Bài thơ viết nhân Ngày Nhà giáo của cố nhà thơ - nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên
17:40', 30/11/ 2006 (GMT+7)

Nhà giáo-nhà thơ Vũ Đình Liên năm 66 tuổi (1979).

Ai cũng biết nhà thơ quá cố Vũ Đình Liên với bài thơ “Ông đồ” bất hủ, và ông cũng là một trong số rất ít những nhà giáo được truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đầu tiên của Việt Nam. Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân, ngoài thi phẩm “Ông đồ”, nhà thơ Vũ Đình Liên còn được giới thiệu bài thơ “Lòng ta là những hàng thành quách cũ”, rồi thôi. Nhiều người cứ ngỡ nhà thơ không còn làm thơ nữa, chỉ lo dồn hết tâm sức vào việc dạy học. Nhưng thật ra, nhà thơ ấy, người thầy giáo tận tuỵ ấy vẫn lặng lẽ gieo vần nhả chữ để trút và gửi gắm tâm sự của mình ra những áng thi văn không công bố rộng rãi, chỉ một số ít thi hữu của ông mới được đọc. Những vần thơ đầy băn khoăn, khắc khoải, đầy trăn trở và day dứt của một người thầy, một thi nhân, một kẻ sĩ, và một công dân trước vận mệnh đất nước, cũng như trước cuộc đời trầm thăng dâu bể và thế thái nhân tình “biến cải vũng nên đồi”, vẫn cứ đều đặn tuôn tươm ra giấy mực bằng bàn tay cầm bút đã run run…

Bút tích nhà thơ Vũ Đình Liên.

Nữ sĩ Trinh Tiên, tức nhà thơ Tâm Tấn, một người bạn thơ rất thân của Vũ Đình Liên từ năm 1944, đang sống ở thành phố Nha Trang với tuổi 86, đã cho tôi được cái vinh hạnh xem bút tích của một bài thơ rất ít người được biết mà Vũ Đình Liên đã chép tặng bà vào năm 1986. Bài thơ có tựa đề “Bảy mươi ba tuổi hối hận”. Nhà thơ - nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên sinh năm 1913, theo bút tích còn ghi lại phía dưới tựa đề của bài thơ là “làm nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-1986” thì đúng là khi ấy ông đã 73 tuổi.

Được sự cho phép của người lưu giữ bút tích của Vũ Đình Liên, tôi xin kính cẩn và trân trọng giới thiệu cùng những người yêu văn chương, những người học trò của ông đang ở khắp mọi miền đất nước, và tất cả bạn đọc bài thơ này theo nguyên văn của bút tích.

  • Mãn Đường Hồng

Bảy mươi ba tuổi hối hận

làm nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-1986

 

Bảy mươi ba tuổi

Dạy học, làm thơ

Đôi mắt đã tối

Mái đầu bạc phơ !

 

Công cha còn nợ

Nghĩa mẹ chưa đền

Nước, Đời, vẫn đó

Hai gánh còn nguyên.

 

Chỉ mừng một điều

Bổng lộc, quyền lợi

Hưởng chẳng bao nhiêu

Cùng dân no đói.

 

Còn chút hơi tàn

Có tâm, không lực

Ngoảnh nhìn giang san

Thẹn cùng Trời Đất.

 

Nhớ công ơn Bác

Khó nuốt miếng cơm

Khôn nhắm đôi mắt

Hối hận thơ tuôn

 

Ngày xưa Đời, Hối

Còn sống dưới mồ

“Nghĩa nhân” Nguyễn Trãi

Bốt-le “thương thơ” (1)

 

Cũng tuổi bảy ba

Đọc thơ “Tự cảnh” (2)

Xót lòng người xưa

Khơi sâu Hối hận

 

Mấy lời Tự răn

Mấy vần Tự hận

Khôn hết ăn năn

Gửi cùng trò, bạn

 

Cho nhẹ mối hận

Cho khuây nỗi buồn

Thày, chưa tròn phận

Thơ, chẳng nên hồn.

 

Cuối tháng 10-1986

  • Vũ Đình Liên

1- Bài thơ “Nợ đời” của nhà thơ Pháp Sác-lơ Bốt-le, nhà thơ lớn giữa thế kỷ 19 (1822-1867).

2- “Tự cảnh thập thũ” của Đặng Huy Trứ, nhà thơ yêu nước chống Pháp, giữa thế kỷ 19 (1825-1874).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người 15 năm gieo chữ lên ngàn  (30/11/2006)
Trên những lộ trình di sản  (30/11/2006)
Những hội tụ chói sáng  (30/11/2006)
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc  (30/11/2006)
Người giữ nhà xác  (30/11/2006)
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)
Mùa mưa ăn lịch huyết  (30/11/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (29/11/2006)
Trẻ hóa cán bộ Hội  (31/10/2006)