Trên những lộ trình di sản
17:21', 30/11/ 2006 (GMT+7)

Ở Tháp Đôi (Quy Nhơn) ta bắt gặp hầu như toàn bộ những gì đặc trưng cho phong cách kiến trúc Chăm Bình Định. Ảnh: Văn Tư

LTS: Ngày nay, di sản văn hoá Chăm đã trở thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể di sản văn hoá của dân tộc Việt Nam. Một trong những vùng đất chiếm vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử phát triển văn hoá Chăm là Bình Định hiện nay. Trên vùng đất này, văn hoá Chăm để lại một hệ di tích khá đậm đặc gồm nhiều loại hình, với số lượng khá phong phú. Trong đó, hệ thống các di tích tháp Chăm có giá trị khá nổi bật, gồm 8 cụm tháp với 14 tháp hiện tồn.

Vậy đâu là những nét riêng mang tính độc sáng của những tháp Chăm Bình Định nói riêng và hệ di tích Chăm Bình Định nói chung? Lộ trình nào để những cổ tháp này có được sự khẳng định xứng tầm với nó: di sản văn hoá thế giới ?... Đó là những vấn đề được đặt ra trong chuyên đề này. Đây cũng là những bước đi đầu tiên trong một kế hoạch tuyên truyền dài hơi của Báo Bình Định, hướng tới mục tiêu: đề cử hệ thống tháp Chăm Bình Định trở thành di sản thế giới.

* Những mùa trùng tu

Hơn hai mươi năm trước đây, khi đến Việt Nam điều hành tiểu ban hỗn hợp Việt Nam - Ba Lan vừa mới thành lập để đảm đương nhiệm vụ trùng tu tháp Chăm, lần đầu tiên đối diện với các cổ tháp, kiến trúc sư Ka-zít (Kazimiers Kwiat Kowski) đã sững sờ thán phục trước vẻ đẹp uy nghi của nó. Và khi biết niên đại của những ngọn tháp này đã trên dưới ngàn năm, ông đã nói: “Khi người Chăm dựng lên các tuyệt tác kiến trúc này thì tổ tiên tôi vẫn vào rừng săn bắn và lấy mật ong!”. Trước Ka-zít gần một trăm năm, những học giả, nhà nghiên cứu người Pháp M.C.Paris, L.Finot, L.de Lajonquière, nhất là H.Parmentier đã rất quan tâm khám phá bí ẩn tháp Chăm. Những người này đã may mắn hơn Ka-zít, hơn chúng ta. Bởi ngày 1-12-1999, tại phiên họp lần thứ 23 ở Marrakesh (Ma-rốc) khi Uỷ ban Di sản UNESCO long trọng tuyên bố công nhận khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản Văn hoá Thế giới thì di sản này chỉ còn lại một phần mười. Còn Phật viện Đồng Dương gần đó đã thành bình địa, và hiện vật còn lại duy nhất chỉ là một bức tượng đồng đào được năm 1978.

Hai mấy năm với bao nhiêu công của, đã cứu được những ngôi tháp quý giá khỏi nguy cơ đổ sụp, đã trả lại phần nào những nét đẹp duyên dáng, đường bệ và quyến rũ của những kiến trúc độc đáo cả ngàn năm tuổi mang tầm khu vực và thế giới.

Muộn hơn những đồng nghiệp Pháp ngót trăm năm, việc đầu tiên của Ka-zít và các cộng sự trẻ Việt Nam, là chạy rông rốc trên chiếc xe cà tàng suốt dọc dài miền Trung nắng gió, khẩn cấp cứu những ngôi tháp còn lại, những ngôi tháp đang bị cây cối xâm hại, hoặc “đứng trên đệm không khí”, hoặc nghiêng lún và có thể đổ ập bất cứ lúc nào. Giải pháp cấp cứu là những nẹp thép chằng giữ, những mảng gạch xây tạm chèn đỡ. Song song với việc làm này, là những bổ sung cần thiết cho bản vẽ của H. Parmentier, những nghiên cứu về bí ẩn gạch Chăm và kỹ thuật xây tháp của họ. Với kỹ thuật hiện đại nhiễu xạ Rơnghen, nhiệt vi phân và quang trắc phổ hồng ngoại trên các viên gạch, việc nghiên cứu đã có những kết quả bước đầu.

Tháng 4 năm 2000, trong một Hội thảo khoa học về 20 năm Trùng tu tháp Chăm, tại Nha Trang, các nhà khoa học cho rằng gạch Chăm được làm từ loại đất sét Hydromica và được nung ở nhiệt độ không lớn lắm (trên dưới 1000oC). Nhờ sử dụng đất sét đã được làm sạch, gạch này có độ đồng nhất tốt, có cường độ chịu ép lớn, lại nhờ khoáng sét trong nhóm ilit nên gạch có độ xốp, không nở trương và mịn. Với những phẩm chất này, gạch Chăm vừa là vật liệu bền vững trong xây dựng, lại là chất liệu lý tưởng cho điêu khắc. Cũng bằng phân tích Rơghen, chất hữu cơ kết dính các viên gạch cũng có khoáng chất thạch anh và ilit như mẫu lấy từ giữa viên gạch lại chứa diasper ở bước thu nhiệt 540-5800C. Điều này cho thấy, chất gạch và chất kết dính đã chịu được những tác động nhiệt khác nhau, cao hơn đối với gạch (không có diasper) và thấp hơn đối với chất kết dính. Vậy phải chăng tháp được xây từ những viên gạch nung sẵn, gắn với nhau bằng một màng mỏng dung dịch đất sét có vai trò kết dính (vữa đất sét), sau đó toàn bộ được nung lại? Cuộc Hội thảo đã không có một kết luận cụ thể về kỹ thuật Chăm cổ. Từ kinh nghiệm dân gian đến kỹ thuật hiện đại, về cơ bản chưa có giả thuyết nào thực sự đứng vững. Bằng phương pháp suy lý, người ta lại tiếp tục bác bỏ các giả thuyết đưa ra. Còn nhiều thời gian và công sức, trí tuệ nữa trong việc trả lại giá trị ban đầu của cổ tháp.

Tháp Phú Lốc. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Dĩ nhiên, so với thời Ka-zít khoét lõm giữa hai viên gạch rồi phun xi măng vào, những người kế tục dùng kỹ thuật mài gạch tạo sự liên kết rồi phun một lớp xi măng mỏng kết dính, trông không thấy lớp vữa đúng như kiểu người Chăm. Để trả giá cho sự tiếp cận này, mỗi công nhân một ngày chỉ lắp được 3 viên cho việc trùng tu. Gần đây, kỹ thuật lại dùng vữa xi măng bên trong chịu lực, bên ngoài mặt dùng keo thực vật là nhựa bời lời trộn với ô dước làm chất kết dính, dĩ nhiên, cũng trên gạch đã được mài khít.

Hai mấy năm với bao nhiêu công của, đã cứu được những ngôi tháp quý giá khỏi nguy cơ đổ sụp, đã trả lại phần nào những nét đẹp duyên dáng, đường bệ và quyến rũ của những kiến trúc độc đáo cả ngàn năm tuổi mang tầm khu vực và thế giới.

* Trong lộ trình di sản

Cho đến hiện nay, giới nghiên cứu vẫn dựa vào bảng phân loại phong cách nghệ thuật kiến trúc Chăm do nhà nghiên cứu kiến trúc người Pháp P.Stern đưa ra năm 1942. Đó là chuỗi liên tục các phong cách kế tiếp nhau: phong cách cổ, phong cách Hoà Lai, phong cách Đồng Dương, phong cách Mỹ Sơn A1, phong cách chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định, phong cách Bình Định, phong cách muộn. Trong đó, phong cách muộn sau thế kỷ XIV, những Yang Prong, Yang Mun, nhất là Pô Rômê (Ninh Thuận) là sự suy thoái và nặng nề. Như vậy, theo lịch trình phát triển tháp Chăm, những giá trị lớn có ba nhóm, nhóm tháp thế kỷ VIII-IX với phong cách Mỹ Sơn E1, Hoà Lai và Đồng Dương khoẻ khoắn trong trang trí và trong hình dáng cục mịch vuông vức; nhóm tháp thế kỷ X với phong cách Mỹ Sơn A1 thanh tú, trang nhã trong đường nét và hài hoà trong tỉ lệ; và nhóm tháp thế kỷ XI-XIII với phong cách Bình Định, đường bệ trong mảng khối.

Trừ tháp Bình Lâm (thế kỷ X) và tháp chính tháp Bánh Ít còn mang phong cách chuyển tiếp trong đường nét, hoàn cảnh lịch sử của Champa thế kỷ XI-XIII đã tạo nên ảnh hưởng rõ rệt nghệ thuật Khơ-me thời kỳ Ăng-co vào kiến trúc tháp ở Bình Định, tạo ra nét riêng. Chất liệu đá sa thạch đã được sử dụng nhiều hơn bên cạnh chất liệu gạch độc đáo. Rất dễ nhận ra những đặc trưng của phong cách Bình Định: cửa vòm cuốn ở cửa chính và các cửa giả có hình mũi lao nhô lên thường có ba lớp, hai cửa vòm nhỏ bên trên cửa vòm chính phía dưới; năm cột ốp trên mặt tường ngoài không có trang trí và không có gờ; mặt tường giữa hai cột ốp là khoang tường có phần trung tâm nổi cao; trang trí bốn góc các tầng tháp là phiên bản phần thượng tầng ngôi tháp; các hình trang trí điểm góc không chạm thủng và có đường giữa nổi lên; các điêu khắc hình người đưa tay lên cao nâng đỡ công trình và các đền tháp thường được xây trên đồi cao… Tất cả đều có tác dụng gây ấn tượng hoành tráng từ xa.

Để, trên sở hữu vốn quý một phong cách tháp đặc sắc, trên số lượng khá nhiều còn lại và khá nguyên vẹn ở Bình Định, tương lai không xa những cổ tháp này sẽ trở về là chính nó.

Trừ tháp kiểu mái dài hình yên ngựa trong cụm tháp Bánh Ít (kiểu này còn thấy ở cụm Pôklông Garai- Ninh Thuận), các tháp Bình Định đều có bình đồ vuông, cửa chính quay về hướng đông. Quy mô khá lớn, cao nhất là tháp chính Dương Long với 39 mét, số còn lại thấp nhất cũng hơn 20 mét. Tuy có những điểm chung của một phong cách, nhưng không tháp nào giống tháp nào. Chẳng hạn, các tầng trên hoặc bố trí tháp góc cửa giả vút dần tới đỉnh (Cánh Tiên, Thủ Thiện, Phú Lốc…), hoặc phần đỉnh mặt cong (Tháp Đôi), hoặc các đường diềm vòng quanh thu nhỏ dần rồi kết thúc bằng bông sen đá (Dương Long)…; đường diềm hoặc bằng gạch, nửa gạch nửa đá hoặc tinh đá, để trơn hay có hoa văn; và các trang trí tượng góc, đỉnh vòm rất phong phú, chim thần Garuđa, thần khỉ Hanuman, quái vật Kala khạc ra rắn 7 đầu… Yếu tố “độc nhất vô nhị” này khiến vùng cổ tháp Bình Định thêm hấp dẫn.

Trong tiến trình chung bảo tồn và trùng tu di sản kiến trúc đặc sắc này của đất nước mấy chục năm qua, Bình Định cũng bước đầu tạm yên với hai cụm Tháp Đôi, tháp Bánh Ít và đang trùng tu cụm Dương Long. Nói tạm yên là bởi, mặt bằng quanh Tháp Đôi cả chục năm qua vẫn chưa được trả lại cho khu tháp đúng quy hoạch. Và theo thiển ý người viết, những điêu khắc đá hiện nằm rải rác ở các bảo tàng, nên chuyển đặt đúng vị trí của nó ở các tháp, nếu có đủ tư liệu khoa học. Có lẽ, cũng đã tới thời điểm cần quan tâm tới phần phục chế đối với những tháp đã ổn định tư liệu, nhất là với những tiến bộ hiện nay của kỹ thuật trùng tu. Để, trên sở hữu vốn quý một phong cách tháp đặc sắc, trên số lượng khá nhiều còn lại và khá nguyên vẹn ở Bình Định, tương lai không xa những cổ tháp này sẽ trở về là chính nó. Nghĩa là, có thể lắm chứ, trên vùng đất nhiều vỉa tầng văn hoá này, những cổ tháp sẽ có được một khẳng định xứng tầm. Cho Bình Định. Cho đất nước. Và cho con người biết chiêm bái những tuyệt tác do chính con người làm ra.

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những hội tụ chói sáng  (30/11/2006)
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc  (30/11/2006)
Người giữ nhà xác  (30/11/2006)
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn  (31/10/2006)