Người 15 năm gieo chữ lên ngàn
17:30', 30/11/ 2006 (GMT+7)

43 tuổi đời, 20 năm công tác trong ngành giáo dục tại huyện An Lão, Thái Thị Kim Oanh đã có 15 năm làm nhiệm vụ gieo chữ lên vùng cao. Vốn là cô gái đất Bắc, sau ngày giải phóng đất nước, Oanh theo cha về miền Trung nơi ông chôn nhau cắt rốn. Cô giáo Oanh đã có một thời thơ ấu nghèo khó nên lận đận truân chuyên trên con đường học vấn, suýt nữa thất học giữa chừng, cố gắng mãi rồi Oanh cũng tốt nghiệp được trung học phổ thông. Oanh nghĩ nếu sau này có điều kiện cô sẽ theo nghề sư phạm, sẽ dồn hết tâm huyết của mình để giúp những đứa trẻ nghèo khó, bất hạnh biết cái chữ để làm người có ích cho xã hội. Mong ước của cô giáo Oanh đã thành hiện thực. Năm 1986 Oanh được nhận vào dạy hợp đồng lớp mẫu giáo, năm 1990- 1991 theo học lớp trung học chuyên nghiệp sư phạm, rồi tốt nghiệp cao đẳng và chuyển hẳn sang giảng dạy bậc tiểu học. Từ đó đến nay, cô giáo Oanh đã gắn bó với những bản làng vùng cao An Lão.

 

Cô giáo Thái Thị Kim Oanh.

 

Tôi đến thăm cô giáo Thái Thị Kim Oanh tại trường tiểu học vùng cao xã An Quang, giữa những ngày bận rộn chuẩn bị đề cho học sinh thi kiểm tra giữa học kỳ I, năm học 2006-2007. Thì ra bây giờ cô giáo Oanh đã giữ chức vụ phó hiệu trưởng của trường, hỏi ra mới biết Oanh đã từng giữ chức hiệu phó 5 năm rồi tại Trường tiểu học xã vùng cao An Nghĩa và đây là năm đầu tiên Oanh được cấp trên điều động về Trường tiểu học An Quang. Được biết, trong 10 năm đứng trên bục giảng cũng như chuyển sang làm công tác quản lý giáo dục, lúc nào cô giáo Oanh cũng dồn hết tâm huyết và tình yêu thương cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Cô giáo Oanh tâm sự: “Các em học sinh dân tộc thiểu số còn thiếu thốn quá nhiều thứ, các em đi học chữ phổ thông chẳng khác gì chúng ta đi học ngoại ngữ, khó trăm bề. Để giúp các em học tốt, người thầy giáo trước hết phải hiểu tâm lý và hoàn cảnh từng em, thực hiện tốt phương châm: vừa dạy vừa dỗ”.

Một lần, gặp cô giáo Oanh đang cặm cụi lắp ráp những chiếc ô tô nhựa dành cho giáo viên và học sinh làm đồ dùng học tập môn kỹ thuật, thấy tôi thắc mắc, cô giáo Oanh giải thích: “Bây giờ làm công tác quản lý Oanh càng cố gắng nhiều hơn trong việc nghiên cứu cách soạn giáo án và phương pháp giảng dạy cho từng tiết học, mình phải am hiểu chuyên môn mới dự giờ, góp ý cho giáo viên được”.

Hưởng ứng phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cô giáo Oanh đã đề xuất với thầy hiệu trưởng tổ chức cho giáo viên dạy phụ đạo thêm mỗi tuần 3 buổi để giúp các em học sinh có học lực yếu và trung bình vươn lên trong học tập, cố gắng chấm dứt tình trạng học sinh lên lớp 3-4 nhưng vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Nhắc lại kỷ niệm về những năm tháng gieo chữ lên ngàn, cô giáo Oanh kể: “Có lần đi dự giờ ở điểm trường cách xa nơi ở hơn một giờ đi bộ, khi quay trở về trời đã chập choạng tối, bỗng dưng trời mưa như trút nước, đang lội qua suối thì bị nước lũ tràn về, cuốn tôi đi một đoạn khá xa. May quá, tôi đã bám được một cành cây giữa dòng nước, phải mất một giờ sau nước lũ đi qua tôi mới thoát khỏi tay thần chết. Còn việc đi rừng bị con vắt thi nhau hút máu là chuyện thường ngày”.

Nỗi buồn lớn nhất của cô giáo Oanh là trong những ngày xa nhà, bám trường, bám lớp ở vùng cao, người chồng của cô đã chia sẻ tình cảm cho một người đàn bà khác. Tuy vậy cô giáo Oanh vẫn khẳng định: Oanh sẽ còn buồn hơn nhiều nếu một ngày nào đó phải xa trường, xa lớp, xa các em học sinh thân yêu. Cái nghề giáo đã thật sự giúp Oanh lớn lên rất nhiều về mọi mặt.

  • Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trên những lộ trình di sản  (30/11/2006)
Những hội tụ chói sáng  (30/11/2006)
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc  (30/11/2006)
Người giữ nhà xác  (30/11/2006)
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)
“Dù ở cương vị nào, tôi cũng vẫn là một phụ nữ”  (31/10/2006)