Những hội tụ chói sáng
17:10', 30/11/ 2006 (GMT+7)

Đến thời kỳ Vijaya, nghệ thuật Champa vừa có sự tiếp nối, vừa có những nét khác biệt với các thời kỳ, phong cách trước đó và khu biệt trong một phong cách nghệ thuật mà khi tiến hành phân kỳ nghệ thuật Champa, các học giả phân định thời kỳ Bình Định (Vijaya) thành một phong cách nghệ thuật. Với nhà nghiên cứu người Pháp H.Parmentier là thời kỳ cổ điển của nghệ thuật đẳng trung; còn các học giả Pháp sau này như Ph.Stern, G.Maspero, J.Boisselier... và các nhà nghiên cứu Việt Nam như: Cao Xuân Phổ, Ngô Văn Doanh, Phan Xuân Biên... là phong cách tháp Mẫm hay Bình Định. Trong lịch trình phát triển nghệ thuật tháp Chăm, phong cách Bình Định là một trong ba chuỗi ngọc chính, điển hình cho nền nghệ thuật cổ Champa.

Ngôn ngữ nghệ thuật của kiến trúc và điêu khắc mang phong cách Bình Định, từ những đường nét trong các phong cách nghệ thuật trước đây, nay đã đi vào hình khối: vòm cửa thu lại, vút lên thành mũi giáo, các tháp nhỏ trên các tầng như cuộn lại thành khối đệm khoẻ, các trụ ốp thu vào thành khối phẳng, mặt tường được tăng gân và căng ra bằng đường gờ nổi chạy giữa, đá điểm góc cách điệu. Trong đó, những đền-tháp như vươn mình lên, ngự trên đồi cao; thu lại trong ngôn ngữ của hình khối, vút thành những mũi giáo, nét vươn của tầng điểm mái như một khẳng định cho khí chất mạnh mẽ và bản lĩnh. Một vẻ đẹp của sức sống và khát vọng vươn lên, thông qua sự bề thế, hoành tráng của hình khối, sự tiết chế của trang trí, biểu thị uy lực.

Hoa văn tháp lớn của tháp Đôi. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Điêu khắc của phong cách Bình Định tập trung vào hai mảng lớn là tượng người và động vật. Ở cả hai mảng này, ta đều bắt gặp những sự thống nhất cao trong biểu hiện. Nếu tượng người thống nhất từ y phục, trang sức và hình thù cơ thể thì tượng động vật lại tập trung nhiều vào những chi tiết trang trí. Cả hai ít đi sâu vào chi tiết hình thể mà có xu hướng cách điệu. Do đó, nó hợp thành một phong cách nghệ thuật riêng, liền mạch với những thời kỳ trước nhưng lại có nét độc đáo. Chẳng hạn, cũng là hình tượng Shiva nhưng ở các phòng Trà Kiệu (VII-VIII), Quảng Nam (VII-X), Quảng Trị (VII-X) thần đang trong điệu múa vũ trụ Tân đa va, vai khuỳnh, những cánh tay tung quanh thân, một chân trụ còn chân kia nhón gót theo nhịp uốn của thân như một trận cuồng phong; thì đến thời kỳ này thần xếp bằng, mắt lim dim hướng vào nội tâm, bình thản như một nét lặng sau những cuồng say- hai khía cạnh của tiết tấu biển cả. Người thưởng ngoạn có cảm giác không chỉ đứng trước một con người vật chất mà còn thấu triệt vào một con người của tâm linh. Cũng vậy, tượng tu sĩ được thể hiện có khuôn mặt hình bầu dục, trán rộng và cao, mũi thẳng hơi lớn, những vòng lông mày cong nổi lên, đôi mắt lớn, miệng rộng, môi dưới nhô ra, nở một nụ cười mỉm, thân mình được đơn giản từng bước. Bệ yoni cũng được ôm siết bởi những núm vú căng tròn sức sống. Tượng động vật thời kỳ này là sự trở lại của một nghệ thuật hình thành từ phong cách Trà Kiệu sớm (cuối thế kỷ VII). Nhưng nếu ở thời kỳ đầu là những con voi xinh xắn, bò hiền hậu, những con sư tử ngộ nghĩnh, khoẻ khoắn trong bút pháp tự nhiên và linh động; thì đến Bình Định những con vật đạt đến kích thước lớn, đi vào chi tiết trang trí và cách điệu để mang tính huyền thoại nhiều hơn là thực tế. Đứng trước những tác phẩm như đôi voi đá, kỳ lân ở thành Đồ Bàn (huyện An Nhơn), ta không có cảm giác “khô cứng” mà lại có cảm giác ngộ nghĩnh và đáng yêu. Hơn thế nữa, những tác phẩm này lại mang đến cho ta một cảm giác rõ rệt về tính hoành tráng. Không phải vì kích thước lớn (từ 1-2 m), hoành tráng là hiệu quả đến từ những thủ pháp nghệ thuật toàn diện. Nó có tác dụng gây ấn tượng về một sức mạnh khổng lồ nâng bổng con người, một yếu tố quan trọng trong một thời kỳ lịch sử có nhiều biến động.

Vậy đó, “tiết tấu biển cả”- dữ dội và cuồng say, đã được thể hiện trong kiến trúc và điêu khắc. Nhưng còn một phần khác: chút u trầm, suy niệm, người xưa dành trọn cho gốm.

Ở đây, cũng cần nói thêm rằng, trước đây, có lẽ bị choáng ngợp trước những dáng vẻ huy hoàng và cổ kính của những công trình nghệ thuật này mà từ lâu, trong con mắt các nhà nghiên cứu, nhắc đến nghệ thuật Champa là nói đến kiến trúc và điêu khắc. Tuy nhiên, đã đến lúc, cần khẳng định rằng: nghệ thuật gốm cũng là một bộ phận hợp thành trong phong cách Bình Định của nền nghệ thuật Champa.

Gốm cổ Champa đến thời kỳ Bình Định thì đạt đến đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật. Đã có một bước đột biến, từ gốm Champa giai đoạn trước không men, có kỹ thuật đơn giản, sang những tạo phẩm đạt giá trị cao về nghệ thuật và mang tỉa một phần linh hồn Champa với gốm Gò Sành. Với xương gốm nặng đục, dày; độ sâu của sắc gốm được gia thêm bằng những nét trang trí đơn giản: hoa văn sóng nước, hoa lá, cánh sen, dây cúc... phủ một màu men dày, đều và màu không ổn định. Tất cả hợp thành một vẻ độc sáng riêng cho gốm Bình Định: khác với cái cầu kỳ, độc đáo của gốm Tàu; khu biệt với vẻ giản dị, chắc khoẻ, phóng khoáng, đầy chất dân dã của gốm Việt.

Một tháp trong quần thể tháp Bánh Ít (Phước Lộc, Tuy Phước). Ảnh: Đ.T.Đ

Bên cạnh những vật dụng thường nhật, thăng hoa từ chất liệu đất nung này, tượng đất nung Gò Sành ra đời. Trên cơ sở kế thừa phong cách tháp Mẫm trong điêu khắc, với chất liệu mới, những nghệ nhân Chăm đã tạo nên một bước chuyển mới cho nghệ thuật tạo tượng Champa. Thăng hoa về kỹ thuật, bởi những tác phẩm này, không chỉ đòi hỏi một kỹ thuật cao trong tạo hình mà ngay từ những khâu vốn khá đơn giản trong nghề gốm như làm đất, nung cũng đòi hỏi một sự chuẩn xác cao. Về nghệ thuật, bởi những sản phẩm này đã vượt thoát khỏi công năng sử dụng đơn thuần để trở thành tác phẩm nghệ thuật với đúng nghĩa của từ này. Những tác phẩm này, như những chiếc đầu sư tử, mặt nạ, tượng thần hộ pháp, tượng tu sĩ thổi sáo, những tượng thú vật như cặp hươu... vẫn mang ấn tín của phong cách tháp Mẫm. Tượng thú vật, ngộ nghĩnh với cặp mắt được thể hiện tài tình, có hồn và đáng yêu; đầu sư tử trang trí cầu kỳ với những dải hình tia lửa, gay gắt, nóng bỏng; tượng hộ pháp tuy có vẻ dữ dằn nhưng đằng sau vẫn như còn phảng phất nụ cười với kẻ hành hương... Nhưng đây là phong cách tháp Mẫm trong tượng đất nung, nghĩa là tất cả đường nét đã được tinh lọc qua nét đặc thù của chất liệu vốn luôn được người nghệ sĩ Champa xem trọng. Đường nét đã bớt đi chút gân guốc, cầu kỳ; nét mộc mạc, chân thực được lộ tỏ. Điều độc đáo khác là tất cả những tác phẩm gốm này là không men, màu đất nung, tự nhiên và hồn hậu như cái thánh thiện mà tâm hồn người cần hướng tới. Sự tổng hoà màu sắc và đường nét tượng đất nung, tạo thành mỹ cảm không gian đền tháp cũng rất thú vị nếu được nghiên cứu.

Nhìn từ phong cách tháp Mẫm trong điêu khắc đến tượng đất nung Gò Sành, ta thấy sự lên ngôi của đất nung bên cạnh sự chuyển mình của điêu khắc đá. Nhìn trong tổng thể diễn trình nghệ thuật Champa, tượng đất nung khẳng định thêm một bước chuyển thẩm mỹ quan trọng: nền nghệ thuật Champa đang hướng thực.

Kiến trúc, điêu khắc và gốm - ba bộ phận của một thời kỳ nghệ thuật, mang tải những sắc thái, cảm xúc khác nhau của tâm hồn, cần được xem như ba chỉnh thể hợp thành của phong cách Bình Định của nghệ thuật Champa. Hy vọng một ngày gần đây, khi có một bảo tàng về văn hoá Chăm Bình Định - một dự định đã được ấp ủ lâu nay của những người làm văn hoá Bình Định - chúng ta sẽ có dịp chiêm ngưỡng cả ba bộ phận hợp thành này. Khi đó, những đánh giá đại loại như: đẹp/ xấu, phát triển/suy thoái với phong cách Bình Định trong tổng thể diễn trình nghệ thuật Champa có thể được tìm thấy từ chính các bạn. Có vậy thì mới hy vọng có những thức nhận mới hơn về nghệ thuật Champa - một trong những nền nghệ thuật lớn của Đông Nam Á.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc  (30/11/2006)
Người giữ nhà xác  (30/11/2006)
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)
Một thoáng Champasak  (31/10/2006)