Ở Tam Quan (Hoài Nhơn) - mảnh đất được mệnh danh “ra ngõ gặp anh hùng” - có một gia đình có đến 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng tôi tìm về với gia đình các mẹ cũng là tìm về quá khứ thương đau nhưng rất đỗi hào hùng của mảnh đất này.
|
Hai anh em Đinh Quán và Đinh Thị Xá bồi hồi lần dở những Huân chương, Bằng khen của gia đình. Ảnh: Q.H
|
* Bản hùng ca của một gia đình
Ông Đinh Quán, 77 tuổi, ở thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn) là cháu “đích tôn” của dòng họ Đinh ở xứ dừa đang lưu giữ những kỷ vật truyền thống của gia đình. Được sự dẫn đường của người cháu gọi ông bằng cậu, đang làm tại UBND xã Tam Quan, chúng tôi đã đứng trước căn nhà của ông - ngôi nhà được xem như từ đường của dòng họ - được xây dựng từ những năm sau giải phóng, ẩm mốc rêu phong. Ôngï Quán không có nhà, nhưng chúng tôi cũng chỉ đợi dăm phút là ông về. Dáng ông cụ gầy gò, tóc bạc phơ, dắt chiếc xe đạp cũ kỹ vào trong ngõ. Ôngï Quán cho biết: “Tui lên UBND xã chứng giấy tờ để làm Huân chương Độc lập cho cha tui và 5 đứa em…”.
Ông không muốn nói gì thêm về truyền thống gia đình, nhưng thấy chúng tôi quá thiết tha, ông mới bắt đầu lôi trong chiếc tủ thờ ra một bọc giấy xi măng lớn có túi ni lông cũ mèm bao bên ngoài. Bên trong, là một xấp giấy cũng đã ố vàng: nào là Bằng Tổ quốc ghi công, nào là Bằng khen, Huân chương Kháng chiến… của ông, bà, con, cháu… trong họ. Trong đó, có đến 4 Bằng Tổ quốc ghi công Bà mẹ Việt Nam anh hùng của 3 thế hệ phụ nữ trong gia đình. Bà nội ông Quán là Đào Thị Châu, sinh năm 1876 có 3 người con trai là liệt sĩ: Liệt sĩ Đinh Duyệt, Liệt sĩ Đinh Thứ và Liệt sĩ Đinh Luyến. Trong đó, vợ của Liệt sĩ Đinh Luyến là Trương Thị Điều, sinh năm 1896 có hai con là Đinh Tăng, Đinh Long hy sinh, đã được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ của ông Đinh Quán là Huỳnh Thị Thìn, sinh năm 1908 có 8 người con, thì 5 người cũng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Đó là các Liệt sĩ: Đinh Xị, Đinh Xi, Đinh Phi, Đinh Thị Sương và Đinh Thị Sa. Con dâu của Liệt sĩ Đinh Duyệt là Ngô Thị Liệu có một người con trai độc nhất là Đinh Láng hy sinh, cũng được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Nói đến đây, nước mắt ông Đinh Quán lại rịn dài trên gò má nhăn nheo - những giọt nước mắt đã chảy dài suốt cuộc đời ông - tưởng như không còn có thể chảy thêm được nữa. Một gia đình mà có đến 14 liệt sĩ, 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hầu như ai cũng có công đối với Cách mạng. Thật đau thương nhưng cũng quá đỗi vinh quang và tự hào!
* “Ra ngõ... gặp anh hùng”
Năm 2 tuổi, ông Đinh Quán đã phải ở tù cùng với mẹ. Mẹ ông - bà Huỳnh Thị Thìn - là cơ sở của cách mạng. Những năm chiến tranh ác liệt, bà vẫn thường xuyên làm liên lạc cho cán bộ, giấu cờ, giấu tài liệu… dưới thúng bánh rồi đi bộ từ Tam Quan lên Bồng Sơn bán nhưng chính là để tiếp tế và chuyển tài liệu cho cách mạng. Người mẹ anh hùng này có 8 người con thì 5 người đã hy sinh. Bây giờ, nhà chỉ còn lại ba anh em: ông Đinh Quán, bà Đinh Thị Hoa, thoát ly theo cách mạng và hiện là thương binh, và bà Đinh Thị Xá - con gái út - cũng tham gia cách mạng và là thương binh, hiện sống tại khối I, An Thái, xã Tam Quan.
Ông Đinh Quán hiện sống với vợ là Võ Thị Cang. Vợ chồng ông có 5 người con thì cũng đã có một người con hy sinh. Sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng - chất cách mạng như ngấm vào máu thịt của từng thành viên trong gia đình. Hai vợ chồng ông Quán đều tham gia cách mạng từ những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. Còn bà Xá, sinh năm 1934 có chồng là Liệt sĩ Nguyễn Chí Trung, hiện sống với con gái là Nguyễn Thị Tâm. Chị Tâm cũng là vợ của Liệt sĩ Lê Thái Ngọc. Anh Lê Thái Hoàng, sinh năm 1984 - người đã đưa chúng tôi đến gặp cậu của anh là ông Đinh Quán - là con trai duy nhất của Liệt sĩ Ngọc và chị Nguyễn Thị Tâm, vừa tốt nghiệp đại học Luật, hiện là cán bộ tư pháp của UBND xã Tam Quan. Chị Tâm hiện cũng là thủ quỹ của xã. Cuộc sống hiện tại của ba mẹ - con, bà - cháu hết sức thanh bần với những suất lương cán bộ xã.
|
Bà Huỳnh Thị Thìn (ngồi giữa) - một trong bốn Bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn còn sống. Ảnh: Q.H
|
Và, điều đặc biệt mà chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với những thành viên còn lại trong gia đình họ Đinh là họ rất lạc quan với cuộc sống hiện tại. Khi được hỏi, gia đình có mong muốn, kiến nghị gì với Nhà nước hay không, ông Đinh Quán cho biết: “Ngôi nhà tui được xây dựng từ năm 1976, giờ coi như từ đường của dòng họ. Mấy năm trước, mối mọt ăn dữ quá, gia đình có yêu cầu địa phương sửa dùm căn nhà để làm chỗ hương khói “đi về” cho người đã khuất. Mấy ổng có xuống coi rồi nói nhà… còn tốt, chưa phải sửa. Tui chỉ còn biết vậy chớ nói sao!”. Hiện ông Quán được hưởng chế độ tuất liệt sĩ của con 350.000 đồng/ tháng. Ngày lễ, ngày Tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, cán bộ địa phương có xuống thăm, tặng một suất quà khoảng 30.000 đồng. “Được gì, nhờ nấy, chớ vợ chồng tui cũng chẳng đòi hỏi gì hơn!” - ông Quán tâm sự. Đời ông, cha mẹ ông đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho cách mạng nhưng “hậu duệ” của ông thì không được may mắn. Vì nhà nghèo, lại thất học nên bốn đứa con còn lại của ông, đứa phải làm phụ hồ, đứa làm nghề bún, đứa đi biển thuê…, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trăn trở nhưng ông luôn tự hào về truyền thống gia đình. Còn bà Xá - một phụ nữ nông dân bình dị như trăm ngàn phụ nữ khác ở xứ dừa - trong thời chiến đã biết gạt nước mắt khóc chồng hy sinh qua một bên để một mình, vừa hoạt động cách mạng vừa cui cút nuôi con khôn lớn trưởng thành.
Những câu chuyện quá khứ và hiện tại của từng thành viên trong gia đình này cứ hoà quyện trong chúng tôi những cảm xúc mãnh liệt về sự phi thường nhưng lại rất đỗi bình thường, giản dị về con người và mảnh đất Tam Quan - Hoài Nhơn. Vâng, chiến tranh, gian khổ và sự hy sinh đã tôi luyện những người dân bình thường trở thành những anh hùng và người anh hùng đã trở lại với đời thường. Đó là lẽ thường tình của cuộc sống, nhưng chúng ta - những thế hệ đến sau - sẽ không bao giờ được lãng quên về họ.
|