* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu
Ở các làng quê xưa, nhiều làng có ông giáo dạy chữ. Hồi còn Nho học thì đó là ông thầy đồ dạy chữ Hán; thời kế tiếp là ông thầy giáo dạy chữ Quốc ngữ, ông này thường được gọi là ông giáo làng. Ông thầy đồ hay ông giáo làng là mẫu người được mọi người trong làng, trong xã, trong địa phương trọng vọng.
|
Một lớp học ngày trước.
|
Ông thầy đồ thường xuất thân từ lớp sĩ tử, có thầy là ông Tú tài, ông quan đã nghỉ việc quan. Trong dân gian có câu “Tiến vi quan, thoái vi sư”, ai thi đỗ Cử nhân, Tiến sĩ thì được bổ làm quan; những người chỉ đỗ Tú tài thì không được bổ làm quan, phải quay về làng mở trường dạy học. Cũng có không ít ông quan vì chán cảnh quan trường thối nát mà từ quan về địa phương mở trường dạy chữ thánh hiền, và cho như thế là có ích cho đời hơn. Thầy đồ thường là người ở trong làng, nhưng cũng có thầy đồ là người ở địa phương khác đến. Thầy giáo Hiến từ quê xa đến làng An Thái, phủ An Nhơn (Bình Định) mở trường “ngồi” dạy học. Trong số các người thọ giáo, có ba anh em nhà Tây Sơn, thật là cuộc hội ngộ có quan hệ đến vận mệnh của lịch sử dân tộc. Học trò của thầy đồ là các con của thầy và lũ trẻ nhỏ trong làng cùng các làng khác. Ông thầy đồ càng danh tiếng thì càng có đông học trò ở các nơi kéo đến học. Thầy đồ làng An Định là thầy tú Lãng, người ở trong làng. Hằng ngày, học trò đến nhà thầy đồ nghe thầy giảng sách. Học trò học thầy tú Lãng kiến thức và cách thầy tiếp nhân xử vật, lấy thầy làm khuôn mẫu để mà bắt chước. Hầu hết các thầy đồ đều gặp phải gia cảnh nghèo. Thời nhà Nguyễn, thầy đồ Cao Bá Quát đã cực tả cảnh nghèo của mình: “Lều cỏ ba gian, một thầy một cô một chó cái/Học trò dăm đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi” (Câu đối).
Ông thầy đồ dẫu nghèo đến đâu cũng không nhận học phí của học trò mà sống bằng sự tần tảo của bà đồ và niềm kỳ vọng vào sự thành đạt của học trò. Bởi vậy mà người học trò nào cũng thấy có bổn phận biết ơn thầy bằng việc “nấu sử sôi kinh” để chờ ngày đi thi đỗ đạt, cho “Danh con đặng rạng, tiếng thầy đồn xa” (Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu). Phụ huynh của học trò cũng biết ơn thầy, bởi “Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”, và bởi cái đạo “Quân - Sư - Phụ” đã ngấm sâu vào lòng người ta từ bao đời rồi. Học trò “đi tết” thầy (Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy), “bịt khăn” để tang thầy khi thầy mất, ấy cũng là cách biết ơn thầy. Xã hội càng kính trọng thầy, thầy càng lo tròn bổn phận dạy học trò. Thầy tú Lãng ở làng An Định vẫn giảng cho học trò nghe câu trong sách xưa: “Dưỡng tử bất giáo phụ chi quá, huấn đạo bất nghiêm sư chi đoạ; phụ giáo, sư nghiêm lưỡng vô ngại, học vấn vô thành, tử chi tội” (Có nghĩa là: Cha nuôi con mà không có dạy là cha có lỗi, thầy dạy bảo mà không có nghiêm cho học trò theo thì thầy trễ nãi; nếu mà cha dạy, thầy nghiêm mà con trẻ học không nên thì con trẻ mắc tội).
Ông giáo làng học chữ Quốc ngữ ở trường tổng, trường huyện, đậu lấy bằng Primaire (Tiểu học) mà không có điều kiện đi học tiếp trường tỉnh thì xin bổ làm thầy giáo “hương trường”, tức trường làng. Đây là ông giáo trường công, có ăn lương. Trường làng dạy các lớp Năm, Tư, Ba (tương đương các lớp một, hai, ba bây giờ) của những năm đầu bậc Tiểu học, để lên trường tổng, trường huyện học tiếp 3 năm nữa thi lấy bằng Primaire. Cũng như thầy đồ, thầy giáo trường làng mặc áo the, đi guốc mộc, sống đời thanh đạm, lấy nghề “gõ đầu trẻ” làm nghề cao quý. Tại sao có chuyện “gõ đầu trẻ” ở đây? Vì hồi xưa, xã hội cho phép thầy giáo “Lằn lưng chẳng khỏi vệt dăm ba” (Rắn đầu biếng học - Lê Quý Đôn) đối với những học trò lêu lổng. Học trò trường làng là những trẻ nhỏ trong làng, tuổi lên 7 – 10. Ngày đầu mẹ dẫn đi học, lòng cậu bé nào mà chẳng “hoang mang”: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học” (Thanh Tịnh). Tới tuổi cắp sách đến trường, cũng như bao đứa trẻ khác trong làng, tôi được mẹ dẫn đi học trường làng Háo Trung. Tôi cũng lòng hoang mang, e lệ, rụt rè như lũ thằng Ngà, thằng Ngọc đang đứng bên tôi. Trường Háo Trung ở một góc sân đình An Định, một dãy nhà tường xây gạch, mái lợp ngói chia làm ba phòng học. Sân trường có cây bàng cổ thụ che bóng mát cho lũ học trò chúng tôi ra chơi. Thầy Huệ, thầy Bình, thầy Phương lần lượt dạy tôi 3 năm học. Thầy Huệ là người trong làng. Quý thầy đã vắng bóng lâu trên cõi đời này, còn lũ chúng tôi theo học quý thầy thuở tóc xanh mà nay ai cũng phơ phơ đầu bạc. Vậy mà ngày gặp lại nhau, chúng tôi vẫn thi nhau nhắc lại trường xưa, thầy cũ. Tai tôi và bạn bè đang nghe vang vang tiếng thầy Phương thầy Đốc trường trong giờ thầy dạy môn Lịch sử: “Một buổi sáng vừng hồng le lói chiếu/ Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê/ Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe/ Tiếng thầy giảng suốt trong giờ Quốc sử...”. Trước mắt tôi và bạn bè đang hiển hiện hình bóng thầy Huệ cúi xuống cầm tay cho thằng Tý, thằng Tỳ và bao đứa khác trong giờ Tập viết; thầy Bình giảng xong bài “Thương yêu kẻ tôi tớ” (Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Đồng ấu) thầy khóc hu, hu… Lũ học trò chúng tôi khóc theo. Trong lớp Năm của tôi, có 30 học sinh toàn là nam, không có học sinh nữ. Những học trò giỏi được thầy Đốc trường thương lắm; những học trò yếu kém được thầy gần gũi, chăm sóc hơn.
|
Trường học ngày trước.
|
Thầy tú Lãng là thầy đồ cuối cùng của làng An Định, ngày tôi lớn khôn một chút thì thầy đã già lắm rồi. Nhà thầy tú Lãng vẫn tiếp những người đến thưa thầy “xin chữ”, xin câu đối dán nhà vào dịp Tết, hoặc mời thầy xướng hoạ thơ phú... Và thầy tú thì luôn có tấm lòng hoan hỷ với mọi người. Sau này, đối với quý thầy giáo làng cũng vậy. Thầy Huệ về hưu rồi vẫn ngồi nhà tiếp người này người nọ, trong đó có nhiều học trò cũ, đến thăm và muốn nghe thầy giảng giải cho mấy câu ca dao tục ngữ, vài chuyện trong lịch sử mà họ muốn tìm hiểu. Nhà trọ thầy Bình vẫn có khách là mấy người đi làm phu đồn điền cà phê, đồn điền cao su đến nhờ thầy dạy cho đôi câu tiếng Pháp để làm hành trang trên bước đường “tha phương cầu thực”, hoặc mấy anh thanh niên yêu nhạc đến xin học ngón đàn Mandoline réo rắt của thầy. Nhiều thầy giáo làng là những người tiếp thu sớm nhất những tư tưởng mới, tiến bộ nhờ đọc được ở sách báo, rồi tuyên truyền, thức tỉnh cho người trong làng, cho những người cùng tâm chí (thầy giáo Thứ, nhân vật của Nam Cao). Người cao niên, người trung niên, người trẻ trong làng An Định, ai cũng kính trọng gọi thầy tú Lãng là nho sĩ; thầy Huệ, thầy Bình, thầy Phương là những nhà “mô phạm”.
Những học trò giỏi về sau đạt tới danh vọng dẫu cao đến đâu cũng không quên công ơn dạy dỗ của thầy học của mình, trước hết là thầy giáo làng. Ông Carnot làm tới Tể tướng nước Pháp, có lần về quê, đến thăm thầy giáo dạy mình hồi nhỏ. Lâu quá, thầy quên, ông Tể tướng cúi xuống lễ phép: “…Thưa thầy, con là Carnot đây” (…Me voici Carnot).
|