năm thứ nhất: Ban thư ký đăng ký, đánh giá sự đầy đủ của hồ sơ đề cử và chuyển cho các cơ quan tư vấn thích hợp; ngày 1 tháng 3 năm thứ nhất, là thời hạn cuối cùng Ban thư ký thông báo cho nước thành viên việc nhận được hồ sơ đề cử khi hồ sơ được coi là đầy đủ và được nhận trước ngày 1 tháng 2; từ tháng 3 đến tháng 5 năm thứ nhất là thời gian các cơ quan tư vấn thẩm định hồ sơ; 31 tháng giêng năm thứ hai, nếu cần các cơ quan tư vấn có thể yêu cầu nước thành viên đệ trình thông tin bổ sung thông qua Ban thư ký.
|
Di sản thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam). Ảnh: S.T
|
Sáu tuần trước phiên họp thường niên của Uỷ ban Di sản Thế giới năm thứ hai: Các tổ chức tư vấn nộp báo cáo thẩm định và khuyến nghị cho Ban thư ký để chuyển cho Uỷ ban Di sản Thế giới và các nước thành viên.
Ít nhất hai ngày làm việc trước buổi khai mạc của phiên họp thường niên năm thứ hai các nước thành viên phải sửa chữa các lỗi thực tế bằng một lá thư gửi chủ tịch Uỷ ban và bản sao gửi cơ quan tư vấn chi tiết về các lỗi thực tế họ có thể đã nhận ra qua sự thẩm định của cơ quan tư vấn...
Trong quá trình nêu trên một hồ sơ đề cử nhất định phải qua khâu thẩm định của cơ quan tư vấn thích hợp đối với từng loại di sản. Trong đó, di sản văn hoá phải được sự thẩm định của ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ - cơ quan tư vấn về di sản văn hoá).
* Quy trình thẩm định hồ sơ của Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ
Sau khi hồ sơ đề cử chuyển đến Trung tâm Di sản Thế giới, qua Ban thư ký di sản ICOMOS, hồ sơ được chuyển đến bốn bộ phận để thẩm định là: Uỷ ban khoa học quốc tế ICOMOS, Các viện khoa học liên hiệp, Các uỷ ban quốc gia ICOMOS và các chuyên gia độc lập. Bốn bộ phận này sẽ nộp hai báo cáo lên Ban thư ký Di sản Thế giới ICOMOS là báo cáo về các giá trị văn hoá và báo cáo của phái đoàn chuyên gia khảo sát thực địa. Ban thư ký Di sản Thế giới ICOMOS sẽ chuyển các báo cáo lên tổ chức Các chuyên gia ICOMOS và Bộ phận phụ trách Di sản Thế giới của ICOMOS để hoàn thiện trở thành báo cáo của ICOMOS trình trước Uỷ ban Di sản Thế giới.
Nội dung các báo cáo của ICOMOS tập trung vào các vấn đề sau: 1- Những tài liệu cơ bản; 2- Tài sản: mô tả tài sản, lịch sử, chế độ quản lý (hệ thống luật pháp, cơ cấu quản lý, nguồn lực); lý giải của nước thành viên về di sản; 3- Đánh giá của ICOMOS nhằm vào các vấn đề sau: Bảo tồn (lịch sử bảo tồn, tình trạng bảo tồn, công tác quản lý, phân tích các mối nguy hiểm đối với di sản); tính nguyên gốc và tính toàn vẹn của di sản; đánh giá so sánh; giá trị nổi bật toàn cầu; 4- Khuyến nghị của ICOMOS.
Như vậy, hai nội dung cần quan tâm nhất đối với một di sản nếu muốn trở thành di sản thế giới là: làm rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và những hoạt động để đảm bảo sự toàn vẹn của các giá trị ấy. Di sản nào đã đáp ứng các tiêu chí di sản thế giới mà các hoạt động để đảm bảo sự toàn vẹn chưa khả thi thì cũng khó có thể được đưa vào Danh mục di sản thế giới.
. Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng |