Thăng hoa từ những mặt hàng mỹ nghệ
12:52', 30/12/ 2006 (GMT+7)

Tình cờ tôi bắt gặp một cặp tôm hùm làm bằng tre trông rất thật và rất đẹp mắt treo nơi phòng khách ở nhà một người bạn. Qua tìm hiểu, tôi được biết người làm ra cặp tôm hùm này là ông Nguyễn Minh Châu, ở số nhà 364 Ngô Gia Tự, thị trấn Bình Định (An Nhơn). Lần theo địa chỉ, chúng tôi đã tìm đến gặp ông. Mặc dù đang rất bận, nhưng khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu về chuyện nghề, ông nhận lời ngay, vì với ông, trò chuyện về nghề mỹ nghệ cũng là một cách thư giãn tích cực.

 

Ông Nguyễn Minh Châu bên những sản phẩm của mình.

 

Ông Nguyễn Minh Châu sinh ra và lớn lên trong một xóm nhỏ của xã Nhơn Khánh - An Nhơn, một miền quê yên bình và trù phú. Ngay từ nhỏ, ông đã đam mê và rất có năng khiếu về hội hoạ. Những lúc phụ giúp cha mẹ chăn trâu, ông không nô đùa với bạn bè mà thường tìm đến gốc cây tập vẽ những con vật, cảnh trí thiên nhiên mà hàng ngày mình đã chứng kiến. Thấy vậy, nhiều người bảo rằng: “Thằng này mơ mộng quá, không lo học hành, vẽ vời mà kiếm sống được à!”. Lúc đó, đối với ông vì thích vẽ nên cứ vẽ chứ cũng không nghĩ rằng niềm đam mê này sẽ giúp mình tạo dựng được một cuộc sống ổn định và cái biệt danh ông Châu “tranh nổi” hay ông Châu “tôm” như bây giờ.

Nhận thấy quê mình có nhiều vật liệu hữu dụng, nhất là tre, bẹ chuối, rơm rạ..., ông Châu nung nấu một ước muốn phải làm những sản phẩm gì từ chất liệu nói trên để tạo nên nét riêng so với những sản phẩm mà lâu nay người dân quê thường làm. Hàng ngày, sau những vất vả với cuộc mưu sinh, ông mày mò làm những bức tranh nổi từ những chất liệu của quê hương. Thất bại không phải là ít, nhiều lúc đầu óc ông cứ rối mù lên như mớ bòng bong. Những đêm ngồi trước đống vật liệu làm những bức tranh không đâu giống đâu, ông chỉ muốn bỏ dở nửa chừng. “Chẳng lẽ mình chịu bó tay, đành phải gác lại ước mơ từ thuở nhỏ”. Nghĩ thế, ông lại miệt mài thử nghiệm. Suốt mười mấy năm trời tìm tòi, nghiên cứu, làm đi làm lại, rồi ông cũng thành công. Những bức tranh nổi đầu tiên ông tung ra thị trường đã được nhiều người đón nhận. Thấy cơ hội đã đến, ông dành toàn tâm toàn ý cho công việc này. Từ đó, những bức tranh thiếu nữ Việt Nam với nét duyên dáng, quý phái nhưng rất giản dị do ông sáng tác liên tiếp ra đời. Nhiều người nhận xét tranh của ông “rất đời và rất thật”, nhân vật trong tranh là những gì rất thân thiết và gần gũi với cuộc sống đời thường, như thiếu nữ, tiều phu, ngư dân, gia súc, chim chóc... Từ thành công của tranh nổi, ông tiếp tục nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm mới cũng từ chất liệu chủ đạo là tre.

Những tác phẩm của ông Châu sáng tác đều dựa trên những hình ảnh chân thật, chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Ông kể, một lần khi tôi làm xong một bức tranh chọi trâu, đang vui sướng treo ở trước hiên nhà để ngắm, thì tình cờ có 2 cậu bé đi ngang qua và cũng đứng lại ngắm bức tranh. Một cậu nói với cậu kia: “Bức tranh này làm không thật”. Ông hỏi lại là không thật ở chỗ nào, nếu nói đúng thì ông sẽ thưởng. Cậu bé đó bảo, trâu chọi thua thì phải chạy ngay đuôi chứ không bao giờ cong đuôi cả. Nghe thế, ông nghĩ lại cảnh chọi trâu hồi nhỏ mà mình thường chứng kiến và tháo bức tranh, vật lộn với nó cả tuần lễ để làm lại. Từ đó trở về sau, làm một con vật gì ông cũng đều tìm hiểu rất kỹ. Ông đã từng bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua một con tôm hùm sống nặng 2 kg, bỏ vào hồ kính, ngắm thật kỹ từng động tác bơi lội của con tôm để có chất liệu làm những con tôm sau này. Ông cho biết: “Làm những sản phẩm mỹ nghệ này mất rất nhiều thời gian và công sức. Thoạt nhìn thì các thao tác cứ lặp đi lặp lại, có vẻ như quen tay là làm được, nhưng thật ra việc tạo dáng, tạo hình cho sản phẩm mỹ nghệ đòi hỏi tính khéo léo, tập trung rất cao thì tác phẩm mới có hồn. Tuy nhiên, lợi thế của nó là chất liệu đơn giản, có sẵn ở ngay tại quê hương mình, rất dễ tìm”.

Ông đưa chúng tôi đi tham quan nơi ông sản xuất ra những sản phẩm mỹ nghệ có một không hai này. Căn phòng rộng chừng 20 m2 bộn bề với những đống nan tre, bẹ chuối, rơm rạ, đất cát...  Ông say sưa miêu tả sản phẩm mới chế tác của mình: Đây là cặp tôm hùm cỡ lớn, có giá trên 300.000 đồng/con. Mẫu hàng này hiện nay bán rất chạy, nhất là ở các cửa hàng quà lưu niệm tại TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình sản xuất, ông luôn hướng đến sự sáng tạo mới chứ không dừng lại ở những sản phẩm dù đang được tiêu thụ nhanh trên thị trường. Có ý tưởng mới, ông vẽ ngay mẫu và đưa ra làm thử nghiệm. Hôm tôi đến, ông đang thử nghiệm làm thêm sản phẩm bàn ghế từ cây tre. Chính vì luôn tìm tòi, sáng tạo theo những ý tưởng mới mà sản phẩm của ông làm ra luôn có sự đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã. Hiện nay, ông đã làm ra không dưới 20 sản phẩm các loại, từ tranh ảnh đến chim chóc, tôm, cua, lân, rồng... với nhiều mẫu mã và kích cỡ, giá bán từ 50.000 đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Minh Châu hướng dẫn con cháu làm những mặt hàng mỹ nghệ từ tre.

 

Năm nay ông đã ở vào tuổi bát tuần, không nghèo mà cũng không hẳn giàu có hơn ai. Sự giàu có nhất đối với ông là những sản phẩm do mình tự mày mò làm ra, đã được nhiều dân chơi đồ mỹ nghệ trong và ngoài nước chọn mua. Hiện nay ông đang chuyển giao “sự nghiệp” của mình cho người con trai út là anh Nguyễn Phúc Sơn. Khi chúng tôi hỏi anh Sơn về khả năng cạnh tranh khi thị trường rộ lên hàng thủ công mỹ nghệ như hiện nay, anh tự tin bảo: “Cạnh tranh là tất yếu để tồn tại. Với dòng sản phẩm làm từ chất liệu dân dã, đồng quê, sự sáng tạo là yếu tố quyết định. Vì thế, để tồn tại và phát triển, mình phải luôn luôn nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm có mẫu mã đẹp, phong phú. Sản phẩm nào của gia đình tôi làm ra cũng luôn tạo điểm nhấn khó, đối thủ muốn nhái hàng cũng mất nhiều thời gian, và mình đã thủ sẵn dòng sản phẩm mới để tiếp tục trình làng”. Bởi thế, ngoài những gì mà cha mình truyền lại, anh Sơn còn tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm những sản phẩm mới.

Anh Sơn hẹn tôi 6 tháng sau trở lại, anh sẽ có nhiều cái mới và lạ hơn và cũng từ chất liệu chủ đạo là tre. Anh tin tưởng: “Khi mức sống của con người ngày càng được nâng cao, nhu cầu trưng bày làm đẹp trong nhà ngày càng nhiều hơn thì nghề này sẽ phát triển. Tôi tin những sản phẩm do gia đình tôi làm ra với những kiểu dáng mới, lạ, đẹp, giá cả phải chăng sẽ luôn thu hút được khách hàng”.

  • Ngọc Thái
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một nhà, bốn mẹ anh hùng  (30/12/2006)
Giáo làng ngày trước  (30/12/2006)
Thơ  (30/12/2006)
Quê nhà  (30/12/2006)
Chuyện về hai người bạn của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  (30/12/2006)
Kết thúc truy lùng Phạm Văn Hải  (30/12/2006)
“Hãy thắp một ngọn lửa”  (30/12/2006)
Chiếc hũ đất nung độc bản  (30/12/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (30/12/2006)
Bài thơ viết nhân Ngày Nhà giáo của cố nhà thơ - nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên  (30/11/2006)
Người 15 năm gieo chữ lên ngàn  (30/11/2006)
Trên những lộ trình di sản  (30/11/2006)
Những hội tụ chói sáng  (30/11/2006)
Di sản thế giới là gì ?  (30/11/2006)
Đem màu xanh phủ kín đất trống, đồi trọc  (30/11/2006)