Chuyện về hai người bạn của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm
11:34', 30/12/ 2006 (GMT+7)

Đó là chuyện về đôi vợ chồng bác sĩ Võ Lưu Nhung và Nguyễn Luyện đều là người ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nguyên là những bác sĩ nhiều năm công tác ở Bệnh viện đa khoa tỉnh. Anh và chị cùng học với chị Đặng Thuỳ Trâm trong lớp Y5 chuyên khoa B (niên khoá 1961- 1966) của Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, năm 1967 hai anh chị cùng tình nguyện đi vào chiến trường miền Nam trong một đoàn với bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và nhiều y, bác sĩ khác.

 

Đôi vợ chồng bác sĩ Võ Lưu Nhung và Nguyễn Luyện ngày nay.

 

Câu chuyện ngày xưa về những kỷ niệm sâu sắc trong tình vợ chồng của họ, tôi được nghe thật xúc động và đầy cảm phục.

Khi đang học đại học, anh chị đã bị tiếng sét ái tình gắn họ với nhau. Nhìn bức ảnh anh chị chụp trong ngày cưới, tôi biết rằng chàng trai Nguyễn Luyện cao lớn có khuôn mặt phúc hậu đã bị hút hồn bởi cái dáng người thon thả, dong dỏng cao và vẻ đẹp trên nét mặt hơi “Tây” của cô nàng Lưu Nhung. Thật ra họ yêu nhau không chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài mà còn chính là từ sự đồng cảm sâu sắc bởi họ có cùng một quê hương và đều là lớp Học sinh miền Nam trên đất Bắc ngày đêm luôn hướng về quê hương thân yêu đang chìm trong khói lửa chiến tranh.

Sau ngày ra trường, trước khi chuẩn bị về miền Nam công tác, anh chị đã tổ chức lễ cưới và được trên hai trăm bác sĩ trong lớp cùng chúc mừng, chia sẻ niềm hạnh phúc với họ. Kỳ thực cuộc hôn nhân của anh chị trong lúc này không phải chỉ là để cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc mà nó có ý nghĩa như là lời thề nguyền sắt son chung thuỷ. Bởi sau kết hôn mấy ngày là anh chị cùng được lệnh tập trung tại một địa điểm bí mật gọi là “Trường 105”, ở tỉnh Hoà Bình, cách Hà Nội tám chục cây số để tập luyện trong ba tháng, chuẩn bị vào chiến trường. Những cuộc tập đi bộ hàng vài chục cây số, trên vai mỗi người đều đeo chiếc ba lô nặng khoảng vài ba chục ký lô đầy gạch đá đã rèn luyện cho đôi chân và ý chí của những trí thức trẻ mới ra trường ngày càng thêm dẻo dai, dày dạn. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là những vất vả tối thiểu rèn luyện con người trong bước đầu, còn khi chính thức hành quân trên núi rừng Trường Sơn thì nỗi gian nan đó càng tăng thêm gấp bội.

Thế rồi đôi vợ chồng bác sĩ Nguyễn Luyện - Võ Lưu Nhung, cùng bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và nhiều trí thức trẻ khác đã lên đường vào chiến trường miền Nam trong khí thế phơi phới của lớp thanh niên tự hào được hiến dâng tuổi trẻ của mình cho nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Đi bộ suốt ba tháng trời trên đường mòn Hồ Chí Minh dài cả ngàn cây số, với những ngày trèo đèo, lội suối, vượt dốc, vượt bom đạn, dãi nắng dầm mưa, từ điểm xuất phát Làng Ho ở Quảng Bình, ba bác sĩ cùng đồng đội đã tập kết về đến chiến trường Trung Trung bộ. Tại đây Luyện, Nhung và Trâm, theo sự phân công của tổ chức, mỗi người nhận nhiệm vụ ở một bệnh xá khác nhau. Ba người chia tay nhau ở trạm Sông Tranh, chị Thuỳ Trâm về phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi như chúng ta đã được biết nhiều về người nữ anh hùng liệt sĩ này qua các phương tiện thông tin đại chúng và quyển sách “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”. Còn đôi vợ chồng Nhung - Luyện từ đây bắt đầu thực sự chia ly, tuy cùng về tỉnh Kon Tum nhưng chị về bệnh xá với mật danh”Huyện 80", anh về bệnh xá “Huyện 30 C”.

Trong lúc công tác ở hai nơi xa cách, đôi bạn gái vẫn thường tranh thủ viết thư thăm hỏi động viên nhau công tác tốt. Một lần chị Nhung đi công tác tuyến trước, lên “Huyện 29” gần tỉnh Quảng Ngãi gặp được chị Thuỳ Trâm. Họ ôm nhau im lặng và mừng vì cả hai đều còn lành lặn. Đôi bạn còn có dịp gặp nhau trong một lần khác, vào tháng 6 năm 1968. Và đó cũng là lần gặp nhau cuối cùng, đầu năm 1969 chị Nhung chuyển về mặt trận Quảng Đà, không có dịp trở lại Quảng Ngãi nữa. Hơn một năm sau thì nghe tin dữ: Thuỳ Trâm hy sinh!

Vợ chồng Nhung-Luyện, khi xây dựng gia đình, cũng có niềm khao khát được làm cha, làm mẹ với những đứa con kháu khỉnh, nhưng anh chị đã hy sinh hạnh phúc cá nhân để phụng sự Tổ quốc được trọn vẹn theo lý tưởng cao đẹp của người thanh niên. Bởi nếu có con nhỏ lúc này thì chị không thể đi chiến trường được. Vì vậy nên vợ chồng thống nhất “giữ gìn”. Khi tập trung tập luyện ở Hoà Bình, cũng như trên đường hành quân về Nam, anh chị đã thực hiện những quy định thật nghiêm ngặt trong mối quan hệ của hai người, như chị sống cách ly anh, luôn ăn ở, sinh hoạt chung cùng nhóm nữ; anh chị giúp đỡ nhau nhưng không riêng tư gần gụi …

Cuối năm 1969, chị Nhung từ Kon Tum được điều động về nhận nhiệm vụ bệnh xá phó, bệnh xá tỉnh Quảng Đà. Đến đầu năm 1973, chị lại được điều về phụ trách phòng mổ bệnh viện Khu V. 

Chiến tranh rất ác liệt. Đặc biệt Quảng Đà là một trong những mặt trận vô cùng ác liệt bởi luôn bị máy bay địch đánh phá dữ dội. Các bệnh xá cũng phải luôn sẵn sàng phục vụ các chiến dịch đón thương binh, cả quân đội và dân sự. Với chuyên môn chính là gây mê, hồi sức, đồng thời học thêm cả cắt chi và phẫu thuật, chị Nhung đã cùng đồng đội cứu chữa cho hàng ngàn thương binh, trong đó có nhiều thương binh nặng, thoát khỏi lưỡi hái của tử thần; đồng thời còn mở trường lớp đào tạo y tá, hộ lý cho hàng trăm người.

Còn anh Luyện, sau một thời gian ở Kon Tum, anh cũng được điều động về một bệnh xá khác ở Quảng Đà. Với chuyên môn của một bác sĩ phẫu thuật, anh đã sử dụng bàn tay vàng của mình phẫu thuật cho hàng trăm thương binh nặng, cứu chữa cho nhiều chiến sĩ được lành lặn, tiếp tục trở về đơn vị cầm súng chiến đấu. Có những lần phẫu thuật hết thuốc gây mê, anh vô cùng đau lòng và cảm phục những người thương binh đã nghiến răng chịu đựng cái đau buốt tận xương tuỷ…

Anh và chị đã giữ vững “Lời thề Hypocrat” hết lòng vì thương - bệnh binh, vượt qua mọi khó khăn của điều kiện chiến trường ác liệt, tận tâm cứu chữa anh chị em bằng tất cả trái tim và khối óc của mình.

 

Chị Võ Lưu Nhung khi còn ở chiến khu.

 

Đọc những bức thư của đôi vợ chồng bác sĩ gửi thăm nhau trong bom đạn, máu lửa hồi ấy, được chị trân trọng cất giữ đến nay, ai cũng phải xúc động bởi tình yêu thương bị xa cách và cái cao cả thể hiện lý tưởng cao đẹp và niềm lạc quan của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Chị viết: “Quanh em chỉ thấy toàn hố bom, nhưng con người sắt thép còn cứng hơn bom đạn của quân thù…”; “Mong anh công tác tốt, hẹn ngày gặp nhau”...Thư anh gửi luôn trìu mến động viên dặn dò người vợ yêu :”Em lo công tác cho tròn, cho tốt; bom đạn đã tôi luyện ta thành con người thép”; “Càng yêu nhau, càng nhớ thương nhau, chúng ta càng phải biết hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân để cho ngày mai chiến thắng đến gần”; “Ta luôn luôn tự hào đời ta đã cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc. Nếu có hy sinh cũng là vinh quang…”.

Ngày chiến thắng, anh chị đều là thương binh, lại còn bị nhiễm chất độc da cam từ hồi còn ở chiến trường Kon Tum. Họ được đoàn tụ gia đình, rồi cùng về công tác trong gia đình lớn là Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đôi vợ chồng Nhung - Luyện, người gây mê, người phẫu thuật lại tiếp tục gánh những trọng trách, tận tâm cống hiến bàn tay vàng và tình cảm của người thầy thuốc như mẹ hiền, cứu chữa, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con người.

Nay anh chị đều đã nghỉ hưu. Về giữa đời thường, anh chị luôn có niềm tự hào, vì “Đời ta đã cống hiến hết mình cho Cách mạng, cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

  • Xuân Mai
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kết thúc truy lùng Phạm Văn Hải  (30/12/2006)
“Hãy thắp một ngọn lửa”  (30/12/2006)
Chiếc hũ đất nung độc bản  (30/12/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/12/2006)
Bài thơ viết nhân Ngày Nhà giáo của cố nhà thơ - nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên  (30/11/2006)
Người 15 năm gieo chữ lên ngàn  (30/11/2006)
Trên những lộ trình di sản  (30/11/2006)
Những hội tụ chói sáng  (30/11/2006)
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc  (30/11/2006)
Đêm trên cảng cá  (30/11/2006)
Người giữ nhà xác  (30/11/2006)
Thợ khép cối xay lúa  (30/11/2006)
Thơ  (30/11/2006)
Những người thầy tuyên chiến với tiêu cực  (30/11/2006)