Chiếc hũ đất nung độc bản
10:50', 30/12/ 2006 (GMT+7)

“Hũ thần Kala”.

Chiếc hũ đất nung này là một hiện vật nằm trong sưu tập của Nguyễn Vĩnh Hảo - chủ nhân nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành (Quy Nhơn) và vẫn được chủ nhân của nó gọi bằng cái tên “hũ thần Kala”.

Trên 4 góc dưới chân hũ tạo tác 4 mặt Kala - một vật thiêng trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, biểu trưng cho thời gian, sự chết. Bởi vậy, theo ông Hảo, có lẽ đây là chiếc hũ dùng để dâng cúng nước/rượu lên cho thần linh. Mở ngoặc chút xíu, trên ngọn tháp Chăm G1 phong cách Bình Định tại Mỹ Sơn, người ta đã phát hiện thấy mặt Kala bằng đất nung dùng để trang trí chân tháp. Ấy là một mơ ước về sự trường tồn của những ngọn tháp dâng thần linh, hay là một mơ ước trường tồn của con người? Có lẽ là cả hai. Và với chiếc hũ này, việc trang trí hẳn cũng với mục đích như vậy. Mặt Kala cách điệu từ những con vật khác nhau: mắt lồi, mũi sư tử, sừng nai, hai răng nanh của lợn rừng... tạo vẻ dữ tợn, như nhắc nhở với người đối diện về những bước đi của thời gian, về lẽ sinh - tử.

Ngoài 4 mặt Kala, dải băng ngang nằm sát chân hũ còn được trang trí bởi 4 hoa văn hoa mai. Phần thân hũ chia làm 4 phần đều nhau, mỗi phần trang trí bởi những hoạ tiết hoa văn chạy dọc theo thân hình răng lược, cánh sen, ngọn lửa và nhất là hoa văn chữ bùa, càng làm cho chiếc hũ linh thiêng, huyền bí. Băng ngang trên cùng là những hoạ tiết hoa văn hoa mai và ngọn lửa, rất đặc trưng phong cách Chăm.

Hãy đến và ngắm nhìn, hay thậm chí mạn phép chủ nhân, chạm khẽ vào hiện vật. Ở đó, mỗi nét chạm khắc như ẩn chứa bên trong sự dao vọng của hồn người khi đối diện trước thần thánh. Mỗi nét, do vậy, đâu chỉ được tạo tác nên bằng bàn tay mà còn có cả linh hồn người thợ gốm. Trên mỗi phân vuông của gốm, màu của lửa, của đất, của quê hương đồng nội, chỗ thì đỏ ửng như màu tháp, khi thì xám bạc đồng đất, nơi lung linh màu hoa cà - tạo tác giữa lửa hoàn nguyên và chất đất giàu FeO của Bình Định. Màu của thời gian lại vừa đủ mài mòn sắc cạnh của đường nét chạm khắc, tạo cho cổ vật cái lung linh chỉ có ở đồ xưa và giá trị của sự sống sót, khác biệt nhau qua mỗi góc nhìn của người thưởng ngoạn.

 

Mặt Kala trên 4 góc dưới chân hũ.

 

Cao 50cm, miệng rộng 19cm, đáy 26cm, nhìn tổng thể, vẻ đẹp của hũ còn toát lên ở dáng vẻ cân đối hài hoà, những đường cong tròn tràn đầy sức sống, đậm tính phồn thực; trên đó, là nét chạm khắc hoa mỹ chỉ có ở những người thợ tài hoa bậc nhất. Và hãy đưa tay vào trong lòng hũ, ta sẽ thấy: tất cả những đường nét đều chỉ được tạo thành với đôi tay của người thợ chứ không phải bằng chiếc bàn xoay.

Có niên đại từ thế kỷ XII-XIII, chiếc hũ hiếm độc nhất vô nhị này là kết quả sưu tập từ người cha: ông Nguyễn Hượt - một người mê gốm và làm gốm, được giữ lại trong lòng thành trân trọng của người con.

  • Nguyên Phong
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/12/2006)
Bài thơ viết nhân Ngày Nhà giáo của cố nhà thơ - nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên  (30/11/2006)
Người 15 năm gieo chữ lên ngàn  (30/11/2006)
Trên những lộ trình di sản  (30/11/2006)
Những hội tụ chói sáng  (30/11/2006)
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc  (30/11/2006)
Đêm trên cảng cá  (30/11/2006)
Người giữ nhà xác  (30/11/2006)
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)
Chơi thuyền mỹ nghệ ở Đề Gi  (30/11/2006)