TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam):
“Hãy thắp một ngọn lửa”
11:20', 30/12/ 2006 (GMT+7)

TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã điền dã về văn hoá Champa ở Bình Định từ những năm 1986. Hai chục năm gắn bó với một vùng đất, đối với dân khảo cổ, đó chưa hẳn đã dài. Điều quan trọng hơn, vẫn là sự tâm huyết của một người làm khoa học, với một vùng đất, với một mảng đề tài.

 

TS Lê Đình Phụng chỉ đạo khai quật tại Tử Cấm Thành thành Hoàng Đế. Ảnh: V.T

 

* Từng đi nhiều, viết nhiều về Bình Định. Luận văn TS sử học của ông, bảo vệ năm 1995, cũng về Các di tích văn hoá Champa ở Bình Định. Tại sao ông lại lựa chọn Bình Định, mà không phải là một địa phương khác?

- Tôi thấy Bình Định là mảnh đất rất đặc biệt. Trên dải đất hiện đại mang tên Bình Định ngày nay, đã in hằn những sắc màu văn hoá của ba nền văn hoá cổ khác nhau: Đại Việt, Champa và Khmer. Trong gần 5 thế kỷ, nơi đây từng là trung tâm của một nền văn hoá cổ và cũng trong 5 thế kỷ ấy, nhiều nền văn hoá khác đã “va đập” quanh nó, tạo nên sắc thái rất độc đáo. Đây là tính độc đáo, không thể lẫn lộn của Bình Định. Bình Định có một vị trí quan trọng như vậy, lại sở hữu một số lượng di tích, di vật nhiều nhất, đại diện cho một nền văn hoá trong lịch sử, nên tôi rất quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về mảnh đất này.

Những ngày ấy, cách đây đã hơn hai chục năm, khi PGS.TS Ngô Văn Doanh vừa tốt nghiệp học vị TS nghệ thuật học ở Nga về, công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Lê Đình Phụng ở bên Viện Khảo cổ học, họ đã rong ruổi khắp các vùng quê Bình Định. Lóc cóc đủ mắm muối, chiếc xe đạp và tấm giấy giới thiệu để còn được vào... nhà kho HTX nông nghiệp ngủ nhờ.

* Đến nay, sau trên dưới 20 năm điền dã, đào bới, hẳn ông đã am hiểu khá tường tận về mảnh đất này?

- Không đơn giản thế đâu. Tôi bắt đầu quan tâm nghiên cứu về văn hoá Bình Định từ cuối năm 1986, và đến nay, tôi hầu như đã điền dã hết các điểm di tích trên mảnh đất này, nhưng đến giờ, vẫn chưa thể gọi là hiểu hết. Và điều đó cũng phải thôi, bởi mình xuất phát từ một nền văn hoá khác, mang theo hệ quy chiếu của văn hoá Đại Việt nên để hiểu về một nền văn hoá khác với tư duy khác, tín ngưỡng cũng khác, nên không thể đơn giản. Bởi vậy, tôi chỉ mới dừng ở những di tích, di vật; còn để giải mã được ra nó là cả một vấn đề khác. Và cũng bởi thế, trong các công trình của tôi, tôi đều khẳng định, đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi, còn nhiều năm sau, những nhà nghiên cứu khác, với phương pháp tiếp cận khác, có thể sẽ cho một kết quả khác.

* Có thể chưa hiểu hết, nhưng với chừng ấy năm nghiên cứu, nghiền ngẫm, theo ông, cái độc đáo của tháp Chăm Bình Định là gì?

- Như tôi đã nói, về nội dung, tôi chưa thể xem là đã hiểu hết, và những cái đã viết, có thể đúng và cũng có thể sai; nhưng cái đầu tiên đập vào mắt là những công trình kiến trúc đến giai đoạn này đều đưa lên cao. Còn về quy mô, trong các tháp Bình Định thì tháp Dương Long là kiến trúc gạch cao nhất Đông Nam Á. Ngay điêu khắc cũng vậy, những tác phẩm điêu khắc tháp Mẫm như tượng ông Đỏ, ông Đen ở chùa Nhạn Sơn, hai voi đá thành Đồ Bàn... là to nhất. Còn vì sao to? Đó là xuất phát từ quan niệm thẩm mỹ, trình độ kỹ thuật và cả điều kiện kinh tế nữa chứ. Nói về kỹ thuật thì kỹ thuật xây gạch người Chăm không nền nghệ thuật kiến trúc gạch nào đạt được, ngay cả Campuchia, Indonesia, Myanma... là những quốc gia có kiến trúc gạch cùng thời cũng vậy. Tôi đã nhìn tận mắt, sờ tận tay, nên tôi mới dám to mồm mà nói vậy đấy. Ngay như những ngọn tháp Khmer, kể cả các tháp có cùng niên đại với Dương Long, cũng vậy. Điểm nữa là sự phù hợp vật liệu đá với gạch kiến trúc dù chỉ dùng kỹ thuật ghép nhưng đem lại kết cấu khá ổn định, dù đây là hai loại vật liệu không cùng chất. Điều khá độc đáo ở tháp Bình Định là sự ảnh hưởng của các nền văn hoá khác đã tác động đến các di tích văn hoá ở đây, đã tạo nên sự đa dạng, đa sắc màu, làm giàu thêm giá trị văn hoá của các di tích ở đây. Kiến trúc Chăm ảnh hưởng ngay từ các công trình kiến trúc Việt cùng thời, và mang những yếu tố Khmer khá rõ nét trong khi các tháp ở Quảng Nam thuần Chăm hơn. Gốm Chăm Bình Định hoàn toàn là ảnh hưởng từ Nam Trung Hoa.

* Nhân đề cập đến phong cách Bình Định, thưa ông, ý kiến các học giả phương Tây trước đây vẫn cho rằng, đến thời kỳ Bình Định, nghệ thuật Chăm đi vào suy thoái?

- Suy thoái về nghệ thuật, đó cũng là theo quan điểm phương Tây. Người ta vẫn quan niệm khối nhỏ là tinh tế, chi tiết; nên đến khi hình khối to, hoạ tiết tất nhiên bị vỡ ra thì người ta nói rằng, đó là thời kỳ suy thoái về nghệ thuật. Nhưng hoạ tiết thì phải phù hợp với khối chứ. Khối to thì hoạ tiết không thể như trước được, cũng như khi anh phóng một tấm ảnh lên vậy. Tại sao chúng ta cứ lấy quan điểm của các học giả Pháp từ cách đây cả 100 năm, như vậy là chúng ta không tiến thêm một bước nào nữa? Trong những bài viết của tôi, chưa bao giờ tôi khẳng định rằng nghệ thuật tháp Mẫm là suy thoái cả mà tôi nói rằng đây là một thời kỳ mới, mang sức sống mới của một tộc người đang đi lên.

Bẵng một thời gian, ba năm trở lại đây, lại thấy TS Lê Đình Phụng cùng các học trò vào Bình Định “đóng đô” ở thành Hoàng Đế và lại đào bới. Cũng vóc dáng pha chút ngang tàng, gàn gàn của anh đồ đất Bắc, chút bụi bặm của dân tứ chiếng, cách nói ngang ngang dân trí thức... Thi thoảng, PGS.TS Ngô Văn Doanh từ Hà Nội, nhân đi công tác, cũng tạt ngang, thăm hỏi anh em và nhâm nhi chút Bầu Đá, để “hồi cố” chuyện xưa, những ngày lang bạt điền dã văn hoá Champa.

* Những năm gần đây, có nhiều dịp ra nước ngoài, đến với nhiều bảo tàng ở cả trong và ngoài nước, và đã sưu tầm được thêm nhiều tư liệu quý về văn hoá Chăm ở Bình Định. Trong đó, hẳn những tác phẩm điêu khắc đá và vật thờ trong các tháp Chăm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của ông?

- Những hiện vật điêu khắc đá đang lưu giữ ở các bảo tàng trên thế giới là rất phong phú và những hiện vật đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất nhiều khi lại không ở Bình Định. Cho nên, theo tôi, chúng ta phải quan tâm đến điêu khắc đá vì chúng là một phần hồn của di tích. Hiện nay, chúng ta mới chỉ làm ở phần vỏ của kiến trúc mà chưa có phần nội dung, chưa có phần hồn kiến trúc. Cho nên việc phục dựng lại các tượng, ngẫu tượng thờ trong các tháp là rất cần. Mà hiện nay, tư liệu đã cho phép chúng ta làm được điều này. Chẳng hạn, với nhóm kiến trúc một tháp: Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm, tháp thờ trung tâm thờ ngẫu tượng Linga - Yoni. Nhóm kiến trúc gồm nhiều tháp như Bánh Ít, tháp trung tâm thờ ngẫu tượng Linga, Yoni đúc bằng đồng, được thể hiện đẹp, giàu thẩm mỹ như một tác phẩm nghệ thuật (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Guymes - Cộng hoà Pháp). Nhóm kiến trúc gồm ba tháp xây thẳng hàng với Dương Long, tháp Đôi, mỗi tháp được sử dụng thờ một vị thần khác nhau: tháp Bắc thờ thần Brahma, tháp Giữa thờ thần Shiva - biểu tượng là ngẫu tượng Linga - Yoni và tháp Nam thờ thần Vishnu - đây là ba vị thần tối linh trong Ấn Độ giáo.

* Gắn bó với cái nghề “tốn tiền mua cuốc” này, rồi lại dính vào đất Bình Định, đối với ông, đó là trách nhiệm hay chọn lựa?

- Thật khó phân định cho rạch ròi. Ai cũng thế cả thôi. Cứ bập vào vùng đất, rồi thì bị nó hút hồn mất và gắn bó với nó. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình đang làm với tất cả tình cảm và trách nhiệm, mục đích là trao truyền lại di sản quá khứ cho thế hệ sau.

* Nếu có một điều cần nhắn nhủ với những bạn trẻ đang tiếp nối nghiệp “đào bới” của mình, ông sẽ nói...?

- Tôi vẫn nói với bạn trẻ cùng làm khoa học thế này: cần thì hãy cháy lên đã. Và ít ra mình cũng phải cháy lên vì cái gì đó chứ.

* Xin cảm ơn ông.

  • Lê Viết Thọ (thực hiện)

Khu di tích Mỹ Sơn từ khi xây dựng hồ sơ đến khi được công nhận phải mất thời gian gần 20 năm. Với giá trị của hệ di tích Champa ở Bình Định như là tiêu biểu của kiến trúc Champa trong một giai đoạn lịch sử và thể hiện rất rõ sự giao lưu giữa các nền văn hoá; cũng như với điều kiện mới hiện nay, tôi tin rằng, lộ trình đó có thể rút ngắn hơn nhưng cũng đòi hỏi cần phải có nỗ lực nhiều hơn. Là những người nghiên cứu, tôi rất mừng vì nay, công việc đó đã khởi động.

Cũng cần phải thấy rằng, những tháp Chăm Bình Định hầu hết đã được làm hồ sơ và được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia, nhưng muốn tiến tới tầm xa hơn, để được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, thì chúng ta phải tuân thủ những nguyên tắc do UNESCO đặt ra. Chúng ta phải chứng minh giá trị độc đáo của các tháp Chăm Bình Định bằng những tài liệu trên cơ sở các hiện vật.

  • TS Lê Đình Phụng

(Lược ghi ý kiến phát biểu tại buổi toạ đàm “Làm thế nào để phát huy giá trị của hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định” do Sở Văn hoá - Thông tin và Báo Bình Định tổ chức ngày 14-11-2006).

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiếc hũ đất nung độc bản  (30/12/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/12/2006)
Bài thơ viết nhân Ngày Nhà giáo của cố nhà thơ - nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên  (30/11/2006)
Người 15 năm gieo chữ lên ngàn  (30/11/2006)
Trên những lộ trình di sản  (30/11/2006)
Những hội tụ chói sáng  (30/11/2006)
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc  (30/11/2006)
Đêm trên cảng cá  (30/11/2006)
Người giữ nhà xác  (30/11/2006)
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)
Bốn cha con lần lượt ra trước vành móng ngựa  (30/11/2006)
Chuyện làng Tổng Đạo  (30/11/2006)